Đối với những người bị mụn nội tiết, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát và giảm các triệu chứng mụn hiệu quả. Doctor Acnes sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người bị mụn nội tiết, bao gồm các loại thực phẩm nên dùng và nên tránh, cũng như các thực phẩm bổ sung có thể hữu ích trong bài viết sau đây.
Mụn nội tiết là gì?
Mụn nội tiết là tình trạng mụn trứng cá xuất hiện do tình trạng tăng – giảm bất thường của lượng nội tiết tố hay còn gọi là hormone trong cơ thể. Mặc dù rối loạn nội tiết tố thường xảy ra ở giai đoạn dậy thì, người trưởng thành cũng có thể mắc phải tình trạng này, do đó mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc mụn nội tiết.
Ở người trưởng thành, mụn trứng cá do rối loạn nội tiết tố xảy ra nhiều hơn ở nữ giới do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ hành kinh và mãn kinh và các tình trạng bệnh lý của buồng trứng như bệnh buồng trứng đa nang.
Theo thống kê, có khoảng 50% nữ giới ở độ tuổi từ 20 tới 29 bị mụn do rối loạn nội tiết tố. Ở phụ nữ từ 40 – 49 tuổi, con số này giảm còn 25%.
Các nguyên tắc trong chế độ ăn giúp kiểm soát mụn nội tiết
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thay đổi thói quen ăn uống có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng mụn nội tiết. Sau đây là 3 nguyên tắc chính trong ăn uống mà người bị mụn nội tiết cần tuân thủ để kiểm soát mụn.
Nguyên tắc 1: kiểm soát lượng đường trong máu
Chỉ số đường huyết thực phẩm (GI – glycemic index) là thang đo tốc độ làm tăng lượng đường trong máu của một loại thực phẩm. Một chế độ ăn có GI thấp giúp tránh biến động lượng đường trong máu, từ đó góp phần kiểm soát mụn nội tiết hiệu quả.
Ngược lại, các thực phẩm được chứng minh có chỉ số GI cao chẳng hạn như soda, bánh mì trắng, kẹo, ngũ cốc có đường, kem sẽ gây ra sự biến động mạnh về lượng đường trong máu và tăng nguy cơ hình thành mụn nội tiết. Cụ thể, sau khi ăn, đường sẽ hấp thu nhanh vào máu gây giải phóng insulin, được gọi là IGF-1, kích thích cơ thể sản xuất ra một loại chất nhờn tự nhiên trên da, đồng thời thúc đẩy cơ thể tăng sản xuất hormone androgen – vốn có khả năng kích thích các tuyến tiết bã nhờn trên da và gây mụn.
Trên thực tế, các nhà khoa học quan sát thấy mụn nội tiết xuất hiện phổ biến hơn ở các nhóm dân số tiêu thụ chế độ ăn có GI cao với thực phẩm chứa nhiều đường và hiếm khi xảy ra ở những nơi có chế độ ăn truyền thống, không bao gồm đường hoặc thực phẩm tinh chế. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người tuân theo chế độ ăn có GI thấp và giàu protein đã cải thiện đáng kể tình trạng mụn.
Tóm lại, cần ghi nhớ rằng hạn chế các thực phẩm và đồ uống có chứa đường, tinh bột tinh chế như bánh ngọt và bánh mì trắng có thể giúp cải thiện các triệu chứng của mụn nội tiết.
Nguyên tắc 2: hạn chế sữa động vật và các chế phẩm từ sữa, đạm whey
Theo nghiên cứu, trẻ em và người lớn ở độ tuổi từ 7 đến 30 sử dụng sữa, phô mai và sữa chua bất kể tần suất hoặc số lượng sẽ có nguy cơ bị mụn do nội tiết tố cao hơn khoảng 16% so với người không dùng.
Mối liên hệ giữa mụn và các chế phẩm từ sữa được giải thích là do sự có mặt của các hormone (hormone androgen và hormone tăng trưởng IGF-1) cùng phân tử có hoạt tính sinh học bên trong sữa – nguyên nhân chính làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn làm khởi phát hoặc làm mụn nặng hơn. Nhóm thực phẩm này bao gồm sữa tươi nguyên kem và sữa tách béo, sữa thanh trùng, sữa chua, kem, phô mai…
Tương tự, đạm whey chiết xuất từ sữa bò – loại protein thường được sử dụng với mục đích tăng khối lượng cơ trong cơ thể, cũng có chứa nhiều yếu tố tăng trưởng như TGF, IGF-1… kích thích tuyến tụy tiết insulin và được chứng minh có liên quan đến tình trạng bùng phát mụn ở người trưởng thành. Vì vậy, những người bị mụn nội tiết nên hạn chế sữa động vật, các chế phẩm từ sữa và đạm whey để tránh bị mụn do nội tiết tố.
Nguyên tắc 3: lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng
Chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng là một trong những cách tốt nhất để điều trị và ngăn ngừa mụn nội tiết một cách tự nhiên. Nên lựa chọn các nguồn chất béo giàu omega-3 có tính kháng viêm tự nhiên như cá béo (cá béo hay còn gọi là cá dầu, là cá có chứa dầu cá trong các mô và trong khoang bụng ở xung quanh ruột của chúng chẳng hạn như cá hồi, cá thu…) và hạt chia, đồng thời tránh các nguồn chất béo giàu omega-6 có khả năng gây viêm như dầu hạt cải và dầu đậu nành.
Bên cạnh đó, nhớ xây dựng thực đơn mỗi ngày với nhiều loại rau xanh và trái cây vì những thực phẩm này không chỉ cung cấp chất chống oxy hóa mà còn chứa một số chất dinh dưỡng tốt cho da chẳng hạn như vitamin C.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng việc sử dụng các loại thức ăn chế biến sẵn có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ bùng phát mụn nội tiết. Do đó, việc lựa chọn thực phẩm tươi sống để tự chế biến một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hạn chế thức ăn nhanh cũng góp phần kiểm soát mụn nội tiết.
Thực đơn cho người bị mụn nội tiết?
Để dễ hình dung, Doctor Acnes sẽ liệt kê những loại thực phẩm người bị mụn nội tiết nên ăn và tránh như sau đây:
Thực phẩm nên sử dụng
- Các loại rau: bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, bí xanh, súp lơ trắng, cà rốt…
- Trái cây: bưởi, cam, táo, đào, chuối, lê, nho…
- Ngũ cốc nguyên hạt và rau củ giàu tinh bột: khoai lang, bí ngô, gạo lứt, yến mạch…
- Chất béo tự nhiên tốt cho da: trứng, dầu ô liu, dầu dừa…
- Các lựa chọn thay thế sữa có nguồn gốc thực vật: sữa hạt điều, sữa hạnh nhân…
- Protein chất lượng cao: cá hồi, cá thu, đậu phụ, thịt gà, trứng…
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu đen…
- Các loại thảo mộc và gia vị chống viêm: nghệ, quế, tiêu đen, tỏi, gừng, ớt…
- Đồ uống không đường: nước lọc, trà xanh, trà dâm bụt hibisus, nước chanh…
Thực phẩm và đồ uống cần tránh
- Sữa động vật và các chế phẩm từ sữa: phô mai, sữa chua…
- Thực phẩm chế biến sẵn: thức ăn nhanh, ngũ cốc có đường, khoai tây chiên, bánh mì trắng, cơm trắng…
- Đồ ngọt và đồ uống có đường: kẹo, bánh ngọt, soda, bánh quy, nước tăng lực, nước ngọt…
Xem thêm các bài viết liên quan
Bổ sung vitamin, khoáng chất có giúp hỗ trợ điều trị mụn nội tiết không?
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung một số vitamin, khoáng chất vào chế độ ăn uống có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá do nội tiết.
Vitamin D
Một nghiên cứu đã được thực hiện trên 80 người có làn da bị mụn nội tiết và 80 người có làn da khỏe mạnh cho thấy sự thiếu hụt vitamin D được phát hiện ở gần 50% nhóm người bị mụn nội tiết so với chỉ 23% ở nhóm đối chứng. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng do đặc tính chống viêm mạnh mẽ của vitamin D nên sự thiếu hụt chất này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của mụn.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác đã cho thấy việc bổ sung 1.000 IU vitamin D mỗi ngày trong 2 tháng còn giúp cải thiện đáng kể các tổn thương do mụn nội tiết gây ra trên da ở một số người. Tuy nhiên, những thử nghiệm này chỉ mới được thực hiện trên một số nhóm đối tượng và hiệu quả tiềm năng của vitamin D vẫn cần được nghiên cứu nhiều hơn. Vì vậy, những người bị nội tiết nên đến các cơ sở Da liễu để được tư vấn kỹ hơn trước khi bổ sung một chất nào đó để điều trị mụn.
Trà xanh
Trà xanh có chứa chất chống oxy hóa mạnh, đã được chứng minh có tác dụng chống viêm vô cùng mạnh mẽ nên việc bổ sung trà xanh có thể có lợi cho những người bị mụn trứng cá do nội tiết. Một nghiên cứu đã được thực hiện trên 80 phụ nữ bị mụn nội tiết từ trung bình đến nặng đã chứng minh rằng những người bổ sung 1500 miligram chiết xuất trà xanh trong 4 tuần đã giảm đáng kể các tổn thương do mụn nội tiết gây ra so với nhóm chỉ dùng giả dược.
Trà xanh có mặt trên thị trường với nhiều dạng bào chế khác nhau nên việc bổ sung cũng khá dễ dàng, tuy nhiên cần nên đến các cơ sở Da liễu để được Bác sĩ tư vấn kỹ hơn trước khi bổ sung bất kỳ chất nào nhằm mục đích điều trị mụn nội tiết.
Các chất bổ sung khác
Ngoài vitamin D và chiết xuất trà xanh, các chất bổ sung sau đây cũng có thể giúp điều hòa các triệu chứng của mụn nội tiết, bao gồm:
- Vitamin nhóm B: bổ sung vitamin B có thể có lợi cho một số người bị mụn nội tiết nhưng tiêm B12 liều cao lại có thể gây ra mụn ở một số người.
- Kẽm: một số nghiên cứu đã chứng minh bổ sung kẽm qua đường uống có thể cải thiện mức độ nghiêm trọng của mụn nội tiết và kẽm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của da.
- Dâu tây: dâu tây có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Do đó, việc bổ sung chiết xuất dâu tây có thể làm giảm đáng kể các tổn thương do mụn nội tiết gây ra.
Tóm lại, vì thói quen ăn uống có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng mụn nội tiết nên việc thực hiện một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, có tính kháng viêm tự nhiên, hạn chế các chế phẩm từ sữa, thức ăn nhiều đường, tinh bột tinh chế như bánh ngọt, bánh mì trắng ngọt và bổ sung một số khoáng chất cần thiết có thể giúp cải thiện các triệu chứng và kiểm soát mụn nội tiết.
Hy vọng, bài viết trên của Phòng khám Doctor Acnes sẽ giúp mọi người có thêm nhiều kiến thức bổ ích xoay quanh chế độ ăn uống ở người bị mụn trứng cá do nội tiết tố.
Tài liệu tham khảo
- Joshua A. Z., Hillary E. B., Fran E., Lawrence F. E., Sheila F., David A. R. “Emerging Issues in Adult Female Acne”. J Clin Aesthet Dermatol. 2017 Jan; 10(1): 37–46
- Poonamjot D., Jane R E., Joseph D., Karthikeyani C. “Soybean Oil Is More Obesogenic and Diabetogenic than Coconut Oil and Fructose in Mouse: Potential Role for the Liver”. PLoS One. 2015 Jul 22;10(7):e0132672
- Kaiqin W., Hui J., Wenshuang L., Mingyue Q., Tianxiang D. “Role of Vitamin C in Skin Diseases”. Front Physiol. 2018; 9: 819
- Thomas Jonathan S., Carl B. “Hormonal and dietary factors in acne vulgaris versus controls”. Dermatoendocrinol. 2018; 10(1): e1442160
- Tomokazu O., Shingo G., Pervin M., Mamoru I. “Anti-inflammatory Action of Green Tea”. Antiinflamm Antiallergy Agents Med Chem. 2016;15(2):74-90
- Ilknur B., Pinar O. “Vitamin B12-induced acneiform eruption”. Cutan Ocul Toxicol. 2014 Jun;33(2):94-5
- Rohollah F F. “Aqueous extract of dried fruit of Berberis vulgaris L. in acne vulgaris, a clinical trial”. J Diet Suppl. 2012 Dec;9(4):253-61