Khi mắc phải tình trạng da mụn, nhiều người thường sử dụng dụng cụ nặn mụn để xử lý nhanh tại nhà. Dụng cụ nặn mụn nào phù hợp để sử dụng tại nhà? Sử dụng các dụng cụ này thế nào để tránh gây tổn thương cho da và không gây sẹo mụn về sau? Hãy cùng Doctor Acnes giải đáp các câu hỏi này trong bài viết sau đây.
Cách nặn mụn tại nhà
Bước 1: làm sạch da
Trước khi tiến hành nặn mụn, quan trọng là phải đảm bảo da mặt đã được làm sạch kỹ lưỡng để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Sử dụng sản phẩm làm sạch không chứa xà phòng giúp loại bỏ dầu mà không làm khô da, ưu tiên lựa chọn sản phẩm chứa acid salicylic để nhẹ nhàng loại bỏ tế bào da chết và làm sạch sâu lỗ chân lông.
Bước 2: làm nở lỗ chân lông và làm mềm da
Làm mềm nốt mụn và làm giãn nở lỗ chân lông sẽ giúp dễ lấy nhân mụn hơn khi sử dụng dụng cụ nặn mụn.
Có thể sử dụng một khăn ướt ấm để đắp lên mặt trong khoảng 2 đến 3 phút hoặc tắm nước nóng trước khi tiến hành nặn mụn. Ngoài ra, một phương pháp khác là sử dụng liệu pháp xông hơi mặt để làm mở rộng lỗ chân lông. Cần lưu ý tránh sử dụng nước quá nóng để không gây bỏng da.
Ở bước này, có thể kết hợp massage nhẹ nhàng các loại serum dịu nhẹ có thành phần tẩy tế bào chết và làm mềm da trong khi xông hơi mặt. Để làm sạch làn da sâu hơn, có thể đắp thêm mặt nạ tẩy tế bào chết trong vòng 10 phút.
Bước 3: làm sạch tay, sát trùng vùng da cần nặn mụn và dụng cụ nặn mụn
Để đảm bảo ngăn ngừa vi khuẩn từ tay xâm nhập vào các nốt mụn sau khi nặn, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, và lau khô tay bằng khăn sạch. Vệ sinh da tay kỹ càng giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, là nguyên nhân chính gây các tình trạng mụn viêm nặng. Có thể nói, da có phục hồi tốt sau nặn mụn hay không phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn làm sạch này.
Việc sát trùng nốt mụn cũng là bước cực kỳ quan trọng để đảm bảo vi khuẩn không bị đẩy vào sâu hơn trong lỗ chân lông trong quá trình tự nặn mụn tại nhà. Có thể sử dụng bông gòn thấm cồn iod để lau qua vùng da chuẩn bị nặn mụn để tiến hành sát trùng.
Đồng thời, cũng cần sát trùng các dụng cụ nặn mụn một cách cẩn thận để đảm bảo việc loại bỏ vi khuẩn một cách tuyệt đối và tránh sự xâm nhập của chúng lên da. Dùng cồn iod hoặc cồn y tế để làm sạch dụng cụ, tuy nhiên hãy nhớ lau khô cồn trước khi dùng để tránh gây kích ứng da.
Bước 4: nặn mụn đầu đen bằng dụng cụ nặn mụn
Đặt vòng tròn thép của dụng cụ nặn mụn lên nốt mụn muốn xử lý, nhẹ nhàng ấn một bên của nốt mụn trước, sau đó ấn tiếp bên còn lại. Lặp lại thao tác này cho đến khi toàn bộ nhân mụn được đẩy ra ngoài. Lưu ý chỉ sử dụng lực nhẹ và không đè ép mạnh vào da, tránh nguy cơ nhiễm trùng và gây thâm sẹo. Dùng áp lực nhẹ và thay đổi góc độ để nhẹ nhàng nâng nốt mụn ra khỏi lỗ chân lông. Nếu cồi mụn vẫn còn, hãy để nó cho lần nặn sau và di chuyển đến vùng da khác cần nặn mụn.
Nếu sử dụng tăm bông, dùng 2 tăm bông ấn hai bên nốt mụn nhẹ nhàng cho đến khi nhân mụn trồi lên bề mặt da. Có thể thay đổi vị trí ấn tăm bông để đẩy nhân mụn lên từ các góc khác nhau. Mặc dù lấy mụn bằng tăm bông làm giảm lực ấn lên da, cũng cần lưu ý tránh đè ép mạnh gây tổn thương da. Lực tay quá mạnh cũng có thể dẫn đến gãy tăm bông là nguy cơ gây trầy xước thậm chí đâm thủng da.
Đối với các nốt mụn cứng đầu và lớn, nên đến gặp Bác sĩ Da liễu để được điều trị và loại bỏ nhân mụn một cách an toàn.
Để đảm bảo vệ sinh, sau khi nặn mụn, hãy sử dụng bông gòn thấm cồn iod để lau sạch vùng da đã xử lý mụn. Đồng thời, rửa sạch và khử trùng dụng cụ nặn mụn trước khi lưu trữ lại. Hãy nhớ rằng chỉ cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ hơn một chút cũng sẽ giúp việc điều trị mụn hiệu quả hơn rất nhiều.
Bước 5: cách xử lý khi da bị chảy máu trong lúc nặn mụn
Trong một vài trường hợp, da có thể bị chảy máu khi sử dụng dụng cụ nặn mụn. Hãy dùng bông gòn hoặc băng gạc vô trùng ấn vào vị trí chảy máu và thấm máu đi một cách nhẹ nhàng, hạn chế đè ép quá mạnh.
Máu có thể chảy ra trong khoảng vài giây hoặc vài phút, vì vậy cần kiên nhẫn giữ băng gạc trên vùng da chảy máu cho đến khi máu ngừng chảy.
Nếu máu vẫn tiếp tục chảy sau một thời gian dài hoặc tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng, hãy ngừng việc nặn mụn và tìm sự giúp đỡ từ Bác sĩ Da liễu.
Bước 6: chăm sóc da sau khi nặn mụn
Sau khi nặn mụn, cần phải chăm sóc da một cách kỹ lưỡng để tránh sẹo thâm và nguy cơ tái phát mụn. Dưới đây là một số bước có thể thực hiện sau nặn mụn:
- Sử dụng nước đá sạch, chườm lên nốt mụn để giảm sưng và thu nhỏ lỗ chân lông.
- Thấm các miếng bông với nước hoa hồng chứa acid salicylic hoặc hỗn hợp trà để làm dịu và cung cấp độ ẩm cho da. Việc này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và cung cấp độ ẩm cho da.
- Có thể đắp một lớp mặt nạ đất sét hoặc mặt nạ calamine kết hợp với chiết xuất trà, giúp làm sạch sâu lỗ chân lông đồng thời giúp làm dịu da, giảm đỏ da.
- Sử dụng dưỡng ẩm có công thức chứa kẽm và squalane, giúp da mặt giảm bớt tình trạng khô và kích ứng.
- Đừng quên thoa kem chống nắng để bảo vệ da khỏi sự thâm sạm dưới ánh nắng mặt trời. Đồng thời, hãy chú ý đến chế độ ăn uống và giấc ngủ để giúp da mau chóng phục hồi.
Khi nào không nên tự nặn mụn tại nhà
Không nên tự nặn tại nhà các loại mụn viêm bao gồm mụn sẩn, mụn mủ, mụn nang và mụn bọc. Đây là những loại mụn có tình trạng viêm biểu hiện bằng tình trạng sưng, đỏ tại nốt mụn kèm theo đó là sự có mặt của vi khuẩn P. acnes. Khi dùng lực ấn, đè lên nốt mụn, tình trạng viêm, nhiễm trùng sẽ có nguy cơ lan rộng, ăn sâu và nghiêm trọng hơn. Hậu quả là để lại các vết thâm mụn kéo dài và nguy cơ hình thành sẹo mụn.
Khi gặp dạng mụn viêm, nên thăm khám với Bác sĩ Da liễu để được điều trị kịp thời bằng các liệu trình chuyên sâu tại Phòng khám như peel da, quang động trị liệu, laser, tiêm corticoid vào chân nốt mụn…
Các loại dụng cụ nặn mụn
Dụng cụ nặn mụn thường được làm bằng thép không gỉ, dùng để nặn mụn đầu đen hoặc lấy mụn đầu trắng. Có 3 kiểu dụng cụ nặn mụn chính:
- Comedone extractor: loại này có dạng vòng tròn, nhiều kích thước khác nhau, được thiết kế vừa với nốt mụn đầu đen để khi ấn nhẹ xuống, nhân mụn sẽ dễ dàng bật ra ngoài. Trên thị trường hiện nay phổ biến loại cây nặn mụn với hai đầu vòng tròn có kích cỡ to nhỏ khác nhau để tiện sử dụng cho các nốt mụn kích thước khác nhau.
- Lancet: loại này có mũi nhọn hoặc có lưỡi trích nhỏ, rất sắc bén, được dùng để rạch mụn đầu trắng và lấy nhân mụn ra ngoài. Hiện nay, có những cây nặn mụn kết hợp với một đầu có vòng tròn thép, một đầu có mũi nhọn để tiện sử dụng cho những loại mụn khác nhau.
- Tăm bông: thời gian gần đây, tăm bông cũng được sử dụng rộng rãi để lấy nhân mụn tại nhà. Tăm bông chuyên dùng để lấy nhân mụn là tăm bông thân gỗ hoặc nhựa được đóng gói từng tăm riêng lẻ nhằm đảm bảo vô trùng. Trên thị trường hiện cũng có loại tăm 1 đầu bông và 1 đầu vòng tròn để lấy nhân mụn đầu đen.
Ngoài ra, hiện nay còn có các dụng cụ khác hỗ trợ lấy mụn tại nhà như:
- Tweezer (nhíp): được thiết kế thuận tiện trong thao tác gắp lấy cồi mụn cám dễ dàng mà không gây tổn hại lớp da biểu bì bên ngoài cũng như không để lại vết thâm sau khi lấy mụn.
- Máy hút mụn: sử dụng lực hút chân không, giúp loại bỏ mụn đầu đen, bụi bẩn, dầu nhờn và cặn trang điểm ra khỏi lỗ chân lông.
- Miếng dán lột mụn: có hình dạng như miếng băng dính, được dán lên vùng da có mụn đầu đen hay mụn cám, ngoài ra còn giúp hút sạch bã nhờn và bụi bẩn ra khỏi lỗ chân lông.
Dụng cụ nào phù hợp để nặn mụn tại nhà
Các loại dụng cụ nêu trên đều có thể dùng nặn mụn tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết cách sử dụng an toàn và đúng theo hướng dẫn. Các dụng cụ nặn mụn tại nhà có hiệu quả tốt nhưng sử dụng không đúng cách có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Nếu dùng lực quá mạnh hoặc chăm da không đúng cách trước và sau khi nặn mụn, có thể gây tổn thương cho da và để lại sẹo.
Dụng cụ nặn mụn với đầu là vòng tròn thép hoặc tăm bông thường được sử dụng để xử lý mụn đầu đen. Đối với mụn đầu trắng, cần sử dụng lưỡi trích để rạch đầu mụn trước khi tiến hành nặn nhân mụn.
Nặn mụn đầu đen thường dễ dàng hơn so với nặn mụn đầu trắng. Lý do là vì mụn đầu đen về cơ bản là lỗ chân lông giãn nở chứa đầy bã nhờn, dầu tự nhiên của da. Thêm vào đó, mụn đầu đen đã có sẵn lỗ hở rộng trên bề mặt, nhân mụn tiếp xúc trực tiếp với không khí nên có thể dễ dàng loại bỏ ra ngoài
Một số ý kiến cho rằng tự nặn mụn đầu trắng là an toàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia da liễu, mụn đầu trắng vẫn có một lớp da che phủ lên nhân mụn nên việc lấy cồi mụn sẽ phức tạp hơn so với mụn đầu đen. Cần phải dùng lưỡi trích để bộc lộ nhân mụn rồi sau đó mới lấy nhân mụn ra ngoài. Thao tác rạch mụn đầu trắng đòi hỏi kinh nghiệm, vì nếu không được thực hiện đúng cách, có thể gây nhiễm trùng và gây ra sẹo. Do đó, khi gặp phải mụn đầu trắng, có thể tìm sự giúp đỡ từ Bác sĩ Da liễu để xử lý chúng.
Mặc dù dụng cụ nặn mụn có vẻ dễ sử dụng và việc tự nặn mụn tại nhà khá đơn giản, không nên áp dụng phương pháp này cho tất cả các loại mụn và không nên thực hiện quá thường xuyên. Nặn mụn quá thường xuyên và không đúng cách có thể gây tổn thương da, gây thâm, sẹo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến hình thành mụn viêm. Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, cần lựa chọn đúng dụng cụ nặn mụn, thực hiện đúng các bước nặn mụn tại nhà và chỉ nên tự nặn mụn đối với mụn đầu đen. Với các loại mụn khác, hãy liên hệ ngay đến các Phòng khám Da liễu để được điều trị mụn một cách an toàn và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- “A Beginner’s Guide to Facial Extractions“. Healthline
- “PIMPLE POPPING: WHY ONLY A DERMATOLOGIST SHOULD DO IT“. AAD
- “American Academy of Dermatology issues updated guidelines for the management of acne“. AAD
- Wise, E.M. and Graber, E.M. “Clinical Pearl: Comedone Extraction for Persistent Macrocomedones While on Isotretinoin Therapy“. Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology. (November 2011)