BHA và retinol là hai sản phẩm vô cùng quen thuộc đối với các tín đồ skincare. BHA có tác dụng loại bỏ tế bào chết, giảm tiết bã nhờn, kháng viêm và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn (C. acnes). Retinol cũng có hiệu quả tiêu sừng, diệt vi khuẩn và giảm viêm, giúp ngăn ngừa mụn tái phát. Ngoài ra, retinol cũng được biết đến với hiệu quả trẻ hóa làn da thần thánh.
Với những công dụng tuyệt vời như vậy, liệu có nên kết hợp BHA và retinol trong cùng một chu trình chăm sóc da và điều trị mụn không? Hãy cùng Doctor Acnes giải đáp thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé!
BHA là gì?
BHA là tên viết tắt của β-hydroxy acid (hay beta hydroxy acid) là thành phần thường gặp trong các sản phẩm trị mụn. BHA được lưu thông trên thị trường bao gồm: acid salicylic, acid β-hydroxybutanoic, acid tropic, acid trethocanic. Trong đó, BHA phổ biến nhất là acid salicylic, phần lớn được chiết xuất từ vỏ cây liễu, dầu của cây lộc đề xanh.
Công dụng phổ biến của BHA là tẩy tế bào chết, với cơ chế làm giảm độ bám, phá vỡ liên kết giữa các tế bào sừng (tế bào chết) nhưng không làm thay đổi độ dày lớp biểu bì. Do đó BHA có tác dụng loại bỏ tế bào chết mà không gây bào mòn, giúp cải thiện cấu trúc da, mang lại làn da trẻ trung, mềm mại.
Ngoài ra, acid salicylic có đặc tính tan tốt trong dầu, không chỉ xâm nhập vào lớp biểu bì mà còn đi sâu vào bên trong lỗ chân lông, từ đó có khả năng hòa tan dầu nhờn, loại bỏ bụi bẩn, làm sạch sâu, thu nhỏ lỗ chân lông và hỗ trợ điều trị mụn. Acid salicylic nồng độ 0,5% đến 2% là một trong năm liệu pháp điều trị mụn trứng cá không kê đơn (OTC) được phê duyệt bởi FDA.
Retinol là gì?
Retinol là hoạt chất thuộc nhóm retinoid, một nhóm dẫn xuất của vitamin A. Các sản phẩm retinol được lưu thông phổ biến trên thị trường dưới dạng không kê đơn (OTC), với nồng độ lên đến 2%.
Retinol chủ yếu được biết đến với công dụng giúp trẻ hóa làn da, chống lão hóa. Retinol tác động chính vào lớp sừng của biểu bì, làm hạn chế sự thoát nước qua da, tăng độ dày biểu bì, ức chế phân hủy collagen.
Ngoài ra, retinol cũng kích thích sản sinh collagen và elastin, từ đó giúp da đầy đặn, căng bóng, cải thiện nếp nhăn và làm chậm dấu hiệu lão hóa. Không chỉ vậy, retinol còn ức chế sản sinh melanin, giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố da, làm mờ thâm nám, tàn nhang mang đến làn da tươi sáng, đều màu.
Retinol có khả năng tiêu sừng cổ nang lông, giúp giảm tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Ngoài ra, retinol còn được chứng minh là có tác dụng kháng viêm, tiêu nhân mụn. Do đó, retinol cũng là hoạt chất thường gặp trong điều trị mụn.
Có nên kết hợp BHA và retinol trong điều trị mụn?
Với những công dụng tuyệt vời như vậy thì liệu có nên kết hợp BHA và retinol trong cùng một chu trình chăm sóc da và điều trị mụn hay không? Một số nhận định cho rằng, không thể kết hợp BHA và retinol trong cùng một quy trình chăm sóc da vì BHA sẽ làm mất hoặc giảm hiệu quả của retinol. Tuy nhiên, sự tương tác này hoàn toàn có thể khắc phục được. Trên thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, retinol vẫn có thể hoạt động hiệu quả khi sử dụng kết hợp với BHA.
Một nghiên cứu đánh giá khả năng kết hợp của acid salicylic và retinol, cho 20 tình nguyện viên thực hiện tẩy tế bào chết bằng acid salicylic, sau đó rửa mặt bằng nước rồi thoa retinol 0,25%, lặp lại quy trình tương tự ở tuần thứ 2 và đánh giá kết quả ở tuần thứ 2 và thứ 4. Kết quả cho thấy, sự kết hợp của acid salicylic và retinol cải thiện đáng kể tình trạng cấu trúc da so với ban đầu.
Một nghiên cứu khác được tiến hành năm 2017 cho rằng, so với việc điều trị đơn lẻ bằng acid salicylic hay retinol thì liệu pháp kết hợp cả hai cho hiệu quả cao hơn trong điều trị tăng sắc tố sau viêm (PIH), với khả năng dung nạp tốt, ít tác dụng phụ và tỷ lệ tái phát thấp hơn.
Một nghiên cứu khác tiến hành cho 27 tình nguyện viên có tình trạng mụn từ nhẹ đến trung bình, sử dụng cả AHA, BHA (acid salicylic) và retinol trong 8 tuần. Kết quả cho thấy, tại thời điểm quan sát (tuần thứ 4 và thứ 8) số lượng mụn viêm và không viêm giảm có ý nghĩa thống kê so với ban đầu, chứng tỏ sự kết hợp này là có hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể tình trạng mụn.
Từ đó có thể thấy, việc kết hợp BHA và retinol sẽ giúp bạn nhận được lợi ích từ cả hai sản phẩm. Tuy nhiên, sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ gây kích ứng cho da. Vì khi sử dụng riêng lẻ, cả retinol hay BHA đều có khả năng gặp phải những tác dụng không mong muốn như da khô căng, bong tróc, kích ứng da, mẩn đỏ. Vậy làm thế nào để có thể kết hợp BHA và retinol một cách an toàn, tránh bị kích ứng?
Cách kết hợp BHA và retinol trong điều trị mụn
Đối với nền da khỏe, không bị kích ứng
Đối với những bạn có nền da khỏe, đã từng sử dụng các loại dược mỹ phẩm hay cụ thể đã từng sử dụng BHA, retinol mà không bị kích ứng, có thể dùng đồng thời BHA và retinol trong cùng một chu trình chăm sóc da.
Trong 1-2 tháng đầu, nên sử dụng với nồng độ BHA khoảng 1-2%, retinol khoảng 0,5-1%; tần suất BHA khoảng 3 lần/tuần và retinol 2-3 lần/tuần. Để làn da có thời gian thích nghi, tăng dần khả năng dung nạp với sản phẩm, nên dùng BHA và retinol xen kẽ, dùng cách ngày trong tuần.
Trong thời gian này, cần xem xét và theo dõi kỹ tình trạng da, nếu da ổn, không bị kích ứng trong 1-2 tháng đầu kết hợp có thể nâng lên sử dụng BHA và retinol trong cùng một ngày, cụ thể là dùng BHA vào buổi sáng và retinol vào buổi tối. Lưu ý, nếu thấy bất kỳ phản ứng không mong muốn nào trên da trong quá trình kết hợp, cần giảm ngay tần suất sử dụng, tăng cường phục hồi, cấp ẩm cho da.
Đối với nền da nhạy cảm, dễ bị kích ứng
Đối với những bạn có nền da nhạy cảm, chưa từng sử dụng hoặc đã từng sử dụng các loại dược mỹ phẩm và có xảy ra tình trạng kích ứng, không nên dùng đồng thời BHA và retinol ngay từ ban đầu trong cùng một chu trình chăm sóc da. Trong 1-2 tháng đầu, nên sử dụng lần lượt từng sản phẩm (BHA trước hoặc retinol trước) với nồng độ và tần suất thấp.
Có thể bắt đầu với nồng độ BHA < 1%, retinol khoảng 0,5% với tần suất khoảng 2 lần/tuần, tăng khả năng dung nạp của da bằng việc tăng dần nồng độ và tần suất sử dụng, sau đó mới thêm sản phẩm còn lại vào. Nên theo dõi kỹ tình trạng da của bạn và không nên dùng đồng thời hai sản phẩm trong cùng một ngày, có thể dùng BHA và retinol xen kẽ, dùng cách ngày trong tuần.
Đặc biệt, đối với những bạn có nền da nhạy cảm, không nên dùng kết hợp với các sản phẩm BHA trên nền cồn. Nền cồn giúp hoạt chất thấm sâu và giúp da khô thoáng hơn sau khi sử dụng, tuy nhiên cũng làm da nhạy cảm, mất độ ẩm và dễ kích ứng hơn.
Một số lưu ý khi kết hợp BHA và retinol trong điều trị mụn
Chống nắng đủ cho da
Khi sử dụng các dược mỹ phẩm như BHA hay retinol, lớp tế bào sừng trên bề mặt da bị bong tróc khiến da nhạy cảm hơn trước tác động của tia UV. Ngoài ra, bản thân retinol dễ bị oxy hóa dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làm giảm hiệu quả sử dụng. Do đó, cần chống nắng kỹ cho da và lưu ý sử dụng retinol vào buổi tối. Nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Bôi kem chống nắng khoảng 2-3 lần/ngày, thoa đủ lượng cần thiết, khoảng 2 ngón tay cho toàn bộ khuôn mặt mỗi lần dùng.
Dùng kèm các sản phẩm cấp ẩm, phục hồi
Khi dùng kết hợp BHA và retinol, có thể gặp tình trạng da bị khô, bong tróc (nhất là vùng quanh miệng và gò má), đặc biệt đối với những bạn có nền da khô, khiến da trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Để tránh gặp phải tình trạng này, nên bổ sung các sản phẩm kem dưỡng, serum có thành phần cấp ẩm như acid hyaluronic, ceramide, vitamin B5, niacinamide, dưỡng môi.
Chỉ nên tự sử dụng khi tình trạng mụn ở mức độ nhẹ
Khi dùng kết hợp BHA và retinol trong điều trị mụn, chỉ sử dụng trong trường hợp da dày sừng, mụn ẩn, mụn không viêm mức độ nhẹ. Nếu tình trạng da có nhiều mụn mủ, mụn viêm thì việc sử dụng BHA hay retinol chưa đủ để mang lại hiệu quả điều trị mà cần phối hợp nhiều biện pháp chuyên sâu khác như sử dụng kháng sinh hoặc thiết bị công nghệ cao như laser và ánh sáng xung mạnh. Nên điều trị với Bác sĩ Da liễu và có thể sử dụng BHA và retinol để duy trì khi tình trạng da đã ổn định.
Nếu không thực sự am hiểu hoặc chưa từng sử dụng các mỹ phẩm có tác dụng điều trị (dermocosmetic), nên có sự tư vấn của Bác sĩ Da liễu hoặc Dược sĩ
Nếu bạn chưa thực sự hiểu rõ về tình trạng da của bản thân, cũng như bản chất và cách thức sử dụng các loại mỹ phẩm này, không nên tự ý kết hợp BHA và retinol vì điều này dễ khiến da bị kích ứng do sử dụng sai cách, nên có sự tham vấn và hướng dẫn của chuyên gia trước khi sử dụng.
Tóm lại, việc kết hợp BHA và retinol trong cùng một chu trình chăm sóc da và điều trị mụn sẽ mang đến hiệu quả chăm sóc da vượt trội nếu bạn thực hiện đúng cách. Để không gặp phải tình trạng kích ứng, Doctor Acnes khuyên bạn nên dùng thận trọng trong thời gian đầu, sử dụng ở nồng độ và tần suất thấp, theo dõi kỹ tình trạng da của bản thân và ngoài ra không quên những lưu ý khi kết hợp BHA và retinol trong điều trị mụn. Tốt hơn hết, bạn nên tư vấn với Bác sĩ Da liễu để được theo dõi và đánh giá trong quá trình điều trị để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tài liệu tham khảo
- “Beta Hydroxy Acids”. Fda.gov
- “Topical Acne Drug Products for Overthe-Counter Human Use – Revision of Labeling and Classification of Benzoyl Peroxide as Safe and Effective”. Fda.gov
- “What is retinol and how can a person use it?”. Medicalnewstoday.com
- Sree S Kolli, Danielle Pecone, Adrian Pona. “Topical Retinoids in Acne Vulgaris: A Systematic Review”. Am J Clin Dermatol. 2019;20(3):345-365
- Douglas E Kligman, Zoe D Draelos. “Combination Superficial Peels With Salicylic Acid and Post-Peel Retinoids”. J Drugs Dermatol. 2016;15(4):442-450
- Basma Morad Mohamed Ali, Shereen Farouk Gheida, Nageh Ahmed El Mahdy. “Evaluation of salicylic acid peeling in comparison with topical tretinoin in the treatment of postinflammatory hyperpigmentation”. J Cosmet Dermatol. 2017;16(1):52-60
- Zoe Draelos, Joseph Lewis, Laura McHugh. “Novel retinoid ester in combination with salicylic acid for the treatment of acne”. Onlinelibrary.wiley.com