Bí quyết điều trị mụn tận gốc hiệu quả và bền vững

Ngày 15/01/2023. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn trứng cá là vấn đề da liễu rất thường gặp ở mọi độ tuổi, giới tính và nghề nghiệp. Việc điều trị mụn đôi khi trở nên khó khăn vì đây là tình trạng da liễu mạn tính và rất dễ tái phát. Mong muốn trị mụn tận gốc và có được làn da mịn màng, khỏe mạnh là mong ước của rất nhiều người. Việc này hoàn toàn là có thể nếu bạn hiểu rõ nguyên tắc để điều trị mụn tận gốc qua bài viết sau đây.

Cơ chế sinh mụn

Mụn là tình trạng viêm mạn tính của các đơn vị tuyến bã nhờn, đặc trưng bởi sự hình thành nhân mụn, các nốt mụn viêm, sưng đỏ và thường để lại thâm sẹo. Mụn ảnh hưởng trên da mặt nhiều hơn những nơi khác, thường gặp ở những người độ tuổi từ 15 – 24 tuổi.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mụn trứng cá nhưng cơ chế bệnh sinh của mụn thì chỉ xoay quanh các quá trình sau:

Sự tăng sản xuất bã nhờn

Bã nhờn là hỗn hợp các chất béo được sinh ra từ tuyến bã, gồm triglyceride, sáp ester, squalene, acid béo tự do, cholesterol và diglyceride. Nó giúp duy trì độ ẩm, vận chuyển chất chống oxy hóa đến bề mặt da và bảo vệ da khỏi vi khuẩn.

Tuy nhiên, khi bã nhờn được sản xuất quá mức, chúng kết hợp với tế bào chết và vi khuẩn gây ra mụn trứng cá, đặc biệt là mụn đầu trắng và mụn đầu đen.

Nội tiết tố androgen, chủ yếu là testosterone, kiểm soát hoạt động của tuyến bã nhờn. Testosterone chuyển đổi thành dihydrotestosterone (DHT) nhờ enzyme 5α-reductase, hoạt động mạnh ở vùng da mặt, ngực và lưng, dẫn đến mụn thường xuất hiện ở những vùng này.

Tăng sừng hóa ở cổ nang lông

Tăng sừng hóa ở cổ nang lông có thể là do sự bất thường trong quá trình tăng sinh quá mức tế bào sừng và một loại protein mà tế bào sừng tạo ra được gọi là keratin. Sự tăng sinh này làm cho các tế bào kết dính lại với nhau, dẫn đến tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn, dầu thừa bị tích tụ lại, vi khuẩn phát triển và sinh ra mụn trứng cá.

Hoạt động của vi khuẩn gây mụn C. acnes

C. acnes là vi khuẩn sống ở vùng da nhiều bã nhờn như mặt, đầu, lưng và các vùng khác trên cơ thể. Nang bã nhờn tạo môi trường kỵ khí giàu lipid, giúp vi khuẩn này phát triển mạnh. Vi khuẩn C. acnes sản xuất enzyme lipase, thủy phân chất béo trung tính trong bã nhờn thành glycerol và acid béo, gây viêm và tạo mụn.

mụn
Mụn thường xuất hiện trên da mặt và ở những nơi khác trên cơ thể

Tại sao việc điều trị mụn tận gốc lại khó khăn?

Điều trị mụn trứng cá là một quá trình phức tạp và thường dễ tái phát vì đây là một tình trạng da mạn tính. Có 5 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bao gồm thời gian điều trị cần thiết, lựa chọn phương pháp phù hợp, duy trì chăm sóc da, tránh các yếu tố gây hại như căng thẳng và ô nhiễm môi trường.

Thời gian điều trị 

Theo nghiên cứu lâm sàng, các phương pháp điều trị mụn thông thường cần mất 8 – 12 tuần để tác động đủ sâu vào nang lông và thấy được sự cải thiện. Việc điều trị mụn do đó cần sự kiên nhẫn và tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ Da liễu.

Việc liên tục thay đổi các phương pháp điều trị mụn có thể khiến da không kịp đáp ứng, đôi khi còn làm da trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn.

thăm khám bác sĩ
Cần kiên trì và tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ Da liễu để đạt được hiệu quả trị mụn tốt nhất

Chọn đúng phương pháp điều trị

Dù cơ chế chung gây mụn khá giống nhau, việc điều trị mụn không phải lúc nào cũng giống nhau, vì nguyên nhân và tình trạng mụn của mỗi người khác nhau. Phương pháp điều trị phù hợp cần được cá thể hóa và đòi hỏi đánh giá chính xác từ Bác sĩ Da liễu.

Một sai lầm phổ biến là tự điều trị mụn bằng rượu thuốc hoặc kem trộn, vì mong muốn đạt hiệu quả nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Rượu thuốc chứa nồng độ cồn cao làm da mất nước, bong tróc và bào mòn da vì thế không nên sử dụng lâu dài.

Quan trọng nhất là rượu thuốc không giải quyết triệt để nguyên nhân gây mụn, các thành phần có trong rượu thuốc đôi lúc còn có thể gây dị ứng cho da.

Mặt khác, kem trộn chứa corticoid có thể giúp giảm viêm nhanh chóng và làm da mịn màng sau thời gian ngắn sử dụng, nhưng về lâu dài cấu trúc da sẽ bị phá hủy nghiêm trọng và không thể phục hồi, tạo điều kiện cho vi khuẩn C. acnes phát triển, gây bùng phát mụn viêm.

Trong giai đoạn đầu nhiễm corticoid, da sẽ có mụn sẩn và mụn mủ, sau đó sẽ là tình trạng mụn viêm nặng như mụn nang, mụn bọc.

Một số nguyên nhân ít gặp gây nên mụn là do tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt khi dùng thuốc có các thành phần tương tự testosterone như lithium, corticosteroid, thuốc chống lao, thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm… trong thời gian dài khiến người bệnh bị rối loạn nội tiết tố, tăng tiết bã nhờn và gây mụn.

Kem trộn - Doctor Acnes
Sản phẩm không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân làm tình trạng mụn trầm trọng hơn

Duy trì thói quen chăm sóc da phù hợp

Da mụn sau điều trị cần chế độ chăm sóc đặc biệt để tránh mụn quay trở lại. Chăm sóc sai cách có thể làm da dày sừng, tăng tiết bã nhờn và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Dưới đây là một số thói quen cần tránh:

  • Không có thói quen tẩy tế bào chết: tình trạng da dày sừng khiến cho mụn dễ dàng quay trở lại. Để duy trì làn da sạch mụn, nên tẩy tế bào chết định kỳ để tránh việc tế bào chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Tuy nhiên việc sử dụng tẩy tế bào chết cần hợp lý, tránh chà xát mạnh lên da vì có thể gây kích ứng và viêm.
  • Không có thói quen giữ ẩm cho da: nhiều người thường hiểu lầm rằng giữ ẩm cho da sẽ sinh ra mụn. Trên thực tế, làn da thiếu ẩm có thể gây tăng tiết bã nhờn, dẫn đến nổi mụn nhiều hơn.
  • Chế độ ăn uống không phù hợp: việc chăm sóc da chưa đúng cách còn thể hiện ở chế độ ăn uống không phù hợp, cụ thể là sử dụng các nhóm thực phẩm gây tăng tiết insulin có nguy cơ làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá. Sữa động vật và sản phẩm từ sữa làm tăng bài tiết insulin và tạo ra hormone IGF-1, kích thích tăng trưởng biểu mô nang lông và sừng hóa, gây mụn trứng cá. Bên cạnh đó, thức ăn ngọt có chỉ số đường GI (glycemic index) cao, như bánh ngọt, nước ngọt, và đồ ăn nhiều tinh bột, khiến đường hấp thu nhanh vào máu, gây giải phóng insulin, kích thích sản xuất chất nhờn và androgen, làm mụn trứng cá nặng thêm.
Thức ăn ngọt - Doctor Acnes
Thực phẩm có chỉ số đường GI cao có nguy cơ làm nặng thêm tình trạng mụn

Tránh xa tình trạng tinh thần căng thẳng

Căng thẳng thường xuyên là một nguyên nhân gây mụn trứng cá. Khi căng thẳng, tuyến thượng thận tăng tiết hormone androgen, làm tăng sản xuất bã nhờn. Hormone corticotropin (CRH) cũng gia tăng, kích thích sản xuất lipid ở tuyến bã nhờn và steroid, góp phần gây mụn.

CRH còn làm tăng sản xuất cytokine IL6 và IL11 trong tế bào sừng, gây viêm. Ngoài ra, các dây thần kinh ngoại vi giải phóng chất neuropeptide P để đáp ứng với căng thẳng, kích thích sự tăng sinh và biệt hóa của tuyến bã nhờn, làm mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

stress
Căng thẳng thường xuyên là một trong những nguyên nhân gây nên mụn

Tránh xa ô nhiễm môi trường

Làm việc trong môi trường có nguồn nước hoặc không khí ô nhiễm, bụi bẩn, bụi mịn… lâu dài cũng là nguyên nhân khiến da dễ nhiễm khuẩn, bít tắc lỗ chân lông, tích tụ chất bã nhờn gây nên mụn trứng cá.

khói bụi gây mụn
Tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhiều bụi bẩn dễ gây bít tắc lỗ chân lông gây nên mụn

Xem thêm các bài viết liên quan

Cách điều trị mụn tận gốc

Điều trị mụn trứng cá tận gốc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Tùy theo tình trạng da mà Bác sĩ Da liễu sẽ lựa chọn phương pháp điều trị mụn phù hợp.

Mức độ mụn thường được phân loại như sau:

Mụn trứng cá nhẹ Mụn trứng cá vừa phải Mụn trứng cá nặng
  • Dưới 20 mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen.
  • Dưới 15 mụn viêm đỏ.
  • Dưới 30 tổng số tổn thương (mụn nhọt), không phải tất cả đều viêm đỏ.
  • Từ 20 – 100 mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen.
  • Từ 15 – 50 mụn viêm đỏ.
  • Từ 30 – 125 tổng số tổn thương (mụn nhọt), không phải tất cả đều viêm đỏ.
  • Nhiều hơn 5 mụn nang.
  • Tổng số mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen lớn hơn 100.
  • Trên 50 mụn viêm đỏ.
  • Trên 125 tổng số tổn thương (mụn nhọt), không phải tất cả đều viêm đỏ.
cách trị mụn tận gốc
Phân loại tình trạng mụn theo cấp độ từ nhẹ đến nặng

Điều trị mụn trứng cá nhẹ và trung bình

Điều trị mụn trứng cá nhẹ và trung bình bằng cách sử dụng các chế phẩm trị mụn bôi thoa dưới sự tư vấn và chỉ định của Bác sĩ Da liễu như retinoid, benzoyl peroxide, acid salicylic, acid azelaic và kháng sinh.

  • Retinoid: retinoid bao gồm vitamin A và các dẫn xuất của vitamin A. Các retinoid dạng bôi thường được sử dụng trong trị mụn là retinol, tretinoin, adapalene. Retinoid điều trị mụn bằng cách điều chỉnh tình trạng tăng tiết bã nhờn (cơ chế bệnh sinh gây nên mụn). Ngoài ra, retinoid còn làm bong lớp sừng, tạo điều kiện để thuốc khác thấm sâu vào da. Retinoid cũng có hiệu quả làm giảm sẹo mụn nhờ cơ chế kích thích sản sinh collagen.
  • Benzoyl peroxide: benzoyl peroxide là một chất diệt khuẩn thường được dùng kết hợp với thuốc kháng sinh trị mụn dạng bôi. Nó tiêu diệt vi khuẩn C. acnes, giảm viêm và tiêu mụn nhẹ. Do đặc tính ưa béo, benzoyl peroxide tích tụ bên trong đơn vị lông mao, tạo ra acid benzoic và các oxy tự do, làm oxy hóa protein của vi khuẩn. Điều này dẫn đến sự ức chế tổng hợp protein và nucleotide, các con đường trao đổi chất và hoạt động ty thể của C. acnes.
  • Acid salicylic: acid salicylic hoạt động bằng cách thâm nhập vào nang lông và tuyến bã nhờn, đồng thời làm tan các tế bào chết, dầu thừa và các mảnh vụn khác gây ra mụn. Acid salicylic có tác dụng làm giảm lượng dầu do tuyến bã nhờn sản xuất ra, giúp giảm thiểu khả năng hình thành hoặc phát triển lớn hơn các nơi tắc nghẽn có thể gây mụn. Ngoài ra, acid salicylic cũng có đặc tính chống viêm, giúp giảm sưng và tấy đỏ do mụn trứng cá.
  • Acid azelaic: acid azelaic là acid dicarboxylic tự nhiên, có đặc tính kháng khuẩn và chống sừng hóa tương tự benzoyl peroxide hoặc tretinoin. Acid azelaic cũng giúp làm sáng da và hỗ trợ điều trị rối loạn sắc tố sau viêm do mụn trứng cá.
  • Kháng sinh bôi ngoài da: kháng sinh bôi ngoài da điều trị mụn trứng cá bằng cách ức chế vi khuẩn C. acnes, giảm viêm và làm tan nhân mụn. Chúng ngăn chặn enzyme lipase, giảm sản xuất acid béo tự do và glycerol, chất cần cho vi khuẩn phát triển. Đặc tính chống viêm của kháng sinh liên quan đến việc ức chế các con đường bổ thể và giảm khả năng điều hòa của bạch cầu trung tính. Hai loại kháng sinh tại chỗ phổ biến nhất là erythromycin và clindamycin, có tác dụng mạnh mẽ trong việc điều trị mụn trứng cá.
clidabax B GEL, retacnyl 0.05%, ezanic Gel 20% 15g, SVR Sebiaclear Active
Việc sử dụng các chế phẩm trị mụn dưới dạng bôi thoa cần được sự chỉ định của Bác sĩ Da liễu

Điều trị mụn trứng cá nặng

  • Isotretinoin: isotretinoin thuộc nhóm retinoid đường uống, là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với mụn trứng cá nặng cũng như nhiều trường hợp nhẹ hơn không đáp ứng với các phương thức điều trị khác. Cơ chế của isotretinoin trong trị mụn trứng cá cũng tương tự các loại retinoid khác là làm giảm đáng kể sản xuất bã nhờn, ảnh hưởng đến sự hình thành mụn, làm giảm hoạt động của vi khuẩn C. acnes và có đặc tính chống viêm. Isotretinoin được phân loại vào nhóm “thuốc kê đơn”, tức chỉ được sử dụng khi có chỉ định của Bác sĩ.
  • Kháng sinh uống: kháng sinh đường uống được sử dụng phổ biến có thể kể đến như các kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin (tetracyclin, doxycyclin, minocyclin), các macrolid (erythromycin và azithromycin) và một sulfonamid phối hợp (trimethoprim/sulfamethoxazole). Cơ chế của kháng sinh uống cũng tương tự với kháng sinh bôi ngoài da qua tác dụng kháng khuẩn chống lại sự gia tăng của vi khuẩn C. acnes trong nang bã nhờn gây nên tình trạng mụn viêm, trong đó kháng sinh nhóm tetracyclin thường được sử dụng hơn do đặc tính kháng viêm mạnh.
  • Liệu pháp nội tiết tố: liệu pháp nội tiết được khuyến nghị bởi các hướng dẫn trước đây như một giải pháp thay thế cho kháng sinh toàn thân và/hoặc isotretinoin để điều trị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng ở phụ nữ. Các liệu pháp nội tiết tố thường được sử dụng phổ biến gồm thuốc tránh thai kết hợp (COC) và spironolactone. Cả hai tác nhân đều ức chế sự liên kết của testosterone với các thụ thể androgen và chuyển đổi testosterone thành dihydrotestosterone; chúng cũng làm tăng globulin liên kết hormone sinh dục, làm giảm testosterone tự do trong máu.
  • Liệu pháp công nghệ cao: ngoài sử dụng thuốc bôi và thuốc uống, việc điều trị mụn ngày nay hiện đại hơn rất nhiều cho phép điều trị mụn triệt để, nhanh chóng và không gặp tác dụng phụ do uống thuốc. Những phương pháp sử dụng các công nghệ mới như laser, ánh sáng xung mạnh IPL, RF vi điểm, peel da… giúp điều trị mụn hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, đây là những phương pháp điều trị công nghệ cao đòi hỏi chuyên môn từ Bác sĩ Da liễu.
mụn nặng, cụm, 8 liệu trình
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Tóm lại, trị mụn tận gốc tuy khó nhưng vẫn có thể đạt được nếu kiên trì và chọn đúng phương pháp điều trị. Bên cạnh các loại thuốc thoa và uống, có thể lựa chọn nhiều phương pháp hiện đại hơn như laser, ánh sáng xung mạnh IPL và các liệu pháp hóa lý.

Tránh tự ý sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc để tránh gây hại cho da. Nếu đang gặp khó khăn trong quá trình điều trị mụn, hãy đến với Doctor Acnes để nhận được sự tư vấn và điều trị từ các Bác sĩ Da liễu hàng đầu.

Tài liệu tham khảo

  1. Hazel H Oon, Su-Ni Wong, Derrick Chen Wee Aw. “Acne Management Guidelines by the Dermatological Society of Singapore”. J Clin Aesthet Dermatol. 2019 Jul;12(7):34-50
  2. Apostolos Pappas 1, Stefanie Johnsen, Jue-Chen Liu, Magdalena Eisinger. “Sebum analysis of individuals with and without acne”. Dermato-endocrinology. 2009;1(3):157-61
  3. “What is sebum?”. MedicalNewsToday
  4. Jappe U. “Pathological mechanisms of acne with special emphasis on Propionibacterium acnes and related therapy”. Acta dermato-venereologica. 2003;83(4):241-8
  5. Lizelle Fox, Candice Csongradi, Marique Aucamp, Jeanetta du Plessis. “Treatment Modalities for Acne”. Molecules (Basel, Switzerland). 2016;21(8)
  6. “10 skin care habits that can worsen acne”. American Academy of Dermatology
  7. Juhl CR, Bergholdt HKM, Miller IM. “Dairy Intake and Acne Vulgaris: A Systematic Review and Meta-Analysis of 78,529 Children, Adolescents, and Young Adults”. Nutrients. 2018;10(8)
  8. Gold MH, Andriessen A, Biron J. “Self-diagnosis of Mild-to-Moderate Acne for Self Treatment with Blue Light Therapy”. The Journal of clinical and aesthetic dermatology. 2009;2(4):40-4
  9. Lazic Mosler E, Leitner C, Gouda MA, et al. “Topical antibiotics for acne”. Cochrane Database Syst Rev. 2018 Jan 23;2018(1):CD012263
  10. Marson JW, Baldwin HE. “An Overview of Acne Therapy, Part 1: Topical therapy, Oral Antibiotics, Laser and Light Therapy, and Dietary Interventions”. Dermatologic clinics. 2019;37(2):183-193
  11. Layton A. “The use of isotretinoin in acne”. Dermato-endocrinology. 2009;1(3):162-9
  12. Leyden JJ, Del Rosso JQ. “Oral antibiotic therapy for acne vulgaris: pharmacokinetic and pharmacodynamic perspectives”. The Journal of clinical and aesthetic dermatology. 2011;4(2):40-7
  13. Marson JW, Baldwin HE. “An Overview of Acne Therapy, Part 2: Hormonal Therapy and Isotretinoin”. Dermatologic clinics. 2019;37(2):195-203

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status