Nguyên nhân đeo khẩu trang bị mụn và cách xử lý hiệu quả

Ngày 08/11/2022. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Để làm chậm sự lây lan của COVID-19 qua các giọt bắn đường hô hấp, đeo khẩu trang hiện là một trong những thói quen hàng ngày của nhiều người. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang liên tục khiến da dễ bị bùng phát mụn hay còn gọi là maskne. Cùng Doctor Acnes tìm hiểu về tình trạng mụn do đeo khẩu trang cũng như các biện pháp khắc phục vấn đề này nhé.

Tình trạng da nổi mụn do đeo khẩu trang là gì?

Tình trạng da nổi mụn do đeo khẩu trang còn được gọi là “maskne”, là từ kết hợp giữa mask (khẩu trang) và acne (mụn). Tuy nhiên, ngày nay maskne còn có ý nghĩa rộng hơn là các vấn đề về da nói chung xảy ra khi sử dụng khẩu trang, cụ thể là các tình trạng sau:

  • Nổi mụn: mụn trứng cá xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa, tế bào da chết và bụi bẩn với các mức độ khác nhau bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen hay mụn mủ.
    Những người có tiền sử bị mụn trứng cá sẽ dễ gặp phải tình trạng maskne hơn, đặc biệt khi sử dụng khẩu trang dùng trong phẫu thuật hay loại khẩu trang phòng độc, vì các loại này bí hơn và kín hơn khẩu trang thông thường.
  • Bệnh trứng cá đỏ (rosacea): việc đeo khẩu trang có thể gây bùng phát bệnh trứng cá đỏ với biểu hiện nổi mẩn đỏ, châm chích và mụn mủ không nhân.
Các tình trạng mụn do đeo maskne - Doctor Acnes
Các vấn đề về da khi mắc phải maskne như nổi mụn, bệnh trứng cá đỏ, viêm da tiếp xúc, viêm nang lông
  • Viêm da tiếp xúc: viêm da tiếp xúc xảy ra khi bị dị ứng hoặc nhạy cảm với chất liệu của khẩu trang, biểu hiện là phát ban đỏ, kèm theo kích ứng và mụn nước. Đây là tình trạng phản ứng dị ứng với khẩu trang phổ biến nhất, thường xảy ra trên vùng má và sống mũi vì là nơi tiếp xúc và cọ xát với khẩu trang.
    Những người đeo khẩu trang từ 6 giờ trở lên mà không có khoảng thời gian nghỉ và ở những người có hàng rào bảo vệ da đang bị tổn thương sẽ có nhiều nguy cơ bị viêm da tiếp xúc hơn. Các triệu chứng bao gồm ngứa, bọng nước đến loét da.
  • Viêm nang lông: môi trường ẩm và bí bách do khẩu trang tạo ra chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và nấm phát triển, gây nên tình trạng nhiễm trùng tại vị trí lỗ chân lông, biểu hiện bằng sẩn hồng ban hay mụn mủ, gây cảm giác ngứa ngáy và đau nhức.

Ngoài những tình trạng da nêu trên, khẩu trang còn có thể gây chàm dị ứng, mày đay, viêm da tiết bã hay viêm da quanh miệng. Các nghiên cứu cho thấy, đeo khẩu trang thường xuyên có thể gây bùng phát các bệnh lý da ở những người đã có tiền sử bệnh, đồng thời có thể là yếu tố gây khởi phát lần đầu bệnh lý da ở những người chưa có biểu hiện trước đó.

Dấu hiệu nhận biết da bị bùng phát mụn do khẩu trang

Như đã đề cập bên trên, maskne có thể hiểu theo nghĩa rộng là các bệnh lý da nói chung do đeo khẩu trang thường xuyên. Tuy nhiên, về cơ bản, maskne vẫn được hiểu theo nghĩa truyền thống nhất là tình trạng mụn do khẩu trang.

Dưới đây là một số dấu hiệu đặc trưng nhất để nhận biết da đang bị bùng phát mụn do đeo khẩu trang, giúp phân biệt với tình trạng mụn do các nguyên nhân khác:

  • Bắt đầu nổi mụn trong vòng 6 tuần kể từ khi bắt đầu đeo khẩu trang thường xuyên.
  • Tình trạng mụn trầm trọng hơn ở vùng da tiếp xúc với khẩu trang.
Mụn do khẩu trang gây nên - Doctor Acnes
Dấu hiệu để nhận biết da đang bị bùng phát mụn do đeo khẩu trang

Tại sao đeo khẩu trang bị nổi mụn?

Nguyên nhân chính xác làm da nổi mụn khi đeo khẩu trang có thể khác nhau ở mỗi cá thể, nhưng có một số lý giải chung cho tình trạng bùng phát mụn do đeo khẩu trang như sau:

  • Lỗ chân lông bị tắc: trên bề mặt da có sẵn dầu, vi khuẩn và tế bào da chết, khi đeo khẩu trang, các chất này có thể tích tụ nhiều hơn và gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Khẩu trang gây bí da, đổ nhiều mồ hôi và tích tụ độ ẩm từ hơi thở, làm tăng nguy cơ nổi mụn.
  • Một nguyên nhân khác có thể xảy ra là do ma sát. Chất liệu của khẩu trang có thể cọ xát vào da và tăng kích ứng.
  • Một số loại khẩu trang có chứa hương liệu để tạo mùi thơm khiến da bị kích ứng.
Nguyên nhân gây mụn do đeo khẩu trang - Doctor Acnes
Một số nguyên nhân gây maskne như tích tụ dầu gây tắc lỗ chân lông, đồ nhiều mồ hôi gây bí da, ma sát, hương liệu

Làm thế nào để khắc phục tình trạng mụn do đeo khẩu trang?

Thông thường, tình trạng mụn bùng phát do đeo khẩu trang có thể giảm bớt khi hạn chế đeo khẩu trang, hoặc lựa chọn loại khẩu trang có chất liệu phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có một số bí quyết chăm sóc da giúp giảm nhẹ tình trạng trên gây ra như:

  • Rửa mặt đúng cách

Rửa mặt bằng sữa rửa mặt có pH khoảng 5,5, thành phần đơn giản (không chứa cồn và hương liệu). Nên rửa mặt sau khi đổ nhiều mồ hôi và trước khi đi ngủ. Đối với làn da dầu có thể thử sữa rửa mặt có benzoyl peroxide hoặc acid salicylic. Đối với làn da nhạy cảm, việc lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu.

Làm thế nào để khắc phục tình trạng mụn do đeo khẩu trang - Doctor Acnes
Rửa mặt đúng cách là một trong những bí quyết chăm sóc da giúp giảm nhẹ tình trạng mụn do khẩu trang
  • Dưỡng ẩm đầy đủ

Da bị khô làm kích thích tiết nhiều dầu là nguy cơ quan trọng gây bùng phát mụn. Do đó, cần sử dụng kem dưỡng ẩm ngay cả khi phải mang khẩu trang kéo dài. Lưu ý chọn lựa kem dưỡng ẩm phù hợp nhằm tránh nguy cơ sinh nhân mụn.

  • Hạn chế trang điểm

Trong thời gian điều trị mụn do đeo khẩu trang gây nên, hãy hạn chế make-up, việc này có thể làm lỗ chân lông bị bít tắc, khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.

  • Hỏi ý kiến Bác sĩ Da liễu

Nếu đã áp dụng các biện pháp nêu trên mà tình trạng mụn vẫn tiếp diễn, cần thăm khám với Bác sĩ Da liễu để được tư vấn các liệu pháp điều trị chuyên biệt hơn.

Với tình trạng mụn nhẹ, Bác sĩ Da liễu có thể lựa chọn điều trị bằng kháng sinh tại chỗ hoặc retinoid. Mụn nặng có thể được điều trị bằng minocycline hoặc isotretinoin toàn thân. Cần lưu ý đây là các thuốc kê toa và theo dõi điều trị bởi Bác sĩ Da liễu, không được tự ý sử dụng khi chưa có ý kiến Bác sĩ.

Việc điều trị mụn bằng thuốc bôi ngoài da với benzoyl peroxide, salicylic acid, lưu huỳnh, AHA và retinoid có thể khiến da dễ bị nhạy cảm tạm thời. Do đó nên kết hợp thêm với các hoạt chất có nguồn gốc từ thực vật có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, điều tiết bã nhờn, chống vi khuẩn để giảm bớt khả năng viêm da tiếp xúc có thể xảy ra.

Cũng có thể cân nhắc sử dụng các hoạt chất ít gây kích ứng như azelaic acid, niacinamide cho làn da nhạy cảm. Các công thức dạng hydrogel của thuốc bôi kết hợp retinoid hoặc kháng sinh giúp nâng cao hiệu quả điều trị đồng thời giảm thiểu kích ứng tại chỗ giúp khả năng dung nạp thuốc tốt hơn.

Một số điều cần lưu ý để phòng ngừa mụn do đeo khẩu trang

Để phòng ngừa bùng phát mụn do đeo khẩu trang, cần thực hiện những lưu ý dưới đây. Những lưu ý này cũng áp dụng khi tình trạng mụn do đeo khẩu trang đang tiến triển, nhằm rút ngắn thời gian điều trị:

  • Giặt khẩu trang vải thường xuyên sau khi sử dụng, hạn chế sử dụng nước xả vải và không nên giặt chung với quần áo thông thường. Nên để khẩu trang khô hoàn toàn, không nên sử dụng khẩu trang còn ẩm ướt.
  • Rửa tay trước và sau khi đeo khẩu trang.
  • Thay khẩu trang sau mỗi 4 tiếng.
  • Lựa chọn chất liệu khẩu trang phù hợp, tránh các loại có thành phần từ nilon, các loại khẩu trang quá chật.
Giặt và phơi khô khẩu trang dưới nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn - Doctor Acnes
Giặt và phơi khô khẩu trang dưới nắng để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn

Maskne là vấn đề da phổ biến trong đại dịch, chủ yếu do việc đeo khẩu trang thường xuyên. Để ngăn ngừa và giảm mụn do khẩu trang, hãy lựa chọn khẩu trang thoáng khí, nghỉ giữa các lần đeo và điều chỉnh chu trình chăm sóc da phù hợp. Nếu tình trạng mụn không cải thiện, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Doctor Acnes để nhận tư vấn chuyên sâu và giải pháp chăm sóc da hiệu quả từ Bác sĩ Da liễu nhé.

Tài liệu tham khảo 

  1. Kosasih LP. “MASKNE: Mask-Induced Acne Flare During Coronavirus Disease-19. What is it and How to Manage it?”. Open Access Maced J Med Sci. 2020 Oct. 21;8(T1):411-5
  2. Cristina Beatrice Spigariolo, Serena Giacalone, Gianluca Nazzaro. “Maskne: The Epidemic within the Pandemic: From Diagnosis to Therapy”. J Clin Med. 2022 Feb; 11(3): 618
  3. Teo WL. “Diagnostic and management considerations for “maskne” in the era of COVID-19″. J Am Acad Dermatol. 2021 Feb;84(2):520-521

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84