Rửa mặt là bước quan trọng giúp giữ cho làn da sạch sẽ, ngăn ngừa bụi bẩn và dầu thừa tích tụ. Nhiều người cho rằng rửa mặt càng nhiều thì da càng sạch và mụn sẽ nhanh khỏi. Trên thực tế, rửa mặt sai cách hoặc quá nhiều lần có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên, khiến da bị khô, kích ứng và dễ nổi mụn hơn. Vậy tần suất rửa mặt bao nhiêu lần mỗi ngày là hợp lý để kiểm soát mụn mà không gây hại cho da? Doctor Acnes sẽ cho bạn câu trả lời trong bài viết sau.
Da mụn nên rửa mặt mấy lần mỗi ngày?
Rửa mặt là bước quan trọng trong quy trình chăm sóc da mụn, giúp loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ trên da. Tuy nhiên, rửa mặt quá ít hoặc quá nhiều đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng mụn.
Theo khuyến nghị từ Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), người có làn da mụn nên rửa mặt hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối. Ngoài ra, có thể rửa mặt thêm một lần sau khi đổ nhiều mồ hôi, chẳng hạn như sau khi tập thể dục, để tránh mồ hôi và dầu nhờn gây bít tắc lỗ chân lông.
Việc rửa mặt quá nhiều lần trong ngày có thể khiến da bị mất nước, kích thích tuyến bã nhờn sản xuất dầu nhiều hơn, dẫn đến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Ngược lại, nếu rửa mặt không đủ, bụi bẩn và vi khuẩn sẽ tích tụ trên da, làm tăng nguy cơ hình thành mụn.
Vì vậy, duy trì tần suất rửa mặt hợp lý, kết hợp với sữa rửa mặt phù hợp và phương pháp rửa mặt đúng cách sẽ giúp kiểm soát dầu nhờn, hỗ trợ điều trị mụn và bảo vệ hàng rào tự nhiên của da.
Cách chọn sữa rửa mặt cho từng loại da mụn
Chọn sữa rửa mặt cho da mụn không chỉ dựa vào tình trạng mụn mà còn phải phù hợp với từng loại da. Với ba loại da phổ biến thường bị mụn là da nhờn, da nhạy cảm và da khô, hãy cùng khám phá cách chọn sữa rửa mặt tối ưu cho từng loại da này nhé.
Lựa chọn sữa rửa mặt cho da nhờn bị mụn
Một số cách lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp cho da nhờn bị mụn như sau:
- Chọn sản phẩm kiểm soát nhờn, dịu nhẹ, không chứa cồn. Trên nhãn thường ghi “kiểm soát nhờn” (oil-control), “dành cho da nhờn” (for oily skin) hoặc tạo bọt (foaming).
- Ưu tiên sữa rửa mặt dạng gel trong suốt hoặc nhũ tương nền nước (water emulsion), vì kết cấu mỏng nhẹ giúp hạn chế bít tắc lỗ chân lông.
- Nên chọn sản phẩm chứa thành phần kháng khuẩn và hỗ trợ điều trị mụn như tinh dầu tràm trà, salicylic acid, benzoyl peroxide hoặc AHA.
- Đối với tình trạng mụn nặng, có thể dùng sản phẩm chứa thành phần kháng khuẩn mạnh như chlorhexidine hoặc benzoyl peroxide. Tuy nhiên, với mụn nhẹ hoặc không do vi khuẩn, những thành phần này không cần thiết.
Lựa chọn sữa rửa mặt cho da khô, nhạy cảm bị mụn
Một số cách lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp cho da khô, nhạy cảm bị mụn sau đây:
- Ưu tiên các sản phẩm có nhãn “dành cho da nhạy cảm”, “dịu nhẹ” hoặc “không gây kích ứng”.
- Chọn sữa rửa mặt chứa zinc coceth sulfate hoặc dung dịch micellar, vì chúng có khả năng diệt khuẩn và loại bỏ nhờn mà không cần dùng surfactant mạnh.
- Trong trường hợp da kích ứng, mụn viêm hoặc sau các thủ thuật như peel, lăn kim, laser, có thể dùng nước muối sinh lý để làm dịu da, nhưng không nên sử dụng lâu dài vì nước muối không đủ khả năng làm sạch bã nhờn.
- Tránh các sản phẩm chứa surfactant mạnh, tinh dầu tràm hoặc chất tạo bọt như SLS, vì dễ gây kích ứng cho làn da khô và nhạy cảm.
- Với mụn mức độ trung bình đến nặng, cần thận trọng khi dùng sữa rửa mặt chứa benzoyl peroxide, kháng sinh hoặc lưu huỳnh, vì các thành phần này có thể làm da khô và dễ kích ứng hơn.
Xem thêm các bài viết liên quan
8 bước rửa mặt đúng cách cho da mụn
Sau đây, Doctor Acnes sẽ gợi ý các bước rửa mặt khoa học dành cho da mụn:
- Bước 1: buộc gọn tóc, rửa sạch tay
Đôi tay chứa nhiều vi khuẩn có thể làm tình trạng mụn trầm trọng hơn. Vì vậy, trước khi rửa mặt, cần rửa sạch tay bằng xà phòng. Ngoài ra, nên buộc gọn tóc để tránh dầu nhờn, bụi bẩn từ tóc tiếp xúc với da mặt.
- Bước 2: tẩy trang (dù có trang điểm hay không)
Tẩy trang giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và lớp kem chống nắng mà sữa rửa mặt khó làm sạch hoàn toàn. Nếu không trang điểm, vẫn cần tẩy trang vào buổi tối để giúp lỗ chân lông thông thoáng. Da mụn nên lựa chọn tẩy trang dạng nước. Khi dùng nước tẩy trang, nên thấm đẫm bông tẩy trang để hạn chế ma sát lên da.
- Bước 3: làm ướt mặt với nước thường hoặc nước ấm (37 – 40°C)
Nước ấm có thể hỗ trợ làm sạch sâu hơn bằng cách giúp lỗ chân lông giãn nở nhẹ. Không nên dùng nước quá nóng vì có thể làm mất độ ẩm tự nhiên và gây kích ứng. Nếu không có nước ấm, rửa mặt bằng nước thường vẫn đảm bảo hiệu quả làm sạch.
- Bước 4: lấy lượng sữa rửa mặt vừa đủ, tạo bọt trước khi thoa lên mặt
Lượng sữa rửa mặt chỉ cần khoảng một hạt bắp vàng là đủ để làm sạch mà không gây khô da. Nên tạo bọt trước khi thoa để giảm ma sát và tránh kích ứng da. Đừng quên rửa cả vùng cổ, hàm, đường viền chân tóc vì những vùng này hay tích tụ nhiều mồ hôi và rất dễ hình thành nhân mụn.
- Bước 5: massage nhẹ nhàng trong 30 giây – 1 phút
Dùng đầu ngón tay massage theo chuyển động tròn, từ trong ra ngoài và từ dưới lên trên để làm sạch da và nâng cơ mặt. Tránh chà xát mạnh vì có thể làm tổn thương hàng rào bảo vệ da.
- Bước 6: rửa sạch lại với nước thường hoặc nước mát
Sau khi làm sạch bằng sữa rửa mặt, nên rửa lại với nước mát để làm dịu da và giúp se khít lỗ chân lông.
- Bước 7: thấm khô da nhẹ nhàng bằng khăn mềm hoặc bông tẩy trang
Tránh dùng khăn cứng chà xát mạnh lên da, nên thấm nhẹ để loại bỏ nước thừa mà không gây tổn thương.
- Bước 8: tiếp tục các bước dưỡng da phù hợp
Sau khi rửa mặt, có thể sử dụng toner để cân bằng da, sau đó dùng serum HA để cấp ẩm, kem trị mụn nếu đang điều trị và cuối cùng là kem dưỡng ẩm để khóa ẩm, giúp da phục hồi tốt hơn. Trong trường hợp da nhạy cảm và bị kích ứng với kem trị mụn chứa AHA, BHA và tretinoin, có thể sử dụng kem dưỡng ẩm trước để làm dịu da, sau đó mới dùng kem trị mụn.
Ngoài việc rửa mặt hằng ngày, tẩy tế bào chết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da thông thoáng, từ đó hạn chế mụn hình thành. Da dầu mụn nên tẩy tế bào chết khoảng 2 lần/tuần với sản phẩm chứa BHA (acid salicylic) để giúp loại bỏ tế bào chết, làm sạch sâu lỗ chân lông và kiểm soát bã nhờn hiệu quả.
Với những ai bận rộn hoặc có tình trạng mụn dai dẳng, có thể cân nhắc thực hiện tẩy da chết hóa học (peel da) tại Phòng khám Da liễu mỗi tháng một lần để hỗ trợ quá trình tái tạo da nhanh chóng và kiểm soát mụn tốt hơn.
Đây là phương pháp sử dụng các acid lành tính để loại bỏ lớp sừng già, kích thích sản sinh tế bào mới, mang lại làn da sáng khỏe và mịn màng hơn.
Bảng giá dịch vụ peel da tại Phòng khám Doctor Acnes
Phương pháp | Giá | Giá HSSV |
⭐Peel da với salicylic acid (10%, 20%, 30%) | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid (20%, 35%, 50%) | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid và retinol | 800.000 | 700.000 |
⭐Peel body | 900.000 -1.100.000 | 800.000 -1.000.000 |
Tóm lại, rửa mặt đúng cách và đúng tần suất là bước quan trọng đầu tiên giúp kiểm soát mụn. Việc lạm dụng hoặc bỏ qua bước này đều có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu đã chăm sóc da cẩn thận nhưng mụn vẫn không cải thiện, đừng ngần ngại liên hệ với Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu tư vấn và đưa ra giải pháp phù hợp, giúp da sớm phục hồi và khỏe đẹp hơn!
Tài liệu tham khảo
- Mukhopadhyay P. “Cleansers and their role in various dermatological disorders“. Indian J Dermatol. 2011 Jan;56(1):2-6. doi: 10.4103/0019-5154.77542
- Ananthapadmanabhan KP, et al. “Cleansing without compromise: the impact of cleansers on the skin barrier and the technology of mild cleansing“. Dermatol Ther. 2004;17 Suppl 1:16-25. doi: 10.1111/j.1396-0296.2004.04s1002.x
- “Chemical peels for skin resurfacing“. StatPearls