Laser trong điều trị và thẩm mỹ da ngày càng phổ biến và đã cho thấy những hiệu quả vượt trội mà khó có phương thức điều trị nào có thể so sánh được. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp vẫn xảy ra những biến cố không mong muốn sau khi điều trị bằng laser, phổ biến nhất là tình trạng tăng sắc tố. Trong bài viết này, Doctor Acnes sẽ chia sẻ thông tin một cách khoa học, đồng thời thảo luận về điều trị và cách phòng ngừa tăng sắc tố sau laser.
Nguyên nhân da bị tăng sắc tố sau laser
Tăng sắc tố da là tình trạng da trở nên sậm màu hơn so với vùng xung quanh, do sự tích tụ bất thường của melanin. Sự tích tụ này có thể diễn ra ở lớp nông của da là lớp thượng bì, hoặc sâu hơn ở lớp trung bì. Hiện tượng này thường xảy ra sau khi da phản ứng viêm với các kích thích bên ngoài như chấn thương, nhiễm trùng, hoặc can thiệp y tế, bao gồm cả điều trị bằng laser thẩm mỹ.
Laser hoạt động bằng cách sử dụng năng lượng chùm tia để gây tổn thương có chọn lọc tại khu vực cần điều trị, phá hủy cấu trúc gây hại như mụn viêm và kích thích quá trình sản sinh collagen và làm đầy sẹo. Tổn thương tế bào da kích thích sản xuất các chất trung gian gây viêm như prostaglandin, leukotriene và thromboxane. Những chất này kích hoạt quá trình viêm và làm tăng sản xuất melanin, dẫn đến hiện tượng thâm da. Thêm vào đó, các cơ chế thần kinh – thể dịch cũng có thể góp phần vào tình trạng tăng sắc tố da sau viêm.
Ngoài ra, mức độ trầm trọng của tình trạng tăng sắc tố còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh, bao gồm:
- Nền da bẩm sinh: người có làn da sẫm màu (loại III trở lên theo thang Fitzpatrick) dễ bị tăng sắc tố hơn.
- Quy trình thực hiện: dùng năng lượng laser quá cao, làm lạnh không đủ, hoặc sử dụng bước sóng ngắn có thể gây tăng sắc tố. Thêm vào đó, tay nghề và kinh nghiệm của người thực hiện là yếu tố quan trọng. Nếu người thực hiện không phải là Bác sĩ Da liễu đã được đào tạo bài bản, hoặc hệ thống trang thiết bị không đạt các tiêu chuẩn quốc tế (đặc biệt là thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc với giá thành rẻ), nguy cơ tăng sắc tố sẽ cao hơn.
- Loại laser: laser xâm lấn dễ gây tăng sắc tố hơn so với laser không xâm lấn.
- Chăm sóc da sau điều trị: da sau laser rất nhạy cảm với tia UV. Nếu không chống nắng kỹ càng, dễ xuất hiện hiện tượng tăng sắc tố.
Dấu hiệu nhận biết da bị tăng sắc tố sau laser
Nhận biết da bị tăng sắc tố sau laser không quá khó khăn và thường có thể tự phát hiện mà không cần đến Bác sĩ. Dấu hiệu dễ thấy nhất là sự xuất hiện của các đốm đen hoặc mảng da sẫm màu (mảng màu nâu/rám nắng) trên da sau quá trình điều trị bằng laser. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào sản xuất hắc tố (melanin) bị kích hoạt, làm tăng kích thước và hoạt động mạnh hơn, dẫn đến sự tập trung melanin tại các khu vực này.
Ai dễ bị tăng sắc tố sau laser hơn?
Tăng sắc tố sau viêm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loại da và không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, loại tăng sắc tố này phổ biến hơn ở những bệnh nhân có loại da Fitzpatrick IV–VI (màu da từ nâu nhạt, da nâu đến da nâu đậm hoặc đến đen), điều này được giải thích là do phản ứng viêm tác động mạnh hơn đến các tế bào hắc tố ở nhóm bệnh nhân này.
Ngoài ra, mức độ nhạy cảm của da còn phụ thuộc vào loại laser sử dụng. Nghiên cứu so sánh giữa laser Nd:YAG fractional Q-Switched 1064nm (không xâm lấn) và laser fractional CO2 (xâm lấn) cho thấy, tỷ lệ tăng sắc tố sau viêm là 29.6% ở nhóm sử dụng laser Nd:YAG fractional Q-Switched 1064nm, ít hơn so với nhóm sử dụng laser fractional CO2 (31.2%). Phản ứng này thường kéo dài khoảng 3 tuần sau điều trị rồi hồi phục.
Điều này được giải thích là do laser không xâm lấn đi sâu vào da, bỏ qua lớp thượng bì, trong khi laser xâm lấn tác động đến hắc tố ở lớp trên cùng, gây tăng sắc tố. Đồng thời, laser xâm lấn phá vỡ hàng rào da, tạo cơ hội cho vi sinh vật xâm nhập, gây viêm nhiễm và làm nặng thêm tình trạng tăng sắc tố. Ngoài ra, laser phân đoạn (fractional) ít gây tăng sắc tố hơn so với laser không phân đoạn và có tỷ lệ hồi phục cao hơn.
Người có tình trạng viêm nhiễm trước khi điều trị, như mụn trứng cá hoặc chàm, cũng dễ bị tăng sắc tố sau laser hơn. Nếu da đang trong tình trạng tăng sắc tố hoặc viêm nhiễm, liệu pháp laser có thể làm xuất hiện hoặc trầm trọng thêm vấn đề này.
Tăng sắc tố sau laser kéo dài bao lâu? Nó có biến mất không?
Thông thường, tăng sắc tố sau laser có thể tồn tại từ 1 – 2 tháng đến 4 – 6 tháng sau điều trị. Đa số trường hợp da có khả năng tự phục hồi sau thời gian trên mà không cần can thiệp nào thêm. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình phục hồi và cải thiện tình trạng da, một số trường hợp có thể cần đến phác đồ điều trị chuyên biệt từ Bác sĩ Da liễu.
Phòng ngừa tăng sắc tố sau laser
Phòng ngừa tăng sắc tố sau laser cần thực hiện trước, trong và sau quá trình điều trị:
- Trước khi điều trị: bệnh nhân nên được thăm khám bởi Bác sĩ Da liễu có chuyên môn về laser. Bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị dựa trên tuổi, loại da, tổn thương da cần điều trị và mong muốn của bệnh nhân. Kết hợp nhiều phương pháp và loại laser có thể được lựa chọn để đạt hiệu quả tốt nhất. Bệnh nhân cũng cần được thông tin rõ ràng về các nguy cơ có thể gặp phải ngoài những lợi ích của điều trị. Tất cả các bước điều trị laser nên được thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu đã được đào tạo chuyên sâu về laser.
- Trong quá trình điều trị: bệnh nhân sử dụng laser xâm lấn nên để vết mài tự bong ra, tránh gãi, chà xát hoặc cạy vì điều này có thể dẫn đến tăng sắc tố da.
- Sau điều trị: nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong vòng 6 – 8 tuần, và luôn sử dụng kem chống nắng có SPF 50 trở lên trong suốt quá trình điều trị và ít nhất 6 tháng sau đó. Trong 7 ngày đầu sau điều trị, không nên sử dụng mỹ phẩm và sữa rửa mặt có tính tẩy rửa mạnh hoặc bào mòn da.
Cách điều trị tăng sắc tố sau laser
Tăng sắc tố sau laser thường có thể tự phục hồi mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, để làm mờ thâm nhanh chóng hơn, có thể sử dụng các loại thuốc bôi và các phương pháp điều trị chuyên sâu tại Phòng khám Da liễu:
Sử dụng thuốc bôi ngoài da
- Hydroquinone: đây là thuốc bôi hàng đầu trong điều trị tăng sắc tố sau viêm (PIH), hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình sản xuất melanin. Hydroquinone thường được sử dụng ở nồng độ 2 – 4%. Để đạt hiệu quả cao hơn, nên kết hợp với kem chống nắng và các chất chống oxy hóa như vitamin C, retinol, và AHA. Tuy nhiên, cần lưu ý các tác dụng phụ như viêm da tiếp xúc, giảm sắc tố và tình trạng ochronosis (da đổi màu xanh đen khi sử dụng lâu dài).
- Mequinol: là một dẫn xuất của hydroquinone nhưng ít gây kích ứng da hơn. Nghiên cứu cho thấy mequinol 2% kết hợp tretinoin 0.01% có hiệu quả tương đương hydroquinone 4% trong điều trị PIH, với ít tác dụng phụ hơn.
- Retinoid: là các dẫn xuất từ vitamin A, được biết đến với hiệu quả cao trong việc điều trị thâm da bằng cách thúc đẩy tái tạo tế bào biểu bì, giúp phân tán và loại bỏ melanin. Các loại retinoid bôi ngoài phổ biến bao gồm retinol, retinyl palmitate, tretinoin, isotretinoin, adapalene và tazarotene, trong đó retinol, tretinoin và adapalene được sử dụng thường xuyên nhất. Ngoài tác dụng làm mờ thâm, retinol và tretinoin còn có khả năng chống lão hóa, trong khi tretinoin và adapalene còn giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá.
- Acid azelaic: hoạt chất này ức chế quá trình sản xuất melanin và có tác dụng chống viêm. Nghiên cứu cho thấy bôi acid azelaic 20% kết hợp với acid glycolic 15 – 20% có hiệu quả tương đương hydroquinone 4%, với ít tác dụng phụ như ngứa, ban đỏ thoáng qua.
- Niacinamide: vitamin B3 này giúp giảm sự chuyển giao melanosome và làm giảm quá trình hình thành hắc tố. Niacinamide ở nồng độ 2 – 5% có hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá và rối loạn sắc tố.
- Acid ascorbic (vitamin C): chất này ngăn chặn quá trình tổng hợp melanin nhờ đặc tính chống oxy hóa. Vitamin C thường được sử dụng ở nồng độ 10 – 20% để đạt hiệu quả làm sáng da.
Điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu
- Peel da
Sử dụng được cho mọi loại da nhờ vào hiệu quả giảm thâm đã được chứng minh. Tuy nhiên, cần chọn tác nhân peel cẩn thận để tránh kích ứng và làm tình trạng PIH nặng thêm. Sau khi peel, bệnh nhân cần tránh ánh nắng và dùng kem chống nắng để bảo vệ da. Các tác nhân phổ biến trong peel da bao gồm AHA như acid glycolic và acid lactic, BHA như acid salicylic, và acid trichloroacetic (TCA).
- Laser và ánh sáng IPL
2 phương pháp này đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố sau viêm. Các tia laser và ánh sáng IPL ở các bước sóng như 510nm, 532nm, 694nm, 755nm và 1064nm có khả năng nhắm chính xác vào các melanosome chứa melanin trong lớp hạ bì, nguyên nhân gây tăng sắc tố.
Bước sóng dài hơn như 1064nm thâm nhập sâu hơn vào da, phá vỡ melanin thành mảnh nhỏ mà không làm tổn thương tế bào da xung quanh. Các đại thực bào trong da sẽ thu gom và loại bỏ các mảnh melanin này, hỗ trợ làm sạch da hiệu quả cùng với sự hoạt động của hệ miễn dịch.
Ngoài các biện pháp điều trị nói trên, người bị tăng sắc tố có thể trang điểm để che bớt các vết thâm. Nên lựa chọn các loại mỹ phẩm che phủ tốt (kem nền hoặc phấn phủ) phải tự nhiên, không bóng nhờn, không trong suốt, không thấm nước, lâu trôi và dễ sử dụng.
>>> Xem thêm: Cách chăm sóc da sau khi bắn laser
Tóm lại, tăng sắc tố sau laser có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, việc tránh ánh nắng trực tiếp và sử dụng kem chống nắng là biện pháp phòng ngừa quan trọng. Quá trình điều trị laser nên được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Bác sĩ Da liễu có chuyên môn về laser. Để cải thiện tình trạng nhanh chóng hơn, nên đến các Phòng khám chuyên khoa như Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu tư vấn và cung cấp phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo
- Chandrashekar, BS & Shenoy, Chaithra & Madura, C. “Complications of laser and light-based devices therapy in patients with skin of color“. Indian J Dermatol Venereol Leprol . 2019 Jan-Feb;85(1):24-31. doi: 10.4103/ijdvl.IJDVL_88_17
- Callender, Valerie D et al. “Postinflammatory hyperpigmentation: etiologic and therapeutic considerations“. Am J Clin Dermatol . 2011 Apr 1;12(2):87-99. doi: 10.2165/11536930-000000000-00000
- Ansari, Mohammad Ali et al. “Mechanisms of Laser-Tissue Interaction: II. Tissue Thermal Properties“. J Lasers Med Sci. 2013 Summer; 4(3): 99–106
- Asilian, Ali et al. “Comparison of Q-Switched 1064-nm Nd: YAG laser and fractional CO2 laser efficacies on improvement of atrophic facial acne scar“. J Res Med Sci. 2011 Sep; 16(9): 1189–1195