Ngày nay, việc điều trị các vấn đề về da như lão hoá hoặc sẹo mụn bằng laser ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng nhờ mang lại hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc da sau khi bắn laser nếu không được thực hiện đúng cách rất dễ dẫn đến nhiều tổn thương kéo dài.
Việc hiểu rõ các nguyên tắc chăm sóc da sau laser rất cần thiết đối với bệnh nhân, giúp hạn chế tác động xấu đến làn da đang hồi phục. Trong bài viết này, Bác sĩ Da liễu tại Doctor Acnes sẽ cung cấp cho người đọc kiến thức về chăm sóc da sau thủ thuật laser giúp hồi phục da nhanh chóng và phòng tránh biến chứng sau điều trị.
Tổng quan và mục đích chăm sóc da sau khi bắn laser xâm lấn
Kỹ thuật laser sử dụng dòng ánh sáng tập trung có khả năng thâm nhập sâu được chia thành 2 nhóm là laser không xâm lấn và laser xâm lấn. Đối với laser không xâm lấn, ánh sáng tác động sâu vào trung bì và hạ bì mà không làm tổn hại bề mặt biểu bì trên da, trong khi laser xâm lấn tác động cả bề mặt da và các lớp sâu bên dưới thông qua việc làm tổn thương bề mặt biểu bì da.
Đối với các tình trạng như sẹo rỗ và nếp nhăn, laser xâm lấn thường được ứng dụng trong điều trị. Làn da sau khi can thiệp laser xâm lấn thường bị tổn thương và nhạy cảm, vì thế việc chăm sóc da sau laser rất cần thiết cho quá trình lành thương.
Mục tiêu của chăm sóc da sau laser là ngăn chặn tổn thương từ các tác nhân môi trường như tia UV, vi khuẩn, viêm nhiễm và cân bằng độ ẩm cho da trong quá trình hồi phục. Ngoài ra, chăm sóc da sau laser cách còn giúp rút ngắn thời gian phục hồi da. Các nguyên tắc chung của việc chăm sóc da sau khi bắn laser bao gồm kiểm soát tình trạng viêm, chống nhiễm trùng, duy trì và cân bằng độ ẩm thích hợp cho da.
Sử dụng hợp lý kháng sinh và kháng siêu vi
Có cần sử dụng kháng sinh – kháng siêu vi?
Theo một khảo sát đăng trên tạp chí J Cosmet Dermatol vào năm 2009, phần lớn các Bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân sau can thiệp laser cần phối hợp sử dụng cả thuốc kháng sinh và thuốc kháng siêu vi bôi ngoài da để ngăn ngừa nhiễm trùng hậu laser. Việc quyết định sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc kháng siêu vi còn tuỳ thuộc vào tình hình thực tế tại cơ sở điều trị, yếu tố dịch tễ và tình trạng của bệnh nhân mà trong đó, Bác sĩ Da liễu sẽ lựa chọn và kê toa sản phẩm bôi thoa phù hợp cho khách hàng.
Dự phòng HSV
Làn da sau khi can thiệp laser sẽ trở nên dễ bị tổn thương và nhiễm khuẩn, trong đó tác nhân phổ biến là virus herpes (herpesviruses – HSV). Bệnh nhân có tiền sử nhiễm HSV sẽ có nguy cơ cao bị tái nhiễm herpes lan toả khi can thiệp laser trên da. Do đó, biện pháp dự phòng HSV là rất cần thiết cho nhóm đối tượng này.
Theo một nghiên cứu khảo sát, đa số các chuyên gia y tế đồng tình với thời điểm dự phòng HSV tốt nhất là 1 ngày trước khi bắt đầu can thiệp điều trị bằng laser. Thuốc thường được sử dụng trong dự phòng HSV là aciclovir với liều lượng 400 mg x 3 lần/ngày hoặc valacyclovir 500 mg x 2 lần/ngày.
Thời gian dự phòng HSV thường kéo dài cho đến khi quá trình tái tạo biểu mô hoàn tất. Thông thường, quá trình tái tạo thượng bì sẽ bắt đầu trong 48h sau thủ thuật và màng đáy sẽ hồi phục trong vòng 7 ngày. Như vậy, tổng thời gian dự phòng HSV đối với thủ thuật laser bóc tách thường kéo dài khoảng từ 7-10 ngày.
Chống nắng
Tránh nắng trong bao lâu?
Việc tránh nắng sau can thiệp laser có vai trò cực kỳ quan trọng cho quá trình hồi phục của da, giúp làn da tránh khỏi những tổn thương nguy hiểm từ tia UV, đồng thời hạn chế tình trạng tăng sắc tố da sau thủ thuật (post treatment hyperpigmentation: PIH). Theo một khảo sát vào năm 2019, các Bác sĩ Da liễu khi được hỏi thời gian khuyến nghị bệnh nhân cần tránh nắng sau laser, đa phần đều đồng tình nên kéo dài khoảng 1 tháng.
>>> Xem thêm: Vì sao da bị tăng sắc tố sau laser và cách điều trị
Trong khi đó, một số quan điểm khác cho rằng thời gian tránh nắng có thể ngắn hơn (1-2 tuần) hoặc dài hơn (3 tháng). Thời gian tránh nắng có thể phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm mức độ tổn thương và thời gian hồi phục của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian tránh nắng cần đủ lâu để quá trình tái tạo da được diễn ra thuận lợi, hạn chế làn da non bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời.
Sử dụng kem chống nắng hiệu quả
Sau thủ thuật can thiệp laser, làn da thường sẽ tự lành thương trong vòng 7 ngày và chức năng hàng rào bảo vệ da thường hồi phục lại bình thường sau 2-3 ngày. Vì thế, kem chống nắng được khuyến cáo sử dụng bắt đầu từ ngày thứ 3 sau thủ thuật nhằm đảm bảo quá trình tái tạo biểu mô hiệu quả.
Theo các Bác sĩ, sử dụng kháng viêm không phải là một điều trị thường quy trong phác đồ chăm sóc da sau laser. Tuy nhiên, kháng viêm có thể được sử dụng đặc trị cho từng trường hợp cụ thể chuyên biệt. Trong trường hợp này, việc phối hợp kháng viêm trong thành phần kem chống nắng theo các nghiên cứu khoa học sẽ có lợi cho phòng ngừa tình trạng tăng sắc tố da hậu laser (PIH).
Theo nghiên cứu của R. Wanitphakdeedecha và cộng sự, sử dụng kem chống nắng có phối hợp kháng viêm vào ngày đầu tiên sau thủ thuật laser có thể giúp giảm tình trạng tăng sắc tố sau điều trị khoảng 1 tuần. Hiệu quả này đạt được nhờ tính kháng viêm và chống oxy hóa giúp ngăn ngừa quá trình chuyển hoá melanin làm tăng sắc tố trên da.
Lộ trình chăm sóc da sau laser
Chăm sóc da tại chỗ ngay sau điều trị bằng laser bao gồm quá trình làm sạch da, dưỡng ẩm, hỗ trợ lành thương và phòng ngừa PIH. Chăm sóc da sau laser chia làm 2 giai đoạn, trong vòng 48 giờ sau thủ thuật và từ 72 giờ đến 1 tuần.
Chăm sóc da trong 48 giờ sau điều trị laser
Sau thủ thuật laser, mục tiêu chính chăm sóc da trong 48 giờ đầu là bảo vệ và giữ ẩm cho vết thương, giúp tái tạo thượng bì, giảm đau và tránh tạo sẹo. Các sản phẩm dùng trên da sau thủ thuật cần có tác dụng kích thích lành thương, giảm đau, dễ sử dụng và có tác dụng thẩm mỹ tốt.
Bệnh nhân nên được chườm đá và rửa sạch làn da với dung dịch dịu nhẹ hay nước muối pha loãng (hydrogen peroxide pha loãng 50% hoặc acid acetic 0.25% pha loãng). Bên cạnh đó, corticoid loại nhẹ (hydrocortisone 0.05-1%) cũng có thể được sử dụng. Trường hợp có dịch tiết nên thấm khô bằng bông gòn/gạc, tránh bóc mài.
Ngoài kháng sinh đường bôi, các sản phẩm dưỡng ẩm có thể được sử dụng với mục đích giữ ẩm và kích thích tái tạo thượng bì. Trong đó, dưỡng ẩm có chứa acid hyaluronic giúp duy trì độ ẩm và độ đàn hồi của da, thúc đẩy lành thương tốt, giảm cảm giác ngứa.
Cần lưu ý, các sản phẩm thoa chứa vaseline hiện nay không còn là lựa chọn hàng đầu, thay vào đó các chế phẩm thoa có dexpanthenol giúp làm lành tổn thương tốt hơn so với vaseline. Bệnh nhân cần thoa liên tục từ 4-10 lần/ngày để tăng hiệu quả tác động.
Chăm sóc da trong 1 tuần đầu tiên sau laser
Trong tuần đầu tiên, sự hình thành lớp mài do dịch tiết ở thượng bì có thể khiến da sậm hơn và dễ bị nhiễm trùng hơn. Do vậy, kháng sinh nên được tiếp tục sử dụng cùng với dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm giúp đẩy nhanh quá trình lành thương.
Ngoài ra, thành phần omega-3 (acid linoleic liên hợp) thường có trong dầu cá đã được chứng minh có đặc tính kháng viêm, chống oxy hoá mạnh và giúp ức chế sự giải phóng các chất trung gian gây viêm, nhờ đó thúc đẩy tái tạo biểu bì và cho hiệu quả làm lành tích cực. Omega-3 dung nạp tốt với nhiều làn da khác nhau.
Bên cạnh đó, yếu tố tăng trưởng thượng bì (EGF) từ liệu pháp tế bào gốc và các sản phẩm có chứa tế bào gốc hoặc huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) cũng có thể được bổ sung nhằm thúc đẩy quá trình lành thương, hỗ trợ làn da hồi phục nhanh chóng.
Giảm đau sau can thiệp thủ thuật laser
Đau và stress sau chấn thương có tác dụng bất lợi đối với quá trình lành thương, vì thế kiểm soát đau và giảm stress trong suốt quá trình hồi phục là rất cần thiết. Theo một nghiên cứu, sản phẩm Cicabio Pommade (Laboratoire Bioderma NAOS, Pháp) được chứng minh có tác dụng giúp giảm cảm giác khó chịu cho da sau khi can thiệp laser và hỗ trợ hồi phục da hiệu quả.
Thành phần cho tác dụng chủ yếu trong sản phẩm này là dẫn chất tyrosyl-arginine (sản xuất theo công nghệ antalgicin), một dạng acetyl hóa của kyotorphin. Đây là một peptide tự nhiên trong cơ thể có tác dụng cản trở nhận thức về cơn đau. Do vậy, việc sử dụng các sản phẩm có chứa dẫn chất kyotorphin sẽ giúp hỗ trợ giảm đau hiệu quả sau can thiệp bằng thủ thuật laser.
Cách chăm sóc da sau laser
Sau khoảng 1-2 tuần can thiệp thủ thuật laser, quá trình lành thương sẽ chuyển sang giai đoạn tái cấu trúc da. Trong giai đoạn này, mục tiêu chăm sóc da chủ yếu bao gồm việc tiếp tục chống nhiễm trùng và nuôi dưỡng mô. Nếu hồng ban hay phù nề vẫn còn, có thể trang điểm bằng các mỹ phẩm ít nguy cơ gây dị ứng (hypoallergenic make-up).
Sau 3-4 tuần, việc tránh nắng và sử dụng các sản phẩm chống tia cực tím là vô cùng quan trọng. Các sản phẩm chống nắng chứa các thành phần như micronized titanium dioxide, avobenzene, methoxycinnamate (octinoxate) hoặc d-panthenol nên được dùng vì chúng có tác dụng chống lại cả tia UVA và UVB.
Ngoài ra, các biện pháp che chắn khác cũng nên được thực hiện nhằm đảm bảo tối ưu hiệu quả chống nắng. Giai đoạn hồi phục sắc tố thường diễn ra sau 4 tuần, vì thế sau tuần thứ 4 cần sử dụng các sản phẩm có chứa những hoạt chất như hydroquinone (HQ), wildberry extract và kojic acid, vitamin C, retinoic acid nhằm giúp phòng ngừa và điều trị PIH.
Theo Goldman và cộng sự, nguyên tắc phòng ngừa và điều trị PIH sau laser xâm lấn bao gồm:
- Hydroquinon (HQ) nên bắt đầu sử dụng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của PIH và bắt đầu với nồng độ 2% thoa 1 lần mỗi ngày vào ban đêm để tránh UV, sau đó tăng dần lên 4% tùy theo khả năng dung nạp của từng người.
- Phối hợp HQ cùng với các hợp chất làm sáng da khác giúp tăng hiệu quả điều trị hơn là chỉ dùng mỗi HQ.
- Nếu PIH kèm theo hiện tượng viêm, corticosteroid thoa tại chỗ có thể được khuyến cáo sử dụng.
- Các sản phẩm làm sáng da có độ kích ứng tăng dần theo thứ tự: azelaic acid < kojic acid < 2% hydroquinone < tretinoin < 4% hydroquinone.
Xem thêm các bài viết liên quan
Phòng tránh tác dụng phụ sau laser
Nhằm phòng tránh các tác dụng phụ sau khi can thiệp thủ thuật laser, Bác sĩ Da liễu cần tư vấn và giải thích cho bệnh nhân hiểu vì sao nên tuân thủ điều trị và hậu quả nếu không tuân thủ điều trị. Ngoài ra, trước khi tiến hành thủ thuật, Bác sĩ cần cung cấp thông tin chi tiết về thủ thuật, thuốc và các sản phẩm cần sử dụng trước, trong và sau thủ thuật, bao gồm cả cách dùng, liều dùng và thứ tự sử dụng.
Đối với các loại thuốc và sản phẩm dùng trên da, lưu ý cần cân nhắc để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra. Kháng sinh, kháng siêu vi dự phòng cần cân lưu ý liều lượng và thời gian sử dụng phải phù hợp.
Bệnh nhân nên được cung cấp bảng ghi nhớ những việc cần tuân thủ sau laser và báo ngay cho Bác sĩ khi có xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Bệnh nhân cũng tuyệt đối không được sử dụng thêm thuốc hoặc các sản phẩm, liệu trình khác mà chưa có sự đồng thuận của Bác sĩ.
Cuối cùng, bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn, điều đó giúp Bác sĩ có thể theo dõi sát sao tiến trình hồi phục sau can thiệp laser.
Tóm lại, chăm sóc da hậu can thiệp thủ thuật laser là một quá trình cần lưu ý nhằm giúp da được phục hồi nhanh chóng và tránh để lại những tổn thương lâu dài. Làn da hậu can thiệp laser nếu không được chăm sóc và quản lý tốt sẽ rất có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hay bị xâm hại bởi các tác nhân từ môi trường như bụi bẩn, ánh nắng mặt trời…
Bệnh nhân sau khi thực hiện thủ thuật can thiệp laser nên được tư vấn và giám sát cách chăm sóc da bởi các Bác sĩ Da liễu tại các Phòng khám chuyên khoa như Doctor Acnes, điều đó giúp quá trình hồi phục da diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
- Teresa Truchuelo M., Maria V. “A cosmetic treatment based on the secretion of Cryptomphalus aspersa 40% improves the clinical results after the use of nonablative fractional laser in skin aging”. J Cosmet Dermatol . 2020 Mar;19(3):622-628
- Pahnke F., Peckruhn M., Elsner P. “[Pre- and post-interventional skin care for laser and peel treatments]”. Hautarzt . 2021 May;72(5):384-392
- Keyvan Nouri “Lasers in Dermatology and Medicine and Dermatologic Application”.Springer.com
- Boonchai W., Sathaworawong A., Wongpraparut C. “The sensitization potential of sunscreen after ablative fractional skin resurfacing using modified human repeated insult patch test”. J Dermatol Treat. 2015;26 (5):1–4
- Wei-Yu Chen , Chia-Lang Fang. “Risk assessment of excess drug and sunscreen absorption via skin with ablative fractional laser resurfacing : optimization of the applied dose for postoperative care”. Lasers Med Sci. 2013 Sep;28(5):1363-74
- Lee WR., Shen SC. “Erbium:YAG laser resurfacing increases skin permeability and the risk of excessive absorption of antibiotics and sunscreens: the influence of skin recovery on drug absorption”. Toxicol Lett. 2012 Jun 1;211(2):150-8