Mụn trứng cá là chứng rối loạn phổ biến nhất ở nhóm tuổi thanh thiếu niên, ảnh hưởng đến 90 – 95% nhóm tuổi này. Kẽm là một khoáng chất vi lượng quan trọng trong cơ thể con người, ngoài tác dụng tăng cường miễn dịch, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, kẽm cũng được chứng minh là có tác dụng với tình trạng mụn nhờ đặc tính kháng viêm và thúc đẩy sự phát triển của tế bào. Tuy nhiên, con người không thể tự tổng hợp kẽm mà phải được hấp thụ hằng ngày thông qua thực phẩm hoặc các nguồn bổ sung khác.
Vai trò của kẽm đối với da
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển, chuyển hóa xương, chức năng miễn dịch và làm lành vết thương. Đối với da, kẽm rất quan trọng vì có hàm lượng cao trong lớp biểu bì (khoảng 5% hàm lượng cơ thể). Thiếu kẽm nhẹ có thể gây da thô ráp và vết thương khó lành. Kẽm ở cả dạng nguyên tố hoặc ở dạng muối, đã được sử dụng như một phương pháp trị liệu trong nhiều thế kỷ. Các chế phẩm bôi tại chỗ như oxit kẽm, calamine hoặc kẽm pyrithione được dùng để bảo vệ da khỏi ánh sáng và làm dịu da. Kẽm còn được sử dụng để điều trị các tình trạng da liễu như mụn cóc, mụn trứng cá và rối loạn sắc tố.
Vai trò của kẽm trong điều trị mụn
Mụn trứng cá thường gặp ở thanh thiếu niên, gây ra do tắc nghẽn tuyến dầu và vi khuẩn. Thông thường, điều trị mụn bao gồm kháng sinh và retinoid. Tuy nhiên, tình trạng mụn kéo dài dai dẳng, hay tái phát cùng với tình trạng đề kháng kháng sinh đã thúc đẩy việc thử nghiệm các tác nhân mới trong điều trị mụn trứng cá. Nghiên cứu cho thấy kẽm, khi sử dụng dưới dạng bôi ngoài hoặc đường uống, có thể giảm viêm, ức chế vi khuẩn C. acnes và giảm hoạt động tuyến dầu. Kẽm còn giúp giảm đỏ, kích ứng, làm mờ sẹo mụn và cải thiện triệu chứng mụn cho những người thiếu kẽm.
Cách sử dụng kẽm điều trị mụn hiệu quả
Việc lựa chọn dạng bào chế kẽm để điều trị mụn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mụn, loại da và thói quen ăn uống.
- Kẽm đường uống: kẽm đường uống có hiệu quả đối với cả mụn trứng cá nhẹ và mụn trứng cá nặng do viêm hay do nhiễm khuẩn, cho nên đối với tình trạng mụn nặng nên bổ sung kẽm qua chế độ ăn uống hoặc viên kẽm bổ sung. Tuy nhiên, việc bổ sung kẽm bằng đường uống có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn và nôn.
- Kẽm dạng bôi ngoài da: ít tác dụng phụ hơn nhưng không hiệu quả bằng đường uống. Thuốc bôi phù hợp với tình trạng mụn trứng cá ở mức độ nhẹ và chế độ ăn uống hiện tại đang cung cấp đủ kẽm. Ngoài đặc tính chống viêm, kẽm bôi ngoài da có thể giúp loại bỏ vi khuẩn gây mụn trên da và giảm sản xuất dầu.
Liều dùng
Dạng uống: mức khuyến nghị hằng ngày là 11mg đối với nam giới trưởng thành và 8mg đối với nữ giới trưởng thành. Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tiêu thụ khoảng 11 – 12mg mỗi ngày. Lượng tối đa hằng ngày là 34mg đối với thanh thiếu niên và 40mg đối với người lớn. Quá liều kẽm có thể dẫn đến những ảnh hưởng đến đường tiêu hóa giống như đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn. Sử dụng kẽm quá liều cũng có thể khiến người dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng về thần kinh như yếu và tê ở tứ chi. Ngoài ra kẽm bổ sung có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn, bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc dùng cho các bệnh tự miễn. Vì vậy, cần hỏi ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm bổ sung kẽm liều cao.
Dạng bôi: cũng như bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào, kẽm bôi ngoài da cũng có thể gây mẩn đỏ hoặc kích ứng, đặc biệt đối với da nhạy cảm. Việc đánh giá nguy cơ dị ứng có thể giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ. Nên ngừng sử dụng kẽm dạng bôi tại chỗ nếu gặp tình trạng phát ban hoặc nổi mề đay sau khi sử dụng. Sử dụng nhiều sản phẩm trị mụn cùng một lúc cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp tình trạng dị ứng.
Lưu ý khi sử dụng kẽm trị mụn
Mọi sản phẩm dành cho da đều có thể gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, hãy kiểm tra nguy cơ dị ứng bằng cách:
- Thoa một lượng nhỏ sản phẩm lên một vùng da nhỏ, tránh xa khuôn mặt, chẳng hạn như bên trong cánh tay.
- Chờ trong 24h, nếu không có tác dụng phụ, có thể thoa lên mặt. Nếu xuất hiện mẩn đỏ, phát ban hoặc nổi mề đay, hãy ngừng sử dụng.
Cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm. Một số sản phẩm kẽm trị mụn yêu cầu tần suất và thời điểm sử dụng khác nhau. Có thể mất đến ba tháng để thấy rõ hiệu quả. Nếu không thấy sự cải thiện, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu về việc tiếp tục sử dụng hoặc bổ sung bằng đường uống.
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu của cơ thể giúp duy trì sức khỏe của làn da. Nhờ tác dụng chống viêm, kẽm đặc biệt có lợi cho tình trạng mụn và hạn chế sẹo mụn. Để sử dụng kẽm hiệu quả, bạn cần được đánh giá về tình trạng mụn, loại da, chế độ ăn uống hiện tại bằng cách thăm khám Bác sĩ Da liễu. Sau đó Bác sĩ sẽ quyết định hàm lượng kẽm cần bổ sung và dạng bào chế phù hợp cho bạn.
Tài liệu tham khảo
- Lin PH, Sermersheim M, Li H, Lee PHU, Steinberg SM, Ma J. “Zinc in Wound Healing Modulation“. Nutrients. 2017 Dec 24;10(1):16. doi: 10.3390/nu10010016. PMID: 29295546; PMCID: PMC5793244
- Gupta M, Mahajan VK, Mehta KS, Chauhan PS. “Zinc therapy in dermatology: a review“. Dermatol Res Pract. 2014;2014:709152. doi: 10.1155/2014/709152. Epub 2014 Jul 10. PMID: 25120566; PMCID: PMC4120804
- “Zinc: Everything You Need to Know“. Healthline