Trị mụn bằng nước vo gạo có hiệu quả không?

Ngày 13/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Nước vo gạo đã được sử dụng trong làm đẹp từ lâu đời và nhiều người tin rằng nó có thể giúp trị mụn hiệu quả. Liệu phương pháp này có thực sự có cơ sở khoa học hay chỉ là kinh nghiệm dân gian truyền miệng? Hãy cùng Doctor Acnes phân tích chi tiết để có cái nhìn rõ ràng hơn về khả năng điều trị mụn bằng nước vo gạo, từ đó giúp bạn đưa ra lựa chọn chăm sóc da hiệu quả và khoa học hơn.

Tại sao trị mụn bằng nước vo gạo được nhiều người áp dụng?

Nhiều người tin rằng nước vo gạo có thể trị mụn do các lợi ích truyền miệng từ dân gian. Sau đây là một số lý do cụ thể khiến nước vo gạo được đồn đoán là có thể trị mụn:

  • Giàu thành phần dinh dưỡng: nước vo gạo chứa nhiều vitamin nhóm B và vitamin E, có khả năng làm dịu da, giảm sưng đỏ và hỗ trợ tái tạo da. Tuy nhiên, hàm lượng của các thành phần này trong nước vo gạo thường không đủ cao để tạo hiệu quả điều trị mụn rõ rệt. Hiệu quả của nước vo gạo trong việc điều trị mụn vẫn chưa được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng, nhưng nhiều người tin rằng nó giúp da mịn và sáng hơn khi sử dụng thường xuyên.
  • Tác dụng tẩy tế bào chết: hàm lượng tinh bột cao trong nước vo gạo có thể hoạt động như một chất hấp thụ dầu nhờn tự nhiên. Tuy nhiên, hiệu quả rất hạn chế vì tinh bột này ở dạng dung dịch.
  • Dễ tìm và rẻ tiền: nước vo gạo là nguyên liệu dễ kiếm, có sẵn trong mọi gia đình và không tốn kém. So với các mỹ phẩm đắt tiền, đây được xem là một lựa chọn tiết kiệm cho nhiều người sử dụng.
  • Thông tin trên mạng xã hội: trên các diễn đàn, mạng xã hội có nhiều bài viết, video chia sẻ về cách trị mụn bằng nước vo gạo, tạo nên sự quan tâm và khiến nhiều người muốn thử nghiệm phương pháp này.
tại sao nước vo gạo trị mụn được nhiều người dùng
Nước vo gạo chứa nhiều vitamin nhóm B và vitamin E

Lý do nước vo gạo không hiệu quả trong việc trị mụn

Mặc dù nước vo gạo được cho là có nhiều thành phần dưỡng da và giúp trị mụn, đây không phải là phương pháp trị mụn hiệu quả vì các lý do sau:

  • Không giải quyết nguyên nhân gây mụn: mụn hình thành do nhiều yếu tố như thay đổi nội tiết tố, hoạt động quá mức của vi khuẩn, bã nhờn dư thừa và tế bào chết. Nước vo gạo không thể giải quyết các nguyên nhân gây mụn này.
  • Nguy cơ kích ứng da: nước vo gạo không phải lúc nào cũng an toàn cho mọi loại da. Các tạp chất như bụi bẩn hoặc nấm mốc trong gạo kém chất lượng có thể gây kích ứng, nhiễm trùng da.
  • Hiệu quả chưa được chứng minh: hiện tại, chưa có nghiên cứu khoa học nào xác nhận nước vo gạo có khả năng trị mụn hiệu quả. Dù nhiều người tin rằng dưỡng chất trong nước vo gạo có thể làm sạch da và ngăn ngừa mụn, nhưng chúng thường không đủ hoạt tính để có tác động lớn.
cách trị mụn bằng nước vo gạo
Nước vo gạo không giải quyết được nguyên nhân gây mụn

Xem thêm các bài viết liên quan

Gợi ý các phương pháp trị mụn an toàn và hiệu quả

Để điều trị mụn hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp đã được chứng minh qua các bằng chứng lâm sàng. Có hai nhóm phương pháp trị mụn chính gồm điều trị nội khoa và điều trị bằng công nghệ hóa lý. Sau khi mụn được kiểm soát, có thể duy trì bằng các loại mỹ phẩm hoặc thuốc không kê đơn như acid azelaic, AHA, BHA theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu.

Điều trị nội khoa

Điều trị bằng thuốc uống có 2 đại diện phổ biến là kháng sinh và isotretinoin. Những người có mụn trứng cá từ trung bình đến nặng sẽ cần liệu pháp trị mụn toàn thân với thuốc uống.

  • Thuốc kháng sinh: các kháng sinh như tetracyclin và erythromycin được chỉ định cho mụn viêm nhờ khả năng làm giảm lượng vi khuẩn gây mụn P. acnes trên bề mặt da và trong các nang lông. Tuy nhiên, phương pháp này có thể dẫn đến kháng thuốc, nên cần kết hợp với benzoyl peroxide đường bôi và các phương pháp điều trị khác.
  • Thuốc isotretinoin: được chỉ định trong những trường hợp mụn nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Isotretinoin là một retinoid có nguồn gốc từ vitamin A, hiệu quả trong việc giảm sản xuất bã nhờn và ly giải tế bào sừng. Tuy nhiên, isotretinoin có nhiều tác dụng phụ như khô da và niêm mạc, tăng men gan, gây quái thai, do đó cần được kê đơn và theo dõi chặt chẽ bởi Bác sĩ Da liễu.
ca lâm sàng trị mụn thành công tại doctor acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Điều trị bằng thuốc hoặc mỹ phẩm bôi ngoài da

  • Gel và kem chứa thành phần AHA và BHA: giúp tiêu sừng, kích thích tái tạo biểu bì và loại bỏ nhân mụn dưới da, phù hợp cho các làn da có lớp sừng dày. Tuy nhiên, vì có nguy cơ kích ứng, cần thận trọng khi sử dụng sản phẩm chứa các thành phần này.
  • Benzoyl peroxide: là chất kháng khuẩn tiêu diệt vi khuẩn P. acnes và tiêu nhân mụn nhẹ. Benzoyl peroxide thường có trong sữa rửa mặt, kem, hoặc gel, với nồng độ điều trị mụn từ 2,5% – 10%.
  • Gel hoặc kem chứa kháng sinh: bôi 1 – 2 lần mỗi ngày trong liệu trình 6 – 8 tuần, kết hợp với benzoyl peroxide hoặc retinoid để giảm nguy cơ kháng thuốc.
  • Retinoid (tretinoin hoặc adapalene): được chứng minh là có tác dụng giảm tiết bã nhờn, kháng viêm và tiêu sừng, rất hiệu quả trong điều trị mụn. Retinoid có thể kết hợp với kháng sinh hoặc benzoyl peroxide.
  • Các liệu pháp bôi ngoài da: phù hợp với mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. Hiệu quả thường thấy sau 4 – 6 tuần điều trị, với tác dụng phụ chính là kích ứng tại chỗ.

Các phương pháp điều trị mụn dùng công nghệ hóa lý

  • Peel da: là quy trình tái tạo bề mặt da bằng cách sử dụng các acid lành tính để loại bỏ tế bào da chết, thúc đẩy sự phát triển của làn da mới sáng hơn. Quy trình này không chỉ cải thiện tình trạng mụn mà còn giúp điều trị các vấn đề như da không đều màu, lão hóa và sẹo mụn. Các hoạt chất thường được sử dụng bao gồm salicylic acid, glycolic acid, trichloroacetic acid và retinol. Phương pháp này có thể điều trị hiệu quả cả mụn viêm và mụn không viêm.
  • Laser xung dài: có tác dụng giảm tiết bã nhờn, giảm viêm, loại bỏ lớp sừng quanh nang lông, kích thích tăng sinh collagen, phục hồi và trẻ hóa làn da. Laser tác động chọn lọc lên tổn thương do mụn viêm gây ra, khắc phục được nhược điểm của điều trị bằng thuốc toàn thân.
  • Ánh sáng xung mạnh (IPL): sử dụng nguồn ánh sáng đa sắc không liên tục với bước sóng từ 400 – 1200nm, tạo ra các gốc oxy tự do tiêu diệt vi khuẩn P. acnes, giảm tiết bã nhờn và thu nhỏ lỗ chân lông. IPL là lựa chọn an toàn và hiệu quả cho điều trị mụn từ nhẹ đến trung bình.
  • Quang động trị liệu (PDT): kết hợp liệu pháp ánh sáng với chất nhạy cảm ánh sáng để tạo ra các gốc tự do tiêu diệt tuyến bã nhờn và vi khuẩn P. acnes. Nguồn ánh sáng có thể là ánh sáng sinh học hoặc IPL, đem lại hiệu quả điều trị mạnh mẽ cho mụn.
  • Mesotherapy: là phương pháp xâm lấn tối thiểu đưa trực tiếp các hoạt chất trị mụn xuyên qua bề mặt da vào lớp trung bì hoặc các lớp sâu hơn bằng kim siêu nhỏ (34G). Mesotherapy thường đạt hiệu quả cao hơn so với việc chỉ bôi ngoài da. Một số hoạt chất thường dùng là salicylic acid, retinyl palmitate, pyruvic acid, kẽm, niacinamide, peptide…
điều trị mụn bằng phương pháp hiện đại
Một số phương pháp điều trị mụn tại Doctor Acnes

Nước vo gạo có thể giúp làm sạch và sáng da, nhưng hiệu quả trị mụn của nó rất hạn chế và chưa được chứng minh rõ ràng. Để có làn da khỏe mạnh và sạch mụn, hãy tìm kiếm các phương pháp trị liệu đã được khoa học chứng minh và nhận tư vấn từ chuyên gia da liễu. Nếu vẫn muốn sử dụng nước vo gạo theo kinh nghiệm dân gian, chỉ nên coi đây là một biện pháp bổ trợ. Để tìm hiểu thêm về các phương pháp trị mụn hiệu quả và nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp từ các Bác sĩ Da liễu, hãy liên hệ Phòng khám Da liễu Doctor Acnes ngay hôm nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Kraft J, Freiman A. “Management of acne“. CMAJ. 2011 Apr 19;183(7):E430-5. doi: 10.1503/cmaj.090374. Epub 2011 Feb 28. PMID: 21398228; PMCID: PMC3080563
  2. Jillian Levy, CHHC. “Rice Water for Hair & Skin: Does It Really Work?“. Dr.Axe
  3. Treatment Acne“. NHS

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84