Mụn trứng cá là một bệnh lý viêm mãn tính của đơn vị nang lông tuyến bã, gây ra bởi các cơ chế rối loạn sừng hóa cổ nang lông, tăng sản xuất bã nhờn, vi khuẩn gây mụn C. acnes và gia tăng quá mức của phản ứng viêm.
Các phương pháp điều trị mụn trứng cá hiện nay đều tác động đến một hoặc nhiều cơ chế gây bệnh trên, cụ thể như tác động giảm sừng hóa cổ nang lông, giảm sản xuất bã nhờn, diệt khuẩn, kháng viêm…
Bên cạnh những phương pháp điều trị nội khoa như thuốc bôi và thuốc uống, các thiết bị laser và ánh sáng cung cấp một giải pháp thay thế hoặc kết hợp nhằm tăng hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra… Sau đây BSCKI. Ninh Vũ Hoàng Tuấn sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về vai trò của laser trong điều trị mụn trứng cá.
Cơ chế tác động của các thiết bị laser và ánh sáng trong điều trị mụn
Các thiết bị laser và ánh sáng được sử dụng để điều trị mụn trứng cá có thể chia thành các nhóm khác nhau dựa trên mục tiêu được tác động đến:
- Tác động đến vi khuẩn C. acnes: tia UVA/UVB, ánh sáng xanh, ánh sáng kết hợp xanh và đỏ.
- Thay đổi cấu trúc tuyến bã: acid aminolevulinic (ALA) và liệu pháp quang động (PDT), laser hồng ngoại, radiofrequency (RF).
- Tác động cả vi khuẩn C. acnes và tuyến bã: laser xung màu (PDL), laser KTP, IPL.
Mục tiêu vi khuẩn C. acnes
Vi khuẩn C. acnes có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá, là vi khuẩn gram dương thường trú trên da, chúng tạo ra các porphyrin nội sinh như protoporphyrin, uroporphyrin và coproporphyrin III. Những porphyrin này hấp thu năng lượng ánh sáng ở khoảng bước sóng ánh sáng xanh và tia cực tím gần.
Việc tiếp xúc với các bước sóng ánh sáng được hấp thụ sẽ tạo ra các gốc tự do mạnh. Trong đó, oxy nguyên tử là gốc oxy hóa mạnh, mang đến tác dụng phá hủy lipid trong thành tế bào của vi khuẩn C. acnes.
Nhiều nguồn laser ánh sáng có thể tác động đến C. acnes như IPL, laser KTP (532nm), laser PDL (585 – 595nm), vì những nguồn sáng này có bước sóng tương ứng với đỉnh hấp thụ của porphyrin C. acnes.
Mục tiêu tuyến bã
Bã nhờn đóng vai trò quan trọng trong mụn trứng cá, các phương pháp laser tác động đến tuyến bã nhờn với mục tiêu làm giảm kích thước và lượng bã nhờn từ đó cải thiện tình trạng mụn trứng cá.
Các loại laser được ứng dụng trong điều trị mụn trứng cá
Hiện nay có nhiều loại laser khác nhau đã được ứng dụng để điều trị mụn trứng cá. Trong đó, laser Nd:YAG 1064nm là loại laser phổ biến nhất, với nhiều chứng cứ chứng minh hiệu quả trong điều trị mụn. Ngoài ra, còn có các loại laser khác được chứng minh có thể điều trị mụn trứng cá với các mức độ chứng cứ khác nhau như laser KTP, laser PDL, laser fractional CO2, laser Er:glass…
Laser Nd:YAG 1064nm
Laser Nd:YAG 1064nm là loại laser có bước sóng trong vùng hồng ngoại, là một trong những phương pháp điều trị mụn trứng cá mới, hiệu quả nhất do có bước sóng dài nên có khả năng xâm nhập sâu vào lớp bì.
Laser Nd:YAG điều trị mụn trứng cá thông qua một số cơ chế. Tia laser tác động đến lượng chất bã được sản xuất ra thông qua việc phá hủy tuyến bã nhờn, làm giảm lớp sừng quanh nang lông, đồng thời tia laser làm giảm sản xuất các cytokine gây viêm như IL-8, MMP-9, TLR-2, TNF-α…
Các bằng chứng hiện tại cho thấy rằng Laser Nd:YAG 1064nm là một lựa chọn an toàn và hiệu quả cho mụn trứng cá. Laser Nd:YAG có thể được sử dụng ở các chế độ xung khác nhau như Q-switch, bán xung dài Quasi long-pulse, xung dài long-pulse.
- Trong một nghiên cứu trên 40 bệnh nhân Hàn Quốc có type da IV-V, một nửa được điều trị mỗi tuần trong 5 tuần bằng laser Q-switch Nd:YAG, nửa còn lại được điều trị lấy nhân mụn mỗi tuần trong 5 tuần. Kết quả cho thấy nhóm điều trị laser cải thiện đáng kể các tổn thương mụn trứng cá và tăng sắc tố sau viêm (thâm mụn).
- Jung và cộng sự đã tiến hành một thử nghiệm trên 22 bệnh nhân mụn trứng cá có type da III-V. Dung dịch carbon (như một chất mang màu nhân tạo) được thoa lên một bên mặt, tiếp theo được điều trị bằng laser Nd:YAG, đầu tiên ở chế độ bán xung dài (quasi long pulse), sau đó là chế độ QS. Phương pháp này có hiệu quả trong việc giảm các tổn thương mụn viêm và không viêm lần lượt là 58,6% và 52,4%, với bằng chứng mô bệnh học là giảm sản lượng bã nhờn.
- Một nghiên cứu khác cho thấy 8 buổi điều trị laser Nd:YAG kết hợp 2 chế độ bán xung dài và QS mà không có dung dịch carbon thoa vẫn giúp giảm 81% các tổn thương mụn trứng cá.
- Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy laser Nd:YAG hiệu quả hơn IPL trong việc giảm các tổn thương mụn trứng cá không viêm. Trong một nghiên cứu tiền cứu trên 30 bệnh nhân mụn trứng cá với các tổn thương viêm và không viêm, những bệnh nhân này được điều trị 3 lần với laser Nd:YAG mỗi 2 tuần, cho thấy số lượng tổn thương không viêm giảm đáng kể 65,7% (so với 30,8% ở nhóm IPL). Cả 2 nhóm điều trị với laser và IPL đều cho thấy giảm tổn thương viêm (44% với nhóm điều trị laser và 35% với nhóm điều trị IPL), tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa.
Laser KTP 532nm
Cơ chế của tia laser KTP trong điều trị mụn trứng cá dựa trên sự kích hoạt các porphyrin của vi khuẩn để tạo ra các gốc tự do nhắm vào C. acnes. Tia laser cũng gây tổn thương nhiệt không đặc hiệu cho các tuyến bã nhờn.
Có một số nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng laser KTP để điều trị mụn trứng cá.
- Baugh và Kucaba đã tiến hành một nghiên cứu tách đôi mặt ở 25 bệnh nhân có type da I-III, so sánh 4 lần điều trị (2 lần điều trị mỗi tuần, trong 2 tuần) của laser KTP ở một nửa mặt so với nửa còn lại không điều trị, kết quả cho thấy mức độ mụn theo thang điểm MASS giảm 34,9% sau 1 tuần, Tuy nhiên, sau 4 tuần, mức độ mụn đã tăng trở lại, với mức giảm 20,7%.
- Trong một nghiên cứu khác, 38 bệnh nhân bị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ đến trung bình, type da I-III được điều trị laser KTP một hoặc hai lần mỗi tuần trong 4 tuần, cải thiện theo thang điểm MASS lần lượt là 31% và 40%.
Gần đây, laser KTP đã được sử dụng hiệu quả trong việc kết hợp với các loại laser và ánh sáng khác.
- Trong một nghiên cứu ở 8 bệnh nhân bị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng, các tác giả đã tiến hành 3 lần điều trị một bên mặt bằng ALA mỗi 3 – 4 tuần, sau đó là điều trị toàn mặt với 2 pass laser KTP. Tại thời điểm 12 tuần, mức độ cải thiện lần lượt là 32% ở bên chỉ điều trị laser KTP và 52% ở bên điều trị ALA và laser KTP theo thang điểm IGA. Kết quả cho thấy việc điều trị kết hợp ALA và laser KTP đem lại hiệu quả cao hơn trong mụn trứng cá.
Laser 585nm và 595nm (PDL)
Laser PDL trị mụn bằng cách nhắm vào mục tiêu oxyhemoglobin trong các mạch máu dưới da và tăng yếu tố TGF – β để ức chế sự tăng sinh tế bào sừng và ngăn chặn quá trình viêm, đồng thời cũng tăng sản xuất collagen cải thiện sẹo mụn.
Laser diode 1450nm
Ngoài các hiệu ứng tái tạo da, laser diode có thể nhắm mục tiêu đến tuyến bã nhờn để điều trị mụn trứng cá.
Laser Erbium:Glass 1540nm, 1550nm
Laser Er:Glass có bước sóng trong phạm vi hồng ngoại, gây ra sự phá hủy quang hóa các tuyến bã nhờn, để giảm các tổn thương mụn trứng cá, cải thiện kích thước lỗ chân lông và điều trị sẹo mụn.
Laser fractional CO2
Laser fractional CO2 là loại laser tái tạo bề mặt có bóc tách, tạo ra vùng bóc tách ở lớp thượng bì và một phần lớp bì với sự đông tụ mô xung quanh, gây ra tác động quang nhiệt với các tuyến bã nhờn vốn là một yếu tố gây bệnh trong mụn trứng cá. Từ đó, laser fractional CO2 đem lại hiệu quả điều trị mụn trứng cá.
Bảng giá dịch vụ laser tại Phòng khám Doctor Acnes
✅ Phương pháp | ✅ Giá | ✅ Giá HSSV |
⭐Laser 1064 nm xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.300.000 | 1.200.000 |
⭐Laser PDL xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) |
1.500.000 | 1.400.000 |
Hiện nay, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, rất nhiều loại laser đã được ứng dụng trong điều trị mụn trứng cá ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Tính an toàn và hiệu quả của laser trong điều trị mụn đã được chứng minh. Trong đó, laser Nd:YAG đã được khá nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả trong điều trị mụn.
Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân cần đến các Phòng khám chuyên khoa Da liễu như Doctor Acnes để được đội ngũ Bác sĩ có chuyên môn tư vấn tận tình.
Tài liệu tham khảo
- Monica K Li, Chaocheng Liu, Jeffrey T S Hsu. “The Use of Lasers and Light Devices in Acne Management: An Update”. Am J Clin Dermatol. 2021 Nov;22(6):785-800
- Reena Rai, Karthika Natarajan. “Laser and light based treatments of acne”. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2013 May-Jun;79(3):300-9
- Keyvan Nouri. “Lasers in Dermatology and Medicine”. Link.springer.com