Thuốc tiêm trị sẹo lồi có hiệu quả không? Giá bao nhiêu?

Ngày 09/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Sẹo lồi là một tình trạng khá phổ biến, gây mất thẩm mỹ và khiến người bị cảm thấy tự ti, khó chịu. Hiện có nhiều phương pháp điều trị đang được áp dụng, trong đó tiêm sẹo là phương pháp được ưa chuộng và được sử dụng phổ biến nhất. Vậy phương pháp tiêm trị sẹo có thật sự hiệu quả không và giá bao nhiêu? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân hình thành sẹo lồi

Sẹo lồi là kết quả của sự tăng sinh collagen quá mức trong giai đoạn chữa lành thương của cơ thể sau chấn thương, vết thương, mụn trứng cá… Sự bất thường này có liên quan đến một số yếu tố như các cytokine tăng trưởng, gen di truyền, nội tiết tố…

Sẹo lồi có đặc điểm nhô cao trên bề mặt da, có màu nâu, hồng hoặc đỏ tía, thường phát triển vượt ra ngoài ranh giới vết thương ban đầu. Bề mặt sẹo nhẵn, trơn và có thể gây ngứa, khó chịu. Sẹo lồi thường xuất hiện ở các vùng như ngực, vai, lưng trên, sau cổ, trước xương ức và dái tai. Chúng không thoái triển theo thời gian mà có xu hướng ngày càng phát triển, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và dễ tái phát.

sẹo lồi là gì
Sẹo lồi là kết quả của sự tăng sinh collagen quá mức trong giai đoạn chữa lành thương của cơ thể

Giới thiệu về phương pháp tiêm trị sẹo lồi

Hiện nay có nhiều phương pháp tiếp cận điều trị sẹo lồi, trong đó tiêm corticosteroid vào vết sẹo là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến. Bằng cách tiêm trực tiếp vào vết sẹo, thuốc có thể đạt nồng độ cao tại chỗ, kéo dài hiệu quả hơn so với việc bôi thuốc mà ít gây tác dụng phụ toàn thân. 

Trong các loại corticosteroid trên thị trường, triamcinolone acetonid (TAC) là loại được sử dụng rộng rãi nhất. Ngoài ra, các thuốc như 5-fluorouracil (5-FU), bleomycin, botulinum toxin A (BoNT) và interferon alfa-2b… cũng được sử dụng để làm giảm kích thước và ngăn ngừa sự phát triển của sẹo lồi.

Dưới đây là thông tin cụ thể về mức độ hiệu quả và tác dụng phụ của từng hoạt chất được sử dụng để tiêm sẹo lồi:

Corticosteroid (triamcinolone acetonid – TAC)

  • Cơ chế: corticoid được chứng minh làm giảm sự phát triển quá mức của vết sẹo thông qua nhiều cơ chế khác nhau bao gồm ức chế phản ứng viêm; co mạch làm giảm cung cấp oxy và dinh dưỡng cho mô sẹo; ức chế tế bào sừng và nguyên bào sợi do đó làm chậm quá trình tái tạo biểu mô và hình thành collagen mới; tăng hoạt động của enzyme collagenase giúp tăng phân huỷ collagen…
  • Hiệu quả: các nghiên cứu cho thấy đối với các vết sẹo diện tích rộng hay hẹp thì corticosteroid đều làm giảm kích thước và triệu chứng vết sẹo, đồng thời làm mềm sẹo. Tỷ lệ đáp ứng sau tiêm corticosteroid dao động từ 50 – 100% và tỷ lệ tái phát từ 9 – 50%. Nghiên cứu của Acosta và cộng sự (2016) cho thấy thể tích vết sẹo giảm 82.7% với số lần tiêm trung bình là 2.
  • Tác dụng phụ: đau tại vị trí tiêm, trường hợp tiêm quá sâu dẫn đến teo mô dưới da, tiêm quá nông dẫn đến giãn mạch và giảm sắc tố, nghiêm trọng nhất là hoại tử da và hội chứng Cushing được ghi nhận ở một số trường hợp. Nguy cơ biến chứng tại chỗ sẽ lớn hơn nếu thuốc vô tình bị tiêm vào mô bình thường xung quanh. Tác dụng phụ có thể được kiểm soát nhờ tiêm đúng kỹ thuật và lựa chọn liều thuốc thích hợp.
ca lâm sàng trị sẹo lồi
Ảnh trước và sau 2 đợt điều trị tiêm TAC ở một bé trai 3 tuổi có một vết sẹo lồi do chấn thương ở sau tai

5-FU

  • Cơ chế: 5-fluorouracil ức chế tăng sinh nguyên bào sợi làm giảm tổng hợp collagen.
  • Hiệu quả: nghiên cứu của Gupta và Kalra (2002) cho thấy 33.3% bệnh nhân có sự cải thiện rất tốt và 25% bệnh nhân cải thiện khá tốt về độ phẳng của vết sẹo sau 16 lần tiêm 5-FU nội sẹo.
  • Tác dụng phụ: đau tại vị trí tiêm, tăng sắc tố, kích ứng và loét, chưa ghi nhận tác dụng phụ toàn thân.

Bleomycin

  • Cơ chế: gây chết tế bào theo chương trình, hoại tử tế bào sừng, xơ hóa tế bào nội mô và ức chế tổng hợp collagen.
  • Hiệu quả: nghiên cứu của Bác sĩ Lê Thị Xuân (2018) cho thấy sau trung bình 4 lần điều trị, có 70.8% các vết sẹo phẳng hoàn toàn.
  • Tác dụng phụ: đau khi tiêm, phỏng nước, loét, tăng sắc tố tại chỗ, hiện chưa có tác dụng phụ toàn thân nào được ghi nhận.

Botulinum toxin A

  • Cơ chế: giảm sức căng bề mặt vết thương nhờ giảm co cơ vùng sẹo, ức chế hoạt động nguyên bào sợi thông qua giảm yếu tố tăng trưởng TGF-β1.
  • Hiệu quả: một số nghiên cứu cho rằng botulinum toxin A có hiệu quả tương đương corticosteroid trong việc cải thiện kích thước, chiều cao vết sẹo lồi, đồng thời giảm các triệu chứng đau và ngứa.

Quy trình tiêm trị sẹo lồi tại Doctor Acnes

Quy trình tiêm trị sẹo lồi thường được thực hiện cách nhau 4 – 6 tuần/lần. Mỗi đợt điều trị có thể kéo dài từ 4 – 6 tháng, hoặc kéo dài đến khi sẹo phẳng. Tại Doctor Acnes, quy trình tiêm được thực hiện theo các bước như sau:

  • Bước 1: bệnh nhân được Bác sĩ thăm khám và đánh giá mức độ sẹo từ đó mới có chỉ định về liều lượng và thời gian tiêm. 
  • Bước 2: sát khuẩn tại vị trí tiêm, có thể pha thuốc với thuốc tê tại chỗ để giảm đau trong quá trình tiêm.
  • Bước 3: Bác sĩ tiến hành luồn kim vào vết sẹo theo hướng song song bề mặt sẹo, vị trí chọc kim từ vùng da lành cách vết sẹo 0.3 – 0.5 cm. Thực hiện tiêm cho đến khi bề mặt sẹo trở nên nhạt màu hoặc hơi trắng.
  • Bước 4: sát trùng lại vùng điều trị để tránh nhiễm trùng.
bác sĩ thăm khám
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị sẹo lồi một cách an toàn và hiệu quả

Lợi ích và hạn chế của thuốc tiêm trị sẹo lồi

Dưới đây là những lợi ích và hạn chế của corticosteroid – thuốc tiêm được sử dụng nhiều nhất:

Lợi ích

  • Giảm kích thước và chiều cao vết sẹo: hiệu quả cải thiện sẹo đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu lâm sàng.
  • Giảm triệu chứng: giảm cảm giác ngứa, căng da và khó chịu do sẹo lồi gây ra.
  • Ít xâm lấn: tiêm sẹo nhẹ nhàng hơn so với phẫu thuật hay các thủ thuật áp lạnh, laser… và không cần thời gian phục hồi dài.
  • Phù hợp sẹo lồi kích thước khác nhau: phù hợp với sẹo lồi kích thước nhỏ và lớn, mang lại sự linh hoạt trong lựa chọn điều trị.

Nhược điểm

  • Tác dụng phụ: dù được gây tê tại chỗ nhưng bệnh nhân vẫn có thể có cảm giác đau trong quá trình thực hiện. Một số tác dụng phụ có thể gặp sau đó như teo da, giảm sắc tố, giãn mạch, hội chứng Cushing, suy tuyến thượng thận, mụn trứng cá do thuốc…
  • Cần lặp lại nhiều lần để đạt hiệu quả tối ưu.
hội chứng cushing do tac
Hội chứng Cushing là một trong những tác dụng phụ có thể gặp phải sau tiêm corticosteroid trị sẹo lồi

Các phương pháp khác hỗ trợ điều trị sẹo lồi

Có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào hoàn toàn hiệu quả cho tất cả các trường hợp sẹo lồi và tỷ lệ tái phát vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Thông thường, cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau để đạt kết quả tốt nhất.

  • Laser: được chia thành 2 loại là laser xâm lấn và không xâm lấn. Laser xâm lấn (laser Er:YAG và laser CO2) tác động giảm sẹo bằng cách bốc bay mô sẹo. Trong khi laser không xâm lấn (laser KTP, laser PDL, laser Nd:YAG…) nhắm vào lớp hạ bì để phá hủy chọn lọc mạch máu nhỏ trong mô sẹo, gây thiếu oxy mô dẫn đến thoái triển sẹo, ức chế sự tăng sinh nguyên bào sợi, giảm collagen type III. Có thể kết hợp liệu pháp laser với tiêm TAC, liệu pháp lạnh, gel silicone, băng áp lực… để giảm tỷ lệ tái phát.
phương pháp laser trị sẹo lồi
Phương pháp laser là một trong những phương pháp có thể áp dụng để hỗ trợ điều trị sẹo lồi
  • Liệu pháp áp lạnh: thủ thuật này sử dụng ni-tơ lỏng để đông lạnh sẹo lồi, gây hoại tử tế bào và mạch máu dẫn đến thiếu oxy ở mô. Tác dụng phụ là đau và mất sắc tố thường gặp vì tế bào hắc tố bị phá hủy do rất nhạy cảm với nhiệt độ lạnh.
  • Xạ trị: đây là một phương pháp an toàn và cho kết quả khả quan, thường được chỉ định sau phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi. Ban đỏ và đóng vảy là tác dụng phụ cấp tính thường gặp trong nhiều tuần ở vị trí chiếu xạ và thoái lui theo thời gian.
  • Phẫu thuật: cắt bỏ sẹo bằng phẫu thuật đơn thuần có tỷ lệ tái phát cao, từ 45 – 100%. Do đó, cần kết hợp phẫu thuật với các liệu pháp bổ trợ như tiêm corticosteroid, 5-FU, xạ trị hoặc liệu pháp áp lực để giảm tái phát.
  • Liệu pháp áp lực: đè ép lên tổn thương làm giảm oxy trong sẹo do tắc các mạch máu nhỏ, dẫn đến giảm tăng sinh nguyên bào sợi và giảm tổng hợp collagen. Có thể sử dụng quần áo, băng ép hoặc thiết bị đặc biệt cho một số vị trí nhất định như bông tai áp lực cho sẹo lồi ở dái tai.
các phương pháp trị sẹo lồi khác
Một số phương pháp khác có thể hỗ trợ điều trị sẹo lồi hiệu quả

Tiêm trị sẹo lồi giá bao nhiêu?

Chi phí tiêm sẹo lồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Kích thước vết sẹo.
  • Thời điểm điều trị: sẹo lồi khi được điều trị sớm sẽ tăng mức độ hiệu quả của quá trình điều trị, rút ngắn thời gian chữa sẹo.
  • Loại thuốc điều trị: tùy loại thuốc sử dụng sẽ có mức giá khác nhau.
  • Số lần tiêm: tùy vào đáp ứng của từng cá thể, tình trạng sẹo mà số lần tiêm rất khác nhau, có thể từ 1 – 6 lần hoặc nhiều hơn nữa.
  • Trang thiết bị và quy mô cơ sở điều trị: các Phòng khám Da liễu hoặc Bệnh viện ở khu vực trung tâm và trang bị máy móc điều trị hiện đại sẽ có giá cao hơn.

Giá tiêm sẹo lồi dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi lần tiêm. Nhìn chung, phương pháp tiêm sẹo lồi thường có chi phí thấp hơn so với các phương pháp điều trị khác như laser hoặc phẫu thuật, nhưng vẫn đem lại hiệu quả tốt trong nhiều trường hợp.

Bảng giá tham khảo dịch vụ tiêm sẹo lồi tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
Tiêm trị sẹo lồi (< 1cm) (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 400.000 400.000
Tiêm trị sẹo lồi (> 1cm) (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 600.000 600.000

Điều trị sẹo lồi đòi hỏi sự kiên nhẫn và kết hợp nhiều phương pháp với nhau, trong đó tiêm sẹo lồi là một phương pháp điều trị hiệu quả đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu lâm sàng và đang được ứng dụng tại Doctor Acnes. Hãy đến ngay Phòng khám Da liễu Doctor Acnes để được thăm khám và trải nghiệm liệu trình tiêm sẹo cùng các Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm.

Tài liệu tham khảo

  1. Morelli Coppola M, Salzillo R, Segreto F, Persichetti P. “Triamcinolone acetonide intralesional injection for the treatment of keloid scars: patient selection and perspectives“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2018 Jul 24;11:387-396. doi: 10.2147/CCID.S133672. PMID: 30087573; PMCID: PMC6063260
  2. Effectiveness of Intralesional Triamcinolone in the Treatment of Keloids in Children“. Wiley
  3. Huu ND, Huu SN, Thi XL, Van TN, Minh PPT, Minh TT, Van TH, Cam VT, Huyen ML, Hau KT, Gandolfi M, Satolli F, Feliciani C, Tirant M, Vojvodic A, Lotti T. “Successful Treatment of Intralesional Bleomycin in Keloids of Vietnamese Population“. Open Access Maced J Med Sci. 2019 Jan 29;7(2):298-299. doi: 10.3889/oamjms.2019.099. PMID: 30745985; PMCID: PMC6364735
  4. Ekstein SF, Wyles SP, Moran SL, Meves A. “Keloids: a review of therapeutic management“. Int J Dermatol. 2021 Jun;60(6):661-671. doi: 10.1111/ijd.15159. Epub 2020 Sep 9. PMID: 32905614; PMCID: PMC7940466
  5. Effectiveness of Intralesional Triamcinolone in the Treatment of Keloids in Children“. Wiley

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84