Sẹo rỗ đáy nhọn là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Được đăng bởi BS.CKI. Vũ Thúy Bình vào ngày 12/06/2024

Mụn trứng cá sau khi hồi phục có thể để lại các di chứng trên làn da như những vết tăng sắc tố hay các loại sẹo, trong đó, sẹo đáy nhọn là loại sẹo thường gặp nhất trong số các loại sẹo rỗ do mụn để lại. So với các loại sẹo lõm khác, sẹo đáy nhọn là một loại sẹo “cứng đầu”, việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn do đặc tính nhỏ và độ sâu của nó. Trong bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, các phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa cho loại sẹo này nhé.

Sẹo rỗ đáy nhọn là gì?

Sẹo đáy nhọn (ice pick scar) hay còn gọi là sẹo chân đá nhọn là một dạng sẹo mụn có hình dạng lõm hoặc rỗ. Như tên gọi của nó, những vết sẹo này xuất hiện trên làn da trông giống bị những viên đá nhọn đâm vào. Sẹo đáy nhọn xuất hiện sau những tổn thương của da, đặc biệt là tổn thương do mụn trứng cá và thường xuất hiện ở vùng má và mũi của bệnh nhân.

Biểu hiện của sẹo đáy nhọn là những sẹo có kích thước nhỏ hơn 2mm, đường kính sẽ thu nhỏ dần từ bề mặt đến đỉnh sâu nhất của sẹo, tạo thành hình dạng chữ V. Có thể thấy được đáy của sẹo nằm tận lớp trung bì sâu hoặc mô dưới da thông qua việc sử dụng các máy soi chuyên dụng. Đây là một tình trạng kéo dài vĩnh viễn, cần điều trị bằng các phương pháp xâm lấn mới đem lại hiệu quả.

Bảng phân loại sẹo rỗ
Phân loại sẹo Tỷ lệ Kích thước  Hình ảnh
Sẹo đáy nhọn (ice pick scar) 60 – 70% < 2mm Đường kính sẹo thu hẹp dần từ bề mặt đến đỉnh sâu nhất của sẹo, sâu tới lớp bì lưới hoặc thậm chí xuống tới hạ bì
Sẹo đáy vuông (boxcar scar) 20 – 30% 1 – 4mm Vết lõm bầu dục hoặc hình chữ nhật với các cạnh rõ ràng và đáy phẳng, sâu tới lớp bì nhú hoặc có thể tới lớp bì lưới ở những trường hợp nặng
Sẹo đáy tròn (rolling scar) 15 – 25% ≥ 4mm Có hình dạng lượn sóng hoặc dốc trên da, là loại sẹo rộng nhất nhưng độ sâu nông nhất, hiếm khi chạm tới lớp hạ bì lưới

Một tình trạng rất dễ nhầm lẫn với sẹo đáy nhọn đó chính là tình trạng lỗ chân lông to. Khác với sẹo đáy nhọn, lỗ chân lông to có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường với các đặc điểm như tất cả các lỗ chân lông trên da giãn to, da kém mịn, thường xuyên tiết nhiều dầu nhờn và xuất hiện mụn đầu đen ở trán, mũi, hai bên nếp mũi má, có thể nhận thấy được sự thay đổi lúc to ra hoặc nhỏ lại của các lỗ chân lông.

Nguyên nhân hình thành sẹo rỗ đáy nhọn

Khi da tổn thương bởi các nguyên nhân bên trong như mụn trứng cá hay các nguyên nhân bên ngoài như chấn thương, vết thương thì cơ thể sẽ khởi phát quá trình sửa chữa các vết thương trên da bằng cách kích thích các nguyên bào sợi sản xuất collagen. Nếu quá trình sản xuất collagen gặp bất thường, tùy vào mức độ có thể hình thành các loại sẹo khác nhau. Collagen sản xuất quá mức, tích tụ dày đặc có thể gây sẹo lồi, sẹo phì đại. Ngược lại nếu thiếu hụt collagen sẽ dẫn đến các loại sẹo lõm (sẹo rỗ), trong đó có sẹo đáy nhọn.

nguyên nhân sẹo đáy nhọn
Một số nguyên nhân hình thành sẹo đáy nhọn

Mụn trứng cá là nguyên nhân thường gặp nhất của sẹo rỗ, trong đó sẹo đáy nhọn chiếm tỉ lệ cao nhất, khoảng 60 – 70%. Mặc dù bất kỳ loại mụn nào cũng có thể gây sẹo nhưng nhìn chung nó thường xảy ra ở những người bị mụn trứng cá nặng hoặc sau những đợt bùng phát mụn nghiêm trọng. Đặc biệt, sẹo đáy nhọn thường thấy trong những trường hợp mụn nghiêm trọng như mụn nang hoặc mụn sẩn xuất hiện sâu trong lỗ chân lông.

Tình trạng viêm cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của sẹo mụn. Nếu hiện tượng viêm không được kiểm soát tốt do sự chậm trễ, trì hoãn hay sai sót trong quá trình điều trị, hoặc các hành vi như nặn mụn, cạy mụn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng; khi đó tình trạng viêm sẽ càng lan sâu vào da, càng dễ để lại sẹo mụn khi da lành.

Một số yếu tố nguy cơ khác dễ dẫn đến sẹo đáy nhọn có thể kể đến như thói quen hút thuốc lá, yếu tố di truyền (có người thân cơ địa dễ sẹo mụn)…

Cách điều trị sẹo đáy nhọn

Với đặc điểm miệng sẹo hẹp, hình dạng thu nhỏ dần từ bề mặt đến đỉnh sâu nhất và độ sâu tới lớp bì lưới hoặc thậm chí xuống tới hạ bì, việc điều trị sẹo đáy nhọn thường gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải điều trị kiên trì, tích cực và cần nhiều thời gian hơn các hình thái sẹo lõm khác. Mục tiêu của điều trị sẹo đáy nhọn không phải là làm loại bỏ hoàn toàn sẹo mà là giúp giảm mức độ lõm của sẹo, làm đáy sẹo trông đầy lên và cải thiện tổng thể làn da của người bệnh.

Các phương pháp điều trị hiện tại đều có chung một cơ chế chính là tác động nhân tạo vào sâu trong các lớp của da, tạo ra những vi tổn thương, từ đó kích thích cơ chế lành tự nhiên, giúp sẹo được hồi phục. Điều trị sẹo đáy nhọn hiện nay là đa trị liệu, các Bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp khác nhau, lập lại trong nhiều liệu trình để đạt được hiệu quả tối đa trong điều trị. Dưới đây là một số phương pháp thường dùng trong điều trị sẹo đáy nhọn.

Chemical reconstruction of skin scars technique (cross – tái tạo sẹo bằng hóa chất)

Tái tạo sẹo bằng hóa chất là một phương pháp phổ biến hiện tại có thể giúp khắc phục những khó khăn liên quan đến độ sâu của sẹo đáy nhọn, trong đó hóa chất thường dùng nhất là trichloroacetic acid (TCA). Độ sâu tác động được của phương pháp tùy thuộc vào nồng độ của TCA, nồng độ TCA càng cao thì mức độ ảnh hưởng càng sâu, giúp điều trị các vết sẹo sâu hơn. TCA là một chất có khả năng tự trung hòa, không bị hấp thu vào hệ tuần hoàn, do đó có thể sử dụng với nồng độ cao một cách an toàn.

Đối với phương pháp này, các Bác sĩ Da liễu sẽ kéo căng vùng da bị tổn thương sau đó dùng kim vô khuẩn để chấm trực tiếp TCA nồng độ cao lên các vết sẹo. TCA có thể gây cảm giác nóng rát nhẹ, tạm thời nhưng đồng thời sẽ tạo ra các phản ứng viêm nhỏ trên da, từ đó kích thích da tạo ra collagen, elastin và các chất nền, làm giảm độ sâu của sẹo. Đây là phương pháp điều trị có thể gọi là đặc hiệu cho sẹo đáy nhọn vì có thể sẽ không phù hợp với các hình thái sẹo khác như sẹo đáy tròn hay sẹo đáy vuông nông.

Punch excision (bấm cắt sẹo)

Đây là một trong những phương pháp được xem là hiệu quả nhất trong điều trị sẹo đáy nhọn. Punch excision sử dụng một thiết bị đục lỗ, có kích thước lớn hơn một chút so với vết sẹo để loại bỏ mô sẹo đến lớp mỡ dưới da, sau đó đóng lại tổn thương bằng chỉ khâu. Mục đích của phương pháp này nhằm tạo ra những vết sẹo mới có kích thước nhỏ hơn, mờ hơn, ít gây chú ý hơn so với những vết sẹo ban đầu.

Tuy nhiên, punch excision là một cuộc tiểu phẫu, do đó cần được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu. Ngoài ra, phương pháp này ít cải thiện kết cấu không đều và sự đổi màu xung quanh thường thấy ở vùng sẹo mụn nên vẫn cần phối hợp thêm với các phương pháp tái tạo bề mặt da khác để giúp tổng thể da trông bằng phẳng và đều màu hơn.

Laser bóc tách (ablative laser)

Có nhiều loại laser được sử dụng trong thẩm mỹ da liễu trong đó chỉ có các loại laser bóc tách (có xâm lấn) là mang lại hiệu quả cao trong điều trị sẹo đáy nhọn. Hai loại laser bóc tách phổ biến hiện tại là laser CO2 và laser Erbium (Er:YAG). Laser CO2 với bước sóng 10600nm làm bay hơi các phân tử nước tạo ra nhiệt năng gây bóc tách các lớp thương bì, bì nhú và cả bì lưới, từ đó kích thích tăng sinh collagen gây lành sẹo.

Các phản ứng phụ có thể bao gồm đau, đỏ da, rối loạn sắc tố da, nhiễm trùng… Cùng cơ chế đó nhưng với bước sóng ngắn hơn, khoảng 2940nm, laser Er:YAG sẽ tác động chủ yếu vào các lớp bên ngoài của da nhiều hơn, từ đó sẽ giảm thiểu vùng tổn thương do nhiệt, tỷ lệ tác dụng phụ thấp hơn cũng như thời gian lành vết thương nhanh hơn so với laser CO2, tuy nhiên hiệu quả tái tạo bề mặt da lại kém hơn so với laser CO2.

Radiofrequency microneedle (RF microneedle)

RF microneedle là phương pháp lăn kim siêu vi điểm tích hợp với sóng điện từ với tần số cao (sóng RF), áp dụng được cho tất cả các loại sẹo rỗ. Khác biệt với các phương pháp lăn kim thông thường, các Bác sĩ sẽ tích hợp sóng RF vào các mũi kim, nhờ đó khi đâm sâu vào da, sóng RF sẽ tác động vào các mô biểu bì của da, khiến các phần tử nước trong da nóng lên, sinh ra nhiệt năng kích thích sự tăng sinh của collagen giúp cải thiện các vết sẹo, da thêm mịn mà và săn chắc hơn.

So với các phương pháp laser xâm lấn, sóng RF có thể tác động sâu hơn vào tận các lớp trung bì và hạ bì. Điều này khiến cho RF microneedle có hiệu quả cao hơn laser trong điều trị sẹo đáy nhọn. Ngoài ra, RF microneedle còn có một số ưu điểm khác như giảm nguy cơ nhiễm trùng, thời gian chăm sóc và theo dõi ít hơn, một số nghiên cứu cho thấy RF microneedle còn giúp phá hủy chọn lọc tuyến bã, từ đó giảm sản xuất bã nhờn, giảm hình thành mụn trứng cá.

Cách điều trị sẹo đáy nhọn
Một số phương pháp điều trị sẹo đáy nhọn hiệu quả hiện nay

Cách phòng ngừa sẹo đáy nhọn

Phần lớn nguyên nhân gây ra sẹo rỗ nói chung và sẹo đáy nhọn nói riêng là từ các tổn thương gây ra do mụn trứng cá. Cách tốt nhất để phòng ngừa sẹo mụn chính là điều trị sớm và dự phòng các đợt bùng phát mụn trứng cá trong tương lai. Khi bị mụn trứng cá nặng, cần được tư vấn và chọn lựa cách điều trị phù hợp dưới hướng dẫn của các Bác sĩ Da liễu. Một số phương pháp có thể giúp ngăn ngừa sự bùng phát mụn trứng cá trong tương lai cũng như sẹo đáy nhọn như:

  • Tránh không sờ, cào gãi, cạy vào vùng da mụn, vùng da tổn thương bằng tay.
  • Làm sạch da nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh, tránh dùng các loại xà phòng hoặc các chất tẩy rửa có tính kích thích, bào mòn da mạnh.
  • Nắm rõ tính chất làn da của bản thân, từ đó lựa chọn được các loại mỹ phẩm non – comedogenic hay oil – free nhằm giữ da thông thoáng, sạch sẽ, tránh bít tắc lỗ chân lông gây mụn.
  • Thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống bao gồm tập thể dục, giảm cân, tránh thức khuya, giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng kéo dài, đảm bảo chế độ đủ chất dinh dưỡng, không ăn đồ cay nóng, chiên rán, dầu mỡ, đồ ngọt, không dùng các chất kích thích.
ca lâm sàng trị sẹo đáy nhọn
Ca lâm sàng trị sẹo rỗ thành công tại Doctor Acnes

Xem thêm các bài viết liên quan

Đặt lịch điều trị sẹo đáy nhọn uy tín ở đâu tại TP. HCM?

Bạn đang gặp vấn đề về sẹo đáy nhọn gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như tâm lý của bản thân? Hãy đến ngay Phòng khám Da liễu Doctor Acnes – một địa chỉ điều trị các bệnh lý về da uy tín tại TP. HCM, để được xác định rõ tình trạng da của mình và có phương pháp điều trị phù hợp. Tại Doctor Acnes, các bạn sẽ được trực tiếp thăm khám và điều trị bởi các Bác sĩ Da liễu có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị sẹo mụn, được tiếp cận với các phác đồ điều trị chuyên sâu, cá thể hóa cho từng khách hàng, các công nghệ điều trị sẹo mụn hiện đại nhất thế giới hiện nay, thuốc, mỹ phẩm đạt chuẩn y khoa.

Quy trình thăm khám với Bác sĩ Da liễu như sau:

  • Bác sĩ sẽ thăm khám để hiểu rõ về tình trạng sẹo, lịch sử điều trị và mong muốn điều trị của bạn.
  • Bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị phù hợp và trực tiếp thực hiện các phương pháp này.
  • Được theo dõi sau mỗi liệu trình để đảm bảo hiệu quả tối ưu, Bác sĩ sẽ điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu cần thiết.
thăm khám bác sĩ khi điều trị sẹo đáy nhọn
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được điều trị sẹo rỗ một cách an toàn và hiệu quả

Bảng giá dịch vụ laser fractional với eCO2 plus tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐Laser fractional eCO2 Lutronic chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.500.000 1.400.000
⭐RF microneedle Sylfirm X chuẩn FDA trị sẹo
(thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu)
1.500.000-1.900.000 1.400.000-1.800.000
⭐Cross TCA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 500.000 450.000

Sẹo đáy nhọn là loại sẹo rỗ do mụn trứng cá thường gặp nhất. Việc điều trị sẹo đáy nhọn gặp nhiều khó khăn hơn so với các loại sẹo khác do đặc tính nhỏ và độ sâu của nó, đòi hỏi các biện pháp điều trị chuyên biệt có thể tác động vào các tầng sâu của da. Mục tiêu của điều trị sẹo đáy nhọn là giúp giảm mức độ lõm của sẹo, làm đáy sẹo trông đầy lên và cải thiện tổng thể làn da của người bệnh. Đây là một quá trình lâu dài, cần sự đánh giá, tham vấn kĩ càng của các Bác sĩ Da liễu để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và sự hợp tác, kiên trì, tuân thủ điều trị của bệnh nhân để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Hi vọng qua bài viết này, Doctor Acnes đã mang đến cho bạn những kiến thức cơ bản về sẹo đáy nhọn và các phương pháp điều trị và phòng ngừa. Khi gặp các vấn đề về mụn trứng cá cũng như sẹo rỗ, hãy đến gặp các Bác sĩ Da liễu càng sớm càng tốt, để có thể điều trị hiệu quả mụn trứng cá, ngăn ngừa hình thành sẹo rỗ hoặc để lựa chọn được liệu trình, phác đồ điều trị sẹo rỗ phù hợp với từng tình trạng da cũng như kinh tế của bản thân nhé!

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. What to know about Ice Pick Scars?”. WebMD
  2. Ice Pick Scars: Why it happens and what you can do”. Healthline
  3. How to treat and prevent ice pick scars”. Verywellhealth
  4. Ice Pick Scars: causes, treatments and prevention”. SkinKraft
  5. 5 types of acne scars and how to treat them”. Healthline
  6. Gozali MV, Zhou B. “Effective treatments of atrophic acne scars“. J Clin Aesthet Dermatol. 2015 May;8(5):33-40. PMID: 26029333; PMCID: PMC4445894
  7. Tam C, Khong J, Tam K, Vasilev R, Wu W, Hazany S.” A Comprehensive Review of Non-Energy-Based Treatments for Atrophic Acne Scarring“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2022;15:455-469. Published 2022 Mar 14. doi:10.2147/CCID.S350040
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84