Sẹo dạng sẩn hay sẹo đá cuội (papular scar): đặc điểm và cách điều trị

Ngày 22/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(2)

Sẹo dạng sẩn (papular scar), còn gọi là sẹo đá cuội, là một trong những loại sẹo phổ biến xuất hiện sau quá trình lành vết thương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và tự tin của người mắc phải. Những nốt sẹo này thường xuất hiện sau mụn trứng cá hoặc các tổn thương da khác, khiến bề mặt da trở nên không đều màu và gồ ghề. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân hình thành sẹo dạng sẩn và các phương pháp điều trị hiệu quả để cải thiện làn da.

Đặc điểm lâm sàng

Sẹo mụn có thể xuất hiện với nhiều hình thái khác nhau, có thể là sẹo lõm (atrophic scar) hoặc sẹo lồi (gồm 2 loại chính là sẹo phì đại – hypertrophic scar và sẹo lồi – keloide scar). Sẹo lõm thường được phân thành ba loại chính là sẹo đáy nhọn (ice pick scar), sẹo đáy tròn (rolling scar) và sẹo đáy vuông (boxcar scar). Việc xác định đúng loại sẹo là rất quan trọng để quyết định phương pháp và hiệu quả điều trị.

Ngoài các loại sẹo trên, sẹo dạng sẩn hay sẹo đá cuội (papular scar) cũng là một loại sẹo mụn phổ biến, thường gặp ở bệnh nhân mụn trứng cá. Loại sẹo này lần đầu tiên được đề cập bởi Wilson vào năm 1990, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu về nó.

Sẹo dạng sẩn hay sẹo đá cuội (papular scar) có những đặc điểm sau:

  • Những sẩn giống như đá cuội, có màu da, mềm và nhô cao trên bề mặt da.
  • Kích thước từ 3 – 4mm, chúng trở nên mờ và nhỏ hơn khi căng da hoặc khi gương mặt biểu cảm, chẳng hạn như khi mỉm cười, đây là đặc điểm phân biệt với sẹo phì đại hay sẹo lồi.
  • Có thể phân bố ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng hay gặp ở cằm, mũi và lưng.
  • Đôi khi sẹo dạng sẩn bị nhầm lẫn với mụn trứng cá và không đáp ứng với các biện pháp điều trị mụn thông thường.
Mụn sẩn - Doctor Acnes
Sẹo đá cuội hay sẹo dạng sẩn (papular scar)

Sẹo dạng sẩn là kết quả của sự phá hủy sợi collagen và elastin sau khi bị mụn viêm. Thâm nhiễm tế bào lympho quanh mạch máu nông, giãn mạch, xơ hóa quanh phần phụ của da phù hợp với tổn thương sẹo.

Một nghiên cứu ở Vương Quốc Anh cho thấy trong số 149 bệnh nhân điều trị sẹo có 4% bệnh nhân có sẹo dạng sẩn ở mũi và cằm. Nghiên cứu cũng cho thấy loại sẹo này gặp ở nam giới nhiều hơn.

Xem thêm bài viết: Phân biệt sẹo lồi và sẹo phì đại

Phương pháp điều trị sẹo đá cuội

Nhìn chung sẹo dạng sẩn là dạng sẹo khó điều trị, tuy nhiên có một vài phương pháp được chứng minh là có hiệu quả.

Ca lâm sàng sẹo dạng sẩn - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị sẹo đá cuội thành công tại Doctor Acnes

Điều trị sẹo đá cuội băng kỹ thuật pinhole

Phương pháp điều trị này sử dụng laser bóc tách như laser CO2, laser Er:YAG tạo các lỗ trên bề mặt sẹo, nhiều lỗ được tạo ra bởi laser với khoảng cách 1 – 3mm.

Bài nghiên cứu “The pinhole method using an Erbium: YAG laser for the treatment of papular acne scars” của tác giả Sang Ju Lee đã thực hiện điều trị sẹo dạng sẩn cho 2 bệnh nhân nữ bằng kỹ thuật pinhole sử dụng laser Er:YAG. Kết quả cải thiện đáng kể đã được ghi nhận ở cả 2 bệnh nhân, tác dụng phụ bao gồm đau nhẹ trong thủ thuật, ban đỏ sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần.

Hiệu quả điều trị mụn sẩn - Doctor Acnes
Sự cải thiện đáng kể sẹo dạng sẩn sau điều trị trong nghiên cứu của tác giả Sang Ju Lee

Bên cạnh đó, nghiên cứu “Ablative Carbon Dioxide Laser Treatment for Papular Scars of Nose and Chin Due to Acne: A Case Series” của Sanjeewani Fonseka, tác giả đã sử dụng laser CO2 để điều trị sẹo dạng sẩn ở cằm và mũi cho 5 bệnh nhân (3 nữ, 2 nam). Kết quả cho thấy sau đợt điều trị đầu tiên, các vết sẹo dạng sẩn được cải thiện khoảng 50%. Trong đó, 2 bệnh nhân trải qua 4 lần điều trị đạt sự cải thiện lên đến 80%.

Tuy số ca điều trị trong 2 nghiên cứu trên vẫn còn rất ít, nhưng hiệu quả của phương pháp pinhole trong điều trị sẹo dạng sẩn rất đáng khích lệ, mở ra hy vọng đem đến một phương pháp điều trị hiệu quả cao đối với loại sẹo này.

Hiệu quả điều trị - Doctor Acnes
Hiệu quả điều trị sẹo dạng sẩn trong nghiên cứu của Sanjeewani Fonseka

Điều trị sẹo đá cuội bằng kỹ thuật Intralestional Radiofrequency (ILRF)

Kỹ thuật này sử dụng kim nhỏ có kích thước 27G đưa vào trong nốt sẹo, năng lượng sóng RF được phân phối tới đầu kim ở trong nốt sẹo. Kỹ thuật được mô tả trong bài báo cáo “Intralesional radiofrequency with a thin hypodermic needle in the management of papular acne scars” của tác giả Suman Patra.

Hiệu quả trị sẹo - Doctor Acnes
Hiệu quả điều trị sẹo dạng sẩn của phương pháp ILRF trong bài báo cáo của tác giả Suman Patra

Papular scar hay còn gọi là sẹo dạng sẩn – sẹo đá cuội là một dạng sẹo khá thường gặp ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá, tuy nhiên chưa được đề cập và quan tâm nhiều. Dạng sẹo này điều trị còn tương đối khó khăn, hầu như đáp ứng khá kém với những phương pháp điều trị sẹo rỗ thông thường.

Phương pháp pinhole và ILRF là các phương pháp điều trị đã được chứng minh có hiệu quả tốt để điều trị loại sẹo này. Liên hệ Phòng khám Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu trực tiếp tư vấn các phương pháp phù hợp điều trị tình trạng sẹo dạng sẩn.

Tài liệu tham khảo

  1. Sang Ju Lee. “The pinhole method using an erbium: YAG laser for the treatment of papular acne scars”. 2017
  2. Suman Patra. “Intralesional Radiofrequency for Papular Acne Scars”. Indian Dermatol Online J. 2019 Jul-Aug; 10(4): 486–487
  3. Stephanie D.Gan. “Papular scars: an addition to the acne scar classification scheme”. J Clin Aesthet Dermatol. 2015;8(1):19-20
  4. Sanjeewani Fonseka. “Ablative Carbon Dioxide Laser Treatment for Papular Scars of Nose and Chin Due to Acne: A Case Series”

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 2

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84