Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần kiêng một số loại thực phẩm sau khi nặn mụn. Nhưng thực tế điều này không cần thiết. Trái lại bạn cần một số thực phẩm đặc biệt để hỗ trợ cho việc lành thương tốt hơn. Để biết cách lựa chọn thức ăn phù hợp sau nặn mụn, hãy tìm hiểu cùng Doctor Acnes qua bài viết sau đây nhé.
Sau khi nặn mụn không nên ăn gì?
Hiện tại chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy sau khi nặn mụn nên kiêng những loại thực phẩm nào, hay nói cách khác, sau khi nặn mụn không cần phải kiêng gì cả.
Học viện Da liễu Hoa Kỳ đã công bố các khuyến nghị trong năm 2007 gợi ý rằng hạn chế calo không có lợi ích trong việc điều trị mụn trứng cá và không có đủ bằng chứng để kết luận việc tiêu thụ một số thực phẩm ảnh hưởng đến mụn trứng cá.
Thay vì kiêng những thực phẩm không cần thiết, chúng ta cần bổ sung những loại thực phẩm hỗ trợ tốt cho quá trình lành thương và quan tâm đến các yếu tố khác như chăm sóc da, vệ sinh, chế độ sinh hoạt.
Chế độ ăn uống sau khi nặn mụn như thế nào?
Chế độ ăn uống giúp vết thương nhanh lành sau khi nặn mụn
Sau nặn mụn, da thường có vết thương nên cần có chế độ chăm sóc phù hợp để lành thương nhanh chóng. Bằng chứng đã cho thấy việc bổ sung kẽm, protein, vitamin C sẽ giúp vết thương mau lành và giúp tăng sinh collagen.
- Kẽm: là một khoáng chất dinh dưỡng quan trọng trong sự phát triển của da cũng như điều chỉnh quá trình trao đổi chất và nồng độ hormone. Lợi ích của kẽm thể hiện qua một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế Nghiên cứu BioMed (BioMed Research International Journal), các nhà nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa nồng độ kẽm trong máu và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Nghiên cứu đã cho thấy hàm lượng kẽm thấp có liên quan đến các trường hợp mụn trứng cá nghiêm trọng hơn. Vì vậy cần tăng lượng kẽm trong chế độ ăn uống cho những người bị mụn trứng cá nặng.
- Vitamin C: là thành phần thiết yếu tham gia vào tất cả các giai đoạn chữa lành vết thương. Sự thiếu hụt vitamin C có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất collagen và hình thành sẹo.
- Protein: giúp cung cấp cung cấp nguyên liệu cho sự phát triển mô, đổi mới tế bào và sửa chữa trong suốt quá trình chữa lành vết thương. Thành phần này đóng vai trò trong tổng hợp RNA và DNA, collagen và hình thành mô, chức năng hệ thống miễn dịch, tăng trưởng biểu bì và keratin hóa.
Như vậy, một số thực phẩm mà bạn có thể cân nhắc cho quá trình lành thương sau nặn mụn được tốt hơn như hàu, đạm động vật và thực vật.
- Hàu: cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm protein và chất chống oxy hóa, 85 gram hàu nấu chín chứa 51.8 miligam kẽm và được cho là một trong những thực phẩm giàu kẽm nhất.
- Thịt động vật: cung cấp chất đạm, các vi chất dinh dưỡng, vitamin nhóm B. Các chất này hỗ trợ quá trình hấp thu kẽm trong cơ thể một cách thuận lợi. Thành phần kẽm có trong từng loại thịt động vật là khác nhau. Trung bình, một khẩu phần khoảng 100 gram thịt bò chứa 4.8 mg kẽm.
- Các loại đậu và hạt: chứa một lượng kẽm đáng kể. Đậu xanh chứa nguồn lớn kẽm. Một khẩu phần đậu xanh (100 gam) chứa 1.5 miligam kẽm và nửa cốc đậu tây có 0.9 miligam.
Các thực phẩm giúp ngừa thâm sau khi nặn mụn
Để phòng ngừa thâm sau nặn mụn, bạn nên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin C, A, E, omega 3 và các thành phần chống oxy hóa có tác dụng ức chế hình thành melanin.
- Vitamin A: có thể giúp loại bỏ các đốm đen bằng cách đẩy nhanh quá trình tái tạo biểu bì, hoạt chất này có thể kích hoạt các thụ thể trong da điều chỉnh sự phát triển của tế bào, đảm bảo sự biệt hóa lành mạnh hơn. Điều này giúp da giảm tăng sắc tố đồng thời ngăn chặn việc tiếp tục sản xuất melanin. Loại vitamin này có đặc tính hoạt động như một hàng rào bảo vệ da chống lại sự đổi màu, viêm nhiễm và lỗ chân lông bị tắc thường do các gốc tự do gây ra.
- Vitamin E: còn được gọi là tocopherol, là một chất chống oxy hóa tốt trong chăm sóc da. Nó hoạt động bằng cách bảo vệ da khỏi tác hại oxy hóa do ô nhiễm và ánh nắng mặt trời. Vì vitamin E hòa tan trong dầu nên khá ổn định và có thể tác động sâu vào da hơn vitamin C.
- Vitamin C: vitamin C ở hàm lượng 1000 mg giúp ức chế sản sinh ra melanin, nhờ đó da sáng hơn và giảm tình trạng tăng sắc tố sau viêm.
- Các chất chống oxy hóa và omega-3: có vai trò kháng viêm, nhờ đó giảm nguy cơ tăng sắc tố sau viêm. Omega-3 là một loại chất béo được tìm thấy trong một số nguồn protein thực vật và động vật, chẳng hạn như cá biển và trứng. Chất chống oxy hóa là hóa chất trung hòa các độc tố có hại trong cơ thể. Khi sử dụng cùng với nhau, omega-3 và chất chống oxy hóa được cho là có tác dụng giảm viêm. Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tăng tiêu thụ omega-3 và chất chống oxy hóa với việc giảm mụn trứng cá. Các nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy những người bổ sung omega-3 và chất chống oxy hóa hàng ngày có thể vừa giảm mụn trứng cá vừa cải thiện sức khỏe tâm thần của họ.
Một số loại thực phẩm giàu vitamin A, C, omega 3 và các chất chống oxy hóa mà bạn có thể cân nhắc như:
- Cải xoăn: cải xoăn vượt trội hơn các thành viên khác trong họ bắp cải vì nó có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Là thực phẩm giàu chất xơ, siêu thực phẩm ít calo này chứa nhiều vitamin A, B6, C và K, các khoáng chất như mangan, calci, đồng, kali, magie. Các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất trong cải xoăn có tác dụng làm giảm tình trạng tăng sắc tố, đây là chìa khóa để làm đều màu da.
- Khoai lang: beta-carotene có trong khoai lang khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A. Có tác dụng chống lại sự đổi màu, viêm nhiễm và lỗ chân lông bị tắc thường do các gốc tự do gây ra.
- Bí ngô: là một loại thực phẩm chứa nhiều enzym trái cây, kẽm và acid alpha hydroxy, chất chống oxy hóa, bí ngô có thể làm mềm da và khôi phục lại sự cân bằng độ pH. Ngoài ra, kẽm giúp điều chỉnh sản xuất dầu và chất chống oxy hóa trong bí ngô có thể giúp bảo vệ da khỏi sự tổn hại do các gốc tự do, giúp giảm viêm nhiễm và kích thích quá trình lành thương.
- Chanh vàng: là một nguồn thực phẩm giàu vitamin C và acid citric, chanh vàng được biết đến với tác dụng giải độc và có tính chất làm se do mức độ acid của nó. Các thành phần có độ pH thấp có thể giúp giảm viêm và giảm lượng dầu góp phần hình thành mụn trứng cá đồng thời làm sáng các vết thâm hoặc sẹo mụn.
- Các loại quả mọng: các loại quả mọng như dâu tây, anh đào, quả mâm xôi, quả việt quất đều có nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, những chất này cũng có thể được tìm thấy trong ớt chuông, kiwi và bông cải xanh.
- Đu đủ: chứa một loại enzyme tiêu hóa gọi là papain. Trên bề mặt da, papain đủ mạnh để tẩy tế bào da chết, làm thông thoáng lỗ chân lông, làm mờ sẹo mụn, dưỡng ẩm cho da. Đu đủ chứa nhiều vitamin A, C và K, vitamin B (bao gồm folate), kali, magie, calci.
- Cá hồi: cá hồi còn nguyên da là nguồn cung cấp acid béo omega-3 tốt nhất, nhưng cá mòi, cá thu và cá cơm cũng là những lựa chọn tuyệt vời. Omega-3 bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, giảm nguy cơ phát triển các đốm nâu do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Cá hồi cũng là nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa, protein, vitamin B, kali, selen.
- Súp lơ: chứa một loại acid amin có lợi cho da là histidine. Tia UV trong ánh sáng mặt trời có thể làm nặng hơn tình trạng tăng sắc tố, nhưng histidine ngăn chặn tia UV tàn phá làn da. Một chén súp lơ sống cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin B6, C và K, folate, phospho, magie.
Hạn chế các thực phẩm gây mụn
Để phòng ngừa mụn quay trở lại, cần tránh thực phẩm có chỉ số GI cao và các sản phẩm làm từ sữa.
Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống hiện đại của phương Tây có thể làm tăng khả năng bị mụn trứng cá, có thể là do chúng thường có GI cao. GI là một cách đo tốc độ thức ăn làm tăng lượng đường trong máu của cơ thể.
Nghiên cứu ở Canada cho thấy khi những người sử dụng những thực phẩm như soda, sữa và thực phẩm chế biến sẵn làm tăng tỷ lệ mụn trứng cá. Một số thực phẩm có GI cao bao gồm đồ ngọt như kẹo, bánh ngọt, carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, ngũ cốc ngọt.
Vì vậy, để tránh mụn tái phát, nên thay đổi các loại thực phẩm sử dụng sang thực phẩm có chỉ số GI thấp. Các loại tinh bột có chỉ số GI thấp bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại hạt có vỏ, trái cây và rau củ không qua xử lý.
Xem thêm các bài viết liên quan
Những điều cần chú ý sau khi nặn mụn
Bên cạnh chế độ ăn uống, bạn nên chăm sóc da đúng cách để giúp da hồi phục tốt. Dưới đây là một số lời khuyên để chăm sóc da sau khi nặn mụn:
- Sát khuẩn da kỹ trước và sau khi nặn mụn.
- Tránh sử dụng các mỹ phẩm chăm sóc da chứa các thành phần như acid cồn khô, hương liệu và chất bảo quản, các chất tẩy tế bào chết cơ học vì có thể gây kích ứng và tổn thương da, làm chậm quá trình phục hồi của da.
- Tham khảo ý kiến của Bác sĩ về thời điểm có thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm trị mụn để hạn chế gây kích ứng da, đặc biệt những trường hợp da nhạy cảm.
- Có thể lựa chọn một số cách giảm viêm và làm dịu da sau nặn mụn, các sản phẩm bôi có chứa thành phần kháng khuẩn, kháng viêm dịu nhẹ như lô hội, bạc hà, trà xanh…
- Tránh nặn mụn tiếp trên vùng da đã bị tổn thương, vì điều này có thể gây nhiễm trùng và làm gia tăng nguy cơ sẹo.
- Sau khi nặn mụn, nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trực tiếp để không làm tổn thương da và gây sẹo.
- Sử dụng kem chống nắng với chỉ số chống nắng SPF cao và che chắn kĩ nếu phải ra ngoài.
Theo những bằng chứng hiện nay, người bị mụn không cần phải kiêng ăn hoặc tuân thủ một chế độ ăn nào đó sau khi nặn mụn. Tuy nhiên, để da hồi phục tốt hơn, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số glycemic thấp và bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết như vitamin A, E, C, kẽm, các chất chống oxy hóa có trong các loại thực phẩm kể trên. Bên cạnh đó, nên duy trì các thói quen chăm sóc da đúng cách để da được hồi phục nhanh chóng hơn sau khi nặn mụn.
Tài liệu tham khảo
- Pappas A. “The relationship of diet and acne“. A review. Dermatoendocrinol. 2009 Sep;1(5):262-7. doi: 10.4161/derm.1.5.10192. PMID: 20808513; PMCID: PMC2836431
- Smith RN, Mann NJ, Braue A, Mäkeläinen H, Varigos GA. “The effect of a high-protein, low glycemic-load diet versus a conventional, high glycemic-load diet on biochemical parameters associated with acne vulgaris: a randomized, investigator-masked, controlled trial“. J Am Acad Dermatol. 2007 Aug;57(2):247-56. doi: 10.1016/j.jaad.2007.01.046. Epub 2007 Apr 19. PMID: 17448569
- “Anti-Acne Diet“. Healthline
- Rostami Mogaddam M, Safavi Ardabili N, Maleki N, Soflaee M. “Correlation between the severity and type of acne lesions with serum zinc levels in patients with acne vulgaris“. Biomed Res Int. 2014;2014:474108. doi: 10.1155/2014/474108. Epub 2014 Jul 24. PMID: 25157359; PMCID: PMC4135093
- Ozuguz P, Dogruk Kacar S, Ekiz O, Takci Z, Balta I, Kalkan G. “Evaluation of serum vitamins A and E and zinc levels according to the severity of acne vulgaris“. Cutan Ocul Toxicol. 2014 Jun;33(2):99-102. doi: 10.3109/15569527.2013.808656. Epub 2013 Jul 5. PMID: 23826827
- “Alternatives to pimple popping”. Healthline