Từ lâu, retinoid đã được nhắc đến như một liệu pháp quan trọng trong điều trị các vấn đề về da, đặc biệt là trong điều trị mụn trứng cá. Ngoài ra, retinoid cũng có vai trò giúp trẻ hóa da, làm giảm nếp nhăn và giảm sẹo sau mụn. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng retinoid trong nhiều trường hợp. Vậy retinoid là gì? Làm thế nào để sử dụng đúng và an toàn retinoid?
Retinoid là gì?
Retinoid bao gồm vitamin A (retinol) và các chất chuyển hóa của nó, đây là những chất điều hòa mạnh hoạt động tế bào, bao gồm sự phát triển và biệt hóa của tế bào, đồng thời cũng là trung gian cho nhiều chức năng điều tiết thiết yếu, đặc biệt là ở da.
Cơ chế tác động của retinoid là chúng sẽ gắn kết trên các thụ thể nội nhân của tế bào da giúp điều hòa hoạt động của tế bào. Retinoid đã được chứng minh giúp giảm phản ứng viêm, mang lại hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về da liên quan đến viêm. Ngoài ra, nhờ hiệu quả chống oxi hóa, retinoid cũng bảo vệ da khỏi sự tác động của các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hóa làn da.
Trong điều trị mụn, kể từ khi được cấp phép lần đầu tiên năm 1971 cho đến nay, retinoid đã được công nhận rộng rãi bởi các quốc gia và hiện diện trong các hướng dẫn điều trị mụn trên khắp thế giới.
Retinoid có hiệu quả trong trường hợp mụn vừa đến nặng và không đáp ứng với các điều trị khác. Retinoid dạng uống giúp điều chỉnh tình trạng tăng tiết bã nhờn là nguyên nhân quan trọng gây nên mụn. Ngoài ra, retinoid còn làm thông thoáng lỗ chân lông, tạo điều kiện cho các thuốc khác thấm sâu vào da. Retinoid cũng có hiệu quả giảm sẹo mụn nhờ kích thích sản sinh collagen.
Phân loại retinoid
Dựa vào cấu trúc hóa học và cơ chế tác động, hiện tại có 3 thế hệ retinoid dùng điều trị trong các bệnh lý về da.
- Thế hệ 1 bao gồm: vitamin A (retinol), tretinoin, isotretinoin và alitretinoin.
- Thế hệ 2 bao gồm: acitretin và etretinate.
- Thế hệ 3 bao gồm: adapalene, bexarotene và tazarotene.
Một cách phân loại phổ biến hơn của retinoid trong điều trị mụn là phân loại theo dạng dùng retinoid bôi ngoài da và retinoid dùng đường uống. Retinoid dùng ngoài da bao gồm tretinoin, adapalene và tazarotene; còn retinoid dùng đường uống phổ biến nhất trong điều trị mụn là isotretinoin.
Cách sử dụng retinoid bôi ngoài da trong điều trị mụn
Retinoid bôi ngoài da đã được sử dụng thành công trong điều trị mụn hơn 50 năm qua. Retinoid bôi ngoài da được khuyến cáo trong những trường hợp mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn sẩn hay mụn mủ mức độ từ trung bình đến nặng. Tùy trường hợp cụ thể, retionoid có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với benzoyl peroxide, acid azelaic, kháng sinh hoặc thuốc kháng androgen đường uống. Retinoid không chỉ điều trị mà còn ngăn chặn sự hình thành nhân mụn mới.
Tretinoin là retinoid dùng ngoài da đầu tiên được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá. Cho đến nay, tretinoin vẫn được xem là lựa chọn hàng đầu trong điều trị dài hạn mụn viêm và mụn không viêm. Bên cạnh đó, tretinoin cũng được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong điều trị các nếp nhăn.
Tretinoin kích thích sản sinh collagen, làm đầy các nếp nhăn, đẩy nhanh quá trình lành vết thương sau can thiệp thẩm mỹ, đồng thời cũng giúp hình thành các mạch máu mới, mang lại cho làn da vẻ hồng hào và làm mờ dần những đốm đồi mồi, tăng sắc tố sau viêm hoặc nám.
Adapalene cũng là hoạt chất sử dụng rất phổ biến trong điều trị mụn ở dạng chế phẩm bôi ngoài da. Adapalene giúp điều trị mụn và có tác dụng kháng viêm. Nhiều nghiên cứu lâm sàng so sánh hiệu quả của adapalene dạng gel 0,1% so với tretinoin dạng gel 0,5% ở những đợt bùng phát mụn cho thấy adapalene mang lại hiệu quả tương đương, khởi phát tác động nhanh và ít gây kích ứng hơn.
Một lợi ích cộng thêm khác nữa của adapalene đó là chất này bền vững với ánh sáng và bền vững về mặt cấu trúc hơn so với tretinoin. Adapalene không bị oxy hóa do đó có thể sử dụng phối hợp với benzoyl peroxide, là chất có tính oxy hóa.
Tazarotene là retinoid thế hệ thứ ba dùng trong điều trị mụn và bệnh vẩy nến. Trong điều trị mụn, tazarotene làm giảm sự keratin hóa, giảm sự liên kết của da với P. acnes và có hiệu quả giảm sắc tố sau viêm làm giảm nguy cơ hình thành sẹo thâm. Sử dụng lâu dài tazarotene cũng cho thấy gia tăng sản xuất collagen và tái tạo các bó collagen ở da.
Chỉ có tazarotene nồng độ 0,1% được FDA phê duyệt để điều trị mụn. Cụ thể, dạng kem 0,1% được chỉ định cho tình trạng mụn nói chung, dạng gel 0,1% được chỉ định cho mụn từ nhẹ đến trung bình, trong khi dạng bọt 0,1% được chỉ định cho mụn trứng cá từ trung bình đến nặng.
So với các retinoid dạng bôi khác, một số nghiên cứu so sánh giữa tazarotene, adapalene và tretinoin cho thấy hiệu quả và khả năng dung nạp là tương đương. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu khác báo cáo hiệu quả và khả năng gây kích ứng cao hơn với tazarotene.
Khi điều trị với retinoid bôi ngoài da, có thể xảy ra tình trạng kích ứng tại chỗ như đỏ da hay bong da. Tình trạng này thường xảy ra trong tháng đầu sử dụng và cải thiện sau đó. Cần lưu ý là cải thiện lâm sàng không tương ứng với mức độ kích ứng da.
Trong một nghiên cứu đối chứng có số lượng lớn người tham gia, tretinoin 0,025% và 0,1% cho thấy hiệu quả tương đương nhau nhưng tretinoin 0,025% ít gây kích ứng hơn. Vì vậy, việc sử dụng retinoid nên được cá thể hóa và điều chỉnh dựa trên đáp ứng của da nên bắt đầu bôi da mỗi 2 ngày một lần hoặc vài lần mỗi tuần và xem xét điều chỉnh theo tình trạng dung nạp của da. Retinoid nên được sử dụng vào buổi tối vì nó sẽ bị bất hoạt khi tiếp xúc với tia UV (trừ adapalene).
Cách sử dụng retinoid đường uống trong điều trị mụn
Retinoid đường uống isotretinoin đóng vai trò quan trọng trong các liệu trình điều trị mụn với những kết quả hết sức ấn tượng trên những trường hợp mụn nặng. Sử dụng chỉ một liệu trình isotretinoin có thể giúp cải thiện lâu dài tình trạng mụn. Isotretinoin tác động toàn diện đến cơ chế bệnh sinh của mụn giúp làm giảm sản xuất bã nhờn, bình thường hóa sự keratin hóa tại lỗ chân lông, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn P. acnes và làm giảm viêm.
Việc sử dụng isotretinoin ngày nay đã trở nên phổ biến hơn so với những năm 1980, thời điểm mà isotretinoin chỉ được sử dụng trong những trường hợp mụn nang hay mụn bọc nghiêm trọng. Hiện tại, isotretinoin còn được sử dụng trong những trường hợp mụn kháng trị, có biểu hiện sẹo rộng, mụn do stress hay những đợt bùng phát mụn.
Isotretinoin nên được uống trong bữa ăn để hấp thu tốt hơn. Trong thời gian điều trị với isotretinoin, nên ngưng sử dụng các thuốc trị mụn bôi ngoài da và đường uống khác để tránh nguy cơ gia tăng tác dụng ngoại ý.
>>> Xem thêm: Các loại thuốc uống trị mụn thông dụng và cách sử dụng
Tác dụng phụ quan trọng nhất của isotretinoin là gây quái thai. Bệnh nhân cần được thăm khám để loại trừ tình trạng có thai hai tuần trước khi điều trị với isotretinoin cũng như cần sử dụng đồng thời hai biện pháp tránh thai cùng lúc (ví dụ thuốc tránh thai và bao cao su) và liên tục trong vòng một tháng trước điều trị, trong điều trị và một tháng sau khi ngưng sử dụng thuốc. Nếu có thai trong thời gian kể trên, phải lập tức báo ngay cho Bác sĩ điều trị. Các tác dụng phụ thường gặp khác của isotretinoin bao gồm khô môi, da và niêm mạc.
Isotretinoin đường uống rõ ràng mang lại hiệu quả vượt trội trong điều trị mụn. Tuy nhiên, cũng cần hết sức thận trọng với những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng loại thuốc này. Việc sử dụng isotretinoin phải được chỉ định bởi Bác sĩ Da liễu sau khi thăm khám lâm sàng tình trạng mụn cũng như thảo luận với bệnh nhân về các tác dụng phụ có thể gặp phải và các biện pháp ngừa thai cần thực hiện trong quá trình điều trị.
Lưu ý quan trọng là các chế phẩm chứa retinoid đường uống và đường bôi sử dụng trong liệu trình điều trị mụn đều là thuốc kê toa, tức chỉ được sử dụng khi có chỉ định và hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu. Nếu có nhu cầu sử dụng retinoid, có thể đến với Phòng khám chuyên khoa Da liễu Doctor Acnes – Phòng khám chuyên sâu về điều trị mụn vào sẹo mụn hàng đầu và đáng tin cậy nhất hiện nay để được Bác sĩ Da liễu thăm khám và tư vấn. Liên hệ trực tiếp với Phòng khám để được hỗ trợ những vấn đề cần biết về điều trị mụn bằng cách để lại thông tin và câu hỏi tại đây.
Tài liệu tham khảo
- Beckenbach L, Baron JM, Merk HF, Löffler H, Amann PM. “Retinoid treatment of skin diseases”. Eur J Dermatol. 2015;25(5):384-391
- Chien A. “Retinoids in Acne Management: Review of Current Understanding, Future Considerations, and Focus on Topical Treatments”. J Drugs Dermatol. 2018;17(12):s51-s55
- Radiance by WebMD.com “Retinoid Treatment and Your Skin”
- Healthline.com “The Benefits and Limits of Vitamin A for Your Skin”