Rau má không chỉ là thực phẩm quen thuộc hàng ngày mà còn được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Các thành phần chiết xuất từ rau má có mặt trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da khác nhau, giúp giảm viêm, lành vết thương, mờ sẹo và chống lão hóa. Các hoạt chất từ rau má cũng được sử dụng nhiều trong điều trị mụn vì hiệu quả và rất an toàn. Bài viết này cung cấp các thông tin về cách sử dụng các hoạt chất từ rau má trong điều trị mụn.
Tác dụng của rau má đối với làn da
Rau má (Centella asiatica) là thành phần thường được tìm thấy trong các loại kem dưỡng ẩm, chống lão hóa và các sản phẩm điều trị tổn thương da như bỏng, vẩy nến và xơ cứng bì. Rau má chứa nhiều thành phần có dược tính trên da như triterpenoid (nổi bật là asiaticoside, madecasssoside, acid madecassic và acid asiatic), flavonoid, các acid amin và vitamin. Dưới đây là một số tác dụng có lợi cho làn da đến từ rau má.
- Làm lành vết thương, mờ sẹo: các hợp chất saponin triterpen pentacyclic trong rau má có hiệu quả trong việc phục hồi da tổn thương, từ vết thương nhỏ cho đến các tổn thương phì đại. Cơ chế của tác động này chủ yếu nhờ vào tác động của hợp chất triterpenoid thúc đẩy tăng sinh nguyên bào sợi và tăng sinh hàm lượng collagen và fibronectin nội bào. Đồng thời các hợp chất này cải thiện độ căng của da mới hình thành cũng như giảm mức độ sưng viêm của giai đoạn hình thành sẹo lồi.
- Chống lão hóa: trong ngành mỹ phẩm, rau má được sử dụng như một chất chống lão hóa hiệu quả để phục hồi độ săn chắc đàn hồi của làn da, chủ yếu nhờ vào tác động tăng cường sản sinh collagen loại I (đây là loại collagen trong da giảm dần theo tuổi tác). Nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất madecassoside có trong rau má kích hoạt các tín hiệu để tăng biểu hiện collagen. Bên cạnh đó, thành phần triterpenoid tăng chuyển hóa lysin và prolin – các acid amin cấu tạo nên collagen và tăng quá trình tổng hợp tropocollagen và mycopolysacharid trong mô liên kết.
- Chống oxy hóa: các thành phần saponin, flavonoid và acid phenolic thể hiện hoạt tính chống oxy hóa, giúp cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ da, giúp da nhanh chóng hồi phục, cân bằng nội môi sau khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng. Ngoài ra, thành phần madecassoside làm giảm đáng kể lượng melanin hiện diện trong các tế bào biểu bì tạo hắc tố do tác động bởi tia UV, từ đó bảo vệ làn da trước tác động độc hại này.
- Dưỡng ẩm da: hiệu quả này nhờ vào khả năng hydrat hóa của thành phần saponin với chuỗi đường ưa nước (chủ yếu là glucose và rhamnose). Đặc biệt, hoạt chất madecassoside cho tác động đáng kể trong việc tăng cường hydrat hóa cho da thông qua việc cung cấp các chất giữ ẩm quan trọng như aquaporin 3, loricrin và involucrin trong tế bào sừng. Ngoài ra, madecassoside tăng biểu hiện các enzym tổng hợp acid hyaluronic và ức chế hình thành các gốc tự do, từ đó làm tăng hàm lượng acid hyaluronic và tăng cấp nước cho da. Bên cạnh đó, các acid amin, beta carotene, acid béo có trong rau má cung cấp các dưỡng chất tốt cho da, làm dịu da thô ráp và bị kích cứng.
- Kháng viêm: đặc tính kháng viêm của rau má liên quan đến hoạt chất triterpenoid, đặc biệt là khả năng của asiaticoside và madecassoside ức chế hoạt động của cyclooxygenase, lipoxygenase và ức chế các cytokin tiền viêm, từ đó ngăn chặn quá trình viêm xảy ra.
Rau má có trị mụn được không?
Mụn trứng cá là một bệnh của tuyến bã nang lông, thường xuất hiện trên mặt, vai, lưng và ngực. Các nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá bao gồm tăng tiết bã nhờn, sừng hóa cổ nang lông dẫn đến bít tắc lỗ chân lông kèm theo hiện tượng viêm do vi khuẩn Propionibacterium acnes.
Đặc biệt, sự tăng sinh của P. acnes trong tuyến bã nhờn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra phản ứng viêm do tác động kích thích giải phóng các yếu tố cytokine tiền viêm như interleukin IL-1β, yếu tố hoại tử khối u TNF-α và interleukin IL-8, yếu tố hoại tử khối u gây tổn thương nang lông, vỡ và rò rỉ vi khuẩn, acid béo và lipid vào lớp hạ bì xung quanh.
Đầu tiên, tác động trị mụn của rau má dựa trên hoạt tính kháng khuẩn với P. acnes đã được nghiên cứu. Chiết xuất với cồn của rau má đã được thử nghiệm về hoạt tính kháng khuẩn bằng phương pháp khuếch tán đĩa. Vùng ức chế của các đĩa có chiết xuất từ rau má cho tác động kháng khuẩn kém với vi khuẩn P. acnes.
Tuy vậy, tác động điều trị và ngăn ngừa mụn của rau má đã được chứng minh thông qua hiệu quả kháng viêm liên quan đến vi khuẩn P. acnes từ thành phần triterpenoid, đặc biệt là madecassoside. Kết quả từ nghiên cứu của tác giả Xueqing Shen và cộng sự cho thấy madecassoside ức chế con đường truyền tín hiệu khởi đầu quá trình phiên mã của các yếu tố tiền viêm, từ đó giảm biểu hiện các yếu tố này và cuối cùng quá trình viêm bị ức chế.
Việc cung cấp đủ nước cho da là rất quan trọng vì nước giúp da đàn hồi và cân bằng nội môi tổng thể. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ ẩm của da như yếu tố bên ngoài (môi trường xung quanh khô) và yếu tố bên trong (mức độ lão hóa của da, hàng rào bảo vệ của da yếu), do đó dưỡng ẩm cho da được xem là một bước chăm sóc da rất quan trọng để giúp da khỏe mạnh.
Dưỡng ẩm da phụ thuộc vào nhiều thành phần liên quan đến hydrat hóa của lớp biểu bì và hạ bì. Cũng từ kết quả của nghiên cứu Xueqing Shen, madecassoside có trong rau má giúp cảm ứng biểu hiện aquaporin 3, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nước và glycerol, từ đó tăng hiệu quả cấp nước cho da.
Ngoài ra, madecassoside giúp gia tăng sự biểu hiện rõ rệt của hai thành phần lớp vỏ sừng hóa chính (loricrin và involucrin), từ đó tăng cường chức năng rào cản và hạn chế mất nước. Acid hyaluronic là chất giữ ẩm quan trọng của da, giúp điều chỉnh cân bằng nước và áp suất thẩm thấu, thúc đẩy sự vận động và tăng sinh của tế bào, tham gia chữa lành vết thương.
Nhờ vào tác động cảm ứng các enzym tổng hợp acid hyaluronic và ức chế hình thành các gốc tự do của madecassoside giúp tăng hàm lượng acid hyaluronic, gia tăng lượng nước liên kết với acid này và cấp ẩm cho da, xây dựng hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh.
Mặc dù ảnh hưởng của gốc tự do đến quá trình hình thành mụn ít được chú ý hơn so với các nguyên nhân kể trên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh các gốc tự do có liên quan đến các bất thường liên quan đến mụn trứng cá.
Các gốc tự do tạo ra từ quá trình peroxid hóa lipid làm thay đổi độ nhớt, thành phần của bã nhờn; thúc đẩy sự hình thành các lớp sừng dày và gia tăng sự xuất hiện của các yếu tố gây ra phản ứng viêm.
Thành phần asiaticoside có trong rau má tăng cường các chất chống oxy hoá trong da (bao gồm vitamin C và vitamin E) và làm giảm mức độ peroxid hóa lipid. Từ đó làm giảm lượng các gốc tự do hiện diện trong các đơn vị nang lông tuyến bã và ngăn ngừa các nguyên nhân gây ra mụn trứng cá.
Ngoài ra, nhờ vào 4 hoạt chất nổi trội của nhóm triterpenoid, rau má giúp tăng tốc độ chữa lành da tổn thương sau khi bị mụn, ngăn ngừa các vết thâm và sẹo hình thành trong tương lai.
Cách trị mụn bằng rau má hiệu quả, an toàn
Bởi vì hoạt tính kháng khuẩn của rau má đối với các vi khuẩn gây mụn yếu, việc sử dụng rau má trong trị mụn chủ yếu đến từ tác động kháng viêm, dưỡng ẩm da, ngăn ngừa các gốc oxy hóa và làm giảm các hậu quả do mụn gây ra như vết thâm, sẹo mụn. Bên cạnh việc sử dụng rau má đơn trị liệu trong điều trị mụn, có thể sử dụng rau má kết hợp với các thành phần trị mụn khác để đạt được hiệu quả tối ưu và giảm thiểu các tác dụng phụ gây ra bởi các chất có hoạt tính mạnh. Dưới đây là một số gợi ý sử dụng rau má để trị mụn hiệu quả và an toàn.
Sử dụng rau má đơn trị
Nhờ vào các thành phần triterpen, rau má có thể sử dụng đơn trị để điều trị mụn. Madecassoside là thành phần triterpen có nhiều lợi ích cho da như làm lành vết thương, chống viêm do tia cực tím, chống oxy hóa.
Trong điều trị mụn, madecassoside ức chế đáng kể quá trình sản xuất yếu tố tiền viêm (IL-1β) do vi khuẩn gây mụn P. acnes kích thích tiết ra, từ đó ức chế quá trình viêm xảy ra. Bên cạnh đó, madecassoside tăng cường hydrat hóa cho da thông qua việc điều chỉnh tăng cường các thành phần giữ ẩm quan trọng trong da giúp cho làn da khỏe mạnh.
Kết hợp rau má với hoàng bá
Nghiên cứu của Chi-Wen Kuo và cộng sự (2021) đã thử nghiệm miếng dán trị mụn trứng cá với hai lớp gelatin/chitosan với các chiết xuất từ vỏ thân hoàng bá (Phellodendron amurense) và rau má (Centella asiatica).
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy miếng dán có tác dụng ức chế hiệu quả sự phát triển của vi khuẩn P. acnes, thúc đẩy khả năng sống của tế bào nguyên bào sợi và quá trình tổng hợp collagen, hấp thu dịch tiết cao và tốc độ giải phóng hoạt chất phù hợp, có nhiều tiềm năng lớn trong ứng dụng trị mụn trứng cá.
Kết hợp rau má với hoạt chất cannabidiol
Tác dụng điều trị mụn trứng cá của cannabidiol đã được nghiên cứu và chứng minh nhờ vào hoạt tính kháng viêm. Tuy nhiên, do hạn chế về các hướng dẫn việc sử dụng hoạt chất này, nhóm tác giả Guy Cohen đã tiến hành nghiên cứu sự kết hợp cannabidiol với các hoạt chất khác, trong đó có Centella asiatica.
Kết quả cho thấy dịch chiết chứa triterpen và cannabidiol giúp tăng hoạt tính kháng viêm và khả năng ức chế sự phát triển của P. acnes hơn so với chỉ sử dụng một trong hai thành phần riêng lẻ.
Kết hợp rau má, xuyên tâm liên và các thảo dược khác trong viên thảo dược
Ở Thái Lan, viên thảo dược đã được ứng dụng trong điều trị mụn trứng cá. Một nghiên cứu của tác giả Chutima Jantarat đã ứng dụng viên thảo dược chứa các thành phần chiết xuất từ rau má, xuyên tâm liên, phương thuốc benchalokawichan và bột vỏ thân cây thanaka, dịch chiết thu được sử dụng để sản xuất gel sau đó được thử nghiệm về các đặc tính hóa lý và hoạt tính chống P. acnes.
Cơ chế điều trị mụn trứng cá dựa trên nhiều tác động khác nhau, trong đó xuyên tâm liên và rau má cho tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa, bài thuốc benchalokawichian có tác dụng kháng khuẩn và cây thanaka có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa. Kết quả cho thấy công thức gel có chứa chiết xuất viên thảo dược thể hiện hoạt tính kháng khuẩn P. acnes và có thể ứng dụng để điều trị hiệu quả mụn trứng cá.
Xem thêm các bài viết liên quan
Những lưu ý khi sử dụng rau má để trị mụn
Sử dụng rau má với liều lượng khuyến cáo là không độc hại và rất hiếm xảy ra các tác dụng phụ. Một số tác dụng dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng rau má như phản ứng dị ứng tại chỗ và nóng rát, điều này tùy thuộc vào tình trạng da của từng người.
Việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có thành phần từ rau má nên được dùng với tần suất tăng dần để hạn chế tình trạng kích ứng da. Tần suất kích ứng có thể tăng lên khi sử dụng rau má nguyên chất trực tiếp bôi lên da. Mặt khác, nguy cơ kích ứng da thấp hơn khi sử dụng các sản phẩm có chiết xuất từ rau má dưới các dạng bào chế như kem, serum… Khi xảy ra tình trạng kích ứng da nghi ngờ do rau má, nên ngừng sử dụng ngay và gặp Bác sĩ Da liễu để thăm khám.
Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia da liễu trước khi sử dụng các sản phẩm có thành phần từ rau má nếu thuộc các nhóm đối tượng dưới đây.
- Trẻ dưới 18 tuổi.
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
- Người có tiền sử về bệnh gan như viêm gan.
- Người có tiền sử về bệnh ung thư da.
Trong ngành mỹ phẩm, rau má mang lại nhiều tác động có lợi cho làn da như làm lành vết thương, mờ sẹo, chống lão hóa, chống oxy hóa, tác động kháng viêm và dưỡng ẩm da. Kết quả từ các nghiên cứu khoa học đã công bố, rau má là thành phần tiềm năng để điều trị mụn nhờ vào tác động kháng viêm liên quan đến vi khuẩn P. acnes và cung cấp nước cho da, giúp xây dựng hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị mụn của rau má vẫn chưa đủ hiệu quả và công nhận bởi các Hiệp hội Da liễu uy tín.
Vì vậy, trong khi chờ những nghiên cứu khoa học lớn hơn, có thể xem đây là một phương pháp điều trị hỗ trợ khá an toàn. Tuy nhiên, khi tình trạng mụn không giảm hoặc nặng hơn, nên được tư vấn bởi Bác sĩ Da liễu để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- “What to know about using Centella asiatica for the skin“. MedicalNewsToday
- Wiesława Bylka 1, Paulina Znajdek-Awiżeń, Elżbieta Studzińska-Sroka. “Centella asiatica in cosmetology“. Postepy Dermatol Alergol . 2013 Feb;30(1):46-9. doi: 10.5114/pdia.2013.33378
- Ratz-Łyko A, Arct J, Pytkowska K. “Moisturizing and Antiinflammatory Properties of Cosmetic Formulations Containing Centella asiatica Extract“. Indian journal of pharmaceutical sciences. 2016;78(1):27-33. doi:10.4103/0250-474x.180247
- Jung E, Lee JA, Shin S, et al. “Madecassoside inhibits melanin synthesis by blocking ultraviolet-induced inflammation“. Molecules (Basel, Switzerland). 2013;18(12):15724-36. doi:10.3390/molecules181215724
- Shen X, Guo M, Yu H, et al. “Propionibacterium acnes related anti-inflammation and skin hydration activities of madecassoside, a pentacyclic triterpene saponin from Centella asiatica“. Bioscience, Biotechnology, and Biochemistry. 2019;83(3):561-568. doi:10.1080/09168451.2018.1547627