Phân biệt mụn trứng cá và viêm nang lông

Ngày 21/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn trứng cá và viêm nang lông là hai bệnh lý da liễu rất thường gặp, với những biểu hiện có phần tương tự nhau như nốt đỏ, sưng, đau, có mủ; vì vậy, chúng có thể gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán. Tuy khá giống nhau về một số đặc điểm, phương pháp điều trị hai loại bệnh này lại hoàn toàn khác nhau. Do vậy, việc phân biệt giữa mụn trứng cá và viêm nang lông là vô cùng quan trọng để có phương pháp điều trị hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về viêm nang lông và mụn trứng cá cũng như cách phân biệt chúng trong bài viết sau đây.

Nguyên nhân gây bệnh

Mụn trứng cá là một bệnh da liễu liên quan đến tuyến bã nhờn tại nang lông của da, thường gây ra do các nguyên nhân sau:

  • Rối loạn sừng hóa cổ nang lông.
  • Tăng hoạt động tiết bã nhờn của tuyến bã.
  • Vi khuẩn gây mụn C. acnes.
  • Phản ứng viêm.
Nguyên nhân gây mụn trứng cá và viêm nang lông - Doctor Acnes
Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Trong khi đó, viêm nang lông là tình trạng bệnh lý da phổ biến thường liên quan đến nhiễm trùng nang lông do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, demodex và cả viêm nang lông không do nhiễm trùng như lông mọc ngược hay do một số loại thuốc như lithium, cyclosporin…

Phân biệt mụn trứng cá và viêm nang lông

Đặc điểm biểu hiện

Mụn trứng cá có sang thương đa dạng, bao gồm sang thương viêm và sang thương không viêm.

  • Sang thương không viêm với biểu hiện đặc trưng là nhân mụn (comedon) do sự tắc nghẽn chất bã trong nang lông, bao gồm mụn đầu trắng và mụn đầu đen.
  • Sang thương viêm được chia thành các phân nhóm tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng như sẩn hồng ban, mụn mủ, nốt, nang, cục, đường hầm…
Các biểu hiện đặc trưng của Mụn trứng cá với các nhân mụn (comedon), sẩn, mụn mủ, nang, nốt… thường gặp ở vùng cư thể có nhiều tuyến bã như mặt, ngực, lưng - Doctor Acnes
Các biểu hiện đặc trưng của mụn trứng cá với các nhân mụn (comedon), sẩn, mụn mủ, nang, nốt… thường gặp ở vùng cư thể có nhiều tuyến bã như mặt, ngực, lưng

Viêm nang lông biểu hiện với những mụn mủ, sẩn hồng ban phân bố dày đặc quanh các nang lông. Biểu hiện ban đầu thường là các nốt sưng đỏ, kích thước nhỏ quanh chân lông. Các nốt đỏ tiến triển thành những mụn nước có mủ màu trắng, bên trên sưng tấy và đau khi sờ vào. Sau đó mụn nước sẽ vỡ ra, khô lại và đóng vảy. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nang lông có thể lan rộng phát triển thành nhọt… Trong viêm nang lông sẽ không có các nhân mụn (comedon).

Đặc điểm của viêm nang lông - Doctor Acnes
Biểu hiện của viêm nang lông với mụn nước, mụn mủ, sẩn đỏ, có thể phân bố ở bất cứ vùng nào có lông trên cơ thể

Vị trí phân bố

Mụn trứng cá thường phân bố ở những vùng cơ thể có nhiều tuyến bã như mặt, ngực, lưng… Trong khi đó, viêm nang lông lại phân bố ở bất cứ vị trí nào có lông trên cơ thể.

Độ tuổi mắc bệnh

  • Mụn trứng cá thường gặp hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt trong tuổi dậy thì. Có thể gặp mụn trứng cá ở người trưởng thành nhưng ít hơn.
  • Viêm nang lông có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác.

Xem thêm các bài viết liên quan

Các phương pháp điều trị mụn trứng cá

Phương pháp điều trị mụn trứng cá

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mụn trứng cá, tùy vào mức độ mà Bác sĩ Da liễu sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị nội khoa (dùng thuốc) cơ bản sẽ bao gồm  thuốc thoa tại chỗ (retinoid, BHA, AHA, benzoyl peroxide, kháng sinh thoa…), thuốc uống toàn thân (kháng sinh, isotretinoin, liệu pháp nội tiết, liệu pháp kháng androgen).

Ngoài ra các phương pháp thay da sinh học, liệu pháp ánh sáng xung mạnh IPL, quang động học (ánh sáng đa tầng), tiêm mesotherapy trị mụn… cũng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị mụn trứng cá.

Các liệu pháp hỗ trợ điều trị mụn - Doctor Acnes
Các phương pháp mesotherapy, IPL, thay da sinh học được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá

Phương pháp điều trị viêm nang lông

Các trường hợp viêm nang lông nhẹ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp cần điều trị với Bác sĩ Da liễu nhằm hạn chế sự tiến triển bệnh và giảm nguy cơ tái phát.

Điều trị viêm nang lông sẽ tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và tùy vào mức độ mà lựa chọn điều trị thoa tại chỗ hay thuốc uống toàn thân.

  • Viêm nang lông do vi khuẩn: điều trị kháng sinh.
  • Viêm nang lông do vi nấm: thuốc chống nấm dạng bôi phối hợp với dạng uống.
  • Viêm nang lông do virus herpes: bôi kem acyclovir kết hợp uống acyclovir, hoặc valacyclovir.
  • Viêm nang lông do demodex: bôi kem permethrin hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazole.

Mụn trứng cá và viêm nang lông là các bệnh lý da liễu phổ biến, đôi khi có dấu hiệu khá giống nhau, dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ hai bệnh lý này, cần đến các cơ sở y tế uy tín để được Bác sĩ Da liễu thăm khám và chẩn đoán chính xác, để từ đó có hướng điều trị thích hợp, hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

  1. Jesus Luelmo-Aguilar, Mireia Sabat Santandreu. “Folliculitis: recognition and management”. American Journal of Clinical Dermatology, vol. 5, no. 5, Sept.-Oct. 2004
  2. Richard D. Winters; Mark Mitchell. “Folliculitis”. 2022 May 1
  3. Sewon Kang. “Fitzpatrick’s Dermatology 9th”. 2019
  4. Jean L.Bolognia. “Dermatology: 2-Volume Set”. Elsevier.com

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84