Omega-3 trị mụn được không? Lợi ích và cách sử dụng đúng

Ngày 24/01/2025. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Mụn trứng cá không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sự tự tin của nhiều người. Bên cạnh các phương pháp điều trị thông thường, bổ sung omega-3 được xem là một giải pháp tự nhiên và hiệu quả. Vậy omega-3 có thực sự giúp trị mụn? Làm thế nào để sử dụng loại acid béo này đúng cách? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết này.

Lợi ích của omega-3 đối với sức khỏe và làn da

Omega-3 là nhóm acid béo thiết yếu, có vai trò quan trọng trong sức khỏe tổng thể và đặc biệt có nhiều lợi ích đối với sức khỏe làn da. Chúng gồm ba loại chính: acid alpha-linolenic (ALA), acid eicosapentaenoic (EPA) và acid docosahexaenoic (DHA), thường có trong cá hồi, cá ngừ, hạt óc chó, hạt lanh và dầu thực vật.

3 loại omega 3 chính
3 loại omega-3 chính thường có trong cá hồi, cá ngừ, hạt óc chó, hạt lanh và dầu thực vật

Theo tạp chí Marine Drugs năm 2018, omega-3 trong dầu cá giúp duy trì sự cân bằng nội môi, cải thiện hàng rào bảo vệ da, giảm viêm (đặc biệt là viêm do tia UV) và hỗ trợ lành vết thương. Các acid béo không bão hòa đa (PUFA) như EPA và DHA trong omega-3 góp phần xây dựng màng tế bào khỏe mạnh, giúp da giữ nước tốt hơn, mềm mại và đủ ẩm.

Omega-3 còn giảm sản sinh chất gây viêm, ngăn ngừa lão hóa da, giảm bã nhờn và mức cytokine viêm, đồng thời hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn C. acnes. Ngoài ra, omega-3 còn tăng cường khả năng chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tổn thương do gốc tự do từ môi trường.

lợi ích của omega 3 với sức khoẻ và làn da
Omega-3 có nhiều lợi ích đối với làn da như ngăn ngừa lão hóa da, giảm bã nhờn và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn C. acnes…

Omega-3 có trị mụn được không?

Omega-3 không phải là phương pháp điều trị trực tiếp mụn trứng cá nhưng có thể hỗ trợ giảm viêm và cải thiện tình trạng mụn.

Mụn trứng cá là một tình trạng viêm da, xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc bởi dầu và tế bào chết, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Omega-3, đặc biệt là EPA và DHA, có đặc tính chống viêm, giúp làm dịu các nốt mụn sưng đỏ bằng cách giảm sản xuất các chất gây viêm như prostaglandin và leukotriene. Đồng thời, omega-3 còn hỗ trợ điều hòa các yếu tố liên quan đến viêm, giúp kiểm soát tình trạng mụn hiệu quả hơn.

Bổ sung omega-3 cũng giúp giảm tác dụng phụ của isotretinoin – một loại thuốc thường dùng để điều trị mụn nặng. Một số nghiên cứu cho thấy omega-3 giúp giảm lipid máu, cải thiện tình trạng khô da, viêm môi và khô niêm mạc mũi do isotretinoin gây ra nhờ khả năng tăng cường hydrat hóa da.

omega 3 có trị mụn không
Omega-3 hỗ trợ giảm viêm và cải thiện tình trạng mụn nhưng không phải là phương pháp điều trị mụn chuyên sâu

Cách bổ sung omega-3 để hỗ trợ điều trị mụn

Bổ sung omega-3 giúp giảm viêm và cân bằng dầu trên da, từ đó hỗ trợ cải thiện tình trạng mụn trứng cá. Dưới đây là các cách bổ sung omega-3 hiệu quả:

  • Sử dụng viên uống dầu cá: dầu cá là nguồn omega-3 phổ biến, đặc biệt ở dạng viên nang dễ sử dụng. Nên chọn loại dầu cá không mùi để tránh cảm giác khó chịu. Liều lượng khuyến nghị là 500 – 600mg EPA và DHA mỗi ngày. Thông thường, 1.000mg dầu cá sẽ chứa khoảng 180mg EPA và 120mg DHA. Để cơ thể hấp thu omega-3 tốt hơn, nên uống dầu cá cùng bữa ăn có chứa chất béo.
  • Bổ sung từ thực phẩm giàu omega-3: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích là những nguồn omega-3 tự nhiên giàu EPA và DHA. Ngoài ra, còn có các loại hạt như hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó và dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hạt cải. Để đảm bảo lượng omega-3 cần thiết, nên ăn ít nhất 227 gram cá mỗi tuần.

Lưu ý, trẻ em và phụ nữ mang thai cần hạn chế tiêu thụ các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao để tránh ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh. Nên chọn các sản phẩm bổ sung omega-3 có kiểm soát chặt chẽ hàm lượng thủy ngân, đặc biệt từ cá nhỏ như cá trích hoặc cá mòi để đảm bảo an toàn khi sử dụng lâu dài.

cách bổ sung omega 3 để hỗ trợ trị mụn
Có thể bổ sung omega-3 từ viên uống dầu cá hoặc nguồn thực phẩm giàu omega-3

Lưu ý khi sử dụng omega-3 để trị mụn

Để đạt được hiệu quả tốt nhất và tránh những tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng omega-3, cần lưu ý một số điều sau:

  • Không thay thế thuốc trị mụn: omega-3 chỉ hỗ trợ quá trình điều trị, không thể thay thế hoàn toàn các liệu pháp điều trị mụn chuyên sâu. Nếu gặp vấn đề về mụn, nên đến gặp Bác sĩ Da liễu để được thăm khám và tư vấn phác đồ phù hợp.
  • Tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng: trước khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa omega-3, đặc biệt là khi đang điều trị bệnh, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ để xác định liều lượng và thời gian sử dụng hợp lý. Omega-3 cần thời gian để hấp thu và phát huy tác dụng, không mang lại hiệu quả ngay lập tức.
  • Theo dõi tác dụng phụ: omega-3 có thể gây một số tác dụng phụ nhẹ như hơi thở có mùi, ợ nóng, buồn nôn, khó chịu đường tiêu hóa hoặc tiêu chảy. Những tình trạng này có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng omega-3 loại không mùi.
  • Kiểm tra tương tác thuốc: omega-3 có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chống đông máu như warfarin. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi bổ sung omega-3 nếu đang sử dụng các loại thuốc này.
  • Chọn sản phẩm uy tín: lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát hàm lượng tạp chất như thủy ngân, chì, dioxin. Bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
  • Duy trì chăm sóc da đúng cách: tẩy trang hằng ngày và rửa mặt 2 lần một ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ. Tẩy tế bào chết 1 – 2 lần/tuần để loại bỏ bụi bẩn và dầu thừa. Đồng thời, sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da.
  • Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh: để tối ưu hiệu quả, nên kết hợp bổ sung omega-3 với chế độ ăn cân bằng, giàu rau xanh, trái cây, uống đủ nước và hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc đường. Omega-3 sẽ hoạt động tốt hơn khi được bổ sung cùng chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và ít thực phẩm gây viêm.
thăm khám bác sĩ linh
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị mụn an toàn và hiệu quả

Omega-3 mang lại nhiều lợi ích cho làn da nhưng không thể thay thế các phương pháp điều trị mụn. Nếu tình trạng mụn không cải thiện, đừng ngần ngại liên hệ Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được Bác sĩ Da liễu tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả, giúp làn da khỏe đẹp từ bên trong!

Tài liệu tham khảo

  1. Huang TH, Wang PW, et al. “Cosmetic and Therapeutic Applications of Fish Oil’s Fatty Acids on the Skin“. Mar Drugs. 2018 Jul 30;16(8):256. doi: 10.3390/md16080256. PMID: 30061538; PMCID: PMC6117694.
  2. Is fish oil good for the skin?“. MedicalNewsToday
  3. Omega-3 and Acne: What’s the Connection?“. Healthline
  4. Sawada Y, Saito-Sasaki N, Nakamura M. “Omega 3 Fatty Acid and Skin Diseases“. Front Immunol. 2021 Feb 5;11:623052. doi: 10.3389/fimmu.2020.623052
  5. Omega-3 Fatty Acids“. NIH
  6. Calder PC. “Omega-3 polyunsaturated fatty acids and inflammatory processes: nutrition or pharmacology?“. Br J Clin Pharmacol. 2013 Mar;75(3):645-62. doi: 10.1111/j.1365-2125.2012.04374.x
  7. Potential Benefits of Omega-3s for Skin and Hair“. Healthline
  8. Mirnezami M, Rahimi H. “Is Oral Omega-3 Effective in Reducing Mucocutaneous Side Effects of Isotretinoin in Patients with Acne Vulgaris?“. Dermatol Res Pract. 2018 May 29;2018:6974045. doi: 10.1155/2018/6974045
  9. Guertler, Anne, et al. “Deficit of Omega-3 Fatty Acids in Acne Patients—A Cross-Sectional Pilot Study in a German Cohort“. Life. 14.4 (2024): 519
  10. Omega-3 fatty acids found to significantly reduce acne in new study“. News Medical

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84