Người bị mụn thường khó cưỡng lại cảm giác muốn nặn mụn vì việc này mang lại cảm giác thỏa mãn. Tuy nhiên, việc nặn mụn thường xuyên có thể trở thành thói quen xấu để lại những biến chứng như sẹo lõm và thâm mụn. May mắn là biến chứng chỉ xuất hiện khi nặn mụn không đúng cách. Nếu bạn thường xuyên nặn mụn thì đừng bỏ qua những sai lầm khi nặn mụn dưới đây nhé.
Tác hại của việc nặn mụn không đúng cách
Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh (BAD) và Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD) đã khuyến nghị rằng chúng ta không nên nặn mụn vì điều này thường làm nặng thêm tình trạng mụn hiện có, có thể gây sẹo và nhiễm trùng. Nặn mụn được xem là biện pháp cuối cùng để điều trị mụn vì thao tác này có thể can thiệp vào cơ chế tự chữa lành cơ thể. Khi nặn mụn, mủ và vi khuẩn có thể sẽ bị đẩy xuống sâu hơn trong da và lây lan sang các lớp da còn lại. Khi vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào da, nhiễm trùng có thể kéo dài hơn. Thay vì nặn mụn, nên sử dụng các phương pháp điều trị mụn tác động trực tiếp vào nguyên nhân gây mụn.
Nếu nặn mụn không đúng cách, da có thể mất nhiều thời gian để lành, nghiêm trọng hơn là để lại những hậu quả lâu dài hoặc vĩnh viễn như sẹo mụn, tăng sắc tố sau viêm (PIH) hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Loại sẹo hình thành phụ thuộc vào lượng collagen, chất hỗ trợ cho da mà cơ thể tạo ra trong quá trình lành vết thương.
Về cơ bản sẽ có 2 loại sẹo do nặn mụn không đúng cách như sau:
- Sẹo lõm khi cơ thể sản xuất quá ít collagen, vết lõm sẽ hình thành khi da lành lại. Khoảng 80% sẹo mụn là tạo thành các vùng da bị lõm, tác động tiêu cực không chỉ dừng lại ở rối loạn kết cấu da mà còn có thể khiến da bị dư thừa sắc tố.
- Sẹo lồi khi cơ thể sản xuất quá nhiều collagen để chữa lành da và các mô bên dưới. Loại sẹo này phổ biến ở những người có tông màu da tối hơn.
Bên cạnh nguy cơ bị sẹo, da có thể bị tăng sắc tố sau viêm (PIH) hoặc vết thâm. Tình trạng này có thể mất từ vài tháng đến nhiều năm để mờ đi.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy không nên tự nặn mụn:
- Tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng hoặc dai dẳng, người có da nhạy cảm hoặc dễ bị sẹo. Thay vào đó, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu trước khi nặn mụn, đặc biệt là nếu có mụn trứng cá nghiêm trọng hoặc da nhạy cảm.
- Mụn có mủ hoặc sưng như mụn nhọt, mụn nang sâu dưới bề mặt da.
- Mụn có vị trí gần mắt hoặc miệng (khu vực tam giác nguy hiểm trên khuôn mặt).
Các sai lầm khi nặn mụn
Bạn hãy thực hiện đúng cách để tránh cho mụn trở nên trầm trọng hơn. Đầu tiên, cần phải xác định loại mụn nào có thể nặn được. Đối với các loại mụn không viêm như mụn đầu trắng hay đầu đen thì việc nặn mụn khá an toàn. Ngược lại, các loại mụn viêm không nên nặn do nguy cơ lây lan nhiễm trùng và gây kích ứng da hơn nữa như mụn đỏ không có nhân, mụn nang to bị viêm sâu dưới da, mụn viêm lớn và rất đau.
Bên cạnh chọn đúng loại mụn có thể nặn, cần nặn mụn đúng thời điểm. Một số sai lầm do nặn mụn sai thời điểm như:
- Nặn mụn chưa gom cồi
Thông thường, nếu mụn chưa có cồi hoặc chưa gom cồi và vẫn còn ẩn dưới da, việc cố gắng nặn mụn không chỉ gây đau mà còn có thể gây kích ứng, thậm chí nhiễm trùng khiến mụn khó lành hơn. Trường hợp này được xem là nặn mụn quá sớm, trước khi mụn trở nên “già”. Tức là khi có thể nhìn thấy cồi mụn được đẩy lên trên bề mặt da. Khi cồi mụn khô và cứng lại, ngả màu vàng nâu và nổi cộm trên bề mặt da, chỉ cần một thao tác nhẹ là đã có thể lấy cồi mụn ra.
- Làm vỡ mụn mủ
Mụn mủ chứa nhiều vi khuẩn bên trong cồi mụn. Nếu nặn mụn không cẩn thận khiến các nốt mụn mủ vỡ ra sẽ làm lây lan vi khuẩn vào các vùng da lành khác, dẫn đến tình trạng mụn nhiều và trầm trọng hơn. Đối với mụn mủ đã gom cồi và đẩy trên bề mặt da, hoặc mụn không viêm có đầu mụn mở, có thể dùng hơi nóng để làm mềm da. Điều này giúp làm mở các lỗ chân lông trên da, làm mềm đầu mụn và sau đó có thể lấy mụn một cách dễ dàng.
- Không sát khuẩn da và tay trước khi nặn mụn
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đến từ việc nặn mụn là khả năng đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào trong da. Trước khi nặn mụn cần sát khuẩn kỹ tay và vùng da mụn hoặc cũng có thể sử dụng găng tay khi nặn mụn. Sau khi đã lấy mụn xong cũng nên sát khuẩn cho da một lần nữa để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào da.
- Không sát khuẩn dụng cụ nặn mụn
Dụng cụ nặn mụn sẽ là vật tiếp xúc trực tiếp lên da. Nếu không được vệ sinh hoặc sử dụng không đúng cách sẽ tạo điều kiện đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào da. Do đó, cần sát trùng dụng cụ nặn mụn hoặc chỉ sử dụng dụng cụ dùng một lần.
Lặp đi lặp lại việc nặn mụn tại cùng một vị trí sẽ khiến da bị tổn thương nặng, dễ hình thành sẹo lồi.
- Không phục hồi da đúng cách sau khi nặn mụn
Sau quá trình nặn mụn, cần lưu ý một số bước để hỗ trợ chữa lành tự nhiên của da. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nặn mụn, không nên dùng mỹ phẩm để tránh gây tổn thương da. Tốt nhất chỉ nên dùng nước muối sinh lý để rửa mặt hoặc có thể cấp ẩm bằng xịt khoáng. Lưu ý rằng, cần tránh các loại hóa chất mạnh đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ da, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Sau khi nặn mụn da thường bị viêm và đỏ, lúc này cần sử dụng các sản phẩm có tính kháng viêm để bôi lên vùng da mụn giúp giảm viêm. Tình trạng viêm sau khi nặn mụn có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố sau viêm hoặc sẹo lõm. Vì vậy làm dịu và giảm viêm sau nặn mụn rất quan trọng cho da. Nếu vết thương vẫn còn sưng và viêm sau 24 giờ, cần tư vấn Bác sĩ Da liễu để được kê đơn các loại kháng sinh hoặc sát khuẩn ngoài da.
Nặn mụn là việc làm khá phổ biến ở người bị mụn. Tuy nhiên nếu nặn mụn không đúng cách quá thường xuyên có thể gây ra các nguy cơ bị sẹo hoặc tăng sắc tố sau viêm. Vì thế tốt nhất là không nên nặn mụn, thay vào đó nên sử dụng các phương pháp điều trị mụn tác động trực tiếp nguyên nhân gây mụn. Nếu muốn nặn mụn bạn cần lưu ý xác định đúng loại mụn có thể nặn và đúng thời điểm, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn và chăm sóc da đúng cách để giảm thiểu nguy cơ để lại biến chứng về sau hoặc bạn có thể nặn mụn tại các cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn.
Liên hệ ngay đến Phòng khám Da liễu Doctor Acnes, để được các Bác sĩ Da liễu tư vấn và giải đáp thắc mắc nhé.
Tài liệu tham khảo
- “Acne“. British Association of Dermatologists
- “ACNE SCARS: CAUSES“. AAD
- “Before You Pop a Pimple“. WebMD