Mụn viêm là một trong những loại mụn khó chịu và đau đớn nhất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến làn da và sự tự tin. Đâu là nguyên nhân khiến mụn viêm bùng phát và làm sao để điều trị dứt điểm? Hãy khám phá ngay các phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát và ngăn ngừa mụn tái phát, giúp làn da trở nên khỏe mạnh và tự tin hơn!
Mụn viêm là gì? Nguyên nhân gây ra mụn viêm?
Mụn viêm là một dạng bệnh lý da liễu phổ biến xảy ra khi tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, kết hợp với tế bào chết và bụi bẩn làm bít tắc lỗ chân lông. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn C. acnes phát triển mạnh mẽ, gây ra phản ứng viêm với các triệu chứng như sưng đỏ, đau nhức và đôi khi có mủ.
Mụn viêm có thể xuất hiện dưới nhiều dạng như mụn sẩn, mụn mủ, mụn bọc, mụn nang và thường xuất hiện ở các vùng tiết nhiều dầu như mặt, lưng và ngực. Nếu không điều trị đúng cách, mụn viêm có thể để lại sẹo rỗ và thâm kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân chính dẫn đến mụn viêm bao gồm:
- Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh: đặc biệt do rối loạn nội tiết tố (tuổi dậy thì, thai kỳ, kinh nguyệt) hoặc do yếu tố di truyền, sử dụng thuốc (testosterone, phenothiazine), căng thẳng, thiếu ngủ và sinh hoạt không điều độ.
- Tế bào chết và bụi bẩn tích tụ: chăm sóc da không đúng cách, môi trường ô nhiễm và không vệ sinh da kỹ lưỡng có thể gây bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm và hình thành mụn.
Các loại mụn viêm thường gặp
Mụn viêm gây sưng đỏ và đau nhức, biểu hiện dưới 4 dạng sau:
- Mụn sẩn: loại mụn có phần da xung quanh bị viêm nhẹ, hơi sưng, có màu đỏ, hồng hoặc nâu tím, đau khi chạm vào. Phần da bị viêm có đường kính dưới 1cm, có hoặc không có bờ rõ ràng, tụ thành nhiều mảng. Mụn này xuất hiện ở nam giới nhiều hơn.
- Mụn mủ: loại mụn sưng to, có mủ màu trắng đục hoặc hơi ngả vàng ở trung tâm, xung quanh có viền viêm đỏ. Mụn mủ thường không gây ra sẹo lõm do tình trạng viêm thường giới hạn đến lớp nang lông.
- Mụn bọc: loại mụn viêm nặng, có khả năng gây tổn thương tới cấu trúc bên trong da. Mụn bọc biểu hiện bằng những nốt sần, cứng, màu da hoặc màu đỏ, không có nhân như mụn đầu trắng hay mụn đầu đen, gây cảm giác căng tức và đau nhức. Mụn bọc nằm sâu dưới tận lớp đáy của da, nên nếu điều trị không đúng cách có thể để lại sẹo rỗ.
- Mụn nang: loại mụn viêm nặng nhất và nguy cơ gây sẹo lõm rất cao do tình trạng viêm nhiễm đã xâm nhập vào sâu tế bào da. Mụn nang chứa đầy mủ nên mềm hơn mụn bọc và có thể thấy mủ bằng mắt thường.
Để phân loại mức độ nặng của mụn viêm và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, Bác sĩ sẽ dựa trên số lượng tổn thương do mụn. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế (2015), mụn trứng cá được chia thành 3 mức độ:
- Mức độ nhẹ: dưới 20 nốt không viêm, hoặc dưới 15 nốt viêm, hoặc tổng cộng dưới 30 nốt.
- Mức độ vừa: từ 20 – 100 nốt không viêm, hoặc 15 – 50 nốt viêm, hoặc tổng cộng 20 – 125 nốt.
- Mức độ nặng: trên 5 nốt nang, hoặc hơn 100 nốt không viêm, hoặc hơn 50 nốt viêm, hoặc tổng cộng trên 125 nốt.
Các cách điều trị mụn viêm tại nhà
Đối với mụn viêm, việc điều trị tại nhà có thể mang lại hiệu quả tốt nếu biết cách sử dụng các nguyên liệu an toàn và đúng phương pháp. Dưới đây là hai hướng tiếp cận giúp giảm mụn viêm một cách tự nhiên và hiệu quả.
Dùng nguyên liệu thiên nhiên
- Giấm táo: pha loãng giấm táo với nước (tỷ lệ 1:3). Đối với da nhạy cảm, nên pha loãng hơn (tỷ lệ 1:5). Sau khi rửa mặt sạch, dùng bông gòn thấm dung dịch và thoa nhẹ lên vùng da mụn. Để yên 5 – 20 giây, sau đó rửa lại bằng nước ấm. Thực hiện 1 – 2 lần mỗi ngày nếu cần.
- Trà xanh: pha trà xanh trong nước sôi từ 3 – 4 phút, để nguội. Dùng bông thấm dung dịch, thoa đều lên da sau khi làm sạch mặt hoặc đổ vào bình xịt để xịt lên da. Để khô tự nhiên, sau đó rửa sạch với nước và vỗ nhẹ cho khô da. Phần bã trà còn lại có thể trộn với mật ong và làm mặt nạ đắp.
- Nha đam: lấy muỗng nạo phần gel từ lá nha đam tươi, bôi trực tiếp lên nốt mụn. Để gel khô tự nhiên trong khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch với nước ấm. Lặp lại quy trình này 1 đến 2 lần mỗi ngày hoặc lúc cần. Nha đam giúp giảm viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi da.
- Tinh dầu tràm trà: kết hợp 1 giọt tinh dầu tràm trà với 1 muỗng cà phê dầu nền (như dầu dừa hoặc dầu jojoba) để tránh kích ứng da. Nhúng tăm bông vào hỗn hợp và chấm trực tiếp lên nốt mụn, sau đó có thể thoa thêm kem dưỡng ẩm nếu cần. Lặp lại 1 – 2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Mặt nạ nghệ: trộn bột nghệ với nước ấm, mật ong hoặc sữa tươi để tạo thành hỗn hợp sệt. Thoa đều hỗn hợp lên vùng da mụn, giữ trong khoảng 10 phút. Sau đó, rửa sạch lại bằng nước ấm và lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Nên thực hiện 2 – 3 lần mỗi tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Dùng sản phẩm trị mụn bôi ngoài da không kê đơn
Sử dụng các sản phẩm trị mụn không kê đơn có thể mang lại hiệu quả đối với mụn viêm nhẹ. Dưới đây là một số thành phần phổ biến và dễ dàng tìm mua:
- Benzoyl peroxide: hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn C. acnes và giảm viêm. Sản phẩm chứa nồng độ từ 2.5 – 10%, thích hợp cho người mới bắt đầu. Lưu ý, sản phẩm có thể gây khô da nên cần sử dụng thêm kem dưỡng ẩm.
- Salicylic acid: giúp loại bỏ tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông và ngăn ngừa thâm sẹo. Nên kết hợp với kem dưỡng ẩm để tránh làm da khô quá mức.
Các sản phẩm này có thể dễ dàng mua tại các nhà thuốc hoặc cửa hàng mỹ phẩm, nhưng chỉ nên dùng cho tình trạng mụn nhẹ. Đối với mụn trung bình đến nặng, nên thăm khám Bác sĩ tại Bệnh viện hoặc các Phòng khám Da liễu để có liệu trình điều trị chuyên sâu.
Các phương pháp điều trị mụn viêm tại Phòng khám Da liễu
Mụn viêm có thể lây lan ra các vùng da lành xung quanh và để lại sẹo, vì vậy nên điều trị mụn viêm càng sớm càng tốt. Tuỳ thuộc vào tình trạng mụn viêm, Bác sĩ Da liễu có thể chọn phương pháp sử dụng thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn và kết hợp thêm liệu pháp vật lý/hóa học (liệu pháp ánh sáng, peel da…) để điều trị.
Việc điều trị mụn viêm càng sớm sẽ giúp hạn chế lây lan và giảm nguy cơ để lại sẹo. Dưới đây là các phương pháp điều trị chuyên sâu mà Bác sĩ có thể áp dụng tại Phòng khám:
Điều trị bằng thuốc kê đơn
Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp mụn nặng và cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bác sĩ:
Thuốc bôi ngoài da:
- Azelaic acid (20%): giúp ngăn chặn sự hình thành nhân mụn và có tác dụng kìm khuẩn nhưng có thể gây cảm giác ngứa hoặc bỏng rát.
- Retinoid (tretinoin, adapalene, tazarotene): là dẫn xuất vitamin A, có tác dụng tiêu nhân mụn và giảm bài tiết bã nhờn. Tuy nhiên, retinoid có thể gây khô da và kích ứng, đặc biệt trong những tuần đầu điều trị.
- Kháng sinh bôi ngoài da (clindamycin, erythromycin): tiêu diệt vi khuẩn C. acnes và chống viêm. Các loại kháng sinh này thường được kết hợp với kẽm hoặc benzoyl peroxide để giảm đề kháng vi khuẩn và tăng hiệu quả.
Thuốc đường uống:
- Kháng sinh (doxycycline, tetracycline, macrolide): thường dùng cho các trường hợp mụn viêm lan rộng. Tác dụng phụ bao gồm nhạy cảm với ánh sáng và rối loạn tiêu hóa.
- Isotretinoin: một trong những thuốc mạnh nhất để điều trị mụn viêm nặng như mụn bọc, mụn nang. Liều tấn công từ 0.5 – 1mg/kg/ngày trong 4 tháng và liều duy trì 0.2 – 0.3mg/kg/ngày trong 2 – 3 tháng. Tác dụng phụ bao gồm khô da, môi và loét miệng; đặc biệt chống chỉ định cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ gây quái thai.
- Liệu pháp hormone: dành cho các trường hợp mụn do mất cân bằng nội tiết, ví dụ như mụn liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc tránh thai hằng ngày giúp điều hòa nội tiết tố nhưng có thể gây ra tác dụng phụ như khô âm đạo hoặc tăng nguy cơ ung thư vú. Cách dùng: vỉ 21 viên, bắt đầu uống viên đầu tiên khi hành kinh, mỗi ngày uống 1 viên, nghỉ 7 ngày, thời gian dùng thuốc từ 3 – 6 tháng.
Kết hợp thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn
Tùy vào tình trạng và mức độ mụn, Bác sĩ Da liễu có thể đưa ra phác đồ kết hợp giữa thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn để điều trị hiệu quả hơn. Sự kết hợp này sẽ được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân để mang lại kết quả tốt nhất và giảm nguy cơ tái phát.
Áp dụng các phương pháp chuyên sâu
Để điều trị mụn viêm hiệu quả, các Bác sĩ Da liễu thường kết hợp giữa liệu pháp nội khoa và công nghệ thẩm mỹ tiên tiến nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục. Một số phương pháp hiện đại phổ biến tại các Bệnh viện và Phòng khám Da liễu bao gồm:
- Liệu pháp ánh sáng xanh (blue light therapy): có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn C. acnes, điều tiết bã nhờn và gom cồi mụn, thích hợp cho mụn nhẹ đến trung bình.
- Liệu pháp ánh sáng xung mạnh IPL: giúp giảm viêm, thu nhỏ lỗ chân lông và giảm sản xuất bã nhờn, thường dùng cho mụn trung bình đến nặng.
- Liệu pháp quang động trị liệu PDT: sử dụng ánh sáng kết hợp thuốc đặc trị để tiêu diệt vi khuẩn, giảm hoạt động tuyến bã nhờn, hiệu quả cho mụn viêm nặng và mụn trứng cá lâu dài.
- Liệu pháp laser: cải thiện mụn trung bình đến nặng và làm mờ sẹo, thúc đẩy tái tạo da và sản sinh collagen. Laser Nd:YAG 1064nm xung dài, laser PDL có thể điều trị mụn trứng cá nhanh chóng và hiệu quả.
- Peel da trị mụn: sử dụng các acid như glycolic acid hoặc salicylic acid để loại bỏ tế bào chết, giúp thông thoáng lỗ chân lông và giảm thâm mụn.
- Tiêm meso (mesotherapy): đưa dưỡng chất sâu vào da, giúp giảm viêm, giảm tiết bã nhờn và thúc đẩy quá trình tái tạo.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các biện pháp ngăn ngừa mụn viêm tái phát
Để mụn viêm không tái phát, cần kết hợp giữa việc tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ và xây dựng thói quen chăm sóc da hợp lý. Một số biện pháp hữu ích bao gồm:
- Làm sạch da mặt đều đặn 2 lần/ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn. Rửa mặt kỹ sau khi tập thể dục.
- Bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng và khói bụi bằng kem chống nắng và đeo khẩu trang.
- Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và có chế độ ăn khoa học.
- Hạn chế trang điểm; nếu cần, hãy sử dụng sản phẩm không chứa dầu để tránh bít tắc lỗ chân lông.
- Tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ, đặc biệt trong việc sử dụng thuốc và chăm sóc da hằng ngày.
Bảng giá dịch vụ điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes
Phương pháp | Giá | Giá HSSV |
⭐Lấy nhân mụn chuẩn y khoa | 290.000 | 260.000 |
⭐Laser 1064nm xung dài (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.300.000 | 1.200.000 |
⭐Laser PDL xung dài (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.400.000 | 1.300.000 |
⭐Laser Er Glass Deka giảm nhờn, trẻ hóa da (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 2.500.000 | 2.400.000 |
⭐Laser Er Glass Deka & PDL trị viêm da tiết bã và mụn viêm (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 3.000.000 | 2.900.000 |
⭐IPL Cellec V trị mụn | 600.000 | 550.000 |
⭐Quang động trị liệu | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Mesotherapy trị mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 700.000 | 600.000 |
⭐Mesotherapy phục hồi da nhiễm corticoid (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 2.000.000 | 1.900.000 |
⭐Mesotherapy trị mụn và kiểm soát bã nhờn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 2.500.000 | 2.400.000 |
⭐Điện di trị mụn, kháng viêm và chống oxy hóa | 300.000 | 280.000 |
⭐Liệu trình phục hồi da nhiễm corticoid | 1.000.000 | 900.000 |
⭐Liệu trình phục hồi da nhiễm corticoid chuyên sâu | 1.300.000 | 1.200.000 |
⭐Chiếu ánh sáng sinh học Biolight | 100.000 | 100.000 |
⭐Mặt nạ trị mụn và giảm nhờn CosMedical | 100.000 | 90.000 |
⭐Peel da với salicylic acid (10%, 20%, 30%) | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid (20%, 35%, 50%) | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid và retinol | 800.000 | 700.000 |
⭐Peel body | 900.000 -1.100.000 | 800.000 -1.000.000 |
Mụn viêm là tình trạng mụn nặng, khó điều trị tại nhà và dễ để lại sẹo nếu xử lý sai cách. Vì vậy, khi gặp mụn viêm, hãy ưu tiên thăm khám Bác sĩ Da liễu để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, duy trì thói quen vệ sinh da kỹ lưỡng, sinh hoạt lành mạnh và chế độ ăn hợp lý sẽ giúp hạn chế mụn tái phát.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo
- “Slideshow: Acne Visual Dictionary“. WebMD
- Purdy S, Deberker D. “Acne vulgaris“. BMJ Clin Evid. 2008 May 15;2008:1714
- “Inflamed acne: Causes, symptoms, and remedies“. MedicalNewsToday
- Zaenglein AL, Pathy AL, et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris“. J Am Acad Dermatol. 2016 May;74(5):945-73.e33. doi: 10.1016/j.jaad.2015.12.037