Mụn nhọt ở lưng: dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 19/07/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn nhọt mọc ở lưng không phải là tình trạng hiếm gặp. Khác với các loại mụn thông thường xảy ra do tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, mụn nhọt ở lưng xảy ra do nhiễm trùng, liên quan trực tiếp đến thói quen vệ sinh cơ thể. Là triệu chứng nhiễm trùng cấp tính, triệu chứng nặng hơn mụn trứng cá thông thường, người bệnh cần có biện pháp điều trị phù hợp để tránh xảy ra các biến chứng về sau. Cùng Doctor Acnes tìm hiểu thêm để biết cách chăm sóc vùng da bị mụn nhọt đúng cách nhé!

Nguyên nhân gây mụn nhọt ở lưng

Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng da, xảy ra các phản ứng viêm và tạo mủ bên dưới da, mà nguyên nhân là do vi khuẩn, phổ biến nhất là vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn). Đây là vi khuẩn thường trú trên da, dễ dàng xâm nhập qua các vết cắt hoặc trầy xước, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Một số nguyên nhân chính gây mụn nhọt bao gồm:

  • Vệ sinh cá nhân kém: tích tụ bụi bẩn, tế bào chết, và mồ hôi tạo điều kiện cho tụ cầu khuẩn phát triển, gây viêm và nhiễm trùng. Vi khuẩn này có thể lưu lại trên quần áo, vỏ gối và mền, khiến người bị dễ dàng tái phát mụn nhọt tại nhiều vùng cơ thể.
  • Lây nhiễm: tiếp xúc trực tiếp với người bị mụn nhọt có thể dẫn đến lây nhiễm, đặc biệt ở những người có miễn dịch suy yếu.
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu: người mắc bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì hoặc người cao tuổi dễ bị nhiễm trùng da. Người có vết thương hở, mắc bệnh lý da liễu như viêm da cơ địa hoặc đang điều trị corticoid cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
nguyên nhân gây mụn nhọt
Một số nguyên nhân gây mụn nhọt ở lưng

Mụn nhọt ở lưng cũng có thể do mụn trứng cá bị nhiễm trùng. Một số yếu tố làm tăng sự phát triển mụn trứng cá bao gồm:

  • Thói quen ăn uống: chế độ ăn nhiều đường, ít chất xơ, nhiều chất đạm và các chất kích thích như rượu, bia khiến cơ thể xử lý độc tố kém hiệu quả.
  • Thức khuya và căng thẳng: căng thẳng mãn tính và lo lắng giải phóng hormone cortisol và androgen, tăng sản xuất bã nhờn và gây viêm da.
  • Thay đổi nội tiết tố: tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh đều gây ra sản xuất bã nhờn dư thừa, dễ dẫn đến mụn.

Biểu hiện của mụn nhọt ở lưng

Mụn nhọt ở lưng là các tổn thương da giống mụn mủ nhưng lớn hơn và đau hơn, thường khu trú tại các nang lông bị viêm và mưng mủ. Những ổ mụn này có các đặc điểm sau:

  • Kích thước to: ban đầu nhỏ như mụn trứng cá thông thường, sau đó phát triển to dần, có thể đạt hơn 5cm.
  • Sưng đỏ và đau: bề mặt da sưng đỏ, bên trong chứa đầy mủ, ngòi mủ màu trắng thường hình thành ở trung tâm nốt nhọt, sờ vào có cảm giác nóng ấm và đau nhức.
  • Khi mụn nhọt vỡ: mủ màu trắng hoặc vàng chảy ra. Trong trường hợp nặng, cần lấy mủ làm kháng sinh đồ để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và chọn kháng sinh phù hợp.
mụn nhọt ở lưng
Mụn nhọt ở lưng là các tổn thương da giống mụn mủ nhưng lớn hơn và đau hơn

Ở những người có hệ miễn dịch kém, mụn nhọt dễ phát triển nặng, khó điều trị dứt điểm và có thể tái phát nhiều lần tại cùng một vị trí. Mụn nhọt cũng có thể lan ra các vị trí khác như mặt, nách, mông, cổ, đùi và đầu. Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân, từ đó gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại như:

  • Nhiễm trùng huyết: gây ra các đốm nhỏ màu đỏ sẫm, thay đổi thân nhiệt, rét run, ớn lạnh, đổ mồ hôi, thở dốc, tăng nhịp tim, hạ huyết áp…
  • Nhiễm trùng da và dưới da: còn được gọi là viêm mô tế bào, gây sưng đau, đôi khi có triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, đổ mồ hôi…

Cách điều trị mụn nhọt ở lưng

Đa số mụn nhọt sẽ tự giới hạn và hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà hoặc tìm đến các can thiệp y tế khi cần thiết:

Chăm sóc tại nhà

  • Chườm ấm khu vực da bị mụn nhọt: duy trì thực hiện nhiều lần trong ngày để giảm đau, làm mềm đầu mụn.
  • Không cố nặn, chích mụn nhọt quá sớm: tự ý nặn hoặc dùng kim, vật sắc nhọn khi tổn thương mụn nhọt chưa gom mủ khiến tình trạng viêm càng trở nên nặng hơn. Thay vào đó, nên để nhọt gom mủ và tự vỡ theo thời gian.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng da lưng sạch sẽ: sử dụng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ để loại bỏ mồ hôi, bã nhờn, bụi bẩn và các vi khuẩn gây hại.
  • Tránh việc gãi, cào hoặc ma sát lên vùng da lưng bị mụn nhọt: việc này có thể khiến da bị đau, rát và tăng nguy cơ bội nhiễm.
  • Vệ sinh ga giường, quần áo, khăn tắm thường xuyên: để giảm nguy cơ tái nhiễm.
  • Sát trùng kỹ sau khi mụn vỡ: tránh lây lan vi khuẩn sang các vùng khác.

Khi nào cần gặp Bác sĩ?

Cần gặp Bác sĩ chuyên khoa để có những can thiệp kịp thời đối với trường hợp mụn nhọt quá lớn, nhiều nhọt cùng một thời điểm, xuất hiện cả cụm nhọt hoặc nếu các nhọt:

  • Ngày càng gây đau dữ dội, nghiêm trọng.
  • Có triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi.
  • Có kích thước tăng nhanh chóng, dù đã tự chườm ấm và vệ sinh đúng cách.
  • Không giảm sau hơn 2 tuần.
  • Tái phát nhiều lần.
thăm khám bác sĩ để trị mụn nhọt ở lưng
Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn và trị mụn nhọt ở lưng an toàn

Can thiệp y tế

  • Rạch và dẫn lưu mủ: Bác sĩ có thể lấy dịch mủ ra ngoài bằng cách rạch một đường nhỏ trên bề mặt da. Sau khi lấy mủ và dẫn lưu, vị trí này được băng lại để ngăn ngừa nhiễm trùng từ bên ngoài. Rạch dẫn lưu mủ giúp giải phóng ổ vi khuẩn, giảm áp lực từ ổ viêm, làm cho mụn nhọt biến mất nhanh hơn, giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng lây lan. Tuy nhiên, thao tác thực hiện phải đảm bảo vô khuẩn.
  • Dùng thuốc kháng sinh: các loại mụn nhọt có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ/toàn thân với các chủng vi khuẩn nhạy cảm. Kháng sinh toàn thân cần thiết khi có biến chứng toàn thân hoặc tình trạng nghiêm trọng như nhiều mụn nhọt mọc gần nhau tạo thành cụm (carbuncle). Điều trị carbuncle có thể bằng việc sử dụng kháng sinh dạng tiêm và mở dẫn lưu mủ thoát ra ngoài. Vết thương sau đó sẽ được làm sạch nhiều lần bằng dung dịch sát trùng.

Xem thêm các bài viết liên quan

Phòng ngừa mụn nhọt ở lưng

Tuyến mồ hôi ở lưng hoạt động mạnh dễ gây ra ẩm ướt và tái phát mụn nhọt nếu không vệ sinh hợp lý. Việc tái phát mụn nhọt ở lưng có thể gây đau nhức khó chịu. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

Giữ gìn vệ sinh đúng cách

  • Vệ sinh da và tắm rửa hàng ngày bằng sữa tắm tẩy tế bào chết phù hợp.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi.
  • Giữ ga giường, quần áo sạch sẽ, tránh bụi bẩn, vi khuẩn.
  • Không dùng chung đồ cá nhân như khăn tắm.
  • Tránh gãi cào lên da để không tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Chế độ ăn và lối sống khoa học

  • Hạn chế tiêu thụ đường.
  • Tăng cường omega 3 và omega 6 từ cá và dầu anh thảo.
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa.
  • Hạn chế thức khuya, giảm stress và căng thẳng.
phòng ngừa mụn nhọt ở lưng
Giữ gìn vệ sinh đúng cách và ăn uống lành mạnh để phòng ngừa mụn nhọt ở lưng

Mụn nhọt ở lưng là vấn đề phổ biến nhưng thường bị xem nhẹ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống. Để ngăn ngừa, hãy duy trì vệ sinh cá nhân, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu để đạt kết quả tốt nhất.

Nếu bạn đang gặp tình trạng này, hãy đến Phòng khám Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị kịp thời, giúp làn da khỏe mạnh và tự tin hơn. Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay qua hotline 07 0838 0878!

Tài liệu tham khảo

  1. What to Know About Furuncles (Boils)“. Healthline
  2. Overview: Boils and carbuncles“. NIH
  3. Interventions for bacterial folliculitis and boils (furuncles and carbuncles)“. NIH
  4. Boils and carbuncles“. Nidirect

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84