Mụn trứng cá ở lưng: nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 26/03/2023

Mụn lưng (bacne) là mụn xuất hiện ở vùng lưng, có thể dưới dạng mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc mụn sẩn, mụn viêm. Khi xuất hiện ở vùng này, mụn trứng cá không những gây mất thẩm mỹ, mà còn gây đau khi nằm ngủ. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu kĩ hơn về mụn trứng cá ở lưng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa qua bài viết dưới đây!

Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá ở lưng

Tương tự như mụn trứng cá ở các vùng da khác, mụn trứng cá ở lưng được hình thành khi các lỗ chân lông trên da bị bít tắc do bụi bẩn, tế bào da chết, mồ hôi và bã nhờn kèm theo sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn Propionibacterium acnes gọi tắt là vi khuẩn P. acnes.

Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá ở lưng - Doctor Acnes
Mụn trứng cá ở lưng được hình thành khi các lỗ chân lông trên da bị bít tắc do bụi bẩn, tế bào da chết, mồ hôi và bã nhờn kèm theo sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn P. acnes

P. acnes là một loại vi khuẩn kỵ khí gram dương. Chúng nằm sâu bên dưới lỗ chân lông, trong các nang lông. Chúng tồn tại ở môi trường có lượng oxy trong da thấp và lấy dầu thừa, bã nhờn làm năng lượng chính để phát triển. Khi lỗ chân lông bị bít tắc sẽ tạo môi trường kỵ khí cho vi khuẩn phát triển mạnh dẫn đến viêm và hình thành mụn trứng cá.

Một trong những nguyên nhân khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn là do sự tăng tiết bã nhờn. Bã nhờn (sebum) là hỗn hợp bao gồm acid béo tự do, triglycerid, sáp, squalene và cholesterol được cơ thể tạo ra nhằm mục đích giữ cho da không bị khô và giữ ẩm cho da.

Tuy nhiên, khi bã nhờn tiết nhiều hơn mức bình thường sẽ gây bít tắc lỗ chân lông dẫn đến hình thành mụn lưng. Dưới đây là một số nguyên nhân gây mụn lưng xuất phát từ việc da tiết nhiều bã nhờn hơn bình thường.

Nội tiết tố: những người đang mang thai và những người trẻ tuổi đang trong giai đoạn dậy thì có nhiều khả năng bị mụn trứng cá ở lưng cao hơn khi nồng độ hormone thay đổi gây tăng tiết bã nhờn.

Ngoài ra, khi lo lắng hoặc căng thẳng nhiều, cơ thể cũng sẽ tạo ra nhiều hormone cortisol hơn. Khi nồng độ cortisol tăng lên, cơ thể sản xuất nhiều bã nhờn hơn và dễ dẫn đến hình thành mụn lưng.

Vệ sinh kém: dầu thừa và bụi bẩn ở da đầu và tóc nếu không được làm sạch kĩ có thể gây bít tắc lỗ chân lông, đặc biệt nếu tóc thường xuyên được để xõa trong tình trạng không được làm sạch.

Các sản phẩm chăm sóc da: một số loại lotion và kem dưỡng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn trứng cá ở vùng lưng.

Mồ hôi đọng lại ở lưng: mồ hôi đọng lại giữa da và quần áo có thể gây nên tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn đến mụn lưng, đặc biệt là những người đổ mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis) có nguy cơ bị mụn lưng cao hơn.

Một số nguyên nhân khác gây mụn lưng bao gồm:

Tiền sử gia đình: những người có người thân trong gia đình bị mụn thường có nguy cơ nổi mụn lưng cao hơn.

Ma sát: áo sơ mi, ba lô, dụng cụ thể thao và các loại quần áo khác cọ xát với làn da đẫm mồ hôi có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm mụn trứng cá ở lưng.

Thuốc: một số loại thuốc kể cả corticosteroid, có thể gây ra mụn trứng cá ở lưng hoặc làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, mụn ở lưng cũng có thể do khăn trải giường, khăn tắm hoặc quần áo bẩn.

Các giai đoạn hình thành mụn trứng cá ở lưng

Bốn giai đoạn then chốt trong việc hình thành tổn thương do mụn trứng cá ở lưng bao gồm:

Tăng sản xuất bã nhờn

Tuyến bã nhờn là nơi sản xuất ra bã nhờn, thường tập trung phổ biến nhất ở những vùng dễ bị mụn trứng cá như má, mũi và trán, cũng như trên ngực và lưng. Tăng tốc độ sản xuất bã nhờn là một yếu tố liên quan đến sự phát triển của mụn trứng cá ở lưng.

Ở người bị mụn trứng cá, tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn những người bình thường và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá có liên quan đến mức độ tiết bã nhờn, điều này phụ thuộc trực tiếp vào kích thước và tốc độ phát triển của các tuyến bã nhờn, nằm dưới sự kiểm soát của nội tiết tố androgen. Ở nữ giới trước chu kỳ kinh nguyệt và nam giới, mức độ testosterone tăng cao là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá.

Tăng sản xuất bã nhờn - Doctor Acnes
Tuyến bã nhờn là nơi sản xuất ra bã nhờn, thường tập trung phổ biến nhất ở những vùng dễ bị mụn trứng cá như má, mũi và trán, cũng như trên ngực và lưng

Tăng sừng hóa ống tuyến bã nhờn 

Sự thiếu hụt acid linoleic bài tiết vào tuyến bã nhờn được ghi nhận là nguyên nhân khiến cho các tế bào trong tuyến bã nhờn không giữ được độ ẩm cần thiết và bong ra.

Các tế bào sau khi bong tích tụ, làm bã nhờn được tiết ra sau đó bị tắc nghẽn, cộng với vi khuẩn dẫn đến hình thành mụn trứng cá. Vùng da lưng khó được vệ sinh kĩ nên có nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông khi ống tuyến bã nhờn tăng sừng hóa cao hơn các vùng da khác, từ đó dễ hình thành mụn trứng cá ở lưng.

Mất cân bằng hệ vi sinh

Vi khuẩn gây mụn trứng cá có tên là Propionibacterium acnes. Trong điều kiện bình thường, P. acnes thường trú trên bề mặt da mà không gây mụn. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện thuận lợi (mất cân bằng hệ vi khuẩn thường trú trên da), vi khuẩn này phát triển nhanh chóng và là nguyên nhân gây mụn.

Lỗ chân lông bị bít tắc tạo môi trường kỵ khí lý tưởng để P. acnes sinh sôi nhanh chóng. Sự phát triển quá mức của P. acnes làm thủy phân chất béo trung tính của bã nhờn, tạo ra các acid béo tự do có thể dẫn đến sự hình thành mụn trứng cá.

Vi khuẩn Propionibacterium acnes - Doctor Acnes
Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn P. acnes phát triển nhanh chóng và là nguyên nhân gây mụn

Quá trình viêm

P. acnes góp phần gây viêm thông qua tác động của nhiều tác nhân khác nhau cũng như thông qua sự phá vỡ nhân mụn. P.acnes bên trong nang lông tiết ra 1 loại polypeptide có khối lượng phân tử thấp, loại polypeptide này khuếch tán qua các biểu mô nang bị sừng hóa bất thường của nang lông ra bên ngoài, thu hút các bạch cầu hạt trung tính đến vị trí nang lông.

Các bạch cầu này tiêu diệt P.acnes ở bên trong nang lông và giải phóng các enzyme ly giải, các enzyme này tác động lên thành nang lông làm mất kết dính và phá vỡ chúng. Sự phá vỡ thành nang lông tạo điều kiện cho các thành phần bên trong nang lông thoát ra vùng biểu bì xung quanh và gây viêm.

Các cơ chế chính liên quan đến quá trình hình thành mụn trứng cá - Doctor Acnes
Các cơ chế chính liên quan đến quá trình hình thành mụn trứng cá – Doctor Acnes

Cách điều trị mụn trứng cá ở lưng

Tình trạng mụn trứng cá nói chung và mụn trứng cá ở lưng nói riêng được phân loại thành các mức độ nhẹ, vừa và nặng. Tùy vào mức độ và đáp ứng của mỗi người mà các Bác sĩ sẽ có chỉ định và kết hợp thuốc khác nhau. Một số loại thuốc thường được các Bác sĩ Da liễu sử dụng để điều trị mụn trứng cá là:

  • Mụn trứng cá nhẹ: retinoid (tretinoin, adapalene, tazarotene) đơn trị liệu hoặc kết hợp với benzoyl peroxide và/hoặc kháng sinh tại chỗ như erythromycin, clindamycin.
  • Mụn trứng cá vừa: kháng sinh toàn thân bao gồm tetracyclin, minocyclin, erythromycin, doxycyclin và sarecyclin. Hiệu quả tối đa khi điều trị ≥ 12 tuần. Các thuốc bôi trong điều trị mụn trứng cá mức độ nhẹ có thể được sử dụng đồng thời với kháng sinh đường uống trong thời gian điều trị.
  • Mụn trứng cá nặng: isotretinoin đường uống.

Ngoài phương pháp trị liệu bằng thuốc, mụn trứng cá còn có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng (laser xung dài long pulse, laser nhuộm xung PDT, xung ánh sáng mạnh IPL hoặc quang động trị liệu).

Phương pháp quang trị liệu dựa trên cơ chế sử dụng năng lượng của các nguồn ánh sáng có bước sóng khác nhau với mục đích ức chế sự phát triển của vi khuẩn P. acnes hoặc ức chế sự hoạt động của tuyến bã nhờn (tùy vào từng phương pháp cụ thể và bước sóng ánh sáng được sử dụng).

Phương pháp điều trị mụn bằng ánh sáng có ưu điểm là ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc bôi/uống, hiệu quả và phù hợp với nhiều tình trạng da khác nhau.

IPL điều trị hồng ban sau mụn - Doctor Acnes
Ngoài phương pháp trị liệu bằng thuốc, mụn trứng cá còn có thể được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng

Một phương pháp khác cũng rất hiệu quả để điều trị mụn trứng cá ở lưng là peel da. Đây là phương pháp dùng các loại chất hóa học có tác dụng làm bong lớp sừng và thượng bì (lớp ngoài cùng của da) nhằm tái cấu trúc bề mặt da.

Peel da được phân loại tùy theo mức độ thâm nhập da của các hoạt chất được sử dụng. Đối với mụn trứng cá ở lưng, peel da mức độ nông thường được cân nhắc lựa chọn.

Các hoạt chất được sử dụng để peel da trong trường hợp này là AHA (glycolic acid 20 – 70%, lactic acid, malic acid, pyruvic acid, tartaric acid), BHA (salicylic acid 10 – 30%), dung dịch Jessner, lipohydroxy acid, resorcinol, retinoic acid, TCA (trichloroacetic acid < 20%).

Liệu pháp peel da điều trị mụn trứng cá ở lưng cần được chỉ định, theo dõi bởi Bác sĩ và thực hiện tại các Phòng khám Da liễu uy tín. Các Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng da, tiền sử dị ứng để lựa chọn loại hóa chất peel da thích hợp, cũng như đưa ra phác đồ chăm sóc da sau khi peel phù hợp với từng người.

Bác sĩ Da liễu thăm khám mụn lưng - Doctor Acnes
Liệu pháp peel da điều trị mụn trứng cá ở lưng cần được chỉ định, theo dõi bởi Bác sĩ và thực hiện tại các Phòng khám Da liễu uy tín

Ngoài ra, cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc da tại nhà để làm giảm nhẹ mức độ của mụn trứng cá. Một số biện pháp hỗ trợ giảm mụn trứng cá ở lưng tại nhà như sau:

Giữ cho làn da sạch sẽ: tắm và thay quần áo sạch sau khi tập thể dục. Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, không chứa dầu (trên nhãn có ghi từ “oil free”), tránh chà xát hoặc tẩy da chết vật lý khi lưng bị mụn trứng cá để tránh các mụn này bị vỡ dẫn đến thâm mụn.

Sử dụng các loại kem bôi, gel và sữa tắm có chứa các hoạt chất benzoyl peroxide, retinol, salicylic acid: benzoyl peroxide giúp tiêu diệt vi khuẩn P. acnes mà không gây tình trạng đề kháng kháng sinh như các loại thuốc kháng sinh bôi/uống khác.

Retinol giúp tăng sản sinh elastin và collagen, hạn chế khả năng tổn thương và để lại sẹo mụn cho da. Salicylic acid là một chất tẩy da chết hóa học, có khả năng tan trong dầu nên có thể thấm qua lớp bã nhờn và tẩy da chết sâu trong lỗ chân lông, giúp da thông thoáng và giảm bít tắc.

Các sản phẩm điều trị mụn lưng liệu quả - Doctor Acnes
Sử dụng các loại kem bôi, gel và sữa tắm có chứa các hoạt chất benzoyl peroxide, retinol, salicylic acid

Làm sạch cách vật tiếp xúc với da lưng như sử dụng khăn tắm, khăn trải giường và vỏ gối sạch để tránh gây tích tụ vi khuẩn. Giặt khăn trải giường và khăn tắm ít nhất một lần một tuần, hạn chế sử dụng các loại nước xả vải để hạn chế nguy cơ kích ứng da bởi các chất hương liệu hóa học.

>>> Xem thêm: Các sản phẩm trị mụn lưng hiệu quả tại nhà

Các biện pháp phòng ngừa mụn trứng cá ở lưng

Cần lưu ý rằng quá trình chăm sóc da sau khi điều trị mụn trứng cá ở lưng đóng một vai trò quan trọng, tránh bị bùng phát mụn trở lại. Với các nguyên nhân gây mụn trứng cá nêu trên, cần điều chỉnh và thay đổi một số thói quen chăm sóc da vùng lưng để ngăn mụn trứng cá xuất hiện trở lại.

Để duy trì kết quả điều trị mụn trứng cá ở lưng, giảm khả năng lưng xuất hiện mụn trứng cá trở lại, cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • Giữ tinh thần thoải mái, giảm stress.
  • Giữ vùng da lưng sạch sẽ bằng cách mặc quần áo thoải mái, tránh trang phục bó sát và thấm hút kém, vệ sinh da ngay sau khi tập thể thao…
  • Chọn chất liệu ga trải giường, gối phù hợp.
  • Hạn chế ăn nhiều chất béo và đường trong chế độ ăn.
  • Tránh sử dụng các loại kem dưỡng, lotion có kết cấu quá đặc, thành phần chứa nhiều dầu cho vùng lưng (oil) để lỗ chân lông được thông thoáng.

>>> Xem thêm: Cách trị thâm mụn lưng hiệu quả

Ca lâm sàng điều trị mụn lưng - Doctor Acnes
Khách hàng N.T điều trị mụn lưng tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Mụn trứng cá ở lưng xảy ra do nguyên nhân chính là sự tắc nghẽn lỗ chân lông (do tăng tiết bã nhờn) và sự phát triển của vi khuẩn P. acnes. Để điều trị mụn trứng cá ở lưng có thể sử dụng thuốc bôi, thuốc uống, liệu pháp ánh sáng, peel da. Ngoài ra, cần chú ý một số thói quen sinh hoạt và chăm sóc da vùng lưng để tránh bị tái phát trở lại.

Trong trường hợp cần điều trị mụn lưng, hãy đến với đội ngũ Bác sĩ giàu kinh nghiệm của Phòng khám Doctor Acnes để được thăm khám, tư vấn cũng như được giải đáp kĩ hơn những thắc mắc liên quan đến mụn trứng cá ở lưng. 

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. “Acne”. Mayoclinic.org
  2. Williams, Dellavalle, Garner. “Acne vulgaris”. The Lancet. 379(9813): 361–372
  3. Tahir CM. “Pathogenesis of acne vulgaris: simplified”. J Pak Assoc Dermatol. 20(2):93-7
  4. Dall’Oglio F, Nasca M, Fiorentini F, Micali G (2021). “Diet and acne: Review of the evidence from 2009 to 2020”. Int J Dermatol. 60(6):672–685
  5. O’Connor, Lowe, Shumack, S. and Lim. “Chemical peels: A review of current practice”. Australas J Dermatol. 59: 171-181
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84