Mụn đầu đen là tình trạng mụn thường gặp ở da dầu hoặc da hỗn hợp, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường tập trung ở vùng mũi. Mụn đầu đen dù không nghiêm trọng như các loại mụn viêm nhưng vẫn gây ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ cũng như tâm lý. Trong bài viết này, Doctor Acnes sẽ giới thiệu những phương pháp có thể giúp điều trị mụn đầu đen ở mũi đơn giản mà hiệu quả tại nhà nhé!
Đặc điểm của mụn đầu đen ở mũi
Mụn đầu đen là một dạng phổ biến của mụn trứng cá, hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc bởi tế bào chết và bã nhờn. Khác với mụn đầu trắng, mụn đầu đen có phần nhân mụn mở ra bên ngoài và bị oxy hóa nên có màu đen hoặc nâu sẫm.
Mụn thường xuất hiện trên khuôn mặt, đặc biệt là vùng chữ T (trán, mũi, cằm) vì nơi này có nhiều tuyến bã nhờn. Ngoài ra, mụn đầu đen cũng có thể xuất hiện ở lưng, ngực, cổ, vai…
Mụn đầu đen có thể được điều trị tại nhà với các phương pháp đơn giản như Doctor Acnes gợi ý dưới đây. Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách, việc điều trị có thể gây biến chứng như nhiễm trùng, mụn viêm, sẹo, và giãn lỗ chân lông.
Vì vậy, cần lựa chọn phương pháp phù hợp với da hoặc tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
8 phương pháp điều trị mụn đầu đen ở mũi hiệu quả
Sau đây là một số cách thông dụng để “loại bỏ” mụn đầu đen hiệu quả tại nhà, hầu hết các phương pháp này đều nằm trong quy trình chăm sóc da hằng ngày nên điều cần lưu ý nhất vẫn là thực hiện làm sao cho đúng cách.
Rửa mặt 2 lần một ngày và sau khi tập thể thao
Rửa mặt hai lần mỗi ngày, sáng và tối, là bước quan trọng để giữ da sạch và khỏe mạnh. Buổi sáng giúp loại bỏ dầu thừa và vi khuẩn tích tụ sau đêm, còn buổi tối là thời điểm cần thiết để loại bỏ bụi bẩn, lớp trang điểm và kem chống nắng.
Đặc biệt, tẩy trang trước khi rửa mặt buổi tối là rất quan trọng, vì chỉ rửa mặt sẽ không đủ để loại bỏ hoàn toàn lớp trang điểm và bụi bẩn sâu trong lỗ chân lông. Nếu không tẩy trang, lỗ chân lông dễ bị bít tắc, gây mụn đầu đen.
Sữa rửa mặt chứa acid salicylic là lựa chọn tốt để kháng khuẩn và giảm mụn, nhưng không nên lạm dụng rửa mặt quá nhiều lần trong ngày vì có thể khiến da khô và tiết dầu nhiều hơn.
Các bước rửa mặt chuẩn:
- Bước 1: rửa sạch tay.
- Bước 2: tẩy trang (vào cuối ngày) bằng nước tẩy trang hợp với da.
- Bước 3: rửa mặt bằng sữa rửa mặt, đảm bảo nhiệt độ nước ấm vừa phải. Nhẹ nhàng xoa đều sữa rửa mặt theo chuyển động tròn và xoa từ trong ra ngoài trong vòng khoảng 1 phút.
- Bước 4: tập trung thoa sữa rửa mặt vùng mũi và trán vì những vùng này đặc biệt dễ tiết dầu.
- Bước 5: rửa sạch lại bằng nước ấm để loại bỏ hết sữa rửa mặt.
- Bước 6: dùng khăn sạch thấm nhẹ lên mặt, vỗ nhẹ cho da khô, tránh chà xát mạnh.
Nặn mụn đầu đen tại nhà đúng cách
Để loại bỏ mụn đầu đen đúng cách tại nhà, hãy làm theo các bước sau:
- Bước 1: làm sạch sau đó xông hơi da mặt hoặc rửa với nước ấm để lỗ chân lông giãn nở, giúp mụn mềm hơn và dễ lấy ra.
- Bước 2: rửa sạch tay là điều cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Bên cạnh đó, có thể sử dụng tăm bông, gạc sạch hoặc đeo găng tay cao su.
- Bước 3: nhẹ nhàng ấn xung quanh mụn. Không nên ấn quá mạnh vì có thể khiến da bị bầm và mụn đầu đen càng khó lấy hơn. Nếu chưa thể loại bỏ mụn qua bước này, cần cho da thời gian phục hồi trước khi thử lại.
- Bước 4: sau khi nặn, lau sạch bằng toner để se khít lỗ chân lông.
Một cách khác để loại bỏ mụn đầu đen an toàn là đến cơ sở da liễu, đặc biệt với mụn đầu đen sâu, to hoặc chai cứng. Mặc dù nặn mụn chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng có vai trò quan trọng giúp các hoạt chất như acid salicylic, retinoid… thấm sâu vào lỗ chân lông, hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.
Tẩy tế bào chết bằng AHA và BHA
Tẩy tế bào chết giúp thông thoáng lỗ chân lông và giảm mụn đầu đen hiệu quả. Với da mụn, nên tránh tẩy da chết vật lý để không gây tổn thương thêm, thay vào đó, hãy chọn tẩy tế bào chết hóa học như AHA và BHA với nồng độ phù hợp có thể sử dụng hiệu quả tại nhà.
AHA (acid glycolic, acid lactic) tan trong nước và có nguồn tự nhiên như sữa, trái cây hoặc đường. AHA giúp làm bong tróc tế bào chết trên bề mặt da, nồng độ khuyên dùng từ 5 – 10%.
BHA (acid salicylic) có tính tan trong dầu, cũng là một chất tẩy tế bào chết nhưng acid salicylic có thêm tác dụng kháng khuẩn và hoạt động sâu dưới các lỗ chân lông. Nồng độ khuyên dùng để tẩy tế bào chết là 2%.
Lưu ý rằng AHA và BHA có thể khiến da dễ bị tổn thương hơn trước các tia UVA, UVB. Vì vậy, đừng quên thoa kem chống nắng trước khi đi ra ngoài và thoa lại mỗi 3 – 4 giờ.
Đắp mặt nạ đất sét
Mặt nạ đất sét có khả năng thấm hút bã nhờn hiệu quả, đặc biệt phù hợp cho da dầu. Đắp đều đặn 1 – 2 lần/tuần giúp kiểm soát dầu thừa và ngăn ngừa mụn đầu đen, đặc biệt ở vùng mũi.
So với miếng dán lột mụn, mặt nạ đất sét hoạt động nhẹ nhàng hơn, giúp hút bã nhờn mà không làm bong tróc da. Ngoài ra, có thể thử các mặt nạ tự nhiên như trà xanh, mật ong, hoặc nha đam. Trà xanh giúp kiểm soát dầu và chống oxy hóa, còn mật ong và nha đam có khả năng làm sạch và dưỡng ẩm.
Dùng miếng dán lột mụn
Miếng dán lột mụn là cách nhanh chóng để loại bỏ dầu thừa và mụn đầu đen. Để đạt hiệu quả tối ưu, nên xông hơi mặt hoặc tắm nước ấm trước khi dán để lỗ chân lông giãn nở.
Tuy nhiên, miếng dán không chỉ lấy đi nhân mụn mà còn cả dầu tự nhiên, khiến da tiết dầu nhiều hơn sau đó. Một số loại miếng dán có thể gây kích ứng da, vì vậy cần thận trọng và hạn chế sử dụng phương pháp này để tránh làm tổn thương da.
Dưỡng ẩm vùng mũi
Sau khi đã giải quyết cơ bản các nhân mụn “cứng đầu”, đừng bao giờ quên bước dưỡng ẩm nhé. Khi da khô hay thiếu ẩm, lượng dầu nhờn sẽ lại tiết ra nhiều hơn, gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành nhân mụn, đặc biệt ở mũi.
Do đó, dưỡng ẩm là bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da hằng ngày. Nên chọn các sản phẩm không chứa silicone, mỏng nhẹ, không hình thành nhân mụn (dán nhãn “non-comedogenic“, “oil-free”) để duy trì cân bằng độ ẩm, hạn chế tối đa khả năng mụn đầu đen quay trở lại.
Dùng thuốc trị mụn đầu đen không kê đơn (OTC)
Mụn đầu đen từ mức độ nhẹ đến trung bình có thể được điều trị hiệu quả bằng các sản phẩm bôi tại chỗ. Có thể mất vài tuần đến vài tháng để có sự cải thiện đáng kể và cần được duy trì lâu dài (đôi khi trong nhiều năm). Các hoạt chất thường được sử dụng bao gồm:
- Adapalene
Đây là retinoid không cần kê đơn, thường có dạng gel. Adapalene được xem là một hoạt chất ưu tiên trong điều trị mụn, đặc biệt là các mức độ mụn nhẹ như mụn đầu đen, mụn đầu trắng…
Người mới bắt đầu sử dụng có thể thoa lớp mỏng adapalene gel nồng độ 0.1% xung quanh vùng mũi. Nếu da thích ứng tốt, có thể tăng lên 0.3%. Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời và tia cực tím. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của retinoid tại chỗ là kích ứng đỏ nhẹ và châm chích trên da.
- Acid salicylic
Là một BHA (nồng độ 0.5 – 2%), thường có trong các sản phẩm như gel, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, miếng dán mụn và mặt nạ trị mụn đầu đen không kê đơn. Acid salicylic làm bong lớp vảy, sừng và các đặc tính ưa dầu của nó cho phép nó xâm nhập vào nang lông, tạo ra hiệu ứng tiêu mụn, giúp giải quyết nhân mụn đầu đen hiệu quả. Acid salicylic bôi ngoài da còn có tính kháng viêm nhẹ.
Đối với vùng mũi, nên bắt đầu với nồng độ thấp mỗi ngày 1 lần, sau đó tăng dần nồng độ sử dụng và số lần bôi trong ngày. Nồng độ acid salicylic cao hơn có thể được sử dụng tại Phòng khám để thực hiện lột da bằng hóa chất (peel da).
- Benzoyl peroxide (BPO)
Giúp tiêu sừng, loại bỏ dầu thừa và bã nhờn, đồng thời có khả năng kháng khuẩn, giảm tắc nghẽn lỗ chân lông. Benzoyl peroxide thường ở dạng kem và gel, có ở nhiều nồng độ khác nhau (2.5 – 10%), thường được thoa ở vùng mũi 2 lần mỗi ngày và có thể kết hợp với hoạt chất khác như retinoid.
- Acid azelaic
Hoạt động bằng cách loại bỏ tế bào chết và tiêu diệt vi khuẩn. Sản phẩm không kê đơn thường có nồng độ từ 10 – 12%, giúp làm sạch và cải thiện tốc độ thay đổi tế bào da, từ đó giải phóng nhân mụn. Các tác dụng phụ của acid azelaic gồm ngứa, kích ứng đỏ da hoặc châm chích.
- Lưu huỳnh
Ở nồng độ 3 – 10%, lưu huỳnh thâm nhập vào các lỗ chân lông, làm khô bề mặt da, loại bỏ dầu thừa, làm sạch mụn đầu đen, giúp ngăn ngừa hình thành mụn mới. Nhược điểm của lưu huỳnh là có mùi khó chịu với một số cơ địa nhạy cảm.
Lưu huỳnh thường được kết hợp với acid salicylic trong các sản phẩm không kê đơn. Ngoài ra, lưu huỳnh đã được nghiên cứu kết hợp với benzoyl peroxide hoặc natri sulfacetamide trong điều trị mụn.
Dùng thuốc trị mụn đầu đen kê đơn
Thuốc bôi OTC là một khởi đầu tốt để kiểm soát mụn đầu đen và thường đem lại hiệu quả rất cao, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Một số trường hợp mụn đầu đen dai dẳng, có thể cần đến gặp Bác sĩ Da liễu để được kê đơn các thuốc bôi trị mụn nếu cần.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các bước skincare để giảm thiểu mụn đầu đen
Một quy trình skincare phù hợp với bản thân là vô cùng cần thiết với người bị mụn đầu đen ở mũi. Dưới đây, Doctor Acnes sẽ giới thiệu một quy trình cơ bản để chăm sóc làn da có mụn đầu đen vùng mũi tại nhà.
Buổi sáng
- Làm sạch da bằng sữa rửa mặt với nước ấm.
- Thoa thuốc trị mụn chứa BPO hoặc acid salicylic lên vùng mũi.
- Dưỡng ẩm.
- Kem chống nắng.
- Trang điểm (nếu có).
Buổi trưa
- Tẩy trang.
- Thoa lại kem chống nắng.
Buổi tối
- Tẩy trang.
- Sữa rửa mặt có chứa acid salicylic.
- Tẩy da chết với AHA hoặc BHA 2 lần/tuần.
- Xông hơi và nặn mụn đầu đen khi cần thiết.
- Đắp mặt nạ đất sét 1 – 2 lần/tuần.
- Thoa thuốc trị mụn có chứa adapalene/BPO/lưu huỳnh/acid azelaic lên vùng mũi.
- Dưỡng ẩm.
Ngoài ra cần nghỉ ngơi, thư giãn, tránh lo âu – căng thẳng, tập thể dục, ngủ đủ giấc, làm sạch ga trải giường, gối, điện thoại, ăn uống khoa học – lành mạnh, uống nhiều nước… để đạt được hiệu quả trị mụn nhanh nhất.
Lưu ý:
- Nếu da quá nhạy cảm cần cân nhắc tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu.
- Trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, có thể tiến hành liệu trình trị mụn đầu đen chuyên sâu như peel da, lăn kim, RF microneedle hay laser tại các Phòng khám Da liễu uy tín.
Mụn đầu đen thường xuất hiện ở vùng mũi, là kết quả của sự tắc nghẽn nang lông và tuyến bã nhờn. Mụn đầu đen ở mũi có thể được loại bỏ bằng việc chăm sóc da đúng cách kết hợp với các sản phẩm đặc trị. Nếu mụn đầu đen dai dẳng, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu điều trị chuyên sâu với các phương pháp như peel da, lăn kim, hoặc laser, trả lại làn da mịn màng và sạch mụn nhé!
Tài liệu tham khảo
- James Leyden, Linda Stein-Gold, Jonathan Weiss. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne“. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep; 7(3): 293–304
- Pina Bozzo, Angela Chua-Gocheco, Adrienne Einarson. “Safety of Skin Care Products during Pregnancy“. Can Fam Physician. 2011 Jun; 57(6): 665–667
- “How do I get rid of blackheads safely?“. MedicalNewsToday