Khi mang thai, nhiều phụ nữ phải đối mặt với những thay đổi nội tiết tố gây ra mụn. Điều này khiến nhiều người lo lắng về việc tình trạng mụn sẽ tiếp diễn sau sinh. Bài viết này Doctor Acnes sẽ giải đáp những thắc mắc liệu bầu bị mụn sinh xong có hết không, đồng thời cung cấp những lời khuyên và biện pháp an toàn, hiệu quả giúp mẹ bầu lấy lại làn da mịn màng, tự tin sau khi sinh con.
Nguyên nhân gây mụn sau sinh
Một số nguyên nhân khiến tình trạng mụn tiếp diễn sau sinh có thể kể đến như sau:
- Mất cân bằng nội tiết: sau khi sinh và trong giai đoạn cho con bú, mức độ estrogen giảm, dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết và kéo dài tình trạng mụn trứng cá, đặc biệt ở những người đã có tiền sử mụn trước đó. Tuy nhiên, ngay cả những người không có tiền sử mụn cũng có thể gặp phải.
- Chế độ ăn uống và giấc ngủ: chế độ ăn không điều độ cùng với việc mất ngủ thường xuyên do chăm sóc bé vào ban đêm có thể làm gia tăng mụn sau sinh.
- Căng thẳng: sự thay đổi trong lịch trình sinh hoạt và áp lực chăm con khiến cơ thể sản xuất nhiều cortisol hơn, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, từ đó gây mụn.
- Thiếu thời gian chăm sóc da: sau sinh, mẹ bỉm thường bận rộn, không có thời gian chăm sóc da, khiến da dễ nổi mụn và kém mịn màng.
Mẹ bầu bị mụn sinh xong có hết không?
Đối với một số người, mụn có thể biến mất gần như ngay lập tức sau khi sinh. Tuy nhiên, với người khác, mụn có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào thời gian để nồng độ hormone trong cơ thể trở lại bình thường.
Ngoài ra, việc cho con bú cũng có thể ảnh hưởng đến mụn sau sinh, do nồng độ prolactin tăng lên để kích thích tiết sữa, nhưng đồng thời làm giảm estrogen, dẫn đến mất cân bằng nội tiết và khiến mụn khó biến mất hơn. Vì vậy, mụn sau sinh ở các mẹ đang cho con bú có thể mất nhiều thời gian hơn để cải thiện hoàn toàn.
Các cách cải thiện tình trạng mụn sau sinh
Chăm sóc da từ bên ngoài
Sau sinh, dù bận rộn, các mẹ vẫn nên duy trì thói quen chăm sóc da hằng ngày để bảo vệ và cải thiện tình trạng mụn. Quy trình chăm sóc da cần tập trung vào việc làm sạch và dưỡng ẩm, sử dụng sản phẩm dịu nhẹ, không gây kích ứng và có khả năng trị mụn.
Ngoài ra, thường xuyên dùng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tia UV và môi trường bên ngoài. Tẩy tế bào chết 1 – 2 lần mỗi tuần để da thông thoáng, ngăn ngừa mụn. Chọn sản phẩm chăm sóc da có nguồn gốc rõ ràng, an toàn khi cho con bú.
Chăm sóc da từ bên trong
Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học rất quan trọng trong việc điều trị mụn sau sinh. Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây (có chọn lọc), rau xanh, thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung chất béo và protein từ các loại hạt. Hạn chế đồ chiên rán, cay nóng, nhiều dầu mỡ và đồ ngọt chứa nhiều đường, vì những loại thức ăn này làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
Thêm vào đó, nên tập thể dục hoặc yoga 20 – 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể dẻo dai, cân bằng nội tiết tố, giảm căng thẳng và ngăn ngừa mụn.
Các biện pháp can thiệp để cải thiện tình trạng mụn sau sinh
Thuốc điều trị theo chỉ định của Bác sĩ
- Với phụ nữ cho con bú: Bác sĩ có thể kê các loại thuốc bôi ngoài da an toàn như benzoyl peroxide, acid salicylic, hoặc một số loại kháng sinh. Những thuốc này giúp kháng khuẩn, chống viêm, làm thông thoáng lỗ chân lông, nhưng cần tránh bôi lên vùng ngực để không ảnh hưởng đến bé.
- Với phụ nữ không cho con bú: có thể sử dụng retinoid dạng bôi, kháng sinh đường uống hoặc isotretinoin để điều trị mụn nặng. Những loại thuốc này hiệu quả cao hơn trong điều trị và kiểm soát mụn.
Nếu mụn sau sinh không cải thiện với các biện pháp nội khoa hoặc lo ngại tác dụng phụ đường toàn thân, có thể sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc.
Các phương pháp không dùng thuốc
Lấy nhân mụn kết hợp chiếu ánh sáng xanh: khi mụn xuất hiện ồ ạt, mẹ sau sinh thường lo lắng và có xu hướng tự nặn mụn. Tuy nhiên, điều này có thể làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn và để lại sẹo. Thay vào đó, mẹ nên đến Phòng khám Da liễu để lấy nhân mụn đúng cách, theo tiêu chuẩn y khoa, giúp loại bỏ nhân mụn an toàn và giảm nguy cơ để lại sẹo. Kết hợp với đó là chiếu ánh sáng xanh (blue light) giúp diệt khuẩn, kích thích nhân mụn trồi lên, gom cồi, và điều tiết tuyến bã nhờn, ngăn ngừa mụn tái phát.
Các loại laser phổ biến trong điều trị mụn bao gồm:
- Laser Nd:YAG 1064nm: với bước sóng dài, loại laser này có khả năng xâm nhập sâu vào lớp bì, được xem là một trong những phương pháp mới và hiệu quả nhất để điều trị mụn trứng cá.
- Laser PDL 585nm xung dài: sử dụng ánh sáng laser nhuộm xung để xâm nhập sâu vào lớp bì, tác động lên tuyến bã nhờn, giúp giảm viêm, đỏ da và ngăn ngừa mụn trứng cá.
- Ánh sáng xung mạnh (IPL): điều trị mụn dựa trên cơ chế quang hóa, IPL tạo ra các gốc oxy tự do để tiêu diệt vi khuẩn C. acnes, giúp giảm sưng đỏ và viêm nhanh chóng.
Mặc dù dữ liệu về việc sử dụng laser ở phụ nữ cho con bú còn hạn chế, nhưng các phương pháp này không ảnh hưởng đến sữa mẹ và không có sự hấp thụ toàn thân.
Thay da sinh học (peel da): với phụ nữ cho con bú, peel da bằng acid glycolic và acid lactic được xem là an toàn. Tuy nhiên dù cho con bú hay không, phụ nữ sau sinh vẫn nên tuân theo chỉ định của Bác sĩ về hoạt chất và nồng độ khi peel da.
Tiêm meso: mesotherapy giúp đưa thuốc trực tiếp đến ổ viêm, tăng hiệu quả của thuốc và giảm thời gian điều trị, giúp giảm tiết bã nhờn và ngăn chặn các nguyên nhân gây mụn. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến Bác sĩ để có liệu trình và hoạt chất phù hợp.
Xem thêm các bài viết liên quan
Một số lưu ý khi trị mụn sau sinh
- Uống đủ nước sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng mụn.
- Không nên gãi hay nặn mụn vì có thể gây kích ứng da và để lại sẹo.
- Rửa mặt và tẩy trang trước khi ngủ, đặc biệt nếu có sử dụng kem chống nắng.
- Giữ tóc sạch và tránh để tóc chạm vào mặt. Tránh chạm tay hoặc các vật dụng lên mặt.
Mụn sau sinh có thể gây ra nhiều phiền toái và làm giảm sự tự tin của các mẹ. Để điều trị hiệu quả và an toàn, mẹ nên chọn các phương pháp chăm sóc da phù hợp, tránh tự ý sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn từ Bác sĩ chuyên khoa. Hãy liên hệ với Doctor Acnes để được tư vấn cụ thể và đưa ra liệu trình điều trị tốt nhất, giúp mẹ nhanh chóng lấy lại làn da mịn màng và sự tự tin trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
- “Pregnancy Acne: Top 3 Questions, Answered“. UNM Health
- “All About Postpartum Breakouts“. Healthline
- “Postpartum Acne“. Cleveland Clinic
- McNeilly AS. “Lactation and the physiology of prolactin secretion“. Postgrad Med J. 1975 Apr;51(594):231-5. doi: 10.1136/pgmj.51.594.231. PMID: 1197152; PMCID: PMC2495950
- “What’s the best way to treat pregnancy acne?“. Mayo Clinic