Laser fractional CO2 được coi là tiêu chuẩn vàng trong tái tạo bề mặt da và điều trị sẹo rỗ. Gần đây, ngoài laser fractional đơn bước sóng, công nghệ laser fractional kết hợp hai bước sóng đã xuất hiện trên thị trường. Vậy có nên chọn phương pháp laser fractional hai bước sóng để điều trị sẹo và các tình trạng da khác? Bài viết này của Doctor Acnes sẽ cung cấp thông tin khoa học và so sánh tính hiệu quả giữa laser fractional đơn bước sóng và hai bước sóng.
Laser fractional là gì?
Laser fractional là phương pháp tiên tiến giúp điều trị các vấn đề về da hiệu quả mà vẫn hạn chế tác dụng phụ và giảm thời gian nghỉ dưỡng. Thay vì chiếu laser liên tục lên toàn bộ vùng da như cách sử dụng laser truyền thống, laser fractional chia chùm tia thành các tia vi điểm nhỏ, tạo ra các khu vực vi nhiệt xen lẫn vùng da lành.
Cách tiếp cận này giúp laser xâm lấn sâu để điều trị triệt để, nhưng chỉ tác động vào vùng da rất nhỏ, giúp giảm tổn thương và nhanh chóng phục hồi, mang lại làn da trẻ trung, căng bóng.
Vì sao nên lựa chọn laser fractional để điều trị sẹo?
Laser fractional là một trong những phương pháp điều trị sẹo hàng đầu hiện nay nhờ ưu điểm không hoặc ít xâm lấn, thời gian phục hồi ngắn và ít nguy cơ tác dụng phụ. Phương pháp này an toàn cho mọi loại da, từ da sáng màu đến da tối màu.
Với hiệu quả cao trong việc điều trị sẹo và khả năng thích ứng với nhiều loại da, laser fractional là lựa chọn lý tưởng để điều trị sẹo, mang lại làn da mịn màng và đều màu.
Laser fractional đơn bước sóng trong điều trị sẹo
Mỗi một nguồn phát laser sẽ sinh ra chùm tia có một bước sóng nhất định. Phương pháp laser fractional truyền thống chỉ sử dụng một nguồn phát, do đó các tia vi điểm có cùng một bước sóng duy nhất. Bước sóng này quyết định đặc tính lâm sàng của chùm tia thông qua mức độ hấp thụ năng lượng laser vào các phần tử khác nhau trong da.
Một số công nghệ laser fractional đơn bước sóng hiện nay được ứng dụng trong điều trị sẹo:
Laser fractional xâm lấn
- Laser CO2 10600nm
- Laser Er:YAG 2940nm
Laser fractional không xâm lấn
- Laser Er:YAG 1550nm
- Laser Er:Glass 1540nm
- Laser Nd:YAG 1064nm, 1440nm
- Laser thulium fiber 1927nm
- Laser diode 1927nm
Phối hợp hai bước sóng laser liệu có điều trị sẹo tốt hơn?
Nhìn chung, sử dụng hai bước sóng laser kết hợp mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị sẹo so với công nghệ laser đơn bước sóng truyền thống. Điều này là do liệu pháp laser kết hợp hai bước sóng có một số ưu điểm vượt trội có thể kể đến như sau:
- Mở rộng chỉ định điều trị và nâng cao hiệu quả: mỗi bước sóng laser tác động đến các phần tử khác nhau trong da (nước, melanin, hemoglobin). Kết hợp hai bước sóng giúp điều trị đa dạng loại tổn thương như sẹo, mụn, lão hóa trong cùng một lần chiếu laser, đạt hiệu quả điều trị cao hơn từng loại laser riêng lẻ.
- Hiệu quả tăng sinh collagen: laser fractional kết hợp hai bước sóng cùng có tác dụng kích thích tăng sinh collagen, ví dụ như Deka DUOGlide (10600nm và 1540nm), sẽ cộng gộp đặc tính kích thích collagen mạnh mẽ hơn.
- Hạn chế tác dụng phụ: sự phân phối năng lượng laser vào hai bước sóng giảm nguy cơ tổn thương da, đặc biệt là da nhạy cảm, giúp da phục hồi nhanh hơn.
- Nâng cao mức độ hài lòng: giảm số buổi điều trị, hạn chế tác dụng phụ và tăng tính hiệu quả giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn, góp phần nâng cao kết quả liệu trình.
Các nghiên cứu từ cấp độ mô học đến lâm sàng cho thấy việc kết hợp hai bước sóng laser thực sự có lợi so với đơn bước sóng. Nistico và cộng sự phân tích tác dụng của việc kết hợp hai bước sóng 10600nm và 1540nm so với đơn bước sóng 10600nm ở cấp độ mô học, ghi nhận hai bước sóng kết hợp không chỉ có đầy đủ tất cả ưu điểm của một bước sóng 10600nm, mà còn nâng cao những ưu điểm này, ví dụ như khả năng giúp làn da săn chắc hơn và kích thích tăng sinh collagen.
Trên thực tế lâm sàng, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của công nghệ laser kết hợp hai bước sóng trong điều trị sẹo:
- Nghiên cứu của Belletti và cộng sự: trên 4 bệnh nhân với sẹo lõm do mụn, liệu trình laser fractional hai bước sóng (10600nm và 1540nm) cho thấy 2 bệnh nhân cải thiện rất tốt và 2 bệnh nhân cải thiện nhẹ đến tốt sau 2 – 4 buổi điều trị. Thời gian hồi phục trung bình là 5.8 ± 0.5 ngày.
- Báo cáo của Campolmi và cộng sự: một bệnh nhân nữ có sẹo phì đại do bỏng được điều trị bằng laser CO2 và laser fractional hai bước sóng, cùng với acid hyaluronic bôi ngoài da, đã cho thấy sẹo mềm và giảm đau đáng kể sau 5 buổi điều trị.
- Nghiên cứu của Florentini và cộng sự: một bệnh nhân với sẹo dài ngang bụng đã giảm kích thước và độ lồi sau 3 buổi điều trị bằng laser fractional hai bước sóng (10600nm và 1540nm), mỗi buổi cách nhau 50 ngày, minh chứng cho hiệu quả mạnh mẽ của công nghệ này trong việc điều trị sẹo.
Về trải nghiệm điều trị và tính an toàn, Mezzana và cộng sự đã so sánh laser fractional CO2 10600nm đơn bước sóng và laser kết hợp hai bước sóng 10600nm và 1540nm trên 20 bệnh nhân có tình trạng lão hóa da. Kết quả cho thấy liệu trình laser kết hợp hai bước sóng ít gây khó chịu hơn so với đơn bước sóng, và thời gian phục hồi sau điều trị cũng ngắn hơn.
Việc kết hợp hai bước sóng laser khiến cho liệu trình điều trị phức tạp hơn, đồng thời các thiết bị cần cho việc điều trị chuyên sâu này cũng đắt tiền hơn so với laser đơn bước sóng truyền thống. Để vận hành quy trình điều trị, Bác sĩ Da liễu phải có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm. Những yếu tố này dẫn tới chi phí điều trị cho liệu trình laser hai bước sóng sẽ cao hơn so với laser đơn bước sóng thông thường.
Ngày nay, trên thị trường đang dần phổ biến các thiết bị sử dụng công nghệ laser fractional hai bước sóng. Công nghệ này đã được FDA Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng trong thẩm mỹ da liễu. Một số thiết bị tiêu biểu có thể kể đến như Quanta Duetto MT-EVO, Deka DUOGlide, Alma Hybrid…
Cả hai phương pháp laser fractional đơn bước sóng và kết hợp hai bước sóng đều hiệu quả trong điều trị sẹo. Trong đó, Deka DUOGlide với sự kết hợp hai bước sóng có thể mang lại hiệu quả toàn diện hơn. Việc lựa chọn phương pháp nên dựa trên tình trạng sẹo và loại da, thông qua tư vấn của Bác sĩ Da liễu. Hãy đến các Phòng khám Da liễu uy tín với trang thiết bị đạt chuẩn EU, FDA và Bác sĩ giàu kinh nghiệm. Liên hệ Doctor Acnes ngay để được tư vấn và điều trị hiệu quả!
Tài liệu tham khảo
- “Fractional laser treatment“. DermNet
- Bhat YJ, Rehman F, et al. “Fractional Laser Resurfacing for Acne Scars: Our Experience at Tertiary Care Hospital of North India“. J Cutan Aesthet Surg. 2023 Jan-Mar;16(1):42-48. doi: 10.4103/JCAS.JCAS_23_21
- de Filippi Sartori J, Osaki TH, et al. ““Split-Face” Evaluation of Collagen Changes Induced by Periorbital Fractional CO2 Laser Resurfacing“. Aesthet Surg J. 2022 Feb 15;42(3):239-248. doi: 10.1093/asj/sjab357
- Magni G, Piccolo D, et al. “1540-nm fractional laser treatment modulates proliferation and neocollagenesis in cultured human dermal fibroblasts“. Front Med (Lausanne). 2022 Oct 18;9:1010878. doi: 10.3389/fmed.2022.1010878
- Fiorentini F, Fusco I. “Synergistic Sequential Emission of Fractional 1540 nm and 10 600 Lasers for Abdominal Postsurgical Scar Management: A Clinical Case Report“. Am J Case Rep. 2023 Jan 14;24:e938607. doi: 10.12659/AJCR.938607
- Seago M, Shumaker PR, et al. “Laser Treatment of Traumatic Scars and Contractures: 2020 International Consensus Recommendations“. Lasers Surg Med. 2020 Feb;52(2):96-116. doi: 10.1002/lsm.23201
- Lim JT. “Efficacy and Safety of Solid-state Dual-wavelength Lasers for the Treatment of Moderate-to-severe Inflammatory Acne in Asian Populations“. Plast Reconstr Surg Glob Open. 2024 Jan 29;12(1):e5550. doi: 10.1097/GOX.0000000000005550
- Lin L, Guo P, et al. “Effective treatment for hypertrophic scar with dual-wave-length PDL and Nd:YAG in Chinese patients“. J Cosmet Laser Ther. 2019;21(4):228-233. doi: 10.1080/14764172.2018.1516889
- Gold MH. “Dual wavelength treatment protocol with a picosecond laser for the reduction of facial wrinkles“. J Cosmet Laser Ther. 2019;21(3):147-151. doi: 10.1080/14764172.2018.1481514
- Pancar GS, Kalkan G, Eyupoglu O. “The effects of 755 nm alexandrite laser on skin dryness and pruritus“. Postepy Dermatol Alergol. 2020 Feb;37(1):29-33. doi: 10.5114/ada.2020.93381
- Sadick NS, Cardona A. “Laser treatment for facial acne scars: A review“. J Cosmet Laser Ther. 2018 Nov-Dec;20(7-8):424-435. doi: 10.1080/14764172.2018.1461230
- Campolmi P, Quintarelli L, Fusco I. “A Multimodal Approach to Laser Treatment of Extensive Hypertrophic Burn Scar: A Case Report“. Am J Case Rep. 2023 Jun 5;24:e939022. doi: 10.12659/AJCR.939022
- Mezzana P, Valeriani M, Valeriani R. “Combined fractional resurfacing (10600 nm/1540 nm): Tridimensional imaging evaluation of a new device for skin rejuvenation“. J Cosmet Laser Ther. 2016 Nov;18(7):397-402. doi: 10.1080/14764172.2016.1202417
- Nisticò SP, Bennardo L, et al. “Synergistic Sequential Emission of Fractional 10.600 and 1540 nm Lasers for Skin Resurfacing: An Ex Vivo Histological Evaluation“. Medicina (Kaunas). 2022 Sep 19;58(9):1308. doi: 10.3390/medicina58091308