Lăn kim, hay còn được gọi là micro-needling đang là một phương pháp làm đẹp phổ biến, đơn giản, ít gây đau đớn nhưng lại có thể mang lại nhiều cải thiện tích cực cho làn da trong đó có hiệu quả làm mờ thâm mụn. Trong bài viết này Doctor Acnes sẽ gởi đến cho độc giả những kiến thức tổng quan và những công dụng của phương pháp lăn kim trị thâm mụn.
Tìm hiểu về phương pháp lăn kim
Phương pháp lăn kim, còn được gọi là micro-needling, ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc da hiện nay. Đây là một phương pháp thẩm mỹ sử dụng một dụng cụ được gọi là con lăn hoặc bút lăn, có hàng loạt kim nhỏ và sắc bén, để tạo ra những vết thương nhỏ trên da. Những vết thương nhỏ này không để lại sẹo; ngược lại sẽ giúp kích thích da tự chữa lành một cách tự nhiên thông qua quá trình gọi là tái tạo da.
Phương pháp lăn kim được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề da khác nhau, bao gồm:
- Giảm nếp nhăn và tăng độ đàn hồi: lăn kim tạo ra những lỗ nhỏ trên da, kích thích quá trình tái tạo da và sản xuất collagen và elastin tự thân của cơ thể để làn da trở nên mịn màng hơn, giữ da săn chắc và đàn hồi.
- Tăng hiệu quả thẩm thấu của các hoạt chất điều trị da: các lỗ nhỏ hình thành trên da trong quá trình lăn kim tạo ra những con đường để các sản phẩm mang hoạt tính điều trị thâm nhập sâu vào lớp biểu bì, giúp chúng được hấp thụ tốt hơn và tăng cường hiệu quả.
- Cải thiện sẹo mụn: thông qua quá trình lành thương gây ra bởi các vi tổn thương, da sẽ được kích thích tái tạo mô mới, từ đó làm đầy sẹo.
- Điều trị tình trạng da không đều màu, thâm mụn: lăn kim có thể giúp cải thiện tình trạng da không đều màu và vết thâm trên da thông qua quá trình tái tạo lớp tế bào da mới trên bề mặt da.
Tìm hiểu thêm về thâm mụn
Thâm mụn là tình trạng tăng sắc tố sau khi bị các loại mụn trứng cá, xảy ra do quá trình điều trị mụn không đúng cách tạo nên những vết thâm không mong muốn trên vùng da bị tổn thương khiến chúng ta cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm ở da do mụn có thể xuất phát từ:
- Mụn viêm: mụn viêm có thể gây thâm mụn do quá trình viêm lan rộng và làm tổn thương các mô xung quanh lỗ chân lông. Khi da bị tổn thương, quá trình sản xuất melanin (chất tạo nên màu da) bị gián đoạn, dẫn đến sự tích tụ melanin trong da, tạo thành vết thâm mụn.
- Nặn mụn không đúng cách: tự ý nặn mụn khi mụn chưa gom cồi, không sử dụng các thiết bị đã tiệt trùng hay nặn quá mạnh tay là những nguyên nhân chính gây ra thâm mụn sau khi nặn.
- Không sử dụng các sản phẩm bảo vệ da: không sử dụng kem chống nắng làm da dễ bị tác động bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời. Tia UV có thể gây ra sự oxy hóa và kích thích sản xuất melanin trong da, dẫn đến tình trạng sạm màu và thâm mụn. Bên cạnh đó, tia UV cũng có thể làm tăng sản xuất dầu trong da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn. Do đó, việc sử dụng kem chống nắng là cần thiết để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV và giảm nguy cơ thâm mụn.
Thâm mụn là tình trạng phổ biến ở những người bị mụn và hiện có nhiều phương pháp được thường xuyên áp dụng để giải quyết tình trạng này như sử dụng dược mỹ phẩm có thành phần trị thâm mụn, điện di vitamin C, thay da sinh học (peel da), liệu pháp ánh sáng xung mạnh (IPL), laser QS 1064nm, lăn kim hoặc laser CO2 fractional.
Phương pháp lăn kim trị thâm mụn có thật sự hiệu quả?
Về hiệu quả và cơ chế của lăn kim trong việc điều trị thâm mụn, có thể thấy rằng lăn kim làm bong tróc lớp sừng, thúc đẩy quá trình tái tạo và thay thế da mới cũng là cơ chế mờ thâm, phương pháp này còn tạo đường dẫn để các hoạt chất có khả năng trị thâm như acid tranexamic thâm nhập vào da tốt hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng lăn kim có thể cải thiện vết thâm mụn. Ví dụ, một nghiên cứu của tác giả Aashim Singh và Savita Yadav được công bố năm 2016 với tiêu đề “Microneedling: Advances and widening horizons” đã chỉ rằng phương pháp lăn kim giúp tái tạo collagen, làm mờ sẹo mờ thâm cũng như giúp da săn chắc hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này có thể khác nhau đối với từng người và tình trạng da cụ thể. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả tối ưu, cần tuân thủ quy trình lăn kim đúng cách và an toàn. Trước khi sử dụng phương pháp lăn kim trị thâm mụn, nên tìm hiểu kỹ về quy trình, tư vấn với Bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn, giảm thiểu được tác dụng phụ của lăn kim và đạt được hiệu quả mong muốn.
Lăn kim trị thâm mụn bao lâu thì khỏi?
Tùy thuộc vào từng loại da, cơ địa và cách chăm sóc sau khi lăn kim của mỗi người mà mức độ hiệu quả sẽ khác nhau. Thông thường, cần 2-4 lần điều trị bằng phương pháp lăn kim, mỗi lần cách nhau khoảng 3 tuần đến 4 tuần để thấy được sự mờ thâm rõ rệt. Trong liệu trình lăn kim, Bác sĩ thường sẽ phối hợp với các hoạt chất có tác dụng giảm thâm như acid tranexamic để tận dụng các lỗ nhỏ tạo ra trên da trong quá trình lăn kim mà thâm nhập sâu vào lớp biểu bì, giúp chúng được hấp thụ tốt hơn và tăng cường hiệu quả.
Hiệu quả lăn kim trị thâm mụn còn được đẩy nhanh hơn nếu phối hợp với các phương pháp khác như laser QS 1064 nm hay mesotherapy. Trong suốt quá trình điều trị với liệu trình lăn kim, cần phải duy trì chế độ chăm sóc da đúng cách để tránh tái phát mụn, ngăn ngừa thâm mụn mới.
Tác dụng phụ khi lăn kim trị thâm
Mặc dù lăn kim được xem là phương pháp thẩm mỹ an toàn và hiệu quả nhưng cũng có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Nguy cơ thường gặp nhất là kích ứng da sau khi lăn kim. Những tác dụng phụ khác gồm phù nề, đỏ da, bầm, khô da, bong tróc da. Chảy máu là phản ứng hiếm gặp sau lăn kim, chỉ xảy ra khi điều trị quá sâu.
Cần phải thông báo với Bác sĩ tiền căn sử dụng thuốc kháng đông để tránh nguy cơ chảy máu. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nếu không thực hiện lăn kim đúng cách hoặc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc trong liệu trình lăn kim.
Các biến chứng này bao gồm nhiễm trùng, dị ứng da và rối loạn sắc tố. Ngoài ra, lạm dụng phương pháp này trong thời gian dài ví dụ lăn kim liên tục, thời gian giữa các lần lăn kim quá gần cũng có thể gây hại cho da. Chính vì thế, khi muốn lăn kim, nên tìm kiếm lời khuyên từ Bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn điều trị.
>>> Xem thêm: Phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau lăn kim
Những trường hợp không nên lăn kim trị thâm mụn
Da bị nhiễm trùng: khi da đang bị nhiễm trùng, lăn kim có thể khiến vi khuẩn và mầm bệnh từ phần da bị nhiễm trùng lan rộng, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, khi da bị nhiễm trùng, nên tránh sử dụng phương pháp lăn kim.
Da bị mụn viêm: nếu da đang bị mụn viêm, lăn kim có thể lây lan mụn ra vùng da xung quanh và mụn trở nên nặng hơn. Mụn viêm cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thâm mụn, có nghĩa là thâm mụn cũ chưa mờ thì thâm mụn mới đã xuất hiện, điều đó chỉ làm tình trạng thâm mụn ngày càng tồi tệ. Lăn kim có thể phù hợp với một số trường hợp mụn không viêm như mụn đầu trắng và đầu đen. Do đó, khi muốn lăn kim để điều trị mụn hay thâm mụn, cần thăm khám với Bác sĩ Da liễu để có chỉ định phù hợp.
Da nhạy cảm: đối với da nhạy cảm, việc điều trị bằng phương pháp lăn kim có thể gây ra kích ứng và sưng tấy, làm tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn. Da nhạy cảm nên tránh sử dụng phương pháp này.
Cơ địa bị sẹo lồi: lăn kim trên cơ địa sẹo lồi có thể gây ra những tác động tiêu cực với da như tăng sản xuất quá mức collagen dẫn đến sẹo lồi trở nên lớn hơn và khó điều trị hơn. Vì vậy, nếu có cơ địa sẹo lồi, tốt nhất nên tránh sử dụng phương pháp lăn kim.
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú: trong quá trình mang thai hoặc đang cho con bú , phụ nữ đang ở trong giai đoạn thay đổi nội tiết tố và hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng có sự thay đổi, tăng nguy cơ nhiễm trùng khi lăn kim. Phụ nữ trong giai đoạn này cần tham vấn kỹ với Bác sĩ Da liễu trước khi quyết định thực hiện các thủ thuật làm đẹp có xâm lấn.
Sau khi lăn kim nên sử dụng sản phẩm gì?
Làn da sau khi lăn kim sẽ mỏng và nhạy cảm hơn bình thường, vì vậy việc chăm sóc da sau khi lăn kim là điều vô cùng quan trọng. Nếu không chăm sóc da đúng cách sau khi điều trị có thể dẫn đến kết quả ngược lại với mong muốn ban đầu.
Trong 24 giờ đầu sau lăn kim, chỉ nên rửa mặt bằng nước muối sinh lý Nacl 0.9%, sau khi rửa mặt, để da mặt khô tự nhiên hoặc thấm khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm, sạch. Đặc biệt, không dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào có chứa retinol, vitamin C, glycolic acid, BHA trong vòng 3-5 ngày sau lăn kim.
Ngay sau liệu trình lăn kim, có thể bắt đầu sử dụng serum hay kem dưỡng chứa một số thành phần giúp da mau chóng phục hồi sau khi lăn kim, cung cấp độ ẩm và dưỡng chất cho da, đồng thời tăng cường hiệu quả làm mờ thâm mụn sau lăn kim như:
- Peptide: các peptide hoạt động bằng cách hỗ trợ kích thích sản sinh collagen giúp chống lão hóa và làm giảm sự tăng sắc tố trên da. Ngoài ra, thành phần này có khả năng kháng khuẩn làm thúc đẩy quá trình lành vết thương và cải thiện hàng rào bảo vệ da.
- Vitamin B5: tham gia vào quá trình tái tạo những tổn thương trên da. Do đó, các liên kết collagen bị tổn thương đứt gãy sẽ nhanh chóng tái tạo, phục hồi làn da tươi trẻ mịn màng. Vitamin B5 cũng giúp kích thích sản xuất collagen và elastin để chống lại các dấu hiệu lão hóa cho làn da săn chắc, trẻ trung hơn. Ngoài ra, B5 là một thành phần làm dịu và chống viêm hiệu quả trong điều trị thâm mụn.
- Acid tranexamic: hoạt chất này được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện sắc tố da và làm mờ thâm hiệu quả. Acid tranexamic còn kháng viêm, chống sưng tấy và làm giảm mẩn đỏ nên rất phù hợp để sử dụng sau liệu trình lăn kim.
- Acid kojic: là một thành phần được chiết xuất từ nấm koji, có khả năng ngăn ngừa sản xuất melanin trong da. Do đó, acid kojic có thể được sử dụng trong các sản phẩm dưỡng trắng da hay các sản phẩm đặc trị thâm mụn hiệu quả.
24 giờ sau lăn kim có thể bắt đầu sử dụng lại kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và giảm nguy cơ bị tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Khi đi ra ngoài cần sử dụng các biện pháp che chắn như đội nón rộng vành và đeo khẩu trang tối màu. Tránh nắng là rất quan trọng để bảo vệ và chăm sóc da sau liệu trình lăn kim.
>>> Xem thêm: Cách chăm sóc da sau lăn kim
Lăn kim trị thâm mụn là một liệu trình được yêu thích vì có thể mang đến hiệu quả mờ thâm tốt. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất và tránh những tác dụng phụ hay biến chứng không đáng có, việc lựa chọn địa chỉ uy tín và chuyên nghiệp là điều cần thiết.
Doctor Acnes là một trong những Phòng khám hàng đầu về lĩnh vực điều trị mụn và sẹo mụn hiện nay. Khi đến với Phòng khám Doctor Acnes, đội ngũ Bác sĩ với kiến thức chuyên môn sâu rộng sẽ tư vấn chi tiết về điều trị thâm mụn, từ đó giúp bệnh nhân hoàn toàn yên tâm lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp, hiệu quả và an toàn nhất.
Tài liệu tham khảo
- “MICRONEEDLING CAN FADE SCARS, UNEVEN SKIN TONE, AND MORE“. AAD
- Aashim Singh Savita Yadav. “Microneedling: Advances and widening horizons“. NIH
- Margit L W Juhasz, Joel L Cohen. “Microneedling for the Treatment of Scars: An Update for Clinicians“. Taylor and Francis Online
- Brandon E. Cohen BS, Nada Elbuluk MD. “Microneedling in skin of color: A review of uses and efficacy“. Journal of the American Academy of Dermatology