L-lysine trị mụn nội tiết có thật sự hiệu quả như lời đồn?

Ngày 27/11/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(2)

Mụn nội tiết là một trong các loại mụn trứng cá thường gặp và có thể dẫn tới sẹo rỗ nếu không điều trị kịp thời, ảnh hưởng tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những năm gần đây, L-lysine nổi lên như một sản phẩm “thần kỳ” điều trị mụn nội tiết an toàn và hiệu quả. Vậy L-lysine trị mụn nội tiết không? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

L-lysine là gì?

L-lysine là một trong 20 loại acid amin có trong cơ thể người, có cấu trúc hoá học là C6H14N2O2, với tên khoa học là (2S)-2,6-diaminohexanoic acid. 

Tương tự như các loại acid amin khác, L-lysine là thành phần tham gia cấu tạo nên protein, đồng thời cũng đóng góp trong quá trình trao đổi chất và các hoạt động màng tế bào, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và hoạt động như chất đệm trong dịch ngoại bào và nội bào.

L-lysine đã được biết tới với nhiều công dụng, bao gồm:

  • Tham gia cấu tạo nên sợi collagen, là thành phần quan trọng trong quá trình lành thương và trị sẹo.
  • Tăng khối lượng cơ, cải thiện chuyển hóa glucose.

Trong một số nghiên cứu, L-lysine còn cho thấy lợi ích trong các bệnh lý như: 

  • Giúp giãn mạch và hạ huyết áp trên bệnh nhân tăng huyết áp.
  • Cải thiện cơn đau thắt ngực và rối loạn lo âu.
  • Ngăn ngừa phát triển đục thuỷ tinh thể ở chuột bị đái tháo đường.
  • Giảm tế bào ung thư trên chuột khi kết hợp với chất chống oxy hóa catechin.
  • Tiềm năng trong việc kiểm soát bệnh loãng xương nhờ tăng hấp thu calci ở ruột và giảm đào thải calci qua thận.
  • Ngăn ngừa, điều trị nhiễm trùng herpes và mụn rộp.
l-lysine trị mụn
Công thức hóa học của L-lysine, một trong 20 loại acid amin có trong cơ thể người

Công dụng của L-lysine trong chăm sóc da

L-lysine là một trong các acid amin quan trọng cấu tạo nên sợi collagen, cùng với proline và glycine. Vì vậy việc bổ sung L-lysine có thể hỗ trợ cho quá trình tân tạo collagen, thúc đẩy sửa chữa vết thương và điều trị sẹo sau mụn. Ngoài ra, trên mô bệnh học, L-lysine còn cho thấy tác động tới sự dày lên của tế bào biểu bì bằng cách thúc đẩy tăng sinh tế bào.

Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu cho thấy L-lysine có hiệu quả trong việc giảm stress và các rối loạn lo âu thông qua tác động đối kháng một phần thụ thể serotonin 4 và là chất chủ vận một phần benzodiazepine. Điều này khiến việc bổ sung L-lysine có thể có lợi trên những bệnh nhân bị mụn trứng cá do căng thẳng và lo âu.

công dụng của l-lysine trong chăm sóc da
L-lysine hỗ trợ cho quá trình tân tạo collagen, thúc đẩy sửa chữa vết thương và điều trị sẹo sau mụn

L-lysine trị mụn nội tiết có hiệu quả không?

Mụn nội tiết là tình trạng mụn xảy ra do các bệnh lý nội tiết. Tuy nhiên, trên thực tế thuật ngữ “mụn nội tiết” thường được sử dụng để chỉ loại mụn trứng cá có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Khi lượng hormon androgen trong cơ thể tăng sẽ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động, kết hợp với bụi bẩn, tế bào chết và sự tăng sừng hóa nang lông, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn P. acnes phát triển, hình thành mụn viêm. Mụn nội tiết thường ở dạng nang, nốt sâu, xuất hiện chủ yếu ở vùng cằm và xung quanh hàm, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện ở các vùng khác trên khuôn mặt.

Hiện nay, các phương pháp được các Bác sĩ Da liễu sử dụng để điều trị mụn nội tiết bao gồm:

  • Sử dụng thuốc bôi ngoài da bao gồm benzoyl peroxide, retinoid, kháng sinh dùng tại chỗ, salicylic acid.
  • Liệu pháp hormone như sử dụng thuốc tránh thai phối hợp đường uống hoặc spironolacton.
  • Sử dụng isotretinoin – một retinoid đường uống.
  • Các phương pháp mới không dùng thuốc như peel da hoá học, liệu pháp quang động, liệu pháp ánh sáng.
  • Biện pháp thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.

>>> Xem thêm bài viết: Nguyên nhân và cách điều trị mụn nội tiết.

Theo đó, chưa có khuyến cáo và bằng chứng khoa học nào cho thấy L-lysine là biện pháp điều trị mụn nội tiết hiệu quả cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, L-lysine vẫn có thể được bổ sung trong quá trình điều trị mụn nhằm thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của da và hỗ trợ tăng sinh collagen.

liệu pháp trị mụn hiệu quả thay l-lysine
Các phương pháp peel da hoá học, liệu pháp quang động, liệu pháp ánh sáng thường được Bác sĩ Da liễu sử dụng để điều trị mụn nội tiết

Gợi ý các cách bổ sung L-lysine

L-lysine là một loại acid amin thiết yếu trong dinh dưỡng của con người. Tuy nhiên, cơ thể con người không thể tự tổng hợp L-lysine mà phải bổ sung thông qua các nguồn thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Một người trung bình nặng 70kg cần 800 đến 3.000mg L-lysine mỗi ngày.

L-lysine có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như đậu, phô mai, sữa chua, thịt, sữa, men bia, mầm lúa mì và các loại protein động vật khác. Các loại protein có nguồn gốc từ ngũ cốc như lúa mì và ngô có xu hướng chứa hàm lượng L-lysine thấp hơn.

cách bổ sung l-lysine
Cơ thể con người không thể tự tổng hợp L-lysine mà phải bổ sung thông qua các nguồn thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng

Lưu ý khi sử dụng L-lysine

L-lysine được cho là an toàn khi sử dụng với hàm lượng khoảng 312mg đến 4g trong một ngày. Tuy nhiên, vẫn có một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng L-lysine, bao gồm:

  • Các phản ứng bất lợi trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng.
  • Tăng lysine máu hoặc tăng lysine niệu trên bệnh nhân suy gan/suy thận.
  • Tăng calci máu trong một số trường hợp bổ sung calci kèm L-lysine.

Do đó, để hạn chế các phản ứng bất lợi xuất hiện trong quá trình sử dụng L-lysine, cần báo với Bác sĩ điều trị về tình trạng sức khỏe hiện tại và các thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng. 

Đồng thời, khi uống L-lysine trong quá trình điều trị mụn, cần lưu ý rằng L-lysine không phải là thuốc và không thể thay thế thuốc điều trị, vì vậy cần tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ để có hiệu quả điều trị như mong muốn.

thăm khám bác sĩ
Tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu trước khi sử dụng L-lysine để hạn chế các phản ứng bất lợi xuất hiện trong quá trình sử dụng

L-lysine là một acid amin rất cần thiết cho cơ thể. Đối với trường hợp mụn nội tiết, tuy L-lysine không có tác dụng điều trị nhưng vẫn có thể bổ sung L-lysine với sự cho phép của Bác sĩ nhằm hỗ trợ cho quá trình tổng hợp collagen, thúc đẩy làm lành vết thương. Nếu đang gặp vấn đề với mụn nội tiết, hãy liên hệ với Doctor Acnes để được tư vấn liệu pháp điều trị mụn tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. Cruz S, Vecerek N, Elbuluk N. “Targeting Inflammation in Acne: Current Treatments and Future Prospects“. Am J Clin Dermatol. 2023 Sep;24(5):681-694. doi: 10.1007/s40257-023-00789-1
  2. Schultz GS, Chin GA, et al. “Principles of Wound Healing. In: Fitridge R, Thompson M, editors. Mechanisms of Vascular Disease: A Reference Book for Vascular Specialists [Internet]“. Adelaide (AU): University of Adelaide Press; 2011. 23
  3. Lysine Uses, Benefits & Dosage“. Drugs.com
  4. Datta D, Bhinge A, Chandran V. “Lysine: Is it worth more?“. Cytotechnology. 2001 Jul;36(1-3):3-32. doi: 10.1023/A:1014097121364
  5. Leignadier J, Drago M, et al. “Lysine-Dendrimer, a New Non-Aggressive Solution to Rebalance the Microbiota of Acne-Prone Skin“. Pharmaceutics. 2023 Aug 3;15(8):2083. doi: 10.3390/pharmaceutics15082083

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 2

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84