Lăn kim (microneedle) là liệu pháp thẩm mỹ ít xâm lấn ngày càng được ưa chuộng nhờ khả năng cải thiện kết cấu da, giảm thiểu các vấn đề sắc tố và xóa mờ sẹo một cách hiệu quả. Tuy nhiên lăn kim vẫn có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là tình trạng tăng sắc tố sau viêm (PIH) – biến chứng dễ gặp ở những làn da sậm màu. Bài viết sau từ Doctor Acnes sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa tăng sắc tố sau lăn kim.
Tăng sắc tố là gì?
Tăng sắc tố (PIH) là tình trạng da xuất hiện các mảng sẫm màu hơn so với các vùng da xung quanh do sự gia tăng quá mức của melanin, sắc tố tự nhiên của da. Hiện tượng này có thể xảy ra do nhiều yếu tố như tác động từ ánh nắng, viêm nhiễm, thay đổi nội tiết tố hoặc tổn thương ngoài da.
Tuy thường không gây hại, tăng sắc tố có thể gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sự tự tin. Điều này càng quan trọng khi tăng sắc tố xảy ra sau một thủ thuật thẩm mỹ như lăn kim.
Tăng sắc tố da có thể được chia làm hai nhóm sau:
- Tăng sắc tố cục bộ (localized): hiện tượng tăng sắc tố giới hạn ở một vùng da xác định, không đối xứng. Các nguyên nhân thường gặp là bẩm sinh, do viêm.
- Tăng sắc tố lan tỏa (diffuse): hiện tượng tăng sắc tố lan rộng trên nhiều vùng da, có thể do rối loạn chuyển hóa, do thuốc, bệnh lý nhiễm trùng hay tự miễn.
Nguyên nhân gây tăng sắc tố sau lăn kim
Lăn kim là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu sử dụng các kim nhỏ siêu bén để tạo ra những vết thương vi điểm trên da. Quá trình này kích thích sản xuất collagen nội sinh, giúp trẻ hóa làn da. Tuy nhiên, vì gây tổn thương có kiểm soát đến lớp biểu bì, lăn kim tiềm ẩn nguy cơ gây tăng sắc tố sau điều trị.
Hiện tượng tăng sắc tố sau lăn kim thường là hậu quả của quá trình viêm, đặc biệt ở những người có màu da sậm (Fitzpatrick type III-V). Theo nghiên cứu tổng quan của Gowda và cộng sự, trong hơn 1000 bệnh nhân được khảo sát qua 51 bài nghiên cứu, tỷ lệ tăng sắc tố sau lăn kim dao động từ 0 – 16%, tập trung chủ yếu ở nhóm da ngăm.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tăng sắc tố sau lăn kim bao gồm:
- Loại da: những người có làn da thuộc loại Fitzpatrick IV–VI (tông da tối màu) dễ bị PIH hơn do hoạt tính của tế bào hắc tố (melanocyte) trong da tăng cao.
- Kỹ thuật không đúng: khi kim đâm quá sâu, da có thể bị tổn thương trên ngưỡng bình thường của liệu trình, làm tăng hiện tượng viêm, dẫn đến tăng sắc tố.
- Thiết bị sử dụng: một số thiết bị như con lăn hoặc thiết bị lăn kim sóng vô tuyến (RFMN), có thể làm tăng nguy cơ tăng sắc tố so với các loại bút hoặc stamp.
- Chăm sóc sau điều trị chưa đúng cách: không bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời và chăm sóc da sau điều trị chưa đúng cách có thể tăng nguy cơ tăng sắc tố và kéo dài hiện tượng này hơn.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng tăng sắc tố sau lăn kim
Để can thiệp kịp thời, cần lưu ý đến các dấu hiệu của tăng sắc tố như:
- Da sẫm màu hơn: da có thể xuất hiện màu nâu hoặc rám nắng, sạm hơn so với các vùng da không điều trị.
- Da không đều màu: vùng da điều trị có thể trở nên loang lổ, không đều màu, đặc biệt dễ thấy ở người có da tối màu.
- Da nhạy cảm: da có thể nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời, gây tăng sắc tố nếu không được bảo vệ cẩn thận.
Trong nhiều trường hợp, tình trạng tăng sắc tố có thể sẽ không tiếp tục lan rộng hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, mà sẽ dần dần giảm đi và biến mất.
Nếu tình trạng tăng sắc tố kéo dài hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, nên liên hệ với Bác sĩ Da liễu để được chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.
Cách điều trị tăng sắc tố sau lăn kim
Mặc dù hầu hết các trường hợp tăng sắc tố sau lăn kim là tạm thời, việc điều trị chủ động có thể giúp phục hồi nhanh hơn. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:
Sản phẩm làm sáng da dạng bôi (topical)
Có thể tìm mua tại các nhà thuốc hoặc cửa hàng mỹ phẩm những loại kem bôi ngoài da chứa các hoạt chất giúp trị thâm, làm sáng da sau đây:
- Hydroquinone: hoạt chất này có đặc tính ức chế tyrosinase, làm giảm sản sinh melanin. Đây là một trong những lựa chọn phổ biến nhất để điều trị tăng sắc tố.
- Glycolic acid: có hoạt tính làm bong tế bào sừng, kèm theo đó là melanin, phụ thuộc vào nồng độ.
- Kojic acid: tác động đến hoạt tính catecholase của enzyme tyrosinase, giúp giảm sản sinh melanin, ngoài ra cũng có nghiên cứu cho rằng kojic acid tác động thông qua interleukin-6.
- Azelaic acid: không chỉ ức chế tyrosinase, mà còn có hoạt tính chống tăng sinh (anti-proliferative) trực tiếp lên quá trình sản sinh melanin.
- Niacinamide: là hoạt chất tương đồng (analog) của vitamin B3, có hoạt tính sinh học giúp ức chế quá trình vận chuyển melanosome vào các tế bào sừng, ngăn cản sự liên lạc giữa tế bào hắc tố và tế bào sừng.
- Retinoid: có thể chọn những loại kem chứa tretinoin hoặc adapalene, dẫn xuất của retinoid, hai thành phần này có khả năng tái tạo da, loại bỏ tế bào chứa sắc tố và thúc đẩy sự phát triển của lớp da mới đều màu. Các sản phẩm chứa retinoid còn mang lại hiệu quả chống lão hóa và trị mụn.
Peel da bằng phương pháp hóa học
Để điều trị tình trạng tăng sắc tố hiệu quả, có thể tìm đến phương pháp peel da tại các Phòng khám Da liễu uy tín. Peel da trị thâm thường dùng salicylic acid, dung dịch Jessner hay tretinoin, các hoạt chất này có tác dụng tẩy tế bào chết, kích thích sản sinh tế bào mới, cải thiện kết cấu da, từ đó giảm tình trạng tăng sắc tố.
Liệu pháp laser
Điều trị tăng sắc tố bằng laser cũng là phương pháp hiệu quả, tuy nhiên nên được thực hiện tại cơ sở da liễu uy tín, nơi có Bác sĩ Da liễu nhiều kinh nghiệm trực tiếp thực hiện.
Các loại laser chuyên biệt cho sắc tố như Q-switched, Picosecond hoặc ánh sáng xung cường độ cao (IPL) giúp phá vỡ melanin dư thừa. Tuy nhiên, laser có thể không phù hợp cho da tối màu do nguy cơ làm tăng sắc tố.
Phòng ngừa tăng sắc tố sau lăn kim
Để hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng tăng sắc tố sau lăn kim, cần tuân thủ các biện pháp chăm sóc da trước và sau điều trị, đồng thời thực hiện liệu trình lăn kim tại trung tâm chăm sóc da uy tín. Kinh nghiệm và tay nghề cao của Bác sĩ Da liễu là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả và nguy cơ tác dụng phụ của liệu trình.
Một số biện pháp chăm sóc da trước và sau lăn kim cần chú ý như sau:
Trước khi lăn kim: cần rửa mặt, tẩy trang, làm sạch bụi bẩn và mỹ phẩm trang điểm trên da, giúp bề mặt da thông thoáng.
Sau khi lăn kim:
- Trong 4 giờ đầu, có thể thoa serum hyaluronic acid theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu.
- Sau 4 giờ, có thể thoa kem hydrocortisone 1% hoặc kem dưỡng ẩm không gây dị ứng tại các vùng da điều trị, 2 – 4 lần mỗi ngày trong 2 – 3 ngày. Cần sử dụng kem chống nắng vật lý có SPF 30 trở lên sau bước dưỡng ẩm trong tuần đầu tiên sau điều trị.
- Có thể trang điểm sau 2 ngày thực hiện thủ thuật. Các sản phẩm chăm sóc da khác có thể được tiếp tục sử dụng sau 5 đến 7 ngày.
Xem thêm các bài viết liên quan
Tăng sắc tố sau lăn kim kéo dài bao lâu?
Thời gian da bị tăng sắc tố thay đổi rất nhiều tùy theo mức độ tổn thương của da. Đối với tổn thương nhẹ, da có thể tăng sắc tố vài ngày sau đó giảm dần và tự khỏi. Nếu tổn thương kéo dài hoặc đáng kể, da có thể bị tăng sắc tố dai dẳng, khó trị.
Việc xác định sớm và điều trị hợp lý tình trạng tăng sắc tố góp phần rất lớn trong việc phục hồi màu da và hạn chế tổn thương. Hơn hết, việc phòng ngừa tăng sắc tố là biện pháp tối ưu hơn bất kì phương thức điều trị nào.
Tăng sắc tố sau lăn kim xảy ra không thường xuyên và có thể kiểm soát, đặc biệt khi tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách. Nếu có nhu cầu lăn kim hoặc làn da đang gặp vấn đề về tăng sắc tố, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878. Đội ngũ Bác sĩ sẽ tư vấn và xây dựng lộ trình điều trị hiệu quả, giúp bạn lấy lại làn da mịn màng, sáng khỏe.
Tài liệu tham khảo
- Desai SR. “Hyperpigmentation therapy: a review“. J Clin Aesthet Dermatol. 2014 Aug;7(8):13-7
- Gowda A, Healey B, et al. “A Systematic Review Examining the Potential Adverse Effects of Microneedling“. J Clin Aesthet Dermatol. 2021 Jan;14(1):45-54
- “Postinflammatory Hyperpigmentation: Epidemiology, Clinical Presentation, Pathogenesis and Treatment“. American Journal of Clinical Dermatology
- Nautiyal, Avni, and Sarika Wairkar. “Management of hyperpigmentation: Current treatments and emerging therapies“. Pigment cell & melanoma research. 34.6 (2021): 1000-1014
- “Microneedling: The Latest Craze in Skin Care“. Healthline
- “What is microneedling? Benefits and use“. MedicalNewsToday
- “What Is Microneedling? How It Works, Benefits, Risks, and Where to Get It Done“. Everyday Health
- Alster TS, Graham PM. “Microneedling: A Review and Practical Guide“. Dermatol Surg. 2018 Mar;44(3):397-404. doi: 10.1097/DSS.0000000000001248
- Hou A, Cohen B, Haimovic A, Elbuluk N. “Microneedling: A Comprehensive Review“. Dermatol Surg. 2017 Mar;43(3):321-339. doi: 10.1097/DSS.0000000000000924
- Ablon G. “Safety and Effectiveness of an Automated Microneedling Device in Improving the Signs of Aging Skin“. J Clin Aesthet Dermatol. 2018 Aug;11(8):29-34