Dầu dừa là nguyên liệu tự nhiên nổi tiếng trong việc dưỡng da, đặc biệt với khả năng dưỡng ẩm và kháng khuẩn. Tuy nhiên, liệu da bị mụn có nên dùng dầu dừa không? Một số người cho rằng dầu dừa giúp giảm viêm, trong khi người khác lo ngại về nguy cơ bít tắc lỗ chân lông, khiến mụn nặng hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác động của dầu dừa với da mụn!
Thành phần của dầu dừa
- Acid lauric
Acid lauric là thành phần chính trong dầu dừa, chiếm khoảng 50% tổng lượng chất béo. Acid lauric được biết đến với tính kháng khuẩn và kháng nấm rất mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng acid lauric có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn gây mụn như P. acnes.
Ngoài ra, acid lauric còn có khả năng làm giảm viêm da, giúp làm dịu các vùng da bị sưng đỏ và giảm kích ứng. Điều này lý giải vì sao nhiều người nhận thấy tình trạng da mụn được cải thiện khi sử dụng dầu dừa trong quy trình chăm sóc da.
- Acid capric và acid caprylic
Acid capric và acid caprylic đều là những acid béo có khả năng kháng khuẩn và chống viêm. 2 loại acid này giúp bảo vệ da khỏi sự tấn công của vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình phục hồi của da, từ đó giúp hạn chế và cải thiện tình trạng mụn.
- Vitamin E
Dầu dừa cũng chứa một lượng đáng kể vitamin E, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có khả năng bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như tia UV, khói bụi và ô nhiễm. Vitamin E giúp làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện độ đàn hồi và độ săn chắc của da, giúp da mềm mịn và khỏe mạnh hơn.
- Chất béo tự nhiên
Dầu dừa chứa nhiều chất béo bão hòa, trong đó có acid béo chuỗi trung bình (MCFA), giúp cấp ẩm và nuôi dưỡng làn da. Các chất béo tự nhiên này giúp tạo ra một lớp màng bảo vệ trên da, giữ cho da luôn ẩm mượt và mềm mại.
Lợi ích của dầu dừa đối với da
Với những thành phần kể trên, dầu dừa mang lại nhiều lợi ích cho làn da, bao gồm:
- Dưỡng ẩm sâu: dầu dừa có khả năng thấm sâu vào da, cung cấp độ ẩm cần thiết, giúp da luôn mềm mại và mịn màng.
- Chống viêm và kháng khuẩn: hàm lượng acid béo cao trong dầu dừa giúp cho dầu dừa có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và nấm, đồng thời giảm viêm nhiễm và kích ứng trên da.
- Chống oxy hóa: vitamin E trong dầu dừa giúp ngăn ngừa tác hại từ các gốc tự do, bảo vệ da khỏi lão hóa và các vấn đề do môi trường gây ra, đặc biệt là ảnh hưởng từ tia UVB.
Da bị mụn có nên dùng dầu dừa không?
Mặc dù dầu dừa mang lại nhiều lợi ích cho làn da, nhưng việc sử dụng cho da dầu và dễ bị mụn cần cân nhắc kỹ. Một trong những lo ngại lớn nhất khi dùng dầu dừa cho da mụn là khả năng gây bít tắc lỗ chân lông.
Dầu dừa có chỉ số comedogenic cao – tức là dễ gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Trên thang điểm từ 0 – 5, trong đó 0 là không gây bít tắc và 5 là dễ gây bít tắc, acid lauric trong dầu dừa có chỉ số 4, cho thấy khả năng gây bít tắc lỗ chân lông khá cao. Vì vậy, với những người có da dầu hoặc da hỗn hợp thiên dầu, dầu dừa có thể làm tăng nguy cơ mụn.
Mặc dù đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm của dầu dừa có thể giúp chống lại vi khuẩn gây mụn, nhưng bản chất dầu dừa vẫn là một loại dầu dày, có thể làm tình trạng mụn nặng hơn ở những người có làn da dễ bị mụn. Đa số các trường hợp da mụn thường khó kiểm soát hơn khi bôi dầu dừa.
Do đó, nếu có da dầu hoặc da mụn, tốt nhất nên tránh sử dụng dầu dừa. Ngược lại, với da khô, không dễ nổi mụn hoặc không quá nhạy cảm, dầu dừa có thể là lựa chọn hợp lý nếu sử dụng đúng cách và cẩn trọng.
Các lựa chọn thay thế dầu dừa cho da bị mụn
Có rất nhiều sản phẩm phù hợp cho da mụn trên thị trường, tuỳ thuộc vào nhu cầu và loại mụn mà có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp như sau:
- Dầu tràm trà: đây là một lựa chọn rất được ưa chuộng trong việc chăm sóc da mụn. Tràm trà có tính kháng khuẩn mạnh, có khả năng dưỡng ẩm mà không làm tắc lỗ chân lông, vì vậy nhiều sản phẩm chăm sóc da mụn có chứa thành phần này.
- Dầu jojoba: là một loại dầu tự nhiên có cấu tạo gần giống với lớp dầu tự nhiên trên da người. Dầu jojoba giúp cân bằng lượng dầu trên da mà không gây bít tắc. Đặc biệt dầu jojoba còn có đặc tính chống viêm, giúp làm dịu và giảm sưng đỏ do mụn.
- Niacinamide (vitamin B3): là một thành phần dưỡng da phổ biến với khả năng giảm viêm, kiểm soát lượng dầu trên da, dưỡng ẩm và làm dịu da mụn. Niacinamide không chỉ giúp giảm sưng tấy mà còn làm sáng da và cải thiện tình trạng thâm mụn.
- Acid salicylic: là hợp chất phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da mụn, nổi bật với khả năng thấm sâu vào lỗ chân lông, loại bỏ bã nhờn và tế bào chết. Nhờ đó, acid salicylic giúp ngăn ngừa và điều trị mụn hiệu quả, đặc biệt phù hợp với da dầu và dễ tắc nghẽn lỗ chân lông.
Những trường hợp nào có thể sử dụng dầu dừa?
Tuy không được khuyến cáo dùng cho da dầu và da mụn, dầu dừa vẫn là một sản phẩm có hiệu quả cao trong việc chăm sóc các loại da sau:
- Da khô: là loại da thường xuyên thiếu độ ẩm, dễ bong tróc. Dầu dừa là một trong những lựa chọn lý tưởng để dưỡng ẩm cho làn da này nhờ chứa các acid béo có khả năng giữ ẩm cao, giúp duy trì độ ẩm trên bề mặt da và ngăn ngừa mất nước. Đặc biệt, dầu dừa tạo một lớp màng bảo vệ trên da, giúp làm mềm mịn da và giảm tình trạng khô ráp.
- Da thường: là loại da cân bằng, không quá khô cũng không quá dầu, ít khi gặp vấn đề như mụn hoặc nhạy cảm. Đây là loại da phù hợp để sử dụng dầu dừa một cách an toàn mà không lo ngại việc làm bí lỗ chân lông. Với làn da thường, dầu dừa có thể giúp duy trì độ ẩm, làm mịn da và bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại từ môi trường.
- Da hỗn hợp thiên khô: là làn da có vùng chữ T (trán, mũi, cằm) có thể hơi dầu nhưng hai bên má lại khô. Đối với làn da này, dầu dừa có thể được sử dụng để cung cấp độ ẩm cho các vùng khô như hai bên má nhưng nên hạn chế sử dụng cho vùng chữ T để tránh làm vùng này bị nhờn bóng và bít tắc.
- Viêm da cơ địa (chàm): tình trạng này thường khiến da bị khô, kích ứng, viêm tấy và bong da. Dầu dừa với khả năng dưỡng ẩm, giảm viêm và làm mềm da đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa.
Mặc dù dầu dừa mang lại nhiều lợi ích cho làn da, nhưng nếu sở hữu da dầu hoặc da mụn, cần thận trọng khi sử dụng do nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông. Thay vì tự ý sử dụng, hãy tham khảo ý kiến từ Bác sĩ Da liễu để lựa chọn sản phẩm thay thế phù hợp và an toàn hơn. Hy vọng những thông tin từ Doctor Acnes đã giúp bạn có quyết định đúng đắn. Nếu thấy hữu ích, đừng quên chia sẻ bài viết này với bạn bè nhé!
Tài liệu tham khảo
- Huang WC, Tsai TH, et al. “Anti-bacterial and anti-inflammatory properties of capric acid against Propionibacterium acnes: a comparative study with lauric acid“. J Dermatol Sci. 2014 Mar;73(3):232-40. doi: 10.1016/j.jdermsci.2013.10.010
- Agero AL, Verallo-Rowell VM. “A randomized double-blind controlled trial comparing extra virgin coconut oil with mineral oil as a moisturizer for mild to moderate xerosis“. Dermatitis. 2004 Sep;15(3):109-16. doi: 10.2310/6620.2004.04006
- Varma SR, Sivaprakasam TO, et al. “In vitro anti-inflammatory and skin protective properties of Virgin coconut oil“. J Tradit Complement Med. 2018 Jan 17;9(1):5-14. doi: 10.1016/j.jtcme.2017.06.012
- Jones VA, Patel PM, et al. “Complementary and alternative medicine treatments for common skin diseases: A systematic review and meta-analysis“. JAAD Int. 2020 Dec 26;2:76-93. doi: 10.1016/j.jdin.2020.11.001
- Fulton, James E. “Comedogenicity and irritancy of commonly used ingredients in skin care products“. J. Soc. Cosmet. Chem 40.6 (1989): 321-333.
- Varma SR, Sivaprakasam TO, et al. “In vitro anti-inflammatory and skin protective properties of Virgin coconut oil“. J Tradit Complement Med. 2018 Jan 17;9(1):5-14. doi: 10.1016/j.jtcme.2017.06.012