Nguyên nhân da bị nhiễm corticoid và dấu hiệu nhận biết

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 05/09/2020

Corticoid bôi ngoài da được đưa ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1952. Kéo dài hơn 60 năm trên thị trường, nhiều corticoid khác nhau với hoạt tính kháng viêm từ nhẹ, trung bình đến mạnh lần lượt ra đời đã khiến corticoid trở thành vũ khí đắc lực cho các Bác sĩ Da liễu trong điều trị nhiều bệnh lý viêm da khác nhau. Tuy nhiên, những đặc tính làm cho corticoid trở thành một tác nhân trị liệu hữu ích cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng tràn lan của nó.

Việc sử dụng corticoid trở thành con dao hai lưỡi sử dụng đúng sẽ giúp mang lại hiệu quả còn sử dụng sai thì rất tai hại. Việc lạm dụng corticoid bôi ngoài da một cách cố tình hay vô ý đã dẫn đến những tổn thương da nghiêm trọng cho người sử dụng đặc biệt là vùng da mặt, trong đó, có thể kể đến những tổn thương phổ biến như bùng phát mụn, teo da hay đỏ da.

Mesotherapy Phục hồi da nhiễm Corticoid
Tiêm vi điểm (mesotherapy) phục hồi da nhiễm corticoid tại Phòng khám Doctor Acnes

Corticoid bôi ngoài da là gì?

Corticoid tại chỗ đóng vai trò quan trọng trong điều trị nhiều bệnh lý da liễu. Chúng đã được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt trong các bệnh lý viêm da như vẩy nến, chàm và lupus ban đỏ nhờ cơ chế kháng viêm, ức chế phân bàoức chế miễn dịch.

  • Tác dụng kháng viêm của các corticoid tại chỗ mang lại thông qua tác dụng co mạch làm giảm sự vận chuyển các chất trung gian gây viêm đến bề mặt da cũng ức chế sự sản xuất các chất trung gian gây viêm. Bên cạnh đó, corticoid bôi ngoài da còn có tác dụng trực tiếp lên DNA làm tăng biểu hiện của các gen kháng viêm và ức chế biểu hiện các gen tiền viêm.  
  • Tác dụng ức chế phân bào của các corticoid bôi ngoài da đóng vai trò rất lớn trong điều trị bệnh vẩy nến, dẫn đến ức chế sự tăng sinh tế bào và tổng hợp collagen.
  • Tác dụng ức chế miễn dịch của corticoid bôi ngoài da liên quan đến sự ức chế các nội tiết tố liên quan đến phản ứng viêm cũng như ức chế sự trưởng thành, biệt hóa và tăng sinh của tất cả các tế bào miễn dịch. 

Hoạt lực của corticoid bôi ngoài da phụ thuộc cả vào cấu trúc phân tử và dạng bào chế của nó. FDA đã phân loại corticoid dạng dùng ngoài thành 7 nhóm với nhóm I là hoạt lực cực mạnh và nhóm VII là hoạt lực yếu nhất.

  • Nhóm I – corticoid hoạt lực rất mạnh: clobetasol propionate 0,05%, betamethasone dipropionate 0,05% dạng thuốc mỡ hoặc gel.
  • Nhóm II – corticoid hoạt lực mạnh: amcinonide 0,1% dạng thuốc mỡ, betamethasone dipropionate dạng kem hay lotion.
  • Nhóm III – corticoid hoạt lực vừa đến mạnh: amcinonide 0,1% dạng kem, betamethasone dipropionate 0,05% dạng kem, fluticasone propionate 0,005% dạng thuốc mỡ.
  • Nhóm IV và V – corticoid hoạt tính vừa: betamethasone valerate 0,1%, fluocinolone acetonide 0,025% dạng kem hay thuốc mỡ, hydrocortisone butyrate 0,1% dạng thuốc mỡ, hydrocortisone probutate 0,1% dạng kem, triamcinolone acetonide 0,025% dạng kem, lotion hay thuốc mỡ.
  • Nhóm VI – corticoid hoạt tính thấp: desonide 0,05% bất kỳ dạng bào chế nào, fluocinolone 0,01% dạng kem và hydrocortisone butyrate 0,1% dạng kem.
  • Nhóm VII – corticoid hoạt tính rất yếu: hydrocortisone 1% và 2,5% dạng kem, lotion hay thuốc mỡ.

Tác dụng phụ khi sử dụng corticoid bôi ngoài da

Như đã đề cập ở trên, corticoid là lựa chọn của Bác sĩ Da liễu cho những trường hợp viêm da. Tuy nhiên, vì hiệu quả nhanh chóng và mạnh mẽ trong nhiều bệnh lý viêm da đã dẫn đến sự lạm dụng corticoid bôi ngoài da một cách vô tình hay cố ý.

Nhiều mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cố tình che giấu thành phần corticoid có trong chế phẩm, điển hình là những loại kem trộn có mặt trên thị trường. Nhờ thành phần corticoid với đặc tính kháng viêm, các loại kem trộn này mang lại hiệu quả giảm mụn sưng viêm nhanh chóng và làm da mỏng mịn sau thời gian ngắn sử dụng nên được nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, sử dụng càng lâu dài thì cấu trúc da sẽ càng bị phá hủy nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ làn da.

Bên cạnh việc sử dụng kem trộn do không biết trong đó có chứa thành phần corticoid, cũng có những trường hợp bệnh nhân sau khi được Bác sĩ kê toa corticoid thấy hiệu quả thì tự ý tiếp tục mua thuốc về bôi hay những trường hợp áp dụng thuốc bôi corticoid của người khác cho mình mà không có sự chỉ định của Bác sĩ Da liễu. 

Có thể nói khuôn mặt là nơi chịu nhiều tác động nhất của việc sử dụng corticoid bôi ngoài da kéo dài. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lý do quan trọng nhất dẫn đến điều này đó là vì da mặt là vùng da được chăm chút nhiều nhất trên cơ thể. Với phụ nữ châu Á, quan điểm “làn da trắng sáng là đẹp” đã thôi thúc chị em tìm đến những giải pháp làm da trắng mịn nhanh chóng, trong đó có các sản phẩm kem trộn chứa corticoid.

Theo một báo cáo của Nnoruka và cộng sự năm 2006, corticoid bôi ngoài da được sử dụng phổ biến nhất ở những vùng lãnh thổ có làn da sậm màu như các nước châu Á và châu Phi. Ngoài vẻ ngoài sáng mịn thì khuôn mặt không có mụn cũng là điều mong mỏi của hầu hết mọi người ở tất cả các độ tuổi.

Chỉ một vết mụn trên mặt cũng gây nên sự lo lắng và khiến mọi người tìm kiếm các giải pháp trị mụn nhanh chóng cho làn da. Nếu không sáng suốt để lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc và thành phần rõ ràng thì rất dễ lựa chọn những chế phẩm có chứa corticoid vì hiệu quả nhanh chóng của nó. Một lý do chính khác làm da mặt dễ bị tổn thương bởi corticoid đó là vì vùng da này mỏng hơn các vùng da khác của cơ thể dẫn đến gia tăng hấp thu corticoid qua da.

Vùng mặt cũng là nơi tập trung nhiều tuyến bã nhờn nên dễ bị đổ mồ hôi và nhờn đặc biệt là ở các nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam; đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn P. acnes phát triển nên nhu cầu sử dụng các thuốc bôi trị mụn tăng cao. Tất cả yếu tố trên cộng hợp lại khiến da mặt trở thành vùng da bị tổn thương nặng nề nhất khi sử dụng corticoid tại chỗ kéo dài, với những biểu hiện thường gặp nhất là bùng phát mụn, teo da và đỏ da. 

Corticoid bôi ngoài da làm thoái hóa biểu mô nang lông và tăng nồng độ acid béo tự do trên bề mặt da là điều kiện cho vi khuẩn P. acnes sinh sôi mạnh mẽ gây nên tình trạng bùng phát mụn viêm. Trong giai đoạn đầu da bị nhiễm corticoid sẽ có mụn sẩn đỏ và mụn mủ. Sau đó sẽ là tình trạng mụn viêm nặng như mụn nang, mụn bọc.

Đỏ da - da nhiễm corticoid
Tình trạng đỏ da, giãn mạch do nhiễm corticoid

Teo dađỏ da cũng là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng corticoid bôi da kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế ức chế phân bào của corticoid, làm lớp biểu bì mỏng dần và gia tăng sự hấp thụ corticoid vào lớp trung bì, gây ức chế sự tổng hợp collagen và hyaluronic acid từ các nguyên bào sợi. Sự mất kết nối của các mô liên kết sẽ biểu lộ ra bên ngoài thành tình trạng đỏ da, dãn mạch và thậm chí là xuất huyết đi kèm với cảm giác châm chích trên mặt.

Teo da thường xảy ra ở vị trí quanh các nếp gấp vì vùng da này thường mỏng hơn cũng như có sự gia tăng tích tụ corticoid bôi ngoài so với những vùng da phẳng. Teo da có thể hồi phục nếu ngưng sử dụng corticoid tại chỗ, tuy nhiên thường mất nhiều tháng da mới có thể trở lại bình thường. 

Điều trị da nhiễm corticoid

Điều trị da nhiễm corticoid là khó khăn vì phải đồng thời điều trị các tổn thương do corticoid bôi ngoài da gây ra, điều trị phản ứng dội ngược (rebound phenomenon) xảy ra do ngưng corticoid, và tư vấn tâm lý bệnh nhân với thời gian tính từ vài tháng thậm chí lên đến vài năm.

Bệnh nhân sẽ được Bác sĩ Da liễu tư vấn về những tác dụng phụ nguy hại do sử dụng corticoid kéo dài và được khuyên nên ngừng sử dụng corticoid. Việc ngưng corticoid sẽ càng khó khăn ở những người đã sử dụng corticoid thời gian dài và vẫn tin tưởng về tác dụng làm mịn da, sạch mụn của nó. Khi ngưng sử dụng corticoid thời gian đầu có thể da sẽ xấu hơn nhưng sẽ cải thiện sau đó. Tình trạng da xấu hơn sau khi ngưng sử dụng corticoid kéo dài được gọi là phản ứng dội ngược (rebound phenomenon). 

Phản ứng dội ngược đặc trưng là tình trạng đỏ da, ngứa và cảm giác bỏng rát. Cụ thể, sau 1 tuần ngưng sử dụng corticoid sẽ có tình trạng đỏ da xảy ra ở những vị trí từng bôi corticoid, tình trạng này thường kéo dài trong 2 tuần, sau đó da sẽ bong ra. Trong vòng 2 tuần sau đó tiếp tục xảy ra tình trạng đỏ da lần 2 và sau đó là bong da. Đỏ da và bong da cứ lặp đi lặp lại với thời gian giữa 2 đợt đỏ da ngày càng dài ra và thời gian của từng đợt đỏ da ngắn lại. Thời gian mất hẳn phản ứng dội ngược sẽ tùy thuộc vào loại corticoid đã bôi cũng như thời gian sử dụng corticoid kéo dài bao lâu.

Ca lâm sàng da nhiễm corticoid - Doctor Acnes
Tình trạng da nhiễm corticoid do sử dụng kem trộn thuốc Bắc tái tạo da ở spa và đã điều trị thành công tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Với phản ứng dội ngược xảy ra do ngưng corticoid, Bác sĩ Da liễu có thể chỉ định thuốc kháng histamin đường uống để làm giảm cảm giác ngứa. Với cảm giác bỏng rát ở mặt, tình trạng này có thể cải thiện bằng cách lăn đá lạnh trên các vùng da đó; nếu vẫn không thuyên giảm, Bác sĩ Da liễu có thể quyết định sử dụng thuốc gabapentin cho bệnh nhân. Các chế phẩm làm mềm da loại dịu nhẹ cũng được chỉ định trong trường hợp khô da. Lưu ý không dùng các loại mỹ phẩm, sữa rửa mặt hay kem dưỡng da chứa glycolic acid và lactic acid trong thời gian này vì tác dụng gây bong tróc da của các thành phần vừa nêu. 

Trường hợp bệnh nhân bị bùng phát mụn do sử dụng corticoid, Bác sĩ Da liễu sẽ chỉ định kháng sinh đường uống (tetracycline, doxycycline, erythromycin hay azithromycin) hoặc isotretinoin đường uống để kiểm soát tình trạng này. Nếu xảy ra viêm nang lông do nấm, cần sử dụng thuốc kháng nấm đường uống.

>>> Xem thêm: Cách phục hồi da nhiễm corticoid

Tóm lại, corticoid bôi ngoài da là điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh lý viêm da và việc sử dụng nó cần được quyết định, theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu. Lạm dụng corticoid ngoài da kéo dài có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng đối với vùng da mặt; do đó, tuyệt đối không được tự ý sử dụng corticoid khi chưa có sự cho phép của Bác sĩ Da liễu. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da chính hãng với thành phần được nêu rõ để tránh trường hợp vô tình sử dụng corticoid bôi ngoài da mà không hay biết.

Nếu gặp phải những tổn thương làn da do sử dụng corticoid kéo dài, cần ngưng ngay các chế phẩm này và kiên nhẫn thực hiện các bước điều trị theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu. Tại Phòng khám Doctor Acnes, chúng tôi luôn có các Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm và tận tâm để đưa ra các giải pháp phù hợp cho tình trạng da nhiễm corticoid của bạn. Hãy liên hệ với Phòng khám Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị phục hồi da nhiễm corticoid tại đây.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Abraham A, Roga G. “Topical steroid-damaged skin”. Indian J Dermatol. 2014;59(5):456-459
  2. Gabros S, Nessel TA, Zito PM. “Topical Corticosteroids”. StatPearls.com. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2020 Jan
  3. Ghosh A, Sengupta S, Coondoo A, Jana AK. “Topical corticosteroid addiction and phobia”. Indian J Dermatol. 2014;59(5):465-468
  4. Jakhar D, Kaur I. “Dermoscopy of Topical Steroid Damaged/Dependent Face”. Indian Dermatol Online J. 2018;9(4):286-287
  5. Manchanda K, Mohanty S, Rohatgi PC. “Misuse of Topical Corticosteroids over Face: A Clinical Study”. Indian Dermatol Online J. 2017;8(3):186-191
  6. Lahiri K, Coondoo A. “Topical Steroid Damaged/Dependent Face (TSDF): An Entity of Cutaneous Pharmacodependence”. Indian J Dermatol. 2016;61(3):265-272
  7. Meena S, Gupta LK, Khare AK, et al. “Topical Corticosteroids Abuse: A Clinical Study of Cutaneous Adverse Effects”. Indian J Dermatol. 2017;62(6):675
  8. Dermnetnz.org “Topical corticosteroid withdrawal”. DermnetNZ. 2016
  9. Fukaya M, Sato K, Sato M et al. “Topical steroid addiction in atopic dermatitis”. Drug, Healthcare and Patient Safety. 2014;6:131–138
  10. Hajar T, Leshem Y, Hanifin J et al. “A systematic review of topical corticosteroid withdrawal (‘steroid addiction’) in patients with atopic dermatitis and other dermatoses”. J Am Acad Dermatol. 2015;72(3):541-549.e2
  11. Racgp.org.au/afp. “Topical corticosteroid addiction and withdrawal – An overview for GPs”. Australian Family Physician. Ear, nose and throat.Vol.45,No.6,2016;P.386-388
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84