Cơ chế lành thương và tăng sinh collagen khi điều trị sẹo rỗ

Ngày 30/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Sẹo rỗ được định nghĩa là tổn thương da có dạng lõm so với bề mặt da với kích thước và hình dạng không đồng đều. Sẹo rỗ là kết quả của quá trình đáp ứng của cơ thể để làm lành các tổn thương nhưng không thể phục hồi hoàn toàn collagen bị phá hủy ở lớp thượng bì và trung bì của da gây ra bởi tình trạng viêm, từ đó hình thành các vết lõm trên bề mặt.

Vì ảnh hưởng khá nhiều đến thẩm mỹ, đôi lúc còn khiến cho bệnh nhân cảm thấy thiếu tự tin nên hiện nay nhu cầu trị sẹo ngày một nhiều hơn. Với sự phát triển của ngành thẩm mỹ, hiện có nhiều phương pháp trị sẹo đã được chứng minh đạt hiệu quả cải thiện sẹo cao trên lâm sàng.

Trên thực tế, các phương pháp trị sẹo rỗ có thể khác nhau về phương thức thực hiện và tên gọi nhưng đều có chung một cơ chế là lợi dụng sự tăng sinh collagen trong quá trình lành thương để làm đầy mô sẹo. Các Bác sĩ tại Doctor Acnes sau đây sẽ giải thích rõ hơn về cơ chế lành thương và tăng sinh collagen khi điều trị sẹo rỗ để giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết trước khi bắt đầu liệu trình điều trị sẹo cho mình và người thân.

Vai trò của collagen đối với cấu trúc làn da

Collagen là một loại protein cấu trúc có trong tất cả các mô liên kết, da, xương và sụn. Trong da, collagen hiện diện ở trung bì dưới dạng sợi riêng lẻ ở lớp nông và dưới dạng từng bó sợi collagen xếp thành lớp song song với bề mặt da ở lớp sâu. 

Nguyên bào sợi (fibroblast) ở trung bì là nơi sản xuất và tiết ra procollagen. Procollagen sau đó phải được phân cắt bởi các enzym để trở thành collagen. Các sợi collagen được tạo thành sẽ tập hợp và liên kết chặt chẽ lại với nhau tạo nên độ vững chắc cho làn da trước các tác động cơ học từ bên ngoài. Ở da bình thường, collagen chiếm 70% trọng lượng của lớp trung bì, chủ yếu là loại I (85% tổng lượng collagen) và loại III (15% tổng lượng collagen). 

collagen và lớp trung bì da Doctor Acnes
Ở da bình thường, collagen chiếm 70% trọng lượng của lớp trung bì, chủ yếu là loại I (85% tổng lượng collagen) và loại III (15% tổng lượng collagen)

Vai trò của collagen trong quá trình lành thương

Chức năng của collagen trong việc sửa chữa vết thương và hình thành sẹo là một khía cạnh quan trọng của loại protein quan trọng này. Sẹo là đáp ứng của cơ thể để làm lành các tổn thương của làn da mà trong đó, mụn viêm là nguyên nhân gây tổn thương da hàng đầu và sẹo do mụn viêm gây ra thường được gọi là sẹo mụn.

Về sinh lý học, quá trình lành thương ở da trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo. Dưới đây là mô tả chi tiết của quá trình lành thương cho một trường hợp mụn viêm điển hình.

Giai đoạn viêm

Khi mụn viêm bị vỡ ra, đầu tiên sẽ có hiện tượng co mạch để cầm máu. Khi máu đã được cầm, mạch máu sẽ dãn ra và có hiện tượng hồng ban tại vị trí mụn viêm. Trong giai đoạn này, bạch cầu hạt, đại thực bào, bạch cầu trung tính, nguyên bào sợi và tiểu cầu cũng được kích hoạt và giải phóng các chất trung gian gây viêm. Sự sản sinh hắc sắc tố cũng có thể được kích hoạt, dẫn đến hình thành sẹo thâm về sau.

Giai đoạn tăng sinh

Đây là giai đoạn các mô bị tổn thương được sửa chữa và các mao mạch mới được hình thành. Trong giai đoạn này, có sự giải phóng các yếu tố tăng trưởng bao gồm yếu tố tăng trưởng từ tiểu cầu, yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi, yếu tố tăng trưởng biến đổi alpha và beta làm kích thích sự tăng sinh collagen từ nguyên bào sợi.

Sự sản sinh collagen từ nguyên bào sợi bắt đầu từ 3-5 ngày sau khi vết thương tạo ra. Lớp da mới hình thành tại vị trí vết thương có thành phần chính là collagen loại III và 20% là collagen loại I. Theo thời gian, tỉ lệ các loại collagen sẽ được điều chỉnh lại, tương tự như các vùng da không bị tổn thương với tỉ lệ collagen loại I vào khoảng 85%.

Giai đoạn tái cấu trúc

Nguyên bào sợi và tế bào sừng sản xuất các enzym tham gia vào việc tái cấu trúc chất nền ngoại bào bao gồm cả enzyme thủy phân protein cấu trúc MMP (matrix metalloproteinases) và yếu tố ức chế MMP. MMP là enzyme phân hủy chất nền ngoại bào, trong đó quan trọng là collagen và hoạt động của enzyme này sẽ bị ức chế dưới tác dụng của các yếu tố ức chế MMP.

Sự mất cân bằng tỉ lệ MMP và yếu tố ức chế MMP sẽ ảnh hưởng nhiều đến hình thái của sẹo: nếu phân hủy collagen nhiều sẽ dẫn đến sự hình thành sẹo lõm còn nếu ngược lại thì sẽ có nguy cơ tạo thành sẹo lồi.

Tăng sinh collagen là cơ chế chính yếu trong điều trị sẹo rỗ

Từ cơ chế lành thương nêu trên có thể thấy collagen là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành sẹo rỗ: sự thiếu hụt sản xuất collagen nội sinh hay sự tăng phân hủy collagen bởi MMP đều dẫn đến nguy cơ tạo thành sẹo rỗ. 

sự hình thành sẹo rỗ Doctor Acnes
Sự hình thành sẹo rỗ trên da sau mụn

Trong điều trị sẹo rỗ, để tái tạo cấu trúc làn da làm đầy dần đáy sẹo, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm vào 2 hướng tiếp cận: hoặc kích thích sự tổng hợp collagen, hoặc ức chế sự phân hủy của nó. Cho đến hiện tại, các nghiên cứu theo hướng kích thích sản xuất collagen nội sinh đã cho thấy những kết quả ấn tượng; trong khi đó, việc tiếp cận theo hướng ức chế hoạt động MMP lại chưa mang đến nhiều kết quả khả quan.

Điều này giải thích vì sao kích thích tăng sinh collagen nội sinh vẫn là cơ chế chính yếu của các phương pháp điều trị sẹo được sử dụng phổ biến hiện nay như peel da, bóc tách đáy sẹo, lăn kim hay laser fractional CO2. 

Ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị sẹo rỗ thành công tại Doctor Acnes

Về mặt nguyên tắc, các phương pháp này sẽ tạo ra các vết thương một cách có chủ ý tại vị trí sẹo rỗ, làm kích thích sự tăng sinh collagen thông qua quá trình lành thương 3 giai đoạn như đã nêu ở trên. Ngoài ra, các Bác sĩ Da liễu cũng thường phối hợp thêm các liệu pháp bổ trợ như tế bào gốc hay huyết tương giàu tiểu cầu PRP làm kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa sự tăng sinh collagen từ chính cơ thể, giúp rút ngắn thời gian điều trị sẹo. 

Bảng giá dịch vụ điều trị sẹo rỗ tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐Bóc tách đáy sẹo nặng (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.500.000 1.400.000
⭐Bóc tách đáy sẹo trung bình (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.200.000 1.100.000
⭐Bóc tách đáy sẹo nhẹ (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.000.000 900.000
⭐Lăn kim trị sẹo mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.100.000 1.000.000
⭐Laser fractional eCO2 Lutronic chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.500.000 1.400.000
Peel trị sẹo rỗ – trẻ hóa – sáng da TCA
1.100.000 1.000.000
Huyết tương giàu tiểu cầu PRP
900.000 800.000
⭐Mesotherapy huyết tương giàu tiểu cầu PRP trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.500.000 1.400.000
⭐Mesotherapy Growth Factors trị sẹo (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.600.000 1.500.000

Tóm lại, collagen đóng vai trò quan trọng để duy trì cấu trúc làn da cũng như trong điều trị sẹo rỗ. Các kỹ thuật điều trị sẹo rỗ bao gồm peel da, bóc tách đáy sẹo, lăn kim hay laser fractional CO2 và các liệu pháp hỗ trợ thêm vào như là tế bào gốc hay huyết tương giàu tiểu cầu PRP đều nhắm vào cơ chế kích thích sự tổng hợp collagen nội sinh từ chính cơ thể giúp làm đầy dần đáy sẹo.

Tuy nhiên, cần lưu ý là phác đồ điều trị sẹo rỗ là phác đồ cá thể hóa, riêng biệt cho mỗi bệnh nhân tùy theo tình trạng sẹo của mỗi người. Phác đồ này có thể là sự phối hợp của nhiều kỹ thuật kích thích tăng sinh collagen khác nhau, nhằm mang lại hiệu quả cao đồng thời rút ngắn thời gian điều trị.

Bạn cần đến các Phòng khám Da liễu uy tín để được Bác sĩ Da liễu thăm khám và thiết lập phác đồ điều trị sẹo phù hợp nhất cho tình trạng da của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Fabbrocini G, Annunziata MC, D’Arco V, et al. “Acne scars: pathogenesis, classification and treatment”. Dermatol Res Pract. 2010;2010:893080
  2. Medscape 2017. Skin anatomy

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84