Dưỡng ẩm là một trong những bước quan trọng và cần thiết trong quy trình chăm sóc da dầu mụn. Đối với loại da này, dầu trên da và độ ẩm của da tỷ lệ nghịch với nhau, bổ sung đầy đủ độ ẩm cho da sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng tiết dầu (bã nhờn) và ngược lại. Kem dưỡng ẩm có thể giúp bảo vệ da không bị mất nước ra môi trường bên ngoài. Quan trọng hơn, bạn cần biết cách lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp cho da dầu mụn. Bài viết sẽ mô tả rõ hơn cấu trúc của hàng rào bảo vệ da cũng như những lưu ý khi chọn dưỡng ẩm cho làn da dầu mụn.
Hàng rào bảo vệ da (skin barrier function)
Hàng rào bảo vệ da được tạo thành theo nguyên lý “gạch – vữa”:
- Gạch là những tế bào lớp sừng (SC – stratum corneum). Các tế bào sừng tạo thành lớp bảo vệ ngoài cùng của da, trong đó keratin là protein cấu trúc chính, chiếm tới 30 – 80% tổng lượng protein biểu bì.
- Vữa là lớp lipid trên da (gồm 50% ceramide, 10 – 20% acid béo tự do, 25% cholesterol), ngoài ra còn có chất dưỡng ẩm tự nhiên khác của da như HA, tất cả tạo thành sự liên kết giữa các tế bào sừng với nhau. Chất nền ngoại bào của lớp sừng không chỉ chứa lipid mà còn chứa enzyme, protein cấu trúc và peptide kháng khuẩn. Hai cấu trúc “gạch và vữa” cấu tạo nên hàng rào bảo vệ vật lý của da.
Nếu không có hàng rào bảo vệ da, nước bên trong cơ thể sẽ thoát ra ngoài và bay hơi, khiến cơ thể mất nước hoàn toàn. Hàng rào bảo vệ da rất cần thiết cho sức khỏe và cần được bảo vệ để giúp cơ thể hoạt động bình thường.
Biểu hiện của suy yếu chức năng hàng rào bảo vệ da bao gồm da khô, tróc vảy, ngứa, viêm da và hồng ban, nổi mụn. Ngoài ra, có rất nhiều dữ liệu chứng minh rằng nhiều bệnh ngoài da có liên quan đến rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da, thể hiện bằng sự gia tăng mất nước qua biểu bì, giảm độ ẩm và lipid bề mặt, đặc biệt là ceramide. Kết quả của các nghiên cứu lâm sàng cho thấy những thiếu sót này có thể được giải quyết thông qua việc sử dụng hợp lý các loại kem dưỡng ẩm thích hợp, để cải thiện quá trình hydrat hóa của da và khôi phục tính toàn vẹn của lớp sừng.
Những trường hợp có thể khiến chức năng hàng rào da bị tổn thương gồm:
- Da nhạy cảm: do bản chất da bị thiếu hụt hàng rào bảo vệ da.
- Mụn trứng cá hoặc trứng cá đỏ.
- Da nhiễm corticoid.
Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài có thể gây tổn thương đến hàng rào bảo vệ da gồm:
- Thời tiết cực đoan như quá nóng, quá lạnh hay phơi nắng kéo dài.
- Dị ứng hay kích ứng với chất lạ trong mỹ phẩm hay bất kỳ một sản phẩm nào đó.
- Rửa mặt hoặc tẩy da chết quá nhiều lần, sử dụng sữa rửa mặt có tính kiềm cao.
- Thuốc bôi trị mụn: benzoyl peroxide, retinoid, sử dụng các sản phẩm trị mụn có chứa các hoạt chất trên trong 3 – 4 tuần đầu có thể gây kích ứng, có thể gây tổn thương ở mức độ vừa phải với da.
- Sử dụng corticoid kéo dài có thể làm teo da, dãn mạch máu, mẩn đỏ, ban xuất huyết, nổi mụn nước và da trở nên rất nhạy cảm.
Những hoạt chất giúp cải thiện chức năng bảo vệ của làn da:
- Hyaluronic acid: là chất hút ẩm mạnh giúp giữ ẩm cho lớp trên cùng của da.
- Ceramide: là thành phần acid béo giúp duy trì hàng rào bảo vệ da và giữ ẩm cho da.
- Niacinamide: hoạt chất này giúp tăng sản xuất ceramide, thúc đẩy quá trình bảo vệ da.
- Squalene: hoạt chất này hoạt động như một hàng rào vật lý giữa da và không khí để ngăn cản sự mất nước.
Hai thành phần quan trọng nhất là ceramide và niacinamide. Trong đó, ceramide là thành phần của hàng rào bảo vệ da, niacinamide là hoạt chất có thể tổng hợp được ceramide, từ đó thúc đẩy khả năng phục hồi hàng rào bảo vệ da.
Cách chọn dưỡng ẩm cho da mụn
Vai trò của dưỡng ẩm cho da mụn
Dưỡng ẩm mang lại nhiều lợi ích cho làn da, bao gồm:
- Giữ độ ẩm cho da và giảm sự tiết bã nhờn, tăng khả năng che phủ để giảm mất nước qua biểu bì.
- Tăng vận chuyển các hoạt chất khác vào da, khi da ẩm, các chất sẽ được hấp thu tốt hơn.
- Cải thiện vẻ bề ngoài của da, cung cấp một lớp màng bảo vệ làm dịu và bảo vệ da khỏi ma sát.
Phân loại chất dưỡng ẩm
Gồm 3 loại chính có tác dụng khóa ẩm, cấp ẩm và làm mềm:
- Chất khóa ẩm (occlusive agent)
Tạo thành lớp màng kỵ nước trên bề mặt da, từ đó ngăn chặn mất nước qua da. Thành phần này thường có tính thân dầu như petrolatum, lanolin, dầu khoáng, paraffin, squalene và các dẫn xuất silicone (dimethicone, cyclomethicone). Các dẫn xuất silicone thường được kết hợp với petrolatum làm tăng tính nhờn cho sản phẩm.
Dimethicone và cyclomethicone là các dẫn xuất silicone và thường được sử dụng trong các loại kem dưỡng ẩm da mặt không chứa dầu (oil-free), thuật ngữ “oil-free” ngụ ý rằng sản phẩm dưỡng ẩm này không chứa dầu khoáng hoặc dầu thực vật. Dimethicone làm giảm sự mất nước mà không gây cảm giác nhờn, chứa chất khóa ẩm và có đặc tính làm mềm. Đây là thành phần phù hợp cho người bị mụn trứng cá và da nhạy cảm vì nó không gây mụn và không gây dị ứng. Cyclomethicone có đặc tính tương tự như dimethicone nhưng dày hơn.
- Chất cấp ẩm (humectant)
Lấy nước cho da bằng cách hút hơi nước từ môi trường (độ ẩm cao) hoặc hút nước từ lớp hạ bì lên lớp biểu bì. Thường có tính thân nước như: glycerin, HA, natri lactate, amoni lactate, sorbitol, ure và alpha hydroxyl acid.
Glycerin là chất giữ ẩm hiệu quả nhất hiện có để tăng cường hydrat hóa lớp sừng, nhưng nếu nồng độ glycerin quá cao, nó sẽ tạo cảm giác bết dính trên da. Thay vào đó, hyarulonic acid và natri pyrrolidone cacboxylic acid (PCA) là chất cấp ẩm có thể được sử dụng cùng với glycerin để giảm độ dính. Hyaluronic acid (HA) được xem là chất dưỡng ẩm an toàn và lành tính nhất đối với da mụn, không gây cảm giác nặng nề hay nhờn và không làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tuy nhiên không phải HA nào cũng giống nhau, HA phân tử nhỏ sẽ thấm vào da tốt hơn.
Cần lưu ý rằng chỉ sử dụng chất cấp ẩm có thể làm tăng TEWL (sự mất nước qua biểu bì). Ví dụ, glycerin (glycerol) có thể tăng TEWL lên 29%. Do đó, chất cấp ẩm thường được kết hợp với thành phần khóa ẩm, glycerin (chất cấp ẩm) và dimethicone (chất khóa ẩm) thường được sử dụng kết hợp với nhau.
- Chất làm mềm (emollient)
Chất này có cơ chế hoạt động bằng cách lấp đầy các khoảng trống do thiếu hụt lớp lipid giữa các tế bào như dầu jojoba, propylene glycol, isopropyl, isostearate, dimethicone. Một thành phần của chất dưỡng ẩm có thể có nhiều đặc tính, chẳng hạn như dimethicone, có cả đặc tính khóa ẩm và làm mềm. Cần lưu ý rằng, chất làm mềm có chứa nhiều dầu cũng là chất gây tắc nghẽn. Điều này có nghĩa là chúng phủ lên da một lớp màng dầu mỏng để giữ nước trong da và có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Vì vậy, chất làm mềm chỉ phù hợp khi sử dụng với da khô và không nên sử dụng với da dầu mụn.
Dạng bào chế dưỡng ẩm
Tỷ lệ nước và dầu khác nhau có thể mang lại hiệu quả khác nhau và ảnh hưởng đến mục đích sử dụng của sản phẩm. Nói cách khác, việc lựa chọn giữa thuốc mỡ, cream, lotion hay gel tùy thuộc vào tình trạng da. Ngoài ra, vì một số sản phẩm có kết cấu nặng hơn những sản phẩm khác nên loại da tổng thể của mỗi người cũng là một yếu tố quan trọng cần được cân nhắc.
- Thuốc mỡ (ointment): trong số tất cả các sản phẩm dành cho da, thuốc mỡ chứa nhiều dầu nhất, có độ đặc hơn kem và có tổng quan đục hoặc mờ, giúp bảo vệ tốt hơn khỏi tình trạng mất nước và giữ ẩm tốt hơn với các tác nhân như không khí lạnh hoặc khô. Tuy nhiên, khi bôi sẽ có cảm giác nhờn hoặc dính. Các thành phần phổ biến được tìm thấy trong thuốc mỡ bao gồm petrolatum và dầu khoáng. Cần lưu ý rằng, vì thuốc mỡ chứa phần lớn là dầu, có thể gây bít tắc lỗ chân lông, vì vậy không thích hợp dùng cho da dầu mụn vì có thể làm tăng mụn ẩn.
- Cream: chứa cả thành phần nước và dầu (dạng dầu/nước hoặc nước/dầu), cream đậm đặc hơn và chứa nhiều dầu hơn. Khi bôi dạng cream lên da sẽ có cảm giác từ hơi nhờn rít đến nhờn nhẹ. Vì cream cũng chứa lượng lớn dầu nên có thể gây bít tắc đối với da dầu mụn. Những sản phẩm là cream thường khá nặng, khi bôi lên da sẽ chỉ bám trên da và gây ra tình trạng nhờn và tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Lotion: nhiều người thường nhầm lẫn dạng cream và lotion là cùng một sản phẩm, nhưng thực tế, hai dạng này có công thức khác nhau. Lotion chứa nhiều nước hơn dầu, một số sản phẩm có thể chứa cồn. Chúng ta có thể tìm thấy các loại lotion không chứa dầu thích hợp cho da hỗn hợp hoặc da dầu mụn, trên nhãn thường ghi “oil-free” hay “lightweight”. Lotion có độ đặc thấp hơn nhiều so với các sản phẩm dạng cream, tốc độ hấp thu nhanh và để lại rất ít dư lượng trên da. Lotion có thể dùng hằng ngày, đặc biệt với người có làn da thường đến da dầu. Nếu có làn da dễ bị mụn trứng cá, hãy chọn loại lotion không gây mụn “non-comedogenic” (không chứa thành phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông).
- Gel: thành phần gel thường không chứa dầu chỉ chứa nước, cồn và cellulose. Ngoài ra, cũng có các sản phẩm kết hợp gel-lotion, có tác dụng như lotion. Gel không chứa dầu có thể sử dụng tốt cho da dầu vì dạng bào chế này có thể cung cấp độ ẩm mà không để lại dầu thừa trên da. Tỷ lệ hấp thu cao của gel có thể khiến da giảm nhờn và giúp giảm khả năng nổi mụn. Nếu có làn da nhạy cảm, cần đọc kỹ thành phần sản phẩm và tránh các sản phẩm gel có cồn hay hương liệu.
Mức độ khóa ẩm xếp theo mức độ giảm dần từ thuốc mỡ – cream – lotion – gel.
Bảng tổng hợp các dạng bào chế dưỡng ẩm và loại da phù hợp:
Tính chất | Cách dùng | |
Ointment (thuốc mỡ) | Dày, nhờn, dính | Da khô, thuốc bôi tại chỗ cần hấp thu dược chất tối đa |
Cream | Nhớt, hơi nhờn rít đến nhờn nhẹ | Da khô, phát ban hoặc tổn thương da cần được bảo vệ chống mất độ ẩm |
Lotion | Mỏng, không nhờn | Da dầu, hấp thu nhanh chóng mà không có dư lượng |
Gel | Dày, không nhờn | Dùng cho da thiên dầu |
Da dầu mụn nên sử dụng dưỡng ẩm dạng gel hoặc lotion, các dạng bào chế này chứa nhiều chất cấp ẩm. Hạn chế dùng dạng cream vì có thể gây bít tắc lỗ chân lông đối với da dầu mụn và gây mụn ẩn.
Một số hoạt chất giữ ẩm thiên nhiên khuyên dùng cho da dầu mụn
Dưới đây là một số hoạt chất thiên nhiên có tác dụng giữ ẩm và chống viêm:
- Lô hội: có đặc tính làm dịu da, chống viêm và dưỡng ẩm. Lưu ý nồng độ lô hội phải ít nhất là 10% mới có tác dụng dưỡng ẩm.
- Cây phỉ: thường được sử dụng làm chất làm se da ở những người có làn da dầu. Hàm lượng tannin cao thu được từ quá trình chưng cất hơi nước của cây phỉ có tác dụng làm se. Thuốc mỡ Hamamelis, được gọi là thuốc mỡ cây phỉ, được sử dụng làm dược phẩm trị mụn.
- Trà xanh: thành phần trong trà xanh có tác dụng kháng androgen và làm giảm nồng độ lipid nên có hiệu quả trong việc giảm bài tiết bã nhờn trên da, nhờ đó có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của mụn.
Việc lựa chọn sản phẩm bôi ngoài da phù hợp phụ thuộc vào loại da và tỷ lệ nước và dầu trong sản phẩm. Đối với da dầu mụn, nên lựa chọn các sản phẩm có kết cấu tương đối loãng, gốc nước, dễ thẩm thấu như ở dạng gel mỏng nhẹ hay lotion có nhãn “oil-free” hay “lightweight”, đồng thời không nên dùng kem dưỡng da quá dày. Việc này sẽ giúp các dưỡng chất thẩm thấu vào da nhanh chóng và dễ dàng nhưng không làm xuất hiện cảm giác nặng hoặc tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
Tài liệu tham khảo
- Lefèvre-Utile A, Braun C, Haftek M, Aubin F. “Five Functional Aspects of the Epidermal Barrier“. Int J Mol Sci. 2021 Oct 28;22(21):11676. doi: 10.3390/ijms222111676
- Parke MA, Perez-Sanchez A, Zamil DH, Katta R. “Diet and Skin Barrier: The Role of Dietary Interventions on Skin Barrier Function“. Dermatol Pract Concept. 2021 Jan 29;11(1):e2021132. doi: 10.5826/dpc.1101a132
- Chularojanamontri L, Tuchinda P, Kulthanan K, Pongparit K. “Moisturizers for Acne: What are their Constituents?“. J Clin Aesthet Dermatol. 2014 May;7(5):36-44
- “What’s the Difference Between Ointment, Cream, Lotion, and Gel?“. Healthline