Nguyên lý của phương pháp lăn kim là chủ động để lại các tổn thương giả trên da nhằm kích thích quá trình phục hồi tự nhiên của cơ thể. Do đó, làn da sau lăn kim trở nên nhạy cảm và cần được chăm sóc đúng cách để tránh thương tổn và đảm bảo cho quá trình tái tạo.
Chính vì vậy, chăm sóc da sau lăn kim giữ vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về các lưu ý chăm sóc da sau khi lăn kim ở bài viết dưới đây nhé!
Vì sao phải chăm sóc da sau lăn kim đúng cách?
Lăn kim là một thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu bằng cách sử dụng các đầu kim nhỏ vô trùng tác động vào lớp biểu bì tạo ra các điểm tổn thương nhỏ trên da và kích hoạt cơ chế tự phục hồi của cơ thể giúp tái tạo làn da.
Tuy nhiên, đây là một thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn nên làn da sau khi được thực hiện lăn kim sẽ vô cùng nhạy cảm vì các tế bào da đã bị tổn thương. Do đó bất kỳ một yếu tố ngoại lai nào tác động lên làn da trong thời điểm này cũng có thể khiến da bị tổn thương lan rộng và gây thất bại trong điều trị.
Một số vấn đề có thể gặp phải nếu không chăm sóc da đúng cách bao gồm viêm da, tăng sắc tố sau viêm làm xuất hiện thâm, nám da hay thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm virus herpes và ảnh hưởng đến sức khoẻ làn da.
Ngoài ra, chăm sóc da đúng cách còn có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của làn da sau lăn kim. Sự xuất hiện các vi điểm tổn thương làm kích thích sản sinh các yếu tố tăng trưởng, giúp tăng sinh collagen và elastin ở lớp hạ bì, từ đó giúp tái tạo cấu trúc, làm đầy và phục hồi nếp nhăn.
Việc chăm sóc và bổ sung các dưỡng chất cần thiết ở giai đoạn sau lăn kim có thể giúp quá trình làm lành diễn ra nhanh hơn và dễ đạt được hiệu quả điều trị hơn. Chính vì vậy, việc hiểu và trang bị kiến thức về cách chăm sóc bảo vệ làn da sau khi lăn kim là vô cùng cần thiết.
Cách chăm sóc da sau lăn kim
Ở giai đoạn đầu sau lăn kim sẽ có những chú ý riêng biệt cho da, đặc biệt là cách chăm sóc da đúng cách trong những ngày đầu để tránh gây tổn thương da, đẩy nhanh quá trình phục hồi và đảm bảo hiệu quả điều trị.
Trong vòng 24 giờ đầu sau lăn kim
Ngay sau khi thực hiện lăn kim xong, da cần được làm dịu bằng các phương pháp như chườm lạnh hay sử dụng ngay các sản phẩm vô trùng có tác dụng làm dịu và kiểm soát tình trạng viêm, hạn chế trường hợp tăng sắc tố sau viêm.
Trong 24 giờ đầu, tránh tiếp xúc với nước, sau lăn kim trên da sẽ có những tổn thương vi điểm nên việc tránh nước sẽ giúp giữ da sạch và hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bôi tinh chất phục hồi như tế bào gốc thực vật, huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hoặc những hoạt chất khác tùy vào mục đích điều trị của bệnh nhân. Những sản phẩm này thường chứa protein, cytokine và các yếu tố tăng trưởng giúp mô da tổn thương nhanh phục hồi hơn. Ngoài ra, PRP nhờ chứa nhiều hoạt chất tăng trưởng còn giúp đẩy nhanh quá trình lành thương.
Thời gian 24 giờ đầu sau lăn kim là thời gian vàng để điều trị khi bề mặt da còn mở, tạo đường dẫn giúp hấp thu các dưỡng chất một cách tốt nhất. Vì vậy, cần tận dụng khoảng thời gian này để sử dụng các sản phẩm phù hợp nhầm cung cấp cho da các dưỡng chất phù hợp với nhu cầu điều trị.
Ngày thứ 2 đến thứ 5 sau điều trị
Giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ, tránh các hoạt động đổ nhiều mồ hôi, tránh đi đến các khu vực có môi trường ô nhiễm, khói bụi mà không có bất kì biện pháp che chắn bảo vệ nào. Không sờ tay lên mặt để tránh nhiễm khuẩn và tác động xấu đến quá trình lành thương.
Rửa mặt nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý với thao tác nhẹ nhàng. Nếu có sử dụng sữa rửa mặt thì nên lựa chọn sản phẩm dịu nhẹ dưới sự tư vấn của Bác sĩ Da liễu. Không sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt dạng hạt hay có chứa các thành phần hoạt tính mạnh như AHA, BHA. Không tẩy tế bào chết và trang điểm trong ít nhất trong 10 ngày sau lăn kim.
Sử dụng kem dưỡng ẩm, phục hồi da có chứa các yếu tố tăng trưởng tối thiểu 2 lần/ngày.
Đặc biệt cần lưu ý tránh nắng trong thời gian này. Khi đi ra ngoài cần sử dụng các biện pháp che chắn như đội nón rộng vành và đeo khẩu trang tối màu. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao SPF 50, PA +++ trước khi ra nắng 15 – 20 phút và thoa lặp lại mỗi 2 – 3 giờ.
Trong giai đoạn này, mài sẽ xuất hiện và bong dần. Bệnh nhân có thể thấy căng, khô da, bị đỏ da hoặc bong tróc nhẹ. Cần lưu ý không dùng tay sờ cạo da mà cứ để quá trình bong da được diễn ra tự nhiên.
Sau 7 ngày
Da sau 7 ngày tuy vẫn còn mỏng tuy nhiên các vấn đề sưng, đỏ, ngứa đã cải thiện hơn. Nếu sau 7 ngày vẫn còn tình trạng đỏ da hay ngứa da nhiều, cần đến gặp Bác sĩ Da liễu để được thăm khám và điều trị.
>>> Xem ngay: Phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau lăn kim
Da ở giai đoạn này là da mới và mỏng do đó sẽ dễ hấp thu dưỡng chất hơn bình thường. Vì vậy, có thể sử dụng các sản phẩm bôi để điều trị các vấn đề về da như lão hóa, nám, sắc tố da trong giai đoạn này để đạt được hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó cần lưu ý bôi dưỡng ẩm và chống nắng thường xuyên để giúp da không bị khô.
Trong vòng 14 ngày sau lăn kim
Trong vòng 14 ngày sau lăn kim không nên tắm hồ bơi hoặc đi du lịch biển nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp với lượng lớn ánh nắng mặt trời cũng như nồng độ cao các chất sát trùng của hồ bơi hoặc nồng độ muối cao của nước biển.
Tránh tắm rửa bằng nước nóng, xông hơi hay massage mặt. Không nên sử dụng đồ uống có cồn, tránh các thực phẩm dễ gây kích ứng trong quá trình da đang phục hồi.
Sau 2 tuần điều trị
Tại thời điểm này, đã có thể thấy được những cải thiện trên da do liệu pháp đem lại. Tuy nhiên để da hồi phục hoàn toàn thì sẽ còn tùy thuộc vào tình trạng da của mỗi cá nhân và có thể mất đến 4 – 8 tuần. Do đó, tốt nhất vẫn nên hạn chế tối đa các yếu tố có thể gây kích ứng da như tia UV hay các mỹ phẩm có tính chất tẩy mạnh.
Có thể tiếp tục duy trì các liệu trình dưỡng ẩm da hàng ngày với các mỹ phẩm như sữa rửa mặt, toner và kem dưỡng có thành phần dịu nhẹ để duy trì độ ẩm giúp da sạch và khoẻ mạnh trong quá trình phục hồi. Cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế các thực phẩm có khả năng gây dị ứng nếu trước đây có tiền sử dị ứng thức ăn.
Xem thêm các bài viết liên quan
Nguyên tắc chăm sóc da sau lăn kim
Có rất nhiều nguyên tắc khi chăm sóc da sau lăn kim, Doctor Acnes tổng hợp một số nguyên tắc quan trọng cần lưu ý để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Tránh tiếp xúc với khói bụi và ánh nắng mặt trời
Làn da sau lăn kim sẽ vô cùng nhạy cảm và đặc biệt sẽ nhạy cảm hơn bình thường với tia UV từ ánh nắng mặt trời. Do đó, nếu để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng có thể gây bỏng rát, sạm, nám và các vấn đề về da khác. Vì vậy, hạn chế tối đa việc ra nắng nếu có thể và nếu phải ra khỏi nhà thì cần các biện pháp che chắn thích hợp.
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao SPF 50, PA +++ trước khi ra nắng 15 – 20 phút và thoa lặp lại mỗi 2 – 3 giờ trong 2 tuần đầu tiên khi da đã lành, tuy nhiên ở những ngày đầu sau liệu trình cần tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu về loại kem chống nắng có thành phần phù hợp, đặc biệt là ở giai đoạn 24 giờ đầu sau lăn kim.
Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với khói bụi trong giai đoạn đầu sau lăn kim sẽ tạo môi trường thuận lợi và tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn qua các vi điểm tổn thương của da gây nhiễm khuẩn da. Vì vậy, cần hạn chế đến những khu vực ô nhiễm, nhiều khói bụi để đảm bảo giữ cho da sạch và phục hồi nhanh chóng.
Không sử dụng các sản phẩm mà chưa tham khảo ý kiến của Bác sĩ
Không trang điểm hay tẩy tế bào chết trong 24 – 48 giờ sau lăn kim để tránh gây viêm nhiễm và tổn thương lan rộng. Không sử dụng các sản phẩm mà chưa tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu. Việc sử dụng sản phẩm theo chỉ định của Bác sĩ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của da.
Những sản phẩm có tính oxy hoá, hoạt tính mạnh như retinol, AHA, vitamin C có thể gây kích ứng nếu sử dụng ở giai đoạn da còn tổn thương từ 3 – 5 ngày đầu, cần ngưng dùng các sản phẩm trên ở giai đoạn đầu sau lăn kim và cân nhắc sử dụng lại khi da đã phục hồi hoàn toàn.
Chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh các hoạt động thể lực sau lăn kim, đặc biệt là các hoạt động có thể đổ nhiều mồ hôi vì mồ hôi sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng tại các vị trí tổn thương.
Ngủ đủ giấc, uống đủ nước để duy trì độ ẩm cho da, có thể ăn các loại thức ăn tốt cho quá trình làm lành da như thực phẩm chứa nhiều collagen gồm da heo, giò heo, thực phẩm nhiều vitamin B như gan, bông cải, đậu Hà Lan.
Như vậy, việc chăm sóc da sau lăn kim đóng vai trò rất quan trọng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của liệu trình. Do đó, khi muốn thực hiện lăn kim, bạn cần tìm hiểu và được tư vấn cẩn thận bởi Bác sĩ Da liễu về các bước chăm sóc da sau liệu trình để hạn chế nhiễm khuẩn, kích ứng da, giúp làn da được phục hồi nhanh và tốt hơn cũng như giúp đảm bảo kết quả tối ưu của việc điều trị.
Tài liệu tham khảo
- Hou, Angela BS, BA; Cohen, Brandon MD. “Microneedling: A Comprehensive Review”. Dermatologic Surgery 43(3):p 321-339, March 2017
- Horst Liebla, Luther C. Kloth. “Skin Cell Proliferation Stimulated by Microneedles”. J Am Coll Clin Wound Spec. 2012 Mar; 4(1): 2–6
- “Everything you need to know about microneedling with PRP”. Medicalnewstoday.com