Mụn trứng cá là vấn đề da liễu rất phổ biến ở lứa tuổi dậy thì. Các thống kê cho thấy đến 85% thanh thiếu niên bị mụn trứng cá ở giai đoạn này. Vì vậy, việc xây dựng một liệu trình skincare phù hợp cho tuổi dậy thì là vô cùng cần thiết để làn da được chăm sóc đúng cách ngay từ đầu. Hãy cùng Doctor Acnes thiết lập các bước skincare cho tuổi dậy thì và lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da thích hợp nhé!
Tại sao skincare quan trọng cho tuổi dậy thì?
Ở tuổi dậy thì, sự tăng cao của hormone androgen khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, làm da tiết nhiều dầu hơn. Điều này dẫn đến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, gây mụn và các vấn đề như lỗ chân lông to, mụn đầu đen, da bóng nhờn. Da thường trở nên dày hơn, dễ xỉn màu và nhanh chóng đổ dầu sau khi rửa mặt.
Vì vậy, chăm sóc da đúng cách trong giai đoạn này không chỉ giúp kiểm soát dầu thừa và ngăn ngừa mụn, mà còn tạo dựng thói quen chăm sóc da lâu dài. Điều này không chỉ giải quyết các vấn đề da hiện tại, mà còn mang lại lợi ích bền vững, giúp làn da khỏe mạnh và tự tin hơn, đồng thời giảm bớt lo lắng về ngoại hình trong tương lai.
Các bước skincare cho tuổi dậy thì
Việc chăm sóc da tuổi dậy thì được xem là nền móng, quyết định sức khỏe của làn da cả về sau này. Liệu trình skincare cho tuổi dậy thì tại nhà bao gồm các bước cơ bản như làm sạch (tẩy trang, rửa mặt), dưỡng ẩm và chống nắng.
Bước 1: tẩy trang
Nên tẩy trang 1 lần mỗi ngày vào buổi tối, trước khi rửa mặt để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và kem chống nắng. Không nên lạm dụng tẩy trang nhiều lần vì có thể khiến da khô và dễ kích ứng. Khi chọn sản phẩm tẩy trang, hãy tìm loại không chứa cồn, hương liệu và có nhãn non-comedogenic để tránh gây bít tắc lỗ chân lông.
Ngoài ra, ở độ tuổi dậy thì, nhu cầu trang điểm thường ít và hầu như chỉ sử dụng kem chống nắng, nên các loại tẩy trang dạng nước là lựa chọn phù hợp nhất thay vì các loại dầu hay sáp tẩy trang. Nước tẩy trang có kết cấu lỏng, dễ sử dụng và ít gây bít tắc lỗ chân lông, phù hợp với làn da dễ bị mụn ở giai đoạn này.
Nếu chọn sử dụng dầu hoặc sáp tẩy trang, cần đảm bảo thực hiện bước nhũ hóa đúng cách để tránh gây tắc nghẽn lỗ chân lông và làm tình trạng mụn trầm trọng hơn.
Bước 2: rửa mặt bằng sữa rửa mặt
Việc rửa mặt hằng ngày vào buổi sáng và tối là bước quan trọng giúp làm sạch da, loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết, từ đó hạn chế sự phát triển của mụn trứng cá – một vấn đề thường gặp ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, chỉ nên rửa mặt 2 lần/ngày, vì rửa quá nhiều lần có thể kích thích da tiết dầu nhiều hơn.
Chọn sữa rửa mặt không chứa cồn, xà phòng và chất bảo quản, đồng thời có độ pH phù hợp (4.5 – 7.0) để duy trì độ ẩm tự nhiên của da. Vào buổi sáng, nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, còn buổi tối có thể chọn sữa rửa mặt chứa salicylic acid (BHA) để giúp làm sạch sâu, giảm viêm và ngăn ngừa mụn.
Sau khi vận động hoặc chơi thể thao, cũng nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ mồ hôi và dầu thừa, hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn.
Bước 3: dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng dầu nhờn, giúp điều tiết hoạt động của tuyến bã nhờn – vốn hoạt động mạnh mẽ ở tuổi dậy thì. Khi da được cung cấp độ ẩm đầy đủ, tuyến bã nhờn sẽ giảm tiết dầu, từ đó ngăn ngừa sự hình thành mụn mới.
Một số thành phần dưỡng ẩm lành tính phù hợp cho da tuổi dậy thì bao gồm:
- Hyaluronic acid (HA): dưỡng ẩm cho da, không gây nhờn rít hay tăng tiết dầu, hỗ trợ điều trị mụn và hạn chế hình thành sẹo sau mụn.
- Glycerin: giúp giữ nước cho da, cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ da, làm dịu da khô và giảm kích ứng, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi da.
Khi chọn kem dưỡng ẩm, cần ưu tiên các sản phẩm có nhãn “oil-free”, nghĩa là không chứa dầu khoáng và dầu thực vật gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Sản phẩm cũng không nên chứa paraben, vì paraben có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và làm tình trạng mụn trầm trọng hơn.
Bước 4: chống nắng
Ánh nắng mặt trời chứa tia UVA và UVB là nguyên nhân chính gây cháy nắng, sạm da và lão hóa sớm. Vậy nên, việc bôi kem chống nắng là vô cùng cần thiết.
Để bảo vệ da một cách tối đa, nên chọn các loại kem chống nắng phổ rộng và có chỉ số SPF tối thiểu 30 và nên thoa trước khi ra ngoài 20 phút đối với kem chống nắng hóa học. Nhìn chung, tính chất của làn da tuổi dậy thì khá nhờn nên cần chọn loại kem chống nắng dạng sữa mỏng nhẹ, tiện lợi và thẩm thấu tốt.
Sau đây là bảng tóm tắt các bước chăm sóc cho làn da tuổi dậy thì trong 1 ngày:
Buổi sáng | Buổi trưa | Buổi tối |
Rửa mặt với sữa rửa mặt | Tẩy trang hoặc rửa mặt bằng nước sạch | Tẩy trang |
Dưỡng ẩm | Thoa lại kem chống nắng để bảo vệ da tối ưu | Rửa mặt lại bằng sữa rửa mặt |
Thoa kem chống nắng | Dưỡng ẩm |
Các bước chăm sóc làn da mụn tuổi dậy thì
Đối với làn da tuổi dậy thì bị mụn, ngoài việc tuân thủ các bước chăm sóc da cơ bản đã nêu trên, cần bổ sung thêm sản phẩm đặc trị mụn. Những sản phẩm này có thể bao gồm sữa rửa mặt, toner, tẩy tế bào chết, serum hoặc kem dưỡng ẩm chuyên dụng.
Khi xây dựng quy trình chăm sóc da mụn, nên chọn các sản phẩm có nhãn “non-comedogenic” và “oil-free”. Đặc biệt, nên chọn các sản phẩm chứa các hoạt chất trị mụn dưới đây để hỗ trợ điều trị mụn tối ưu nhất:
- Benzoyl peroxide (BPO): là hoạt chất có tác dụng làm giảm mụn nhờ khả năng giải phóng gốc oxy tự do tiêu diệt vi khuẩn P. acnes, đồng thời có tác dụng kháng viêm và giảm sừng hóa nang lông.
- Retinoid: là các chất có nguồn gốc từ vitamin A, có tác dụng làm giảm sự tăng sinh của tế bào biểu bì, giảm sự tắc nghẽn của lỗ chân lông và kháng viêm. Các hoạt chất retinoid thường dùng để điều trị mụn là tretinoin, adapalene và tazarotene. Retinoid có thể gây kích ứng da, đỏ da, khô da và tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
- Azelaic acid: kháng khuẩn, kiểm soát dầu, giảm thâm, bình thường hóa chu chuyển tế bào. Dạng gel 15 – 20% được khuyến cáo cho da dầu mụn.
- Kháng sinh tại chỗ: là các chất có khả năng diệt vi khuẩn P. acnes trên da. Kháng sinh thường được phối hợp với các thuốc khác để tăng hiệu quả và giảm sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
- Salicylic acid: giúp kiểm soát dầu, tẩy tế bào chết, làm thông thoáng lỗ chân lông giúp loại bỏ mụn được dễ dàng hơn.
- Sulfur: kháng khuẩn, kháng viêm, ly giải tế bào sừng, kiểm soát dầu.
Thông thường, các sản phẩm đặc trị sẽ được sử dụng sau bước làm sạch và trước bước dưỡng ẩm. Quy trình cụ thể như sau:
- Bước 1: làm sạch da với tẩy trang và sữa rửa mặt.
- Bước 2: tẩy da chết với salicylic acid từ 1 – 2 lần/tuần.
- Bước 3: thoa serum trị mụn.
- Bước 4: dưỡng ẩm.
- Bước 5: kem chống nắng (ban ngày).
Nếu cần sự tư vấn cụ thể, hãy gặp trực tiếp Bác sĩ Da liễu nhé.
Gợi ý các sản phẩm skincare phù hợp cho da tuổi dậy thì
Do da ở tuổi dậy thì thường có tính chất giống da dầu, Doctor Acnes gợi ý các sản phẩm chăm sóc da chứa hoạt chất kiềm dầu, dịu nhẹ và an toàn cho da như sau:
Sữa rửa mặt phù hợp cho da tuổi dậy thì
- La Roche-Posay Effaclar Purifying Foaming Gel.
- Bioderma Sensibio Gel moussant.
- Cetaphil Gentle Skin Cleanser.
Nước tẩy trang cho da tuổi dậy thì
- Nước tẩy trang SVR Physiopure Eau Micellaire.
- Nước tẩy trang BIODERMA Sébium H2O dành cho da dầu mụn.
- Nước tẩy trang DELIA Micellar sạch sâu và cân bằng độ ẩm cho da.
Kem dưỡng ẩm cho làn da tuổi dậy thì
- Kem dưỡng kiểm soát dầu nhờn, giảm mụn và mờ thâm SVR Sebiaclear Active.
- Kem kiểm soát nhờn & giữ ẩm Aknicare Cream 50ml.
- Kem Dưỡng Giảm Nhờn, Mụn & Se Lỗ Chân Lông – MartiDerm Acniover Active Cremigel.
Kem chống nắng cho da tuổi dậy thì
- Kem chống nắng BABE Super Fluid Matificante Matifiant SPF 50.
- Kem chống nắng Photoderm AKN Mat SPF 30.
- Kem Chống Nắng SPF50+ Cho Da Nhờn Mụn Sun Dry Touch.
Sản phẩm đặc trị mụn cho da tuổi dậy thì
- Gel hỗ trợ ngừa mụn trứng cá, mờ thâm, dưỡng da Megaduo 15g.
- Gel chấm mụn 2% H2O2.
- Gel Derma Forte Advanced ngừa mụn trứng cá, ngừa thâm.
- Gel Epiduo 0.1%/2.5% Galderma điều trị mụn trứng cá.
Một số lưu ý khi chăm sóc da mặt tuổi dậy thì
Ngoài việc tuân thủ các bước skincare cơ bản, thói quen sinh hoạt và vệ sinh hằng ngày cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mụn và duy trì làn da khỏe mạnh:
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp tuổi dậy thì: việc chăm sóc da bên ngoài thôi chưa đủ, muốn có làn da đẹp, phải bắt đầu từ bên trong, từ việc sinh hoạt và có chế độ ăn uống hợp lý. Giảm đường, sữa, tinh bột và uống đủ nước, tăng lượng rau, trái cây giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh, mịn màng.
- Sinh hoạt khoa học: bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc điều chỉnh thời gian học tập – nghỉ ngơi ở lứa tuổi dậy thì cũng rất cần thiết. Khung giờ vàng để da thải độc và tái tạo là từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Nếu bỏ lỡ khung giờ này, da sẽ dễ tích tụ độc tố dẫn đến nổi mụn.
- Giữ vệ sinh vật dụng cá nhân: để tránh tích tụ dầu thừa, vi khuẩn và tế bào chết, cần giặt sạch khẩu trang vải, vỏ gối và khăn trải giường thường xuyên. Đặc biệt, khẩu trang vải cần giặt ngay sau khi sử dụng và không nên giặt chung với quần áo thông thường để ngăn ngừa vi khuẩn và bụi bẩn gây mụn.
- Trị mụn ngay từ sớm: mụn trứng cá thường bùng phát trong giai đoạn dậy thì do sự thay đổi hormone. Để tránh các biến chứng như sẹo, thâm hay nhiễm trùng, cần chăm sóc da đúng cách tại nhà, sử dụng sản phẩm trị mụn phù hợp và thăm khám Bác sĩ Da liễu khi tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng.
Một số sai lầm cơ bản trong chăm sóc da tuổi dậy thì
Ở tuổi dậy thì, khi bắt đầu chăm sóc da, nhiều người thường mắc phải các sai lầm phổ biến dưới đây:
- Làm sạch da quá mức: việc tẩy trang, rửa mặt nhiều lần trong ngày hoặc tẩy tế bào chết quá thường xuyên có thể làm tổn thương hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Điều này khiến da mất đi lớp lipid giữ ẩm tự nhiên, làm da trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng và tiết dầu nhiều hơn để bù đắp.
- Tự nặn mụn và thường xuyên chạm tay lên mặt: thói quen này không chỉ khiến da tiếp xúc với vi khuẩn, bụi bẩn mà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng da bị mụn. Việc nặn mụn không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như thâm, sẹo và thậm chí nhiễm trùng.
- Bỏ qua bước chống nắng: không bảo vệ da khỏi ánh nắng có thể làm khô da, khiến da dễ bị sừng hóa, tắc nghẽn lỗ chân lông và làm gia tăng hắc tố melanin gây thâm sạm. Thoa kem chống nắng là bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da, đặc biệt từ giai đoạn dậy thì. Bỏ qua bước chống nắng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho làn da, như lão hóa sớm và sạm da.
Tóm lại, làn da tuổi dậy thì có tính chất gần giống da dầu, nên cần chăm sóc đúng cách với các bước cơ bản như làm sạch, dưỡng ẩm và chống nắng. Hãy chọn sản phẩm an toàn, dịu nhẹ, không chứa cồn hay gây bít tắc lỗ chân lông. Nếu da có mụn, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Doctor Acnes để nhận được sự tư vấn phù hợp nhất từ Bác sĩ Da liễu nhé!
Tài liệu tham khảo
- ”What type of skin do I have?”. MedicalNewsToday
- ”What is sebum?”. MedicalNewsToday
- “Skin care tips dermatologists use”. AAD
- ”How to control oily skin”. AAD