Có nên bôi betadine sau khi nặn mụn? Cách chăm sóc da sau khi nặn mụn

Ngày 24/11/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Nặn mụn cần thực hiện trong điều kiện vô trùng và việc chăm sóc da sau đó là yếu tố then chốt để tránh nhiễm khuẩn và hạn chế sẹo. Liệu betadine có phải là lựa chọn phù hợp để sát khuẩn sau khi nặn mụn? Da cần chăm sóc ra sao để ngăn ngừa viêm nhiễm và vết thâm? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!

Betadine là gì?

Betadine là một dung dịch sát khuẩn phổ biến, chứa hoạt chất povidone-iodine, sau khi sử dụng sẽ tiếp tục giải phóng ra iod. Iod được giải phóng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm và một số loại virus một cách hiệu quả. 

Betadine thường được sử dụng để làm sạch vết thương ngăn ngừa nhiễm trùng ở các vết cắt nhỏ, vết trầy xước. Betadine cũng được sử dụng trong y tế để sát khuẩn da trước khi phẫu thuật hoặc tiêm chủng nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương trên da hoặc vết mổ.

betadine là gì
Betadine là dung dịch sát khuẩn chứa hoạt chất povidone-iodine có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm và một số loại virus

Công dụng của betadine

Betadine là một dung dịch sát khuẩn có nhiều công dụng được sử dụng trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Dưới đây là một số công dụng của betadine:

  • Sát khuẩn vết thương: betadine thường được sử dụng để sát khuẩn da trước khi thực hiện phẫu thuật, tiêm phòng hay có thể bôi lên các vết thương nhỏ, vết xước để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
  • Làm dung dịch nước súc miệng: betadine có thể được pha loãng để sử dụng trong các dung dịch nước súc miệng, súc họng, giúp làm giảm vi khuẩn trong khoang miệng, họng, hỗ trợ điều trị các trường hợp viêm nhiễm khuẩn ở miệng và họng.
  • Sát khuẩn vật dụng: betadine còn được sử dụng để vệ sinh các thiết bị y tế trước khi sử dụng hay sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc thường xuyên nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
  • Kháng virus: betadine có khả năng tiêu diệt virus gây bệnh zona, thủy đậu… giúp kiểm soát sự phát triển của các loại virus này.
  • Kháng nấm: betadine có tác dụng kháng nấm, đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt Candida albicansTrichomonas vaginalis – hai loại vi sinh vật phổ biến gây ra các tình trạng viêm nhiễm đường âm đạo.
công dụng của betadine
Một số công dụng thường gặp của betadine

Có nên bôi betadine sau khi nặn mụn không?

Sau khi loại bỏ nhân mụn, vùng da thường xuất hiện những vết thương hở, dễ bị vi khuẩn và tác nhân từ môi trường xâm nhập. Vì vậy, việc làm sạch và ngăn ngừa nhiễm khuẩn cho da ngay sau khi nặn mụn là rất quan trọng. Betadine, với tính năng sát khuẩn, có thể được sử dụng để làm sạch khu vực vừa nặn mụn. Có thể thấm một lượng nhỏ betadine vào bông tăm hoặc bông gòn, sau đó nhẹ nhàng chấm lên vết thương.

Tuy nhiên, mặc dù betadine giúp ngăn ngừa vi khuẩn, việc dùng trên vùng da bị tổn thương có thể gây kích ứng, đặc biệt với làn da nhạy cảm. Thêm vào đó, nếu bôi betadine lên vết thương diện rộng có thể dẫn đến nguy cơ dị ứng hoặc ảnh hưởng đến tuyến giáp. Tuy vậy, với các vết mụn nhỏ, nguy cơ này rất hiếm khi xảy ra.

có nên bôi betadine sau nặn mụn
Mặc dù betadine giúp ngăn ngừa vi khuẩn, việc dùng trên vùng da bị tổn thương có thể gây kích ứng, đặc biệt với làn da nhạy cảm

Cách sử dụng betadine đúng cách

Để đạt được hiệu quả và tránh các tác dụng không mong muốn khi dùng betadine cần lưu ý những điều sau:

  • Tham khảo ý kiến của Bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo phù hợp với tình trạng da của bản thân.
  • Có thể bôi thử ở vùng da nhỏ trước khi sử dụng xem có kích ứng hay không.
  • Không để dung dịch dính vào mắt, khi bị dính vào mắt cần rửa lại ngay với nước sạch và thăm khám Bác sĩ trực tiếp.
  • Chỉ nên sử dụng betadine cho các vết thương nhỏ, trầy xước, không nên sử dụng cho vết thương hở sâu.
  • Không nên sử dụng betadine trong khoảng thời gian dài và trên vùng da rộng. 
  • Cần tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng đối với phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Sau khi dùng xong phải đậy nắp thật kỹ tránh tình trạng nhiễm khuẩn từ môi trường xung quanh.
thăm khám bác sĩ
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị các vấn đề về mụn

Các phương pháp chăm sóc da sau khi nặn mụn

Sau khi nặn mụn, nhân mụn được lấy đi sẽ tạo ra những khoảng trống ở tầng thượng bì da, khi ấy da sẽ dễ bị tổn thương và trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm trên da, khiến mụn mọc trở lại và để lại các vết thâm sẹo gây mất thẩm mỹ. 

Vì thế, cần chăm sóc da sau nặn mụn với quy trình thích hợp và khoa học để các tổn thương nhanh chóng được phục hồi và ngăn ngừa mụn quay trở lại.

Sau đây là các cách chăm sóc da ngay sau khi nặn mụn:

  • Làm sạch: trước tiên cần làm sạch mặt bằng cách lau nhẹ nhàng với nước sạch.
  • Sát khuẩn: dùng bông gòn hoặc bông tăm thấm betadine chấm nhẹ nhàng vào các nốt mụn vừa được lấy nhân. Sau đó lau lại nhẹ nhàng bằng nước cất hay nước sạch.
  • Đi máy điện tím: các tia điện tím giải phóng có tác dụng diệt khuẩn và làm sạch da tự nhiên, có hiệu quả trị mụn, đồng thời ngăn chặn sự hình thành nhân mụn mới.
  • Dưỡng ẩm: bôi một lớp mỏng kem dưỡng ẩm có tác dụng làm dịu, phục hồi da.

Sau 24 giờ có thể thực hiện chu trình chăm sóc da như bình thường. Lưu ý, cần sử dụng kem chống nắng và che chắn cẩn thận để tránh khói bụi và các bức xạ UV có hại, hạn chế hình thành vết thâm ở vị trí lấy nhân mụn.

sát khuẩn bằng betadine sau nặn mụn
Dùng bông gòn hoặc bông tăm thấm betadine chấm nhẹ nhàng vào các nốt mụn vừa được lấy nhân

Chăm sóc da sau khi nặn mụn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn và giảm sẹo. Betadine có thể hỗ trợ sát khuẩn, nhưng hãy cân nhắc kỹ trước khi dùng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ cách chăm sóc da sau mụn để da phục hồi nhanh chóng và khỏe mạnh. Theo dõi Doctor Acnes để cập nhật thêm nhiều mẹo chăm sóc da hữu ích khác nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Betadine“. Drugs.com
  2. Can Putting Iodine on Pimples Really Help Clear Them Up? Dermatologists Weigh In“. Health
  3. Povidone iodine topical“. Drugs.com

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84