Hiện nay, lăn kim là một lựa chọn điều trị được sử dụng nhiều trong da liễu nhờ công dụng hỗ trợ trẻ hoá làn da, trị sẹo do mụn, thu nhỏ lỗ chân lông, đưa dưỡng chất vào sâu trong da… Song song với hiệu quả mà lăn kim mang lại, phương pháp này tiềm ẩn một số biến chứng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe làn da về lâu dài. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về các biến chứng của lăn kim và cách phòng ngừa nhé!
Những tác dụng phụ và biến chứng có thể gặp sau khi lăn kim
Lăn kim là một kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu sử dụng nhiều kim nhỏ vô trùng và siêu bén để chọc thủng lớp biểu bì của da, nhằm tạo ra các vết thương vi điểm trên da, giải phóng các yếu tố tăng trưởng kích thích sản xuất collagen và elastin nội sinh của da. Các vết thương nhỏ do lăn kim tạo ra sẽ không để lại sẹo mà sẽ giúp da tự chữa lành một cách tự nhiên thông qua quá trình tái tạo da.
Lăn kim có nhiều tác dụng với làn da. Đây là phương pháp được các Bác sĩ Da liễu sử dụng phổ biến trong lĩnh vực làm đẹp để điều trị nhiều vấn đề da khác nhau, bao gồm:
- Giảm nếp nhăn và tăng độ đàn hồi cho da.
- Tăng hiệu quả thẩm thấu của các hoạt chất điều trị da.
- Cải thiện sẹo mụn và lỗ chân lông to.
- Điều trị tình trạng da không đều màu, thâm mụn.
Có thể thấy, vì lăn kim tạo các tổn thương trên da để cơ thể tự tái tạo nên tuỳ thuộc vào độ sâu của kim, một số rủi ro nguy cơ có thể xảy ra sau khi thực hiện thủ thuật lăn kim, được xem là các tác dụng phụ của phương pháp lăn kim, bao gồm:
- Đau nhẹ và da bị đỏ, châm chích trong quá trình lăn kim và có thể kéo dài đến vài ngày: đây là phản ứng bình thường của cơ thể và là tác dụng phụ phổ biến nhất sau khi lăn kim. Các cảm giác này sẽ biến mất trong 1-3 ngày tuỳ vào cơ địa mỗi người.
- Da bị căng và bong tróc: lăn kim thúc đẩy quá trình sừng hoá của da. Vì vậy sau quá trình lăn kim, da sẽ có dấu hiệu khô hơn, lớp da cũ bị bong thành từng mảng đôi khi sẽ gây ngứa và khó chịu.
- Da bị chảy máu hoặc bầm tím: trong quá trình lăn kim điều trị sẹo, các vi kim phải đâm sâu dưới da để phá vỡ cấu trúc sẹo nên có thể gây chảy máu.
- Da bị nổi mụn: thường xảy ra khi lăn kim trên da có mụn ẩn dưới da. Thông thường, sau liệu trình lăn kim, nhân mụn ẩn sẽ bị đẩy lên trên làm mụn xuất hiện trên bề mặt da nhiều hơn.
Trên đây là các tác dụng phụ thường gặp khi lăn kim, các tác dụng phụ này là có thể dự đoán và sẽ được Bác sĩ tư vấn trước khi tiến hành thủ thuật lăn kim. Các triệu chứng này nhìn chung là thường gặp khi lăn kim, chúng là phản ứng bình thường của cơ thể nên không cần lo ngại và sẽ tự khỏi sau khi da đã hồi phục.
Tuy nhiên, bên cạnh các tác dụng phụ thì lăn kim còn ghi nhận một số biến chứng khác ít xảy ra, có thể xem là bất thường và thường không tự khỏi mà cần có can thiệp để xử lý bao gồm:
- Tăng sắc tố da: sau lăn kim da sẽ mỏng, yếu hơn và có thể xuất hiện phản ứng viêm do có tổn thương. Các chất trung gian gây viêm kích thích tế bào melanocyte hoạt động, đồng thời tăng vận chuyển melanin ra xung quanh vùng da bị tổn thương, điều này dẫn tới việc tăng sắc tố melanin trên da và xuất hiện các vùng da bị sạm màu. Thêm vào đó, quá trình tiếp xúc với tia cực tím của ánh nắng mặt trời cũng khiến vùng da bị tổn thương trở nên sạm màu hơn.
- Nhiễm trùng da: có thể biểu hiện bằng cách da tiết nhiều dịch, mụn mủ, mụn nước. Nhiễm trùng da xảy ra khi không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình thực hiện và chăm sóc da sau lăn kim không phù hợp, dẫn tới nhiễm khuẩn hoặc nhiễm Herpes.
- Phản ứng dị ứng: một số báo cáo ghi nhận phản ứng u hạt dị ứng sau khi lăn kim; đây là một biến chứng hiếm gặp.
>>> Xem thêm: Phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau lăn kim
Nguyên nhân gây biến chứng sau khi lăn kim
Biến chứng của lăn kim xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, quy trình thực hiện lăn kim cũng như vật liệu không phù hợp và chăm sóc da tại nhà không đúng cách là các nguyên nhân điển hình.
Lựa chọn kích thước và chất lượng kim lăn không phù hợp
- Độ dài kim: độ dài kim tốt và an toàn cho da mặt thông thường từ 0.25-1.5 mm, loại kim dài 1.5-2 mm được thiết kế dùng cho cơ thể. Kim quá ngắn có thể không đủ để tạo các tổn thương vi điểm trên da. Trong khi đó, kim quá dài có thể gây hủy hoại collagen và các sợi elastin trên da, từ đó gây các biến chứng nguy hiểm.
- Chất lượng của kim lăn: loại kim lăn tốt nhất được làm từ titan – một kim loại cứng và sắc bén, không gỉ. Các loại kim lăn làm từ các kim loại dễ bị gỉ hoặc bị oxy hóa (dễ xỉn màu) có thể khiến do da bị nhiễm trùng.
- Số lượng kim: số lượng kim cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. Nếu sử dụng loại cây lăn vừa đủ kim sẽ hạn chế đau và kích thích sản xuất collagen tốt hơn loại nhiều kim.
Quy trình lăn kim không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn y khoa
Lăn kim là phương pháp tạo các tổn thương nhỏ trên da để kích thích tái tạo collagen. Do đó, nếu quy trình lăn kim không vô trùng, dụng cụ chuyên dụng không được vệ sinh kỹ càng sẽ rất dễ tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập dẫn tới nhiễm trùng da.
Tự ý thực hiện lăn kim tại nhà
Tự ý thực hiện lăn kim tại nhà sẽ rất nguy hiểm nếu người sử dụng thiếu kiến thức về việc vô khuẩn, lựa chọn kim phù hợp và vệ sinh da sau lăn kim. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây đau đớn và biến chứng nhiễm trùng da.
Thời gian ngắt quãng giữa các lần lăn kim quá ngắn
Sau mỗi lần thực hiện lăn kim đều phải để cho da có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Khoảng cách giữa 2 lần lăn kim nên tối thiểu từ 3-4 tuần. Nếu lăn kim với tần suất liên tục có thể gây tổn thương hàng rào bảo vệ da, dẫn đến viêm và nhiễm trùng.
>>> Xem thêm: Lăn kim bao lâu một lần, từng lần cách nhau bao lâu
Chăm sóc da sau lăn kim không đúng cách
Trong giai đoạn điều trị bằng lăn kim, da rất mỏng và yếu. Do đó nếu chăm sóc không đúng cách như sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, không bảo vệ da khỏi tia UV sẽ khiến da bị tổn thương, có thể nhiễm trùng, ngoài ra có thể khiến cho da bị thâm sạm do tăng sắc tố.
Cách phòng ngừa biến chứng của lăn kim
Để điều trị bằng lăn kim đạt hiệu quả cao và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, trước khi thực hiện lăn kim.
- Lựa chọn cơ sở thẩm mỹ da uy tín, chất lượng như bệnh viện, phòng khám được cấp phép từ Bộ Y tế hoặc Sở Y tế và thủ thuật lăn kim phải do Bác sĩ có chuyên môn trực tiếp thực hiện.
- Đảm bảo da phù hợp với phương pháp lăn kim. Một số bệnh nền như máu khó đông hoặc tiểu đường có thể khiến da chậm phục hồi hơn. Vì vậy hãy báo với Bác sĩ Da liễu để chắc chắn tình trạng làn da có thể thực hiện lăn kim.
- Không tự ý thực hiện phương pháp lăn kim tại nhà khi không đủ kiến thức, kỹ năng.
Hướng dẫn chăm sóc da sau lăn kim
Sau khi lăn kim, nhìn chung da rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Vì vậy để giảm thiểu các tác dụng phụ cũng như hạn chế xuất hiện các biến chứng sau lăn kim, đồng thời để phương pháp lăn kim đạt hiệu quả tốt nhất, nên tuân thủ chu trình chăm sóc da sau lăn kim phù hợp theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu. Sau đây là một số gợi ý từ Doctor Acnes mà bệnh nhân có thể tham khảo và áp dụng.
- Uống thuốc theo chỉ định của Bác sĩ để làm giảm các triệu chứng viêm, đau và phòng ngừa nhiễm trùng, hỗ trợ nhanh lành vết thương.
- Tránh để da tiếp xúc với nước trong 72 giờ sau khi lăn kim. Vệ sinh da bằng nước muối sinh lý và bông gạc sạch để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng, chỉ sử dụng sữa rửa mặt sau khi da đã khô mài.
- Sử dụng xịt khoáng để cấp ẩm cho da vì sau lăn kim da có thể khô hơn.
- Chống nắng kỹ càng, che chắn khi ra nắng để giảm nguy cơ tăng sắc tố da. Có thể dùng viên chống nắng và kem chống nắng cho da nhạy cảm có SPF từ 50 trở lên.
- Sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ đầy sẹo và phục hồi da theo chỉ định từ Bác sĩ.
Bảng giá dịch vụ lăn kim tại Phòng khám Doctor Acnes
✅ Phương pháp | ✅ Giá | ✅ Giá HSSV |
⭐Phi kim m.pen [pro] (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.300.000 | 1.200.000 |
⭐Lăn kim trị sẹo mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.100.000 | 1.000.000 |
Lăn kim là một phương pháp thẩm mỹ hiện đại, tuy nhiên vẫn có nhiều biến chứng có thể xảy ra nếu quy trình thực hiện không đúng như quy trình không đảm bảo vô trùng khi thực hiện, lựa chọn đầu kim không đúng, tần suất không phù hợp… Nhìn chung, các biến chứng xảy ra chủ yếu xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, lựa chọn cơ sở làm đẹp không an toàn. Vì vậy, để phòng ngừa biến chứng của lăn kim và có kết quả điều trị mong muốn, chúng ta nên chọn các cơ sở da liễu uy tín và tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
- Graham Litchman, Pragya A. Nair, Talel Badri. “Microneedling“. NIH
- “Microneedling Devices: Getting to the Point on Benefits, Risks and Safety“. FDA
- “When Microneedling Goes Wrong – 13 Hidden Dangers Revealed”. Wellaholic