So sánh adapalene và retinol trong điều trị mụn trứng cá

Ngày 16/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Adapalene và retinol là hai thành phần khá quen thuộc được sử dụng trong điều trị các bệnh về da. Tuy đều thuộc nhóm retinoid nhưng mỗi loại có ưu nhược điểm khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng da cụ thể của mỗi người và mục tiêu điều trị mà sẽ nên ưu tiên sử dụng retinol hay adapalene. Bài viết sau đây của Doctor Acnes sẽ giúp phân biệt rõ hai thành phần và chỉ định phù hợp nhất cho mỗi hoạt chất.

Giới thiệu chung

Adapalene là gì?

Adapalene là một loại retinoid thế hệ thứ ba sử dụng bôi tại chỗ được FDA chấp thuận để điều trị mụn trứng cá. Gel adapalene 0,1% đã được FDA phê chuẩn trong điều trị mụn trứng cá không cần kê đơn cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên vào năm 2016.

Adapalene khi bôi tại chỗ sẽ thâm nhập vào các nang lông do tính chất ưa mỡ của nó. Cơ chế của adapalene được cho là bình thường hóa quá trình biệt hóa của các tế bào biểu mô nang lông, dẫn đến giảm tắc nghẽn lỗ chân lông và giảm sự hình thành mụn trứng cá. Bên cạnh đó, adapalene có hiệu quả trong việc làm giảm sự sản xuất của các chất trung gian gây viêm.

adapalene là gì
Adapalene là một loại retinoid thế hệ thứ ba

Retinol là gì?

Retinol là một hoạt chất thuộc nhóm retinoid thế hệ đầu tiên và thường được bày bán dưới dạng không kê đơn (OTC), với nồng độ lên tới 2% theo Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD). Được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da, retinol có tác dụng chống lão hóa, điều trị tăng sắc tố và mụn trứng cá.

Retinol thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, loại bỏ tế bào chết, và kích thích sự phát triển của tế bào mới. Retinol cũng kích thích sản sinh collagen và elastin, giúp giảm nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa. Đồng thời, retinol ức chế enzym tyrosinase, giảm sự xuất hiện của đốm nâu và tình trạng da không đều màu. Bằng cách điều hòa quá trình keratin hóa và ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, retinol còn giúp giảm mụn trứng cá và có tác dụng kháng viêm, cải thiện lưu thông máu.

retinol là gì
Retinol là một hoạt chất thuộc nhóm retinoid thế hệ đầu tiên

So sánh adapalene và retinol

Adapalene và retinol đều là retinoid dùng ngoài da, nhưng có những điểm khác biệt quan trọng trong điều trị da. Retinol là một chất tự nhiên có mặt trong cơ thể nhiều loài động vật, cần phải được cơ thể chuyển hóa thành dạng có hoạt động. Ngược lại, adapalene là retinoid tổng hợp, hoạt động ngay lập tức mà không cần chuyển hóa, nhờ vào ái lực cao với thụ thể acid retinoic (RAR), do đó có tác dụng ngay khi thoa lên da.

Về hiệu quả điều trị, adapalene đã được FDA chấp thuận cho việc điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, nhờ khả năng điều chỉnh quá trình biệt hóa tế bào và tính kháng viêm. Retinol, không được chấp thuận cho mụn trứng cá, do tác dụng của retinol chủ yếu là kích thích sản xuất collagen và điều hòa quá trình keratin hóa, nhưng hiệu quả trị mụn kém hơn do cần chuyển hóa thành dạng hoạt tính trên da.

Retinol là lựa chọn hàng đầu để cải thiện nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa, trong khi adapalene chưa được nghiên cứu nhiều về khả năng chống lão hóa. Bên cạnh đó, retinol thường được kết hợp với các thành phần khác như vitamin C hoặc niacinamide trong mỹ phẩm, trong khi adapalene chủ yếu được sử dụng đơn lẻ cho điều trị mụn.

Một điểm khác biệt nữa là adapalene thường ổn định hơn về mặt hóa học so với retinol. Adapalene ít có khả năng bị phân hủy bởi ánh sáng. Trong khi đó, retinol nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt và oxy, nên cần đảm bảo các sản phẩm retinol được bảo quản tránh ánh sáng trực tiếp.

Nên lựa chọn adapalene hay retinol trong điều trị mụn?

Đối với mục tiêu điều trị mụn, adapalene được FDA chấp thuận để điều trị mụn trứng cá, trong khi retinol thì không. So với retinol, sử dụng adapalene tốt hơn cho điều trị mụn trứng cá viêm, hiệu quả nhanh hơn, ít nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hơn.

ca lâm sàng có sử dụng adapalene
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Có thể kết hợp adapalene và retinol trong điều trị mụn ko?

Việc kết hợp adapalene và retinol trong cùng một liệu trình chăm sóc da là không cần thiết, do cả hai đều là các dẫn xuất của vitamin A và có thể gây tăng tác dụng phụ khi sử dụng cùng nhau. Do đó, chỉ cần chọn loại adapalene hoặc retinol phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Nếu muốn sử dụng cả hai sản phẩm trong quy trình chăm sóc da của mình, hãy sử dụng xen kẽ các ngày trong tuần thay vì sử dụng cùng lúc.

Xem thêm các bài viết liên quan

Lưu ý khi sử dụng adapalene và retinol

Khi sử dụng adapalene và retinol, có một số lưu ý quan trọng để đạt được hiệu quả tốt nhất và giảm thiểu nguy cơ kích ứng da.

  • Chống nắng đầy đủ: adapalene và retinol có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Do đó, cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên mỗi ngày. Bôi kem chống nắng khoảng 2-3 lần/ngày, thoa đủ lượng cần thiết, khoảng 2 ngón tay cho toàn bộ khuôn mặt mỗi lần dùng.
  • Tần suất sử dụng: bắt đầu bằng cách sử dụng sản phẩm cách ngày để da quen dần. Sau đó, tăng dần tần suất lên hàng ngày nếu da không bị kích ứng. Adapalene và retinol nên được sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ vì các sản phẩm này có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
  • Kích ứng da: quan sát kỹ da để phát hiện sớm các dấu hiệu kích ứng như đỏ, khô, hoặc bong tróc. điều chỉnh liều lượng sử dụng nếu cần và sử dụng thêm kem dưỡng ẩm dịu nhẹ trong chu trình chăm sóc để giảm kích ứng. Nếu muốn kết hợp thêm sản phẩm điều trị khác hãy tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu trước khi sử dụng.
  • Thận trọng khi sử dụng: phụ nữ mang thai, dự định mang thai hoặc đang cho con bú nên tránh các sản phẩm retinoid như adapalene và retinol, vì chúng có thể gây hại cho thai nhi và dẫn đến dị tật bẩm sinh.
so sánh adapalene và retinol
Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tia UV

Mặc dù cả retinol và adapalene đều là dẫn xuất của vitamin A nhưng chúng có nhiều điểm khác biệt. Adapalene cho hiệu quả điều trị mụn trứng cá nhanh hơn, trong khi retinol tốt hơn trong việc cải thiện lão hóa da. Doctor Acnes khuyên bạn tốt nhất nên tham khảo ý kiến Bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu trước khi bắt đầu liệu pháp điều trị. Hãy đến với Doctor Acnes để nhận tư vấn và chăm sóc da chuẩn y khoa nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Leila Tolaymat; Heidi Dearborn; Patrick M. Zito. “Adapalene“. NIH
  2. What is retinol and how can a person use it?“. Medical News Today
  3. Zasada M, Budzisz E. “Retinoids: active molecules influencing skin structure formation in cosmetic and dermatological treatments“. Postepy Dermatol Alergol. 2019 Aug;36(4):392-397. doi: 10.5114/ada.2019.87443. Epub 2019 Aug 30. PMID: 31616211; PMCID: PMC6791161
  4. Gilbert C. “What is vitamin A and why do we need it?“. Community Eye Health. 2013;26(84):65. PMID: 24782580; PMCID: PMC3936685

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84