Uống vitamin E trị mụn nội tiết có thực sự hiệu quả?

Ngày 16/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Để cải thiện các vấn đề về mụn, đặc biệt là mụn do rối loạn nội tiết, nhiều người thường tìm đến các giải pháp bổ sung vitamin. Trong số đó, vitamin E được nhắc đến nhiều với khả năng hỗ trợ làn da khỏe mạnh. Tuy nhiên, liệu việc sử dụng vitamin E có thực sự là chìa khóa để điều trị mụn nội tiết hay không? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vai trò của vitamin E trong việc hỗ trợ điều trị mụn, giúp hiểu rõ hơn về tác dụng cũng như cách sử dụng vitamin này một cách khoa học và hiệu quả.

Tác dụng của vitamin E đối với da

Vitamin E là loại vitamin tan trong dầu, cơ thể người không thể tự tổng hợp được mà cần bổ sung từ bên ngoài vào. Trong các dạng của vitamin E, α-tocopherol là dạng quan trọng nhất, tham gia vào quá trình chống oxy hóa ở mức độ tế bào nên có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Dưới đây là một số công dụng của vitamin E đối với làn da:

  • Chống oxy hóa: vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các tế bào da trước tác động của các gốc tự do. Bên cạnh đó, vitamin E giúp làm giảm tác hại của ánh nắng mặt trời lên da bằng cách hấp thụ một số loại tia UVB (không hấp thụ tia UVA), làm giảm phản ứng viêm của da như sưng tấy, ửng đỏ.
  • Dưỡng ẩm: vitamin E có thể được tìm thấy trong bã nhờn (dầu trên da), do đó những bề mặt da nhờn như da dầu chứa lượng vitamin E cao hơn so với các loại da khác. Vitamin E tạo ra một hàng rào tự nhiên để giữ độ ẩm cho da, làm mềm da. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vitamin E còn giúp cải thiện độ đàn hồi, cấu trúc và độ mềm mại của lớp biểu bì và lớp trung bì, từ đó giúp da được săn chắc hơn.
  • Làm chậm quá trình lão hóa da: nhờ đặc tính loại bỏ các gốc tự do và là một phần của cấu trúc lipid trên da, vitamin E chống lại quá trình peroxy hóa lipid và làm chậm quá trình lão hóa của da. Ngoài ra, việc loại bỏ các gốc tự do cũng giúp giảm sự tổn thương cấu trúc DNA và làm chậm sự phát triển của ung thư da.
  • Cải thiện sắc tố da: vitamin E ức chế hoạt động của tyrosine hydroxylase, từ đó ngăn chặn quá trình hình thành hắc tố. Do vậy, vitamin E đóng vai trò như một hoạt chất tiềm năng làm trắng da, dùng trong điều trị tăng sắc tố da, bao gồm các tình trạng liên quan đến tuổi tác hoặc do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Thúc đẩy quá trình làm lành vết thương: vitamin E đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tính toàn vẹn cấu trúc của hầu như tất cả các tế bào trong cơ thể con người bằng cách điều hòa tín hiệu tế bào. Nhờ khả năng kích thích sự phát triển của các tế bào mới ở vết thương, vitamin E giúp bảo vệ vết thương không bị vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh hiệu quả thực sự của vitamin E đối với việc chữa lành vết thương.
  • Giảm mụn: vitamin E giúp ngăn chặn quá trình peroxy hóa lipid ở nang lông và tuyến bã nhờn do vi khuẩn gây ra, ngăn ngừa tình trạng viêm và hình thành mụn. Về lý thuyết, vitamin E có thể giúp điều trị mụn trứng cá, nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá hiệu quả chính xác của vitamin E so với các liệu pháp điều trị mụn tiêu chuẩn khác.
tác dụng vitamin e
Một số công dụng của vitamin E đối với làn da

Uống vitamin E trị mụn nội tiết có thực sự hiệu quả?

Hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh rằng việc uống vitamin E có thể điều trị mụn nội tiết hiệu quả. Trong điều trị mụn trứng cá, vitamin E dạng bôi (như serum, kem dưỡng hay dầu bôi) khi kết hợp với các thành phần khác như vitamin A và vitamin C cho thấy nhiều lợi ích rõ rệt, nhưng hiệu quả khi uống để điều trị mụn nội tiết vẫn chưa được khẳng định. Dưới đây là một số lợi ích của vitamin E bổ sung bằng đường uống trong việc điều hòa hormone cơ thể:

  • Cân bằng nội tiết tố: một số nghiên cứu cho thấy vitamin E có liên quan đến sự ổn định nội tiết tố ở nữ giới, có khả năng giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm.
  • Giảm triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt: vitamin E được cho là có khả năng làm giảm các triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt như căng thẳng, đau bụng kinh, giúp nữ giới cảm thấy thoải mái hơn trong chu kỳ.
  • Hỗ trợ hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): khi bổ sung vitamin E cùng omega-3, nồng độ testosterone toàn phần và tự do ở bệnh nhân mắc PCOS có sự cải thiện rõ rệt, từ đó hỗ trợ cân bằng hormone – một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát mụn nội tiết.

Tóm lại, dù chưa có đủ nghiên cứu khẳng định hiệu quả điều trị mụn nội tiết của vitamin E, việc bổ sung đầy đủ vitamin E thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng sẽ giúp da khỏe mạnh hơn, săn chắc hơn và sáng màu hơn.

lợi ích của vitamin e
Một số lợi ích của vitamin E bổ sung bằng đường uống trong việc điều hòa hormone cơ thể

Cách sử dụng vitamin E hiệu quả

Hiện nay, vitamin E có 2 dạng phổ biến để bổ sung vào cơ thể: dạng bôi và dạng uống.

Dạng bôi vitamin E

  • Dạng dầu: thoa trực tiếp lên da để tăng cường độ ẩm, đặc biệt là với da khô và bong tróc. Lưu ý nên bắt đầu với nồng độ thấp và thoa một lớp mỏng lên da. Không bôi vitamin E nguyên chất trực tiếp, thay vào đó hãy pha loãng với dầu dưỡng như dầu jojoba trước khi sử dụng để tránh kích ứng.
  • Kem dưỡng ẩm: vitamin E trong kem dưỡng giúp giữ ẩm, tạo một lớp màng bảo vệ tự nhiên và ngăn ngừa các chất gây kích ứng tiếp xúc trực tiếp với da. Các sản phẩm chứa vitamin E thường ghi dưới tên tocopherol hoặc tocotrienol, và thường đi kèm với vitamin C vì các chất chống oxy hóa thường tác dụng tốt hơn khi kết hợp với nhau.
  • Mặt nạ: mặt nạ chứa vitamin E giúp làm mềm da và chống lão hóa, thường được kết hợp với các thành phần như vitamin C để tăng hiệu quả. Có thể tự chế mặt nạ tại nhà bằng cách trộn dầu vitamin E với dầu hạnh nhân, mật ong, bơ nghiền và một chút nước cốt chanh. Đắp hỗn hợp này trong 10 – 20 phút sẽ giúp tăng độ sáng và sự mềm mịn cho làn da.
dạng bôi vitamin e
Một số sản phẩm bổ sung vitamin E dạng bôi

Viên uống chứa vitamin E

Lượng vitamin E hằng ngày không được vượt quá 12mg đối với người trưởng thành và không quá 18mg đối với phụ nữ cho con bú. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi sử dụng.

cách dùng viên uống vitamin e
Một số sản phẩm bổ sung vitamin E dạng viên uống

Bổ sung vitamin E qua chế độ ăn uống

Vitamin E xuất hiện nhiều trong các thực phẩm như hạt hướng dương, bí ngô, rau chân vịt, súp lơ xanh, kiwi, xoài. Việc cung cấp đầy đủ vitamin E trong chế độ ăn hằng ngày là vô cùng cần thiết.

chế độ ăn uống giàu vitamin e
Chế độ ăn giàu vitamin E bao gồm các thực phẩm như hạt hướng dương, bí ngô, rau chân vịt, súp lơ xanh…

Da dầu có nên uống/bôi vitamin E không?

Mặc dù có rất nhiều công dụng tốt cho da nhưng vitamin E dạng bôi thực sự không phù hợp cho da dầu. Sử dụng các chế phẩm chứa vitamin E trên nền da dầu có thể góp phần khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.

Nguyên nhân là các chế phẩm này bổ sung thêm nhiều dầu vào các tuyến bã nhờn vốn đã hoạt động mạnh, làm lượng dầu thừa càng nhiều hơn, tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.

Tuy nhiên, bổ sung vitamin E bằng đường uống hoặc qua chế độ ăn hợp lý lại mang đến lợi ích cho da và sức khỏe tổng thể. Để đảm bảo an toàn, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi dùng vitamin E đường uống.

da dầu có nên dùng vitamin e không
Sử dụng vitamin E dạng bôi trên nền da dầu có thể khiến tình trạng mụn trầm trọng hơn, tuy nhiên vitamin E dạng viên uống lại mang đến nhiều lợi ích cho da

Những lưu ý khi sử dụng vitamin E

Đối với vitamin E dạng dùng tại chỗ

  • Pha loãng trước khi sử dụng: vitamin E nguyên chất, đặc biệt ở dạng dầu, nên được pha loãng với các loại dầu nhẹ như dầu jojoba để tránh gây kích ứng.
  • Kiểm tra dị ứng: thoa một lượng nhỏ lên vùng da cánh tay và chờ phản ứng trước khi sử dụng trên mặt để đảm bảo không gây kích ứng.
  • Sử dụng với tần suất phù hợp: chỉ nên dùng 1 – 2 lần/tuần để tránh tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và mất cân bằng dầu trên da, vì vitamin E có thể tích tụ trong da.

Đối với vitamin E dạng uống

  • Tuân thủ liều dùng khuyến cáo: hầu hết mọi người không gặp tác dụng phụ khi tiêu thụ vitamin E theo liều khuyến cáo, nhưng tuyệt đối không lạm dụng, vì vitamin E tan trong chất béo và có thể tích tụ đến mức độc hại nếu dùng quá liều dài ngày, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, đau bụng, phát ban, nhức đầu, mờ mắt, bầm tím và chảy máu.
  • Nguy cơ tương tác thuốc: vitamin E có thể tăng nguy cơ chảy máu nếu đang dùng các thuốc chống đông máu như warfarin. Không nên dùng vitamin E cùng với vitamin K hay aspirin vì có thể gây rối loạn đông máu.
  • Tham khảo ý kiến Bác sĩ: trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào, nên trao đổi với Bác sĩ hoặc Dược sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
thăm khám bác sĩ
Tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để được tư vấn lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp

Mặc dù vitamin E có nhiều lợi ích cho da, tuy nhiên chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào khẳng định chắc chắn rằng việc dùng vitamin E có thể trị mụn nội tiết hiệu quả. Mụn nội tiết thường do sự thay đổi nội tiết tố gây ra, và việc bổ sung vitamin E chỉ là một phần nhỏ trong cả quá trình điều trị. Khi nghi ngờ bị mụn nội tiết, cần thăm khám và điều trị với các Bác sĩ chuyên khoa Da liễu tại Doctor Acnes để can thiệp kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. Michalak M, Pierzak M, et al. “Bioactive Compounds for Skin Health: A Review“. Nutrients. 2021 Jan 12;13(1):203. doi: 10.3390/nu13010203
  2. Hobson, R. “Vitamin E and wound healing: an evidence-based review“. Int Wound J. 2016;13: 331-335
  3. Keen MA, Hassan I. “Vitamin E in dermatology“. Indian Dermatol Online J. 2016 Jul-Aug;7(4):311-5. doi: 10.4103/2229-5178.185494
  4. Is Vitamin E Helpful or Harmful for Treating Acne?“. Healthline
  5. Treatments and Natural Remedies to Get Rid of Hormonal Acne“. Healthline
  6. Hormonal Acne“. Cleveland Clinic
  7. Hormonal acne: What you need to know?“. MedicalNewsToday
  8. Md Amin NA, Sheikh Abdul Kadir SH, et al. “Are Vitamin E Supplementation Beneficial for Female Gynaecology Health and Diseases?“. Molecules. 2022 Mar 15;27(6):1896. doi: 10.3390/molecules27061896
  9. Vitamin E for Skin: What Does It Do?“. Cleveland Clinic
  10. Ten benefits of vitamin E oil“. MedicalNewsToday
  11. How Can Vitamin E Oil Help the Appearance and Health of My Face?“. Healthline

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status