Có nên sử dụng vitamin C cho da mụn hay không?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 09/02/2023

Vitamin C không chỉ là một vitamin thiết yếu, tốt cho sức khỏe con người mà còn được biết đến trong lãnh vực làm đẹp như là một thành phần không thể thiếu giúp làn da căng bóng, sáng mịn và ngăn ngừa lão hóa. Không dừng lại ở đó, vitamin C còn có khả năng cải thiện sắc tố da, làm mờ các vết thâm sạm.

Những tác dụng tuyệt vời này của vitamin C chắc hẳn những ai có nền da mụn đều mong muốn, tuy nhiên có nên sử dụng vitamin C cho da mụn không? Điều gì cần lưu ý khi sử dụng vitamin C cho da mụn? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Vitamin C có tác dụng gì?

Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa mạnh có thể dùng trên da. Nhờ vào những đặc tính tuyệt vời giúp bảo vệ da khỏi tác động của tia UV, chống lão hóa, nâng tone da và làm mờ vết thâm, vitamin C đã trở thành một hoạt chất được dùng phổ biến hiện nay trong các chế phẩm chăm sóc da.

Vitamin C có tác dụng gì - Doctor Acnes
Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa mạnh có thể dùng trên da

Vitamin C có tác dụng bảo vệ da tránh khỏi tác động của tia UV

Tia UV vốn được biết đến là tác nhân dẫn đến sự hình thành các gốc tự do, làm sụt giảm lượng collagen hiện có và giảm sản xuất collagen mới gây nên quá trình lão hóa, đồng thời kích thích tăng sinh melanin gây tăng sắc tố da. Nhờ tác dụng chống oxy hóa, vitamin C sẽ trung hòa các gốc tự do, giúp ngăn ngừa những tác dụng có hại nêu trên của tia UV.

Vitamin C có tác dụng trẻ hóa da

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc tân sinh và ổn định sợi collagen, thành phần chính của các mô liên kết của cấu trúc làn da. Bổ sung vitamin C đầy đủ sẽ giúp làm mờ các vết nhăn hiện có và giảm sự xuất hiện các vết nhăn mới do quá trình lão hóa.

Vitamin C cải thiện các vết thâm, sạm trên da

Các vết thâm, sạm trên da hình thành từ sự tăng sắc tố da do hậu quả của mụn trứng cá, tia UV hoặc các tổn thương khác. Mặc dù tình trạng này hoàn toàn không có hại đến sức khỏe, nó lại làm mất thẩm mỹ làn da, giảm sự tự tin. Sử dụng vitamin C có thể làm giảm thâm, sạm bằng cách ức chế sản xuất melanin từ các tế bào hắc tố, do đó đặc biệt phù hợp cho tình trạng thâm mụn.

Vitamin C cải thiện các vết thâm, sạm trên da - Doctor Acnes
Các vết thâm, sạm trên da

Vitamin C có gây mụn không?

Hiện tại, chưa có nghiên cứu chứng minh vitamin C gây bùng mụn. Về mặt cơ chế tác động, nhờ đặc tính kháng viêm, vitamin C dạng bôi có thể giúp giảm sưng và đỏ cho da mụn. Tuy nhiên, ở những cơ địa da nhạy cảm, vitamin C dưới dạng ascorbic acid có thể gây kích ứng, làm tăng tình trạng đỏ và khô da.

Ở những bệnh nhân này, có thể sử dụng vitamin C ở dạng muối như magnesium ascorbyl phosphate hay sodium ascorbyl phosphate để làm giảm kích ứng.

Sử dụng vitamin C cho da mụn thế nào?

Về nguyên tắc, vẫn có thể sử dụng vitamin C cho da mụn nếu ghi nhớ và tuân thủ đúng các nguyên tắc sau:

Lựa chọn vitamin C dạng sodium ascorbyl phosphate

Sodium ascorbyl phosphate là vitamin C ở dạng muối, ít gây kích ứng và có hoạt tính kháng khuẩn, phù hợp sử dụng cho nền da mụn.

Theo nghiên cứu của Klock và cộng sự thực hiện trên 60 bệnh nhân mụn bị mụn vùng mặt, sodium ascorbyl phosphate 5% sử dụng đơn trị trong thời gian 12 tuần có tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng điều trị từ tốt đến rất tốt lên đến 76.9%.

Đặc biệt, có bệnh nhân không còn tổn thương mụn viêm và giảm đáng kể tình trạng mụn không viêm sau khi sử dụng sodium ascorbyl phosphate 5%.

Lựa chọn vitamin C dạng sodium ascorbyl phosphate - Doctor Acnes
Sodium ascorbyl phosphate cho thấy hiệu quả trên bệnh nhân bị mụn trứng cá

Sử dụng vitamin C nồng độ thấp

Vitamin C nồng độ càng cao thì tính kích ứng càng mạnh. Ở nồng độ 20% hoặc cao hơn, tính kích ứng của vitamin C thể hiện rất rõ. Tuy nhiên sử dụng nồng độ vitamin C quá thấp sẽ không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn.

Nồng độ vitamin C phù hợp cho da mụn vào khoảng 10%. Có thể sử dụng cách ngày trước để da quen dần sau đó mới sử dụng hàng ngày.

Sử dụng vitamin C với retinoid

Retinoid dạng bôi bao gồm tretinoin, adapalene, tazaroten là một trong các liệu pháp quan trọng trong điều trị mụn trứng cá nhờ cơ chế làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm bài tiết bã nhờn và kháng viêm.

Sử dụng vitamin C với retinoid - Doctor Acnes
Các retinoid đường bôi dùng trong điều trị mụn

Có thể kết hợp vitamin C với retinoid trong liệu trình chăm sóc da mụn nhằm vừa giảm mụn, vừa giảm thâm sau mụn như sử dụng vitamin C vào buổi sáng và retinoid vào buổi tối. Cần lưu ý chống nắng cẩn thận và dưỡng ẩm kỹ càng vì cả 2 hoạt chất này đều có thể làm da tăng nhạy cảm với ánh sáng và khô da.

Thời gian sử dụng vitamin C phù hợp

Thời điểm thích hợp nhất để sử dụng vitamin C là lúc da không có vết thương hở, hàng rào bảo vệ da còn nguyên vẹn; vì khi đó, vitamin C sẽ ít gây kích ứng da. Ngược lại, da sau khi nặn mụn hay thực hiện các thủ thuật xâm lấn không nên sử dụng vitamin C vì sẽ bị kích ứng và làm trầm trọng hơn các tổn thương.

>>> Xem thêm: Da mụn có nên dùng kem chống nắng

Điều trị trực tiếp với Bác sĩ Da liễu - Doctor Acnes
Nên thăm khám với Bác sĩ Da liễu để được tư vấn sử dụng vitamin C một cách chính xác nhất và hạn chế các phản ứng không mong muốn trên da

Tóm lại, vitamin C với những công dụng tuyệt vời bao gồm bảo vệ da khỏi tác động của tia UV, chống lão hóa, nâng tone da và làm mờ vết thâm là một hoạt chất đáng được thêm vào liệu trình chăm sóc da hằng ngày của bạn.

Đối với nền da mụn, vitamin C khi được sử dụng phù hợp sẽ mang lại hiệu quả giảm mụn, giảm thâm sau mụn, hỗ trợ tăng sinh collagen cho quá trình đầy sẹo. Cần lưu ý chọn lựa vitamin C ở dạng muối, nồng độ thấp và sử dụng kết hợp với các hoạt chất trị mụn khác như retinoid để mang lại hiệu quả tối ưu.

Ngoài ra, cũng cần phải chú tâm đến thời điểm sử dụng vitamin C thích hợp như khi da không có các vết thương hở. Nếu da xuất hiện hiện tượng kích ứng như châm chích, bỏng rát hay các vết đỏ, nên thăm khám với Bác sĩ Da liễu để được tư vấn sử dụng vitamin C một cách chính xác nhất và hạn chế các phản ứng không mong muốn trên da nhé.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Klock J, Ikeno H, Ohmori K, Nishikawa T, Vollhardt J, Schehlmann V. “Sodium ascorbyl phosphate shows in vitro and in vivo efficacy in the prevention and treatment of acne vulgaris”. Int J Cosmet Sci. 2005 Jun;27(3):171-6
  2. Telang PS. “Vitamin C in dermatology”. Indian Dermatol Online J. 2013 Apr-Jun; 4(2): 143–146
  3. “Điện di vitamin C: nguyên lý hoạt động và lợi ích cho làn da”. Doctoracnes.com
  4. “What to Know About Vitamin C Serum for Acne”. Webmd.com
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84