Trong xã hội hiện đại, việc chăm sóc da, đặc biệt là điều trị mụn, là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Bên cạnh các phương pháp điều trị mụn tiên tiến, các phương pháp dân gian vẫn được nhiều người ưa chuộng, đơn cử như lăn trứng gà trị mụn. Phương pháp này liệu có thực sự hiệu quả như lời đồn? Cùng khám phá câu trả lời trong bài viết sau nhé.
Lăn trứng gà trị mụn là gì?
Lăn trứng gà trị mụn là phương pháp sử dụng trứng gà luộc chín, bóc vỏ và lăn lên da mặt. Trứng thường được sử dụng khi còn ấm, với niềm tin cho rằng nhiệt độ từ trứng có thể giúp mở lỗ chân lông và hút sạch bã nhờn, bụi bẩn và vi khuẩn bên trong da.
Sau khi lăn, trứng gà thường bị chuyển màu, dấu hiệu mà nhiều người cho là do các chất bẩn từ da bị hút vào trứng. Phương pháp này thường được sử dụng trong điều trị mụn đầu đen – những đốm mụn cứng đầu xuất hiện chủ yếu ở mũi và vùng cằm.
Hiệu quả của phương pháp lăn trứng gà trị mụn
Quan điểm dân gian
Trong nhiều thế hệ, lăn trứng gà trị mụn đã được sử dụng trong các gia đình như một phương pháp đơn giản, ít tốn kém để làm sạch da và hạn chế mụn. Nhiều người tin rằng trứng gà, với cấu trúc đặc biệt, có khả năng hút sạch bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết từ lỗ chân lông.
Ngoài ra, việc lăn trứng gà vừa luộc, còn ấm còn được cho là giúp làm sáng da, làm giảm vết thâm và tăng cường tuần hoàn máu dưới da nhờ vào tác động nhiệt từ trứng.
Nhiều người dùng phương pháp lăn trứng gà trị mụn đã chia sẻ về những kết quả tích cực ngay sau khi lăn trứng. Họ cảm thấy da trở nên mịn màng hơn, lỗ chân lông sạch hơn, và mụn đầu đen dường như biến mất. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người dùng không thấy cải thiện rõ rệt, và thậm chí còn gặp tình trạng mụn tệ hơn sau khi sử dụng phương pháp này.
Đánh giá từ góc độ khoa học
Từ góc nhìn khoa học, hiệu quả của lăn trứng gà trị mụn vẫn chưa rõ ràng. Đến nay, không có nghiên cứu y học chính thống nào chứng minh rằng trứng gà có khả năng hút mụn hoặc làm sạch lỗ chân lông.
Ngoài ra, trứng gà không chứa bất kỳ thành phần nào có tính chất hóa học phù hợp để loại bỏ chất bẩn và làm sạch sâu lỗ chân lông như các loại dược mỹ phẩm chăm sóc da chuyên dụng.
Một cách lý giải khoa học cho cảm nhận lăn trứng gà tác dụng tích cực trên da là sự kết hợp của nhiệt độ và ma sát. Khi lăn trứng ấm lên da, lỗ chân lông có thể giãn ra do nhiệt độ, khiến da cảm thấy mềm mịn hơn.
Tuy nhiên, trứng không thể thẩm thấu vào da để loại bỏ bã nhờn hoặc vi khuẩn gây mụn. Việc trứng chuyển màu sau khi lăn cũng không phải là dấu hiệu cho thấy nó đã hút các tạp chất từ da. Điều này có thể là do hiện tượng oxy hóa hoặc sự tiếp xúc giữa trứng và dầu trên da, dẫn đến thay đổi màu sắc.
Nghiên cứu của Bác sĩ Tye và Bác sĩ Fisher (Hoa Kỳ) là một trong số ít nghiên cứu chính thống đánh giá hiệu quả của việc chườm ấm đối với mụn. Nhóm bệnh nhân nghiên cứu bao gồm 61 trường hợp bị mụn ở các mức độ khác nhau, được chỉ định liệu trình kết hợp chườm ấm và dùng fluocinolone acetonide bôi ngoài da 4 – 5 lần mỗi ngày. Mặc dù hiệu quả của liệu trình là rất tích cực, đạt mức tốt đến xuất sắc trên 52/61 trường hợp, nhưng việc chườm ấm được cho là chỉ giúp hấp thụ thuốc bôi ngoài da tốt hơn, chứ không trực tiếp đóng góp vào kết quả điều trị.
Những rủi ro tiềm ẩn khi lăn trứng gà trị mụn
Mặc dù phương pháp này phổ biến và có vẻ như vô hại nhưng việc lăn trứng gà có thể mang lại một số rủi ro cho làn da và sức khỏe:
- Kích ứng da: trứng gà nóng có thể làm bỏng da, đặc biệt là với những người có da nhạy cảm. Nhiệt độ quá cao có thể gây tổn thương lớp biểu bì, làm da bị đỏ và kích ứng.
- Nhiễm trùng: trứng gà sống hoặc chưa được nấu chín kỹ có thể chứa vi khuẩn Salmonella, một loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Nếu không may trứng bị nứt trong quá trình lăn hoặc không được vệ sinh sạch sẽ, nguy cơ nhiễm trùng da là rất cao.
- Lỗ chân lông bị tắc nghẽn: việc lăn trứng có thể làm da tiết ra nhiều dầu hơn do sự kích thích từ nhiệt độ và ma sát. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và làm tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
- Không hiệu quả trong dài hạn: lăn trứng gà không phải là giải pháp lâu dài để điều trị mụn. Các vấn đề về mụn thường xuất phát từ nguyên nhân nội tiết, vi khuẩn, hoặc chế độ chăm sóc da không đúng cách. Phương pháp này chỉ mang lại kết quả tạm thời, nếu có, mà không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của mụn.
Phương pháp thay thế an toàn hơn để trị mụn
Thay vì dựa vào những phương pháp dân gian thiếu cơ sở khoa học, có nhiều phương pháp điều trị mụn an toàn và hiệu quả hơn có thể áp dụng:
- Chế phẩm chứa acid salicylic hoặc benzoyl peroxide: acid salicylic giúp loại bỏ tế bào chết và làm sạch lỗ chân lông, trong khi benzoyl peroxide có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. Đây là hai thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da mụn và đã được chứng minh về hiệu quả.
- Retinoid: retinoid là dẫn xuất của vitamin A, giúp tăng cường quá trình tái tạo tế bào da và giảm sự hình thành của mụn. Các sản phẩm chứa retinoid được sử dụng cho hầu hết các trường hợp mụn từ nhẹ đến nặng.
- Điều trị bằng công nghệ ánh sáng: các công nghệ điều trị mụn bằng ánh sáng như liệu pháp ánh sáng xanh hay laser có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn và làm giảm viêm mà không gây tổn hại đến da. Cần thực hiện các công nghệ này tại các cơ sở điều trị da liễu uy tín như Bệnh viện hay Phòng khám chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Chăm sóc da đúng cách: việc duy trì chế độ chăm sóc da hợp lý là cách tốt nhất để ngăn ngừa mụn. Rửa mặt hai lần mỗi ngày, sử dụng sản phẩm dịu nhẹ và tránh chạm tay lên mặt là những thói quen cơ bản giúp giữ da sạch sẽ và hạn chế mụn.
- Tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu: đối với những trường hợp mụn dai dẳng, kéo dài, hãy tìm đến Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng da và chỉ định liệu trình cá nhân hóa phù hợp.
Phương pháp lăn trứng gà trị mụn có thể gây được nhiều sự chú ý do tính đơn giản và phổ biến trong dân gian. Tuy nhiên, từ góc độ khoa học, phương pháp này không có cơ sở vững chắc để được coi là một cách trị mụn hiệu quả. Nếu còn đang băn khoăn về tình trạng mụn, đừng ngần ngại liên hệ ngay Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé!
Tài liệu tham khảo
- “Acne Treated With Compress and a Corticosteroid Cream“. JAMA Dermatology