Vitamin C được xem là “thần dược” trong chăm sóc da, với khả năng làm sáng da, giảm thâm mụn và chống lão hóa. Tuy nhiên, nhiều người dù rất kỳ vọng vào công dụng của vitamin C nhưng lại gặp phải tình trạng kích ứng, mẩn đỏ, thậm chí là hiệu quả ngược khi sử dụng. Vậy, những sai lầm nào khiến vitamin C trở thành “con dao hai lưỡi” cho làn da của bạn? Hãy cùng khám phá và tìm cách sử dụng vitamin C đúng cách để tận dụng tối đa lợi ích mà vitamin C mang lại!
Lợi ích của vitamin C đối với làn da
Vitamin C không chỉ là một vitamin thiết yếu cho cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong nhiều phản ứng sinh hóa, mà còn là thành phần quen thuộc trong các sản phẩm chăm sóc da nhờ những công dụng tuyệt vời dưới đây:
- Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh sáng và chống oxy hóa
Vitamin C có tác dụng quang bảo vệ da nhờ khả năng chống oxy hóa. Khi da tiếp xúc với tia UV, các gốc tự do chứa oxy (ROS) sẽ được tạo ra, gây ra phản ứng chuỗi làm tổn hại tế bào, phá hủy collagen và thúc đẩy quá trình lão hóa da.
Vitamin C có thể giúp trung hòa các gốc tự do này, từ đó giảm thiểu tác động có hại trên da. Tuy nhiên, tiếp xúc với tia UV cũng sẽ làm tiêu hao lượng vitamin C có trong da.
Vitamin C có khả năng bảo vệ da khỏi cả tia UVB (290 – 320nm) và UVA (320 – 400nm). Để tăng cường hiệu quả, có thể kết hợp vitamin C cùng kem chống nắng hoặc dùng chung với vitamin E để giúp bảo vệ làn da tốt hơn trước ánh nắng mặt trời.
- Kích thích tổng hợp collagen
Vitamin C đóng vai trò là “trợ thủ” cho các enzyme prolyl và lysyl hydroxylase, những enzyme này có nhiệm vụ ổn định và tạo liên kết giữa các phân tử collagen, giúp da duy trì sự săn chắc và đàn hồi.
- Làm mờ thâm
Các hoạt chất trị thâm thường tác động bằng cách gây cản trở quá trình sản xuất melanin hoặc gây độc cho các tế bào hắc tố (melanocyte). Vitamin C là thành phần giúp làm mờ vết thâm nhờ khả năng ức chế quá trình tổng hợp melanin.
Cụ thể, vitamin C tương tác với ion đồng tại vị trí hoạt động của enzyme tyrosinase, khiến enzyme này bị bất hoạt và ngăn chặn sự hình thành melanin – yếu tố gây thâm sạm. Tuy nhiên, so với một số hoạt chất như hydroquinone, hiệu quả làm sáng da của vitamin C thường nhẹ hơn.
3 sai lầm khi sử dụng vitamin C
Vitamin C là một hoạt chất khá an toàn và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ đặc tính của vitamin C có thể dẫn đến một số sai lầm khi sử dụng. Dưới đây là ba sai lầm phổ biến khi dùng vitamin C mà nhiều người dễ mắc phải:
Vội vàng dùng vitamin C khi đang điều trị mụn
Vitamin C là một acid yếu, tương tự như AHA hay BHA, nên cũng có tác dụng nhẹ trong việc loại bỏ tế bào chết. Nhờ đặc tính kháng viêm, vitamin C có thể giảm sưng đỏ cho da mụn. Dù hiện tại chưa có nghiên cứu nào khẳng định vitamin C gây bùng mụn, nhưng khi da đang trong quá trình điều trị mụn, việc sử dụng vitamin C thường không phải là ưu tiên hàng đầu.
Đối với trường hợp da bị mụn nặng, tổn thương nhiều hoặc da nhạy cảm, việc dùng serum vitamin C có nồng độ cao (như 20% acid ascorbic) sẽ dễ gây kích ứng, làm tổn thương da thêm và có thể khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Sau khi da được điều trị mụn thành công và trở lại trạng thái khỏe mạnh, serum vitamin C mới nên được đưa vào quy trình chăm sóc để tránh nguy cơ kích ứng.
Chọn nồng độ vitamin C không phù hợp với da
Vitamin C có thể được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng acid ascorbic là dạng hoạt tính mạnh nhất, với nồng độ khuyên dùng tối đa là 20%. Mặc dù nồng độ cao sẽ mang lại hiệu quả mạnh hơn, nhưng vượt quá 20% có thể gây kích ứng và rát da, đặc biệt với làn da nhạy cảm.
Đối với da khỏe mạnh, có thể lựa chọn serum vitamin C với nồng độ cao (tới 20%) để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, nếu da dễ kích ứng hoặc nhạy cảm, nên ưu tiên serum vitamin C ở nồng độ thấp hơn (dưới 10%) hoặc chọn các dẫn xuất vitamin C dịu nhẹ như magnesium ascorbyl phosphate (MAP) hoặc sodium ascorbyl phosphate (SAP). Các dẫn xuất này ít gây kích ứng hơn nhưng cần thời gian dài hơn để thấy hiệu quả.
Bảo quản vitamin C không đúng cách
Vitamin C là chất chống oxy hóa kém bền, nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ. Khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc nhiệt, vitamin C dễ bị oxy hóa và chuyển sang màu vàng, làm giảm đáng kể hiệu quả của sản phẩm. Nếu để chai serum vitamin C tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng, dung dịch sẽ chuyển màu sau vài ngày, mất đi hoạt tính ban đầu.
Do đó, cần đặc biệt lưu ý bảo quản serum vitamin C đúng cách. Serum nên được đóng trong lọ thủy tinh màu tối để tránh ánh sáng và, nếu có thể, nên chọn loại có thiết kế airless pump để hạn chế tiếp xúc với oxy. Để giữ độ bền tối đa, bảo quản serum vitamin C trong tủ lạnh là cách tốt nhất để duy trì hiệu quả lâu dài.
Các bước sử dụng vitamin C đúng cách
Việc sử dụng vitamin C đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc trị thâm và cải thiện làn da. Dưới đây quy trình sử dụng vitamin C để đạt hiệu quả tối ưu:
- Làm sạch da: rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt phù hợp với loại da.
- Toner: sử dụng toner để cân bằng độ pH và làm sạch sâu hơn.
- Serum vitamin C: lấy một lượng nhỏ serum (khoảng 3 – 4 giọt) thoa đều lên mặt và cổ. Vỗ nhẹ để serum thẩm thấu tốt hơn.
- Dưỡng ẩm: sử dụng kem dưỡng ẩm sau khi serum đã thẩm thấu hoàn toàn để khóa ẩm và bảo vệ da.
- Kem chống nắng: sử dụng vào ban ngày và nên dùng kem chống nắng có SPF 30 trở lên sau khi thoa serum vitamin C để bảo vệ da khỏi tia UV và ngăn ngừa thâm mới.
Vitamin C mang lại nhiều lợi ích cho làn da, từ chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tác hại của ánh sáng đến kích thích collagen và làm mờ thâm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, cần tránh các sai lầm phổ biến đã đề cập bên trên. Đừng ngần ngại liên hệ Phòng khám Da liễu Doctor Acnes để được tư vấn về sản phẩm và cách dùng vitamin C hiệu quả nhất cho làn da của bạn nhé!
Tài liệu tham khảo
- Pumori Saokar Telang. “Vitamin C in dermatology” Indian Dermatol Online J, 4(2):143-6
- Al-Niaimi F, Chiang NYZ. “Topical Vitamin C and the Skin: Mechanisms of Action and Clinical Applications“. J Clin Aesthet Dermatol. 2017 Jul; 10(7): 14–17
- Klock J, Ikeno H, Ohmori K, Nishikawa T, Vollhardt J, Schehlmann V. “Sodium ascorbyl phosphate shows in vitro and in vivo efficacy in the prevention and treatment of acne vulgaris“. Int J Cosmet Sci. 2005 Jun; 27(3): 171-6