Whey protein là một trong những thực phẩm bổ sung phổ biến với những người tập thể hình. Không ít người lo lắng rằng uống whey có thể gây mụn, khiến làn da trở nên kém mịn màng. Vậy thực tế uống whey có gây mụn không? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và làm sao để sử dụng whey protein mà không ảnh hưởng đến da? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Whey protein là gì?
Whey protein (đạm whey) là một loại protein có nguồn gốc từ sữa bò. Trong sữa, protein được chia thành hai loại chính là casein (chiếm khoảng 80%) và whey (chiếm khoảng 20%). Whey protein được tách ra trong quá trình sản xuất phô mai, sau đó tinh chế và sấy khô để tạo thành bột whey protein.
Dựa vào mức độ tinh chế, whey protein được chia thành ba dạng chính:
- Whey protein concentrate (WPC): chứa hàm lượng protein từ trung bình đến cao, có thể chứa một lượng nhỏ lactose và chất béo.
- Whey protein isolate (WPI): được tinh chế cao hơn, loại bỏ gần như hoàn toàn lactose và chất béo, giúp tăng độ tinh khiết của protein.
- Whey protein hydrolysate (WPH): là dạng whey đã được thủy phân một phần, giúp cơ thể hấp thu nhanh hơn so với WPC và WPI.
Lợi ích của whey protein
Whey protein là nguồn protein dễ tiêu hóa, có giá trị sinh học (BV) cao và chứa nhiều acid amin thiết yếu, đặc biệt là các acid amin chuỗi nhánh (BCAA) như leucine, isoleucine và valine. Nhờ đó, whey protein mang lại nhiều lợi ích:
- Hỗ trợ xây dựng và duy trì cơ bắp: nhờ vào khả năng hấp thu nhanh và cung cấp BCAA (đặc biệt là leucine), whey protein giúp kích thích tổng hợp protein, hỗ trợ tăng cơ và hạn chế mất cơ. Một số peptide trong whey còn có tác dụng giảm đau nhức cơ sau khi tập luyện cường độ cao.
- Kiểm soát cân nặng: giúp duy trì khối cơ trong quá trình giảm cân và tăng cảm giác no, từ đó hạn chế cơn thèm ăn và kiểm soát lượng thức ăn nạp vào.
- Tăng cường khả năng chống oxy hóa của cơ thể: whey protein là nguồn giàu cysteine, giúp kích thích sản xuất glutathione (GSH) – một chất chống oxy hóa quan trọng.
- Hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch: cải thiện huyết áp và hỗ trợ giảm cholesterol bằng cách ức chế tổng hợp LDL.
Tác dụng phụ của whey protein
Whey protein cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như dị ứng ở những người không dung nạp lactose (ngoại trừ loại WPI và WPH ít gây dị ứng hơn). Nếu dùng liều cao có thể ảnh hưởng đến thận, gan, gây mất cân bằng các khoáng chất trong xương và rối loạn pH máu.
Uống whey có nổi mụn không?
Hiện chưa có đủ bằng chứng để khẳng định whey protein là nguyên nhân trực tiếp gây mụn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy whey protein có thể làm tăng nguy cơ mụn ở một số người.
- Một nghiên cứu bệnh – chứng trên 201 nam thanh niên và người trẻ tuổi cho thấy 47% người bị mụn có sử dụng whey protein, cao hơn đáng kể so với 27.7% ở nhóm không bị mụn (p = 0.0047).
- Nghiên cứu của Pontes và cộng sự trên 30 người trong 60 ngày cho thấy whey protein có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm mụn, đặc biệt ở phụ nữ và những người trước đó chưa từng bị mụn.
- Báo cáo ca của Cengiz và cộng sự mô tả 6 thanh thiếu niên nam khỏe mạnh phát triển mụn khu trú ở vùng thân mình sau khi sử dụng whey protein để tăng cơ.
Mặc dù cơ chế gây mụn của whey protein chưa được hiểu đầy đủ, có giả thuyết cho rằng whey protein làm tăng insulin và IGF-1 (yếu tố tăng trưởng giống insulin-1). Điều này có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, gây bít tắc lỗ chân lông và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm và hình thành mụn.
IGF-1 cũng có thể làm tăng androgen, khiến tuyến bã nhờn tiết dầu nhiều hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng mụn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ nổi mụn khi uống whey
Không phải ai uống whey protein cũng bị mụn, tuy nhiên những đối tượng sau đây có nguy cơ bị mụn cao hơn:
- Người dễ bị mụn: nếu thường xuyên bị mụn, việc bổ sung whey protein có thể kích thích hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng này.
- Người nhạy cảm với sữa: whey protein có nguồn gốc từ sữa, nên có thể gây phản ứng viêm trên da ở một số người.
- Người bị mụn nội tiết: whey protein có thể làm tăng nồng độ IGF-1 và insulin, làm tăng nguy cơ bùng phát mụn ở những người có mụn do rối loạn nội tiết.
- Sử dụng whey protein kém chất lượng: một số thực phẩm bổ sung whey protein có thể bị pha trộn bất hợp pháp với steroid hoặc hợp chất tương tự nhằm thúc đẩy tăng cơ. Các chất này làm tăng nồng độ testosterone và androgen trong cơ thể, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh gây mụn steroid.
Bên cạnh đó, các yếu tố như chế độ ăn không lành mạnh, căng thẳng, không khí ô nhiễm, vệ sinh da không đúng cách, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp… cũng có thể góp ý làm tăng nguy cơ nổi mụn.
Cách sử dụng whey protein để tránh nổi mụn
Để hạn chế nguy cơ nổi mụn khi sử dụng whey protein, có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ: hãy chọn sản phẩm whey protein từ các thương hiệu uy tín, có giấy phép hoạt động rõ ràng và tuân thủ tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất). Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đã được kiểm định bởi bên thứ ba như NSF Certified for Sport, Informed Choice hoặc USP để tránh các chất gây hại như steroid.
- Kiểm tra thành phần: tránh dùng whey protein chứa chất tạo ngọt nhân tạo, đường bổ sung, chất độn hoặc phụ gia không cần thiết, vì những thành phần này có thể gây viêm và làm tăng nguy cơ nổi mụn.
- Dùng đúng liều lượng: việc tiêu thụ whey protein quá mức không mang lại lợi ích bổ sung mà có thể làm tăng insulin và IGF-1, góp phần gây mụn. Nên tuân thủ liều lượng khuyến nghị và kết hợp với protein từ thực phẩm tự nhiên.
- Theo dõi phản ứng của da: nếu da có dấu hiệu nổi mụn sau khi sử dụng whey protein, có thể cân nhắc giảm liều, chuyển sang protein thực vật hoặc loại bỏ whey protein khỏi chế độ ăn để đánh giá sự cải thiện.
- Kết hợp chế độ ăn lành mạnh: whey protein không thể thay thế hoàn toàn protein từ chế độ ăn lành mạnh. Nên bổ sung thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, quả óc chó và rau lá xanh có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe làn da khi sử dụng whey protein.
Có nên dừng uống whey nếu bị nổi mụn?
Nếu nhận thấy whey protein làm mụn xuất hiện nhiều hơn, có thể cân nhắc giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng và theo dõi tình trạng của da. Đồng thời, cần duy trì chế độ chăm sóc da phù hợp, ăn uống lành mạnh để hạn chế tình trạng mụn nặng thêm.
Nếu mụn không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng (như mụn bọc, mụn nang), nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu để có hướng điều trị kịp thời, giúp kiểm soát mụn, giảm nguy cơ thâm, sẹo và xác định chính xác nguyên nhân.
Tóm lại, whey protein có thể gây mụn ở một số người do ảnh hưởng đến insulin và IGF-1. Để hạn chế tình trạng này, nên chọn sản phẩm chất lượng, kiểm soát liều lượng và kết hợp chăm sóc da đúng cách. Nếu gặp vấn đề về da khi sử dụng whey, đừng ngần ngại liên hệ Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được Bác sĩ Da liễu tư vấn giải pháp phù hợp, giúp bạn kiểm soát mụn hiệu quả và bảo vệ làn da khỏe mạnh nhé.
Tài liệu tham khảo
- Quezia Damaris Jones Severino Vasconcelos, Tatiana Paschoalette Rodrigues Bachur, Gislei Frota Aragão. “Whey protein supplementation and its potentially adverse effects on health: a systematic review“. Appl Physiol Nutr Metab . 2021 Jan;46(1):27-33. doi: 10.1139/apnm-2020-0370
- G Bounous. “Whey protein concentrate (WPC) and glutathione modulation in cancer treatment“. Anticancer Res . 2000 Nov-Dec;20(6C):4785-92
- Jihan Muhaidat, Almutazballlah Qablan, Faris Gharaibeh, et al. “The Effect of Whey Protein Supplements on Acne Vulgaris among Male Adolescents and Young Adults: A Case-Control Study from North of Jordan“. Dermatol Res Pract . 2024 Apr 9:2024:2158229. doi: 10.1155/2024/2158229
- “Does Whey Protein Trigger Acne Breakouts? What To Know About the Connection“. Health
- Jianting Yang, Haoran Yang, Aie Xu, Li He. “A Review of Advancement on Influencing Factors of Acne: An Emphasis on Environment Characteristics“. Front Public Health. 2020 Sep 17;8:450. doi: 10.3389/fpubh.2020.00450
- Fatma Pelin Cengiz, Bengu Cevirgen Cemil, Nazan Emiroglu. “Acne located on the trunk, whey protein supplementation: Is there any association?“. Health Promot Perspect. 2017 Mar 5;7(2):106–108. doi: 10.15171/hpp.2017.19