Uống thuốc sắt có bị nổi mụn không? Cách xử lý nếu bị nổi mụn khi uống sắt

Ngày 15/02/2025. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Sắt là một vi chất cần thiết cho cơ thể nhưng nhiều người lo ngại rằng uống sắt có thể gây nổi mụn. Vậy thực hư việc này ra sao? Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nổi mụn khi uống sắt và cách giảm thiểu tác động ra sao? Hãy cùng Bác sĩ Da liễu tìm hiểu bí quyết giúp bạn yên tâm uống sắt mà vẫn giữ được làn da mịn màng rạng rỡ!

Lý do cần bổ sung sắt

Sắt là một nguyên tố vi lượng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sống, đặc biệt là trong quá trình sản xuất hồng cầu. Khoáng chất này giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và cơ quan trong cơ thể, hỗ trợ duy trì năng lượng và chức năng hoạt động bình thường.

Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, gây ra tình trạng mệt mỏi, da xanh xao, suy giảm trí nhớ, rối loạn tập trung và làm giảm hiệu suất hoạt động thể chất. Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ mất máu do kinh nguyệt, người ăn chay, người bị bệnh thận mạn tính hoặc hóa trị là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu sắt.

Duy trì hàm lượng sắt ổn định trong cơ thể giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể, cải thiện khả năng miễn dịch và duy trì sự tập trung, tỉnh táo trong các hoạt động hằng ngày.

lý do cần bổ sung sắt
Sắt là một nguyên tố vi lượng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sống, đặc biệt là trong quá trình sản xuất hồng cầu

Các nguồn bổ sung sắt đường uống và cách hấp thu hiệu quả

Sắt có thể được cung cấp thông qua thực phẩm tự nhiên từ động vật và thực vật hoặc từ các loại viên uống bổ sung, tùy theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mỗi người:

Sắt từ thực phẩm tự nhiên:

  • Sắt từ động vật (heme iron): có trong thịt đỏ, cá, gia cầm. Đây là dạng sắt dễ hấp thu nhất và được cơ thể sử dụng hiệu quả hơn so với sắt từ thực vật.
  • Sắt từ thực vật (non-heme iron): có trong rau lá xanh đậm, ngũ cốc, các loại đậu và hạt. Sắt non-heme hấp thu kém hơn nhưng có thể tăng cường hấp thu khi kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C.
nguồn bổ sung sắt tự nhiên
Một số nguồn bổ sung sắt từ thực phẩm tự nhiên

Sắt trong thực phẩm bổ sung:

  • Sắt sulfat: phổ biến nhất, thường kết hợp với vitamin C để tăng hấp thu, tuy nhiên có thể gây tác dụng phụ như táo bón hoặc đau bụng.
  • Sắt gluconat và sắt fumarat: ít gây kích ứng tiêu hóa hơn, phù hợp với những người không dung nạp tốt sắt sulfat.
  • Sắt chelat: dạng sắt kết hợp với acid amin, giúp tăng khả năng hấp thu, ít gây tác dụng phụ và cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả.
  • Sắt citrat: được kê đơn cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính.
nguồn bổ sung sắt từ thực phẩm bổ sung
Một số sản phẩm bổ sung sắt trên thị trường hiện nay

Ngoài ra, một số viên uống bổ sung sắt còn chứa acid folic (vitamin B9), vitamin B12 để hỗ trợ tạo hồng cầu và phòng ngừa thiếu máu do thiếu folate. Kẽm, đồng cũng thường được bổ sung nhằm duy trì sự cân bằng vi chất khi sử dụng sắt kéo dài.

Dù bổ sung từ thực phẩm hay viên uống, cần tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Uống sắt có gây nổi mụn không?

Việc bổ sung sắt có thể liên quan đến nguy cơ nổi mụn ở một số người nhưng chưa có kết luận chắc chắn. Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ ferritin (protein dự trữ sắt trong cơ thể) cao có thể làm tăng nguy cơ mụn trứng cá, đặc biệt ở phụ nữ trẻ. Lý do có thể liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn và gây bít tắc lỗ chân lông.

Tuy nhiên, không phải ai bổ sung sắt cũng bị mụn. Nếu gặp tình trạng này, có thể do dùng liều cao hơn mức khuyến nghị (không quá 45mg sắt nguyên tố/ngày) hoặc do cơ thể nhạy cảm với sắt. Nếu nghi ngờ bị mụn do sắt, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ để điều chỉnh liều lượng phù hợp và kết hợp chế độ chăm sóc da hợp lý.

uống sắt có gây nổi mụn không
Việc bổ sung sắt có thể gây nguy cơ nổi mụn ở một số người nhưng chưa có kết luận chắc chắn

Những yếu tố làm tăng nguy cơ nổi mụn khi bổ sung sắt

Mặc dù bổ sung sắt đúng liều lượng thường an toàn, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn ở một số người:

  • Mất cân bằng khoáng chất: lượng sắt cao có thể cản trở hấp thu kẽm và đồng, hai khoáng chất giúp kiểm soát bã nhờn và giảm viêm da. Khi thiếu hụt, da dễ tiết dầu nhiều hơn, làm tăng nguy cơ mụn viêm. Để hạn chế điều này, nên bổ sung sắt với hàm lượng vừa đủ và cân nhắc kết hợp cùng kẽm và đồng vào thời điểm khác trong ngày. Ngoài ra có thể sử dụng viên uống đa vi chất chứa cả sắt, kẽm và đồng.
  • Tăng stress oxy hóa: gốc tự do (ROS) như superoxide và hydrogen peroxide được tạo ra trong quá trình miễn dịch. Khi tích tụ quá mức, chúng gây viêm và tổn thương da. Sắt và đồng có thể thúc đẩy quá trình này, làm tăng stress oxy hóa. Ngoài ra, da rất dễ bị tổn thương nếu thiếu acid béo không bão hòa đa hoặc tiếp xúc nhiều với tia UV, cả hai đều thúc đẩy sản xuất ROS, dẫn đến viêm nhiễm và nguy cơ nổi mụn cao hơn.
  • Suy giảm miễn dịch: sắt cần thiết cho hệ miễn dịch nhưng nếu dư thừa, có thể ức chế hoạt động của tế bào lympho và giảm khả năng chống lại vi khuẩn gây mụn, khiến da dễ bị viêm nhiễm hơn.
yếu tố làm nổi mụn khi uống sắt
Lượng sắt cao có thể cản trở hấp thu kẽm và đồng, da dễ tiết dầu nhiều hơn, làm tăng nguy cơ mụn viêm

Cách giảm nguy cơ nổi mụn khi uống sắt

Để giảm nguy cơ nổi mụn khi uống sắt, có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Uống sắt đúng cách: uống sắt vào buổi sáng, sau khi ăn 30 phút để tránh kích ứng dạ dày. Không uống sắt cùng lúc với canxi, sữa, trà, cà phê vì chúng cản trở hấp thu sắt, thay vào đó có thể bổ sung cùng với vitamin C để tăng hấp thu.
  • Uống đúng liều lượng: tuân thủ liều lượng được khuyến cáo để tránh tình trạng dư thừa sắt. Để biết hàm lượng cần bổ sung thông thường phải làm xét nghiệm máu hoặc sử dụng theo hướng dẫn của Bác sĩ.
  • Uống nhiều nước: đảm bảo uống đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn và giảm nguy cơ nổi mụn. 
  • Bổ sung vitamin C: vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu sắt, nên kết hợp uống sắt với nước ép cam hoặc các loại thực phẩm giàu vitamin C.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, đồng thời hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa để hỗ trợ quá trình làm đẹp từ bên trong.
  • Duy trì lối sống lành mạnh: thường xuyên hoạt động thể chất với cường độ vừa phải để cải thiện lưu thông máu và sức khỏe làn da, đồng thời vệ sinh da sạch sẽ trước và sau khi tập luyện để ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông. Hạn chế căng thẳng vì yếu tố này có thể làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ: cần hình thành thói quen giặt vỏ gối thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ, rửa mặt 2 lần mỗi ngày và hạn chế đưa tay lên tiếp xúc với da mặt, đặc biệt là làn da đang bị mụn.
cách hạn chế mụn khi uống sắt
Một số biện pháp giúp hạn chế nguy cơ nổi mụn khi uống sắt

Nên làm gì nếu bị nổi mụn khi bổ sung sắt?

Nếu gặp phải tình trạng nổi mụn khi bổ sung sắt, đầu tiên cần xem lại về dạng sắt đang dùng và cách bổ sung sắt hằng ngày có phù hợp chưa. Sau đó có thể cân nhắc đến các phương pháp sau:

  • Chọn loại sắt phù hợp và uống đúng liều lượng khuyến cáo: một số dạng sắt như sắt sulfat khó hấp thu và dễ gây tác dụng phụ hơn. Có thể cân nhắc chuyển sang sắt hữu cơ như sắt chelat hoặc sắt gluconat, ít gây kích ứng và dễ dung nạp hơn.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: hạn chế tuyệt đối thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ và tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi để duy trì làn da khỏe mạnh.
  • Duy trì chăm sóc da hằng ngày đúng cách: rửa mặt hai lần mỗi ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ, tẩy tế bào chết 1 – 2 lần/tuần để ngăn bít tắc lỗ chân lông. Hạn chế sờ tay lên mặt, không tự ý nặn mụn và duy trì sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp để cân bằng độ ẩm, giúp da phục hồi nhanh hơn.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày để cơ thể có thời gian phục hồi và cân bằng hormone. Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga để tăng cường lưu thông máu. Hạn chế căng thẳng vì căng thẳng có thể làm mụn bùng phát.
  • Tham khảo ý kiến Bác sĩ: nếu tình trạng mụn không cải thiện, hãy tham khảo ý kiến Bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng hoặc dạng sắt phù hợp hơn.
thăm khám bác sĩ linh
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị mụn hiệu quả

Nổi mụn khi bổ sung sắt không phải vấn đề đáng lo nếu biết cách điều chỉnh hợp lý từ duy trì chế độ ăn uống khoa học, chăm sóc da đúng cách và lựa chọn loại sắt phù hợp. Thực hiện các yếu tố này đúng cách sẽ giúp bổ sung sắt hiệu quả mà vẫn giữ làn da khỏe đẹp. Nếu đang gặp vấn đề về mụn, đã tìm mọi cách điều trị nhưng không hết, đừng ngần ngại liên hệ Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu thăm khám và tư vấn giải pháp phù hợp nhé!

Tài liệu tham khảo

  1. Trenam, Charles W., et al. “Skin inflammation: reactive oxygen species and the role of iron“. Journal of investigative dermatology. 99.6 (1992): 675-682
  2. Gasche C, Lomer MC, Cavill I, Weiss G. “Iron, anaemia, and inflammatory bowel diseases“. Gut. 2004 Aug;53(8):1190-7. doi: 10.1136/gut.2003.035758
  3. Fisher AE, Naughton DP. “Iron supplements: the quick fix with long-term consequences“. Nutr J. 2004 Jan 16;3:2. doi: 10.1186/1475-2891-3-2

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84