Peel da giúp loại bỏ lớp da chết và kích thích tái tạo da mới, nhưng cũng khiến da trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương. Niacinamide, một thành phần nổi bật trong các sản phẩm chăm sóc da, có khả năng làm dịu, giảm viêm và tăng cường hàng rào bảo vệ da. Vậy sau khi peel da có nên dùng niacinamide? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lợi ích của niacinamide và liệu có nên thêm nó vào quy trình chăm sóc da sau khi peel da hay không.
Tình trạng da sau peel
Peel da là phương pháp sử dụng các hoạt chất hóa học để loại bỏ lớp tế bào ngoài cùng của da, giúp da mềm mại và rạng ngời hơn. Có ba loại peel da chính là peel nông (light peel), peel trung bình (medium peel) và peel sâu (deep peel), mỗi loại có chỉ định và tác động trên da khác nhau.
- Peel da nông: sau peel, da có thể bị đỏ, khô và kích ứng nhẹ. Các triệu chứng này thường giảm dần trong vòng 7 ngày. Da mới sau đó có thể tạm thời sáng hơn hoặc tối màu hơn.
- Peel da trung bình: da sẽ bị đỏ, sưng nhẹ và có thể có cảm giác châm chích. Khi sưng giảm, da bắt đầu đóng mài và có thể trở nên tối màu hoặc xuất hiện vài đốm nâu. Thời gian phục hồi khoảng 7 đến 14 ngày, nhưng triệu chứng đỏ da đôi khi kéo dài đến vài tháng.
- Peel da sâu: thường áp dụng cho các tình trạng da bệnh lý nặng, da sẽ đỏ, sưng phù, có cảm giác bỏng rát và căng tức. Da mới thay trong khoảng 2 tuần, nhưng triệu chứng đỏ da có thể kéo dài hàng tháng. Da có thể trở nên sẫm màu hoặc sáng màu hơn trước.
Sau khi peel, da mất đi lớp tế bào ngoài cùng, làm da mỏng đi, nhạy cảm và dễ kích ứng. Đây là tình trạng bình thường và có thể thuyên giảm nhanh chóng nếu được chăm sóc đúng cách.
Lợi ích của niacinamide đối với làn da
Niacinamide là một thành phần quan trọng trong quá trình chuyển hóa và hô hấp của tế bào, giúp điều hòa tổng hợp DNA, kích thích tái tạo da và tăng trưởng tế bào mới, hỗ trợ da hư tổn và bong tróc. Nhờ vào đó, niacinamide có rất nhiều lợi ích đối với làn da.
Giảm triệu chứng mụn trứng cá
Niacinamide giúp giảm viêm và kiểm soát tuyến bã nhờn, làm giảm mụn trứng cá. Với đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn, niacinamide còn giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và cải thiện tình trạng da dầu hoặc da dễ nổi mụn. Ngoài ra, niacinamide cũng hiệu quả với các loại mụn không viêm như mụn đầu đen và mẩn đỏ.
Tăng cường hàng rào bảo vệ da
Niacinamide củng cố hàng rào bảo vệ da bằng cách thúc đẩy chuyển hóa tế bào trong lớp biểu bì, bảo vệ da khỏi tia UV, khói bụi, và các tác nhân gây hại khác. Nó cũng giúp tổng hợp ceramide, tăng liên kết lipid trong lớp biểu bì, giữ nước và độ ẩm cho da, giảm nguy cơ tổn thương và xâm nhập của vi khuẩn.
Trẻ hóa da, chống lão hóa
Niacinamide kích thích sản xuất collagen và peptide tự nhiên, giúp giảm nếp nhăn, vết chân chim và cải thiện độ đàn hồi của da. Sử dụng niacinamide thường xuyên giúp da sáng hơn, mịn màng hơn và giảm thiểu tác động của ánh nắng mặt trời, nguyên nhân chính gây lão hóa da.
Sau khi peel da có nên dùng niacinamide không?
Sau khi peel da, sử dụng niacinamide là một lựa chọn rất hữu ích. Quá trình peel da khiến làn da trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước các tác động của môi trường như ánh nắng mặt trời và ô nhiễm. Niacinamide có thể giúp giảm viêm, kiểm soát nhờn và giảm dầu thừa hiệu quả.
Hơn nữa, niacinamide còn kích thích sản sinh tế bào mới, phục hồi elastin và collagen, giúp da thêm đàn hồi và săn chắc. Việc này giúp thu nhỏ lỗ chân lông và tăng cường hàng rào bảo vệ da, điều rất cần thiết trong giai đoạn phục hồi sau peel. Do đó, bổ sung niacinamide vào quy trình chăm sóc da sau peel có thể mang lại hiệu quả tích cực và hỗ trợ quá trình phục hồi da tốt hơn.
Những trường hợp không nên dùng niacinamide
Tuy niacinamide được xem như là một thành phần dịu nhẹ và an toàn, tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều có thể sử dụng niacinamide. Những trường hợp dưới đây nên tránh hoặc cần có ý kiến của Bác sĩ, chuyên gia da liễu trước khi quyết định sử dụng niacinamide:
- Người đã có dị ứng với niacinamide trước đó.
- Người có cơ địa da quá nhạy cảm, mỏng yếu.
- Làn da có vết thương hở, sưng viêm nhiều hoặc nổi quá nhiều mụn.
- Da bị kích ứng nhiều, đỏ, châm chích nhiều và kéo dài sau peel.
Lưu ý khi sử dụng niacinamide sau khi peel da
- Chăm sóc da ngay sau khi peel: trong vòng 12 giờ đầu tiên, hãy giữ da khô ráo và không rửa mặt. Sau 12 giờ, có thể rửa mặt nhẹ nhàng bằng nước thường. Từ ngày thứ hai, sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ dành cho da nhạy cảm, tránh sản phẩm chứa xà phòng hoặc hạt mịn để không kích ứng da.
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: việc chống nắng là rất quan trọng sau khi peel da. Chọn kem chống nắng vật lý dành cho da nhạy cảm, với SPF khoảng 30 và có thành phần dưỡng ẩm. Tránh dùng loại có SPF quá cao để giảm nguy cơ kích ứng. Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, và nếu phải ra ngoài, hãy mang mũ rộng vành, khẩu trang bản to và che chắn đầy đủ.
- Dưỡng ẩm cho da: sử dụng các loại kem hoặc serum dưỡng ẩm chứa ceramide, hyaluronic acid và niacinamide. Niacinamide là thành phần dịu nhẹ và an toàn, có thể dùng ngay từ những ngày đầu sau khi peel. Bắt đầu với sản phẩm chứa niacinamide hàm lượng thấp (2 – 5%) và tăng dần khi da không xuất hiện dấu hiệu kích ứng. Sử dụng niacinamide mỗi ngày vào buổi tối và luôn dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt để tránh da bị khô.
- Hạn chế trang điểm: tránh trang điểm trong 1 – 2 tuần đầu sau khi peel, vì mỹ phẩm trang điểm thường chứa hương liệu và các hạt mịn dễ gây kích ứng cho da nhạy cảm. Sau khi da đã hoàn tất quá trình tái biểu mô hóa và phục hồi, có thể trang điểm nhẹ nhàng nếu cần thiết.
- Tránh các hoạt chất mạnh: không sử dụng retinoid, AHA, BHA ngay sau peel vì chúng có thể tăng kích ứng da và can thiệp vào quá trình bong tróc da tự nhiên. Da sau peel cần thời gian để hồi phục và tái tạo lớp ngoài cùng mà không bị can thiệp quá mức.
Việc chăm sóc da đúng cách sau khi peel là rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả của quá trình peel và giúp da phục hồi nhanh chóng, khỏe mạnh.
Sau khi peel, làn da rất nhạy cảm và cần được chăm sóc cẩn thận. Dưỡng ẩm là bước quan trọng, và niacinamide là lựa chọn lý tưởng nhờ tính dịu nhẹ và an toàn. Hãy chọn sản phẩm có hàm lượng niacinamide phù hợp và tránh các thành phần gây kích ứng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường trong quá trình chăm sóc da, hãy đến gặp Bác sĩ Da liễu để được tư vấn kịp thời. Hy vọng bài viết này cung cấp các thông tin hữu ích về chăm sóc da sau peel. Nếu thấy hữu ích, hãy chia sẻ với bạn bè và người thân nhé!
Tài liệu tham khảo
- Soleymani T, Lanoue J, Rahman Z. “A Practical Approach to Chemical Peels: A Review of Fundamentals and Step-by-step Algorithmic Protocol for Treatment“. J Clin Aesthet Dermatol. 2018 Aug;11(8):21-28. Epub 2018 Aug 1. PMID: 30214663; PMCID: PMC6122508
- Anitha B. “Prevention of complications in chemical peeling“. J Cutan Aesthet Surg. 2010 Sep;3(3):186-8. doi: 10.4103/0974-2077.74500. PMID: 21430836; PMCID: PMC3047741
- Samargandy S, Raggio BS. “Chemical Peels for Skin Resurfacing“. 2023 Oct 29. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan–. PMID: 31613532.
- “Chemical peel”. MayoClinic
- “Everything You Should Know About Niacinamide”. Healthline