Điều trị sẹo luôn là chủ đề được quan tâm trong thẩm mỹ da liễu. Trong số các phương pháp điều trị sẹo hiện hành, PRF và PRP đang gây được nhiều sự chú ý. Cả hai phương pháp này đều sử dụng các thành phần được chiết tách từ máu của chính bệnh nhân để thúc đẩy quá trình lành thương và tái tạo tế bào. Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ làm rõ hơn về định nghĩa, hiệu quả trị sẹo và những lưu ý khi sử dụng hai phương pháp này.
PRP là gì?
PRP được gọi là huyết tương giàu tiểu cầu (platelet-rich plasma), là một phương pháp điều trị đã được biết đến từ những năm 1970. PRP được tạo ra bằng cách xử lý máu của bệnh nhân qua quá trình ly tâm, nhằm tách huyết tương cùng với tiểu cầu và các yếu tố tăng trưởng.
Các yếu tố tăng trưởng này có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành và tái tạo mô, giúp cho PRP trở thành một giải pháp hữu ích cho nhiều bệnh lý từ thẩm mỹ da liễu đến y học thể thao. Quá trình thu thập PRP có sử dụng chất kháng đông để ngăn tiểu cầu hoạt hóa trước khi PRP được sử dụng. PRP có hàm lượng tiểu cầu thấp hơn so với PRF nhưng vẫn gấp 2 – 5 lần so với máu toàn phần. Để bắt đầu giải phóng các yếu tố tăng trưởng, PRP cần được kích hoạt bằng calcium chloride hoặc một hoạt chất phù hợp khác, ví dụ như thrombin.
PRF là gì?
PRF, hay còn gọi là fibrin giàu tiểu cầu (platelet-rich fibrin), là bước cải tiến tiếp theo của PRP. Tương tự như PRP, PRF cũng được thu thập bằng một quá trình ly tâm mẫu máu của bệnh nhân, thời gian ly tâm để thu PRF ngắn hơn so với PRP. Bên cạnh đó, PRF không sử dụng chất chống đông hóa học trong quá trình thu thập. Điều này tạo điều kiện sinh ra cấu trúc mạng lưới fibrin tự nhiên và bền vững, bắt giữ các tiểu cầu và bạch cầu. Hàm lượng tiểu cầu trong PRF có thể cao hơn đáng kể so với PRP và cao hơn máu toàn phần, thường là từ 6 đến 10 lần.
Mạng lưới fibrin này sẽ giải phóng chậm các yếu tố tăng trưởng trong thời gian dài hơn so với PRP. Việc loại bỏ chất chống đông hóa học cũng làm hạn chế nguy cơ phản ứng quá mẫn trong điều trị.
Cơ chế trị sẹo của PRP và PRF
PRP và PRF có nhiều điểm tương đồng trong cơ chế điều trị sẹo, cụ thể như sau:
Giải phóng yếu tố tăng trưởng
PRP và PRF đều có thành phần tiểu cầu chiếm tỉ lệ lớn. Tiểu cầu ngoài tác dụng cầm máu, còn sản xuất các yếu tố tăng trưởng như PDGF, IGF-1, TGF-β, VEGF, EGF. Đối với cơ chế này, PRP và PRF có điểm khác biệt:
- Do PRF không sử dụng chất kháng đông và chất kích hoạt, mạng lưới fibrin được sinh ra một cách tự nhiên. Các yếu tố tăng trưởng được giữ trong mạng lưới này sẽ được giải phóng chậm và kéo dài hơn.
- PRP sẽ giải phóng yếu tố tăng trưởng khi được kích hoạt bởi calcium chloride hoặc một chất kích hoạt khác. Quá trình giải phóng yếu tố tăng trưởng của PRP diễn ra nhanh và mạnh mẽ, không kéo dài như PRF.
Kích thích phân bào
Các yếu tố tăng trưởng có tác dụng lên quá trình phân bào, thúc đẩy sự chữa lành và tái tạo mô, nhờ đó có tác dụng giảm sẹo.
Thúc đẩy quá trình hình thành mạch máu mới
Yếu tố tăng trưởng VEGF hỗ trợ quá trình hình thành mạch máu mới (angiogenesis), cải thiện lưu thông máu đến vùng bị tổn thương và tăng cường quá trình chữa lành.
Kích hoạt đại thực bào
Các yếu tố tăng trưởng còn kích hoạt các đại thực bào, qua đó tăng cường hoạt động sửa chữa mô tổn thương.
So sánh ưu điểm và nhược điểm của PRP và PRF
PRP | PRF | |
Ưu điểm |
|
|
Nhược điểm |
|
|
Hiệu quả của PRP và PRF trong điều trị sẹo
Đối với cả sẹo lồi và sẹo lõm, PRP và PRF đều đã được chứng thực về hiệu quả thông qua các nghiên cứu khoa học trên thế giới.
Hiệu quả của PRP trong trị sẹo
Nofal và cộng sự so sánh hiệu quả của 3 phương pháp điều trị là PRP tiêm dưới da, PRP bôi ngoài da kết hợp với lăn kim, CROSS TCA, trên 45 bệnh nhân có sẹo lõm các mức độ khác nhau. Cả ba phương pháp đều cho thấy hiệu quả điều trị sẹo rất mạnh mẽ với tỉ lệ bệnh nhân rất hài lòng sau điều trị đạt 46.7% ở nhóm PRP tiêm dưới da, 60% ở nhóm PRP bôi ngoài da kết hợp lăn kim, và 26.7% ở nhóm CROSS TCA.
Một nghiên cứu do Lee và cộng sự thực hiện trên 14 bệnh nhân Hàn Quốc có sẹo lõm, đánh giá hiệu quả của PRP so với giả dược, kết hợp với laser xâm lấn. Sau 4 tháng, nhóm sử dụng PRP cho thấy mức độ cải thiện cao hơn và hồi phục nhanh hơn sau chiếu laser so với nhóm giả dược.
Jones và cộng sự đã kết hợp phẫu thuật bóc tách đáy sẹo, PRP trong quá trình phẫu thuật và chiếu tia X ngoài da sau phẫu thuật trên 40 bệnh nhân có sẹo lồi. Các bệnh nhân được khuyên sử dụng kem chứa 0.5% hydrocortisone hai lần mỗi ngày trong 3 tháng đầu. Kết quả cho thấy tỉ lệ không tái phát sẹo sau 1 – 3 tháng đạt 95.5%. Nghiên cứu tiếp tục trên 49 bệnh nhân có sẹo lồi vùng tai được theo dõi trong 2 năm, tỉ lệ không tái phát sẹo vẫn đạt ở mức 94%.
Hiệu quả của PRF trong trị sẹo
Krishnegowda và cộng sự đã so sánh hiệu quả của PRF và giả dược (nước muối sinh lý) kết hợp với lăn kim để điều trị sẹo lõm do mụn cho 40 bệnh nhân. Hiệu quả điều trị được đánh giá bằng thang điểm Goodman và Baron (GB), với điểm trung bình trước điều trị là 3.45. Sau 24 tuần, nhóm sử dụng PRF đạt điểm GB là 1.47, trong khi nhóm giả dược là 3.33. Sự giảm điểm đáng kể này cho thấy PRF có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện sẹo, đặc biệt là sẹo dạng lượn sóng.
Diab và cộng sự thực hiện một nghiên cứu so sánh hiệu quả của PRF với PRP, cả hai phương pháp có và không kết hợp với lăn kim trên 30 bệnh nhân có sẹo lõm do mụn. Sau liệu trình 4 buổi, kết quả cho thấy bệnh nhân sử dụng PRF hài lòng hơn rõ rệt so với PRP, bất kể có kết hợp lăn kim hay không. Thang điểm GB cũng cho thấy PRF cải thiện sẹo tốt hơn PRP, tuy nhiên, giữa nhóm PRF và PRP khi không kết hợp lăn kim, mức độ cải thiện không có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê.
Lưu ý khi sử dụng PRF và PRP
Khi sử dụng PRF và PRP, một số điều cần lưu ý bao gồm:
- Lựa chọn bệnh nhân
Không phải ai cũng phù hợp để điều trị bằng PRF hoặc PRP. Bác sĩ Da liễu cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi quyết định điều trị. Các chống chỉ định tuyệt đối bao gồm giảm tiểu cầu nặng, rối loạn chức năng tiểu cầu, rối loạn huyết động, và nhiễm trùng toàn thân hoặc tại chỗ. Các chống chỉ định tương đối bao gồm sử dụng NSAID trong 48 giờ trước đó, tiêm glucocorticoid trong vòng 2 tuần, hút thuốc lá, giảm tiểu cầu nhẹ, bệnh lý ác tính, thiếu máu từ mức độ trung bình trở lên và một số bệnh lý khác.
- Kỹ thuật tiêm
Việc tiêm PRF hoặc PRP đòi hỏi sự chính xác cao để đảm bảo yếu tố tăng trưởng được giải phóng đúng chỗ, đòi hỏi Bác sĩ Da liễu thực hiện phải có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm.
- Chuẩn bị và xử lý mẫu
Việc xử lý mẫu máu để thu thập PRF và PRP phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt để tránh nhiễm trùng và đảm bảo hiệu quả điều trị.
PRF và PRP là hai phương pháp hiệu quả trong tái tạo mô và điều trị sẹo, với chế phẩm được chiết tách từ máu tự thân. Mặc dù có cơ chế tác động tương tự, PRF và PRP khác biệt ở tốc độ và cách giải phóng các yếu tố tăng trưởng. Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy liên hệ Doctor Acnes ngay để được Bác sĩ Da liễu tư vấn và xây dựng liệu trình điều trị phù hợp với tình trạng da của bạn nhé!
Tài liệu tham khảo
- “Platelet-Rich Plasma (PRP) Injections in Sports“. Yale Medicine
- Jain NK, Gulati M. “Platelet-rich plasma: a healing virtuoso“. Blood Res. 2016 Mar;51(1):3-5. doi: 10.5045/br.2016.51.1.3
- Diab NAF, Ibrahim AM, Abdallah AM. “Fluid Platelet-Rich Fibrin (PRF) Versus Platelet-Rich Plasma (PRP) in the Treatment of Atrophic Acne Scars: A Comparative Study“. Arch Dermatol Res. 2023 Jul;315(5):1249-1255. doi: 10.1007/s00403-022-02511-3
- Pavlovic V, Ciric M, et al. “Platelet-rich fibrin: Basics of biological actions and protocol modifications“. Open Med (Wars). 2021 Mar 22;16(1):446-454. doi: 10.1515/med-2021-0259
- Alser OH, Goutos I. “The evidence behind the use of platelet-rich plasma (PRP) in scar management: a literature review“. Scars Burn Heal. 2018 Nov 18;4:2059513118808773. doi: 10.1177/2059513118808773
- Krishnegowda R, Pradhan SN, Belgaumkar VA. “A Split-Face Study to Evaluate Efficacy of Autologous Injectable Platelet-Rich Fibrin With Microneedling Against Microneedling With Normal Saline (Placebo Control) in Atrophic Acne Scars“. Dermatol Surg. 2023 Oct 1;49(10):938-942. doi: 10.1097/DSS.0000000000003893
- Vladulescu D, Scurtu LG, et al. “Platelet-Rich Plasma (PRP) in Dermatology: Cellular and Molecular Mechanisms of Action“. Biomedicines. 2024; 12(1):7
- Dhurat R, Sukesh M. “Principles and Methods of Preparation of Platelet-Rich Plasma: A Review and Author’s Perspective“. J Cutan Aesthet Surg. 2014 Oct-Dec;7(4):189-97. doi: 10.4103/0974-2077.150734
- Dashore S, Chouhan K, et al. “Platelet-Rich Fibrin, Preparation and Use in Dermatology“. Indian Dermatol Online J. 2021 Nov 25;12(Suppl 1):S55-S65. doi: 10.4103/idoj.idoj_282_21
- “Standardization and validation of a conventional high yield platelet-rich plasma preparation protocol“. Annals of Medicine and Surgery