Mụn trứng cá là một tình trạng gây ra do sự tắc nghẽn của các nang lông hoặc các lỗ chân lông, thường xuất hiện nhiều ở lứa tuổi dậy thì cho đến tuổi trưởng thành. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, mụn trứng cá có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề. Một trong những biến chứng mụn trứng cá tuy ít gặp nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ cũng như tâm lý của người bệnh là mụn mạch lươn. Trong bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, biểu hiện và các phương pháp điều trị cho loại mụn này nhé.
Mụn mạch lươn là gì?
Mụn mạch lươn (acne conglobata) hay còn gọi là mụn trứng cá cụm là một dạng mụn trứng cá đặc trưng bởi sự hình thành các ổ viêm nhiễm, ổ mủ, áp xe liên kết thành cụm 2 – 3 ổ, tạo ra các hang hốc với nhiều lỗ dò đi ngoằn ngoèo sâu dưới da, biến dạng rõ rệt.
Các ổ viêm thường được tìm thấy ở mặt, vai, ngực, lưng, cánh tay, mông và đùi. Đây là một tình trạng viêm nhiễm mạn tính, chắc chắn sẽ dẫn đến hình thành sẹo và biến dạng. Mụn mạch lươn có thể phát triển do tình trạng xấu đi đột ngột của mụn trứng cá dạng sẩn hoặc mụn mủ, cũng như có thể xảy ra khi mụn trứng cá tái phát âm thầm trong một khoảng thời gian dài.
Nguyên nhân hình thành mụn mạch lươn
Nguyên nhân chính gây ra mụn mạch lươn vẫn chưa rõ ràng. Sự tạo thành mụn mạch lươn liên quan đến sự tương tác của nhiều yếu tố như hệ vi sinh vật thường trú trên da, sự sừng hóa của nang lông, thay đổi nội tiết tố, sử dụng thuốc, các yếu tố môi trường…
- Sự sừng hóa của nang lông: sự tăng sinh và kết dính quá mức của tế bào sừng ở nang lông dẫn đến sự tích tụ tế bào sừng ở phần trên của nang lông thay vì bong ra như bình thường. Điều này gây ra sự tắc nghẽn của nang lông, dẫn tới sự tích tụ thêm keratin và bã nhờn hình thành nên mụn trứng cá, lâu dần sẽ phát triển thành mụn viêm. Mụn mạch lươn là kết quả cuối cùng của mụn trứng cá với nhiều nang, ổ viêm, áp xe và các đường dò liên kết với nhau.
- Nội tiết tố: các tuyến bã nhờn được kiểm soát chủ yếu bởi các nội tiết tố androgen, điển hình như testosterone, 5α – dihydrotestosterone, dehydroepiandrosterone. Thụ thể của các hormone này được tìm thấy trong các tế bào tuyến bã nhờn của nang lông. Nồng độ của hormone trong máu tăng dần khi bước vào tuổi dậy thì, do đó mụn trứng cá nói chung cũng như mụn mạch lươn nói riêng có xu hướng diễn ra từ tuổi dậy thì đến khi trưởng thành, đặc biệt là ở nam giới và phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- Hệ vi sinh vật thường trú trên da: C. acnes là một loại vi khuẩn hội sinh trên da được tìm thấy sâu bên trong các nang lông, tuyến bã nhờn. Vai trò của C. acnes trong cơ chế bệnh sinh đã được nghiên cứu trong nhiều năm gần đây. Các nghiên cứu cho rằng sự hình thành mụn không liên quan đến số lượng vi khuẩn thường trú trên da mà liên quan đến các phân nhóm của C. acnes. Cụ thể, các phân nhóm II và III được cho là có vai trò bảo vệ sự cân bằng của da, tuy nhiên phân nhóm I dường như khả năng gây bệnh cao hơn nếu mất cân bằng so với hai nhóm còn lại. Những người mắc mụn mạch lươn được ghi nhận có sự thay đổi trong hoạt động của hệ khuẩn thường trú với sự phát triển cao hơn của Cutibacteria nhóm I, tuy nhiên nguyên nhân của sự thay đổi này vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
- Bệnh lý hệ thống: mụn mạch lươn có thể xảy ra kèm theo tình trạng viêm toàn thân gặp trong một số hội chứng như hội chứng SAPHO (viêm màng hoạt dịch, mụn trứng cá, mụn mủ, phì đại xương, viêm xương), hội chứng PAPA (viêm khớp mủ, viêm da mủ hoại thư, mụn trứng cá)…
- Sử dụng thuốc: thuốc điều trị các bệnh lý tuyến giáp hay các sản phẩm hydrocarbon vòng có chứa halogen có thể gây mụn mạch lươn ở một số cá nhân có cơ địa nhạy cảm.
- Các yếu tố môi trường khác: tiếp xúc môi trường nhiều bụi bẩn, nấm mốc, các hóa chất trong mỹ phẩm, các hành động gây tổn thương da như gãi, cào, nặn, điều trị mụn không đúng cách… cũng là các yếu tố có thể gây nặng nề hơn tình trạng mụn trứng cá gây nên mụn mạch lươn.
Biểu hiện của mụn mạch lươn
Mụn mạch lươn được đặc trưng bởi các dấu hiệu và các triệu chứng như:
- Mụn mọc thành cụm, ngứa, sưng tấy đỏ, chủ yếu ở mặt, vai, lưng, ngực, bắp tay, mông đùi.
- Các nốt mụn hình thành dạng nang lớn, dạng đường hoặc dạng chuỗi.
- Đau và nhức khi chạm vào các nang.
- Các nang chứa dịch mủ có mùi hôi.
- Đóng vảy ở các mụn vỡ hoặc mô viêm.
- Do hình thành các “đường hầm” dưới da nên mụn mạch lươn khi vỡ có thể dẫn đến sẹo nghiêm trọng. Trong những trường hợp mãn tính, sẹo có thể bị biến dạng như dạng teo hoặc dạng phì đại.
- Các nốt mụn chậm lành, có thể tiếp tục lan ra bên ngoài sang các vùng da lành khác.
Các phương pháp điều trị mụn mạch lươn
Điều trị nội khoa
- Isotretinoin: sử dụng isotretinoin đường uống là phương pháp điều trị nội khoa hiệu quả hàng đầu. Isotretinoin là một loại retinoid, giúp hạn chế lượng bã nhờn có trong lỗ chân lông. Đây là loại thuốc kê toa, cần được tham vấn bởi Bác sĩ, không nên tự ý sử dụng, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản vì thuốc này được ghi nhận có khả năng gây quái thai.
- Kháng viêm steroid: dùng steroid đường uống, ví dụ như prednisone, giúp giảm tình trạng viêm trong điều trị mụn mạch lươn, đặc biệt trong trường hợp có các triệu chứng toàn thân hoặc trong trường hợp khởi phát mụn trứng cá tối cấp sau khi sử dụng isotretinoin.
- Kháng sinh: các kháng sinh thuộc nhóm tetracycline đường uống như minocycline hoặc doxycycline có thể được dùng để điều trị thay thế cho isotretinoin. Lưu ý không dùng kết hợp isotretinoin và kháng sinh nhóm tetracycline vì làm tăng nguy cơ giả u não.
- Các liệu pháp tại chỗ: chỉ dùng các điều trị tại chỗ đơn độc sẽ không hiệu quả trong điều trị mụn mạch lươn. Tuy nhiên, nếu sử dụng kết hợp với các thuốc đường uống có thể làm tăng hiệu quả điều trị. Retinoid tại chỗ không hiệu quả bằng retinoid đường uống nhưng có thể được sử dụng như một biện pháp bỗ trợ. Benzoyl peroxide nồng độ cao có thể được sử dụng để loại bỏ bã nhờn và các tế bào da chết.
>>> Xem thêm: Có nên uống isotretinoin để điều trị mụn
Điều trị ngoại khoa
Nếu tình trạng mụn mạch lươn không thuyên giảm sau khi điều trị nội khoa, việc loại bỏ các ổ nhiễm trùng bằng các phương pháp ngoại khoa là điều cần thiết. Có thể tiến hành hút, dẫn lưu dịch mủ, máu đối với những nang chứa nhiều dịch hay xuất huyết hoặc có thể tiến hành cắt bỏ đối với những nang lớn, dai dẳng, liên kết chặt với nhau. Ngoài ra, một số phương pháp hiện nay như liệu pháp áp lạnh, tiêm triamcinolone vào vết thương cũng được chứng minh có thể có hiệu quả.
Hỗ trợ tâm lý
Mụn mạch lươn là một bệnh lý mãn tính, gây ảnh hưởng nặng nề không chỉ đến thể chất mà còn đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. Vì vậy, hỗ trợ tâm lý là một thành phần quan trọng của điều trị hiệu quả. Tham gia tư vấn hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ có thể giúp các bản thân đối phó với những tổn thất về mặt tinh thần do mụn trứng cá. Bệnh nhân cần được giáo dục về tình trạng bệnh, các lựa chọn điều trị và tầm quan trọng của việc tuân thủ các lộ trình điều trị đã đề ra.
Chăm sóc da khi bị mụn mạch lươn
Để tối ưu hóa điều trị mụn mạch lươn, ngoài tuân thủ lộ trình điều trị của Bác sĩ, bệnh nhân cũng cần chủ động chăm sóc cho làn da của bản thân để tránh tình trạng mụn nặng hơn cũng như giảm khả năng tái phát sau này.
- Không cạy, gãi, nặn mụn, không tự ý dùng thuốc hay đắp lá lên vết thương vì có thể khiến mụn lan rộng, vi khuẩn dễ xâm nhập làm nặng hơn tình trạng nhiễm trùng.
- Vệ sinh da nhẹ nhàng giúp loại bỏ dầu nhờn, tế bào da chết, tránh dùng tay cọ xát lên bề mặt da.
- Thay đổi chế độ sinh hoạt như tập thể dục, giảm cân, tránh thức khuya, giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng kéo dài.
- Thay đổi chế độ ăn như đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, không ăn đồ cay nóng, chiên rán, dầu mỡ, đồ ngọt, không dùng các chất kích thích…
Mụn mạch lươn là một tình trạng da liễu nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả đối với mụn mạch lươn, giúp bệnh nhân có thể đạt được sự cải thiện đáng kể về tình trạng da cũng như chất lượng cuộc sống. Điều trị mụn mạch lươn là một quá trình lâu dài, bên cạnh việc lựa chọn liệu pháp phù hợp, cần sự kiên trì, tuân thủ của bệnh nhân, kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tâm lý và thay đổi lối sống để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị.
Hi vọng qua bài viết này, Doctor Acnes đã mang đến cho bạn những kiến thức cơ bản mụn mạch lươn và các phương pháp điều trị. Việc nhận biết và điều trị sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh này. Do đó, nếu các bạn lo lắng về tình trạng mụn trứng cá dai dẳng, diễn tiến nặng hay xuất hiện những dấu hiệu của mụn mạch lươn, hãy đến khám tại các bệnh viện hoặc Phòng khám Da liễu sớm nhất để được Bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- Hafsi W, Arnold DL, Kassardjian M. “Acne Conglobata“. NIH
- “Acne Conglobata”. Medscape
- “Acne Conglobata: An overview and Effective Management Strategies”. Dermatologytimes
- “How to identify and treat acne conglobata”. Verywellhealth