Bật mí cách chăm sóc vết thương mau lành và không để lại sẹo

Ngày 22/01/2025. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Các vết thương ngoài da dù nông hay sâu nếu không được chăm sóc đúng cách có thể sẽ bị nhiễm trùng, lâu lành và dễ để lại sẹo. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu cách làm vết thương mau lành, không để lại sẹo hiệu quả qua bài viết này nhé!

Nguyên nhân khiến vết thương dễ để lại sẹo

Sẹo có thể hình thành từ các vết cắt, trầy xước, bỏng hoặc những vết thương nghiêm trọng hơn như bị nghiền nát.

Tất cả các vết thương đều trải qua nhiều giai đoạn hồi phục, từ cầm máu, thực bào tiêu diệt khuẩn, loại bỏ tế bào bị tổn thương và tái tạo mô mới. Những vết thương sạch, không bị tổn thương mô rộng hoặc nhiễm trùng thường mất khoảng 4 – 6 tuần để lành lại. 

Tuy nhiên, mô sẹo mất nhiều thời gian hơn để hình thành và chữa lành. Mô sẹo cũng sẽ không bao giờ đạt được độ đàn hồi hoàn hảo như da bình thường. Sau khoảng 11 – 14 tuần, mô sẹo chỉ đạt được khoảng 80% độ đàn hồi ban đầu.

vết thương dễ để lại sẹo
Sẹo có thể hình thành từ các vết cắt, trầy xước, bỏng hoặc những vết thương nghiêm trọng hơn

Các nguyên nhân khiến vết thương dễ để lại sẹo bao gồm:

  • Nhiễm trùng tại vết thương

Nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân chính kéo dài thời gian lành vết thương và làm tăng nguy cơ hình thành sẹo. Sự xâm nhập của vi khuẩn vào vùng tổn thương có thể gây viêm, kích thích sản xuất quá mức collagen, dẫn đến sẹo lồi hoặc sẹo phì đại.

  • Độ sâu và mức độ tổn thương

Vết thương tới lớp trung bì của da hoặc sâu hơn có nguy cơ cao để lại sẹo do cần thời gian tái tạo dài hơn và lượng collagen lớn để phục hồi cấu trúc da.

  • Chăm sóc vết thương không đúng cách

Việc không giữ vệ sinh vết thương, chẳng hạn như không làm sạch hoặc băng bó vết thương không đúng cách, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và viêm nhiễm. Đồng thời, nếu không giữ ẩm cho vết thương, môi trường khô xung quanh sẽ cản trở quá trình lành và làm tăng nguy cơ hình thành sẹo.

  • Tác động cơ học lên vết thương

Các tác động cơ học như cọ xát, kéo căng hoặc gãi tại vùng tổn thương làm gián đoạn quá trình lành, dẫn đến tổn thương tái diễn và tăng nguy cơ hình thành sẹo. Việc bóc lớp mài trước khi vết thương hoàn toàn lành cũng gây nguy cơ để lại sẹo cao.

  • Thiếu hụt dinh dưỡng

Các vi chất như vitamin C, vitamin E, kẽm và protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành vết thương. Sự thiếu hụt các chất này có thể kéo dài thời gian hồi phục và làm tăng nguy cơ sẹo.

  • Vị trí vết thương

Vết thương tại các vùng da thường xuyên cử động như khuỷu tay, đầu gối hoặc vùng da mỏng như mặt, cổ có xu hướng dễ để lại sẹo.

Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời làm tăng nguy cơ vùng da đang tái tạo bị thâm do tia UV kích thích hình thành sắc tố melanin.

  • Bệnh lý nền

Các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch hoặc rối loạn mô liên kết làm suy giảm khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, dẫn đến tăng nguy cơ hình thành sẹo.

  • Yếu tố cơ địa và di truyền

Đối với cơ địa dễ hình thành sẹo lồi hoặc sẹo phì đại thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát quá trình tái tạo da sau tổn thương.

nhiễm trùng vết thương có thể tạo sẹo
Nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân chính kéo dài thời gian lành vết thương và làm tăng nguy cơ hình thành sẹo

Các bước chăm sóc vết thương để mau lành và hạn chế sẹo

Khi có vết thương hở nên luôn tuân thủ các bước sau để vết thương mau lành và hạn chế để lại sẹo:

  • Bước 1: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
  • Bước 2: dùng lực nhấn vào vết thương để cầm máu.
  • Bước 3: rửa sạch vết thương bằng nước sạch và dung dịch nước muối sinh lý sau khi máu đã ngừng chảy.
  • Bước 4: kiểm tra vết thương để loại bỏ dị vật và bụi bẩn.
  • Bước 5: sát khuẩn vết thương bằng povidone-iodine và rửa sạch bằng nước muối sinh lý, sau đó thoa thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Bước 6: đóng vết thương lại và băng bằng băng dính hoặc miếng dán y tế.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nên kiểm tra vết thương mỗi 24 giờ. Việc này bao gồm tháo băng và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng. Sau đó, tái khử trùng vết thương, lau khô và băng lại bằng băng dính hoặc miếng dán y tế mới.

Một vết thương kín nhưng không vô trùng có thể giữ vi khuẩn và gây nhiễm trùng nặng hơn. Vì vậy, khi có vết thương không sạch hoặc vết thương bị nhiễm trùng, nên để hở vết thương cho đến khi có thể làm sạch hoặc nhiễm trùng được loại bỏ.

các bước chăm sóc vết thương
Các bước chăm sóc vết thương để mau lành và hạn chế sẹo

Nên làm gì nếu vết thương đã hình thành sẹo?

Khi vết thương chưa lành, việc sử dụng thuốc mỡ hoặc kem kháng sinh không kê đơn (OTC) có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình hồi phục. Những sản phẩm này có thể dễ dàng tìm thấy tại các nhà thuốc.

Còn khi sẹo lồi hoặc sẹo phì đại đã hình thành, có thể áp dụng một số phương pháp sau để làm giảm kích thước và hạn chế tình trạng tăng sắc tố:

  • Điều trị bằng thuốc bôi trị sẹo: sử dụng các loại gel và kem làm mềm sẹo kết hợp với băng nén có thể giúp làm phẳng và cải thiện hình dáng của sẹo.
  • Tiêm corticoid: giúp làm mềm các mô sẹo và giảm kích thước của sẹo lồi. Khuyến cáo trì hoãn tiêm corticoid sau 3 – 6 tháng tùy theo tình trạng da sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc làm mờ sẹo.
  • Liệu pháp laser: không chỉ giúp làm phẳng và làm mềm sẹo mà còn điều trị các vấn đề về sắc tố da, làm sáng những vùng da bị đổi màu do sẹo.
  • Phẫu thuật cắt bỏ sẹo: hiệu quả với những sẹo lớn và cứng đầu. Tuy nhiên, phương pháp này cần phải được thực hiện tại Bệnh viện.
một số phương pháp trị sẹo
Một số phương pháp làm giảm kích thước sẹo và hạn chế tình trạng tăng sắc tố

Lưu ý chăm sóc vết thương để ngăn ngừa sẹo hiệu quả

Để thực hiện hiệu quả các phương pháp chăm sóc vết thương, hãy lưu ý một vài điểm sau:

  • Luôn giữ vết thương sạch sẽ

Nhẹ nhàng rửa vùng da bị thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn và mảnh mô vụn. Hãy sát khuẩn vùng tổn thương bằng povidone-iodine và lau khô nhẹ nhàng bằng bông gạc vô khuẩn.

Lưu ý rằng không nên dùng rượu, nước muối đậm đặc khi vệ sinh vết thương lúc này bởi các mô của vết thương đang rất nhạy cảm, rất dễ bị kích ứng, đồng thời làm vùng da tại vết thương lâu lành hơn.

giữ vết thương sạch sẽ
Luôn giữ vết thương sạch sẽ bằng cách nhẹ nhàng rửa vùng da bị thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn và mảnh mô vụn
  • Sử dụng gel silicon để giữ ẩm vết thương

Gel silicon ngăn vết thương khô và hình thành vảy vì vết thương có vảy lâu lành hơn. Điều này cũng giúp ngăn sẹo trở nên quá lớn, sâu hoặc ngứa. Nếu vết thương được vệ sinh hằng ngày thì có thể không cần sử dụng thuốc mỡ hoặc kháng sinh.

  • Băng bó vết thương

Việc này giúp ngăn ngừa vi khuẩn, bụi bẩn và chất kích ứng xâm nhập vào vết thương, gây sưng, viêm, nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc băng bó còn giúp vết thương duy trì được độ ẩm cần thiết để mau liền da hơn.

Lưu ý khi băng bó vết thương là không băng quá chặt hay quá lỏng. Nếu băng quá chặt có thể làm máu không đến nuôi được vị trí tổn thương dẫn tới lâu lành, thậm chí hoại tử vết thương. Còn băng quá lỏng thì không đủ để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn, bụi bẩn. Khi băng vết thương, có thể bôi thêm một ít thuốc mỡ để ngăn ngừa nhiễm trùng, hạn chế khả năng hình thành sẹo và thay băng mỗi 24 giờ.

Đối với vết xước lớn, vết loét, vết bỏng hoặc mẩn đỏ dai dẳng, có thể hữu ích khi sử dụng miếng dán hydrogel hoặc gel silicon. Nếu da nhạy cảm với chất kết dính, hãy thử dùng miếng gạc chống dính.

  • Tránh gãi hoặc bóc vảy vết thương

Vết thương đang lành có thể ngứa ngáy và hơi khó chịu nhưng nên tránh việc gãi. Gãi hoặc bóc vảy vết thương sẽ làm tái nhiễm, khiến khả năng để lại sẹo cao hơn. Cách không để lại sẹo tốt nhất là để cho lớp vảy, lớp mài này bong ra tự nhiên.

tránh gãi vết thương
Gãi hoặc bóc vảy vết thương sẽ làm tái nhiễm, khiến khả năng để lại sẹo cao hơn
  • Tuân thủ theo lời khuyên của Bác sĩ

Nếu vết thương cần khâu, hãy làm theo lời khuyên của Bác sĩ về cách chăm sóc vết thương và thời điểm cắt chỉ. Điều này có thể giúp giảm thiểu sự xuất hiện của sẹo.

  • Thoa kem chống nắng lên vết thương sau khi vết thương đã lành 

Kem chống nắng có thể giúp làm giảm tình trạng tăng sắc tố và giúp vết sẹo mờ nhanh hơn. Luôn sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 30 trở lên và thoa lại thường xuyên.

thoa kem chống nắng bảo vệ vết thương
Kem chống nắng có thể giúp làm giảm tình trạng tăng sắc tố và giúp vết sẹo mờ nhanh hơn
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học

Những thực phẩm cần tránh để ngăn ngừa hình thành sẹo:

Đường: đặc biệt là đường trong thực phẩm chế biến sẵn và chất tạo ngọt nhân tạo sẽ kích thích phản ứng viêm kéo dài làm tăng sự sản sinh collagen không kiểm soát, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi, sẹo phì đại.

Thực phẩm giàu nitrat: các thực phẩm như rau muống, thịt xông khói, xúc xích… chứa nhiều nitrat, khiến vết thương lâu lành và dễ để lại sẹo.

Những thực phẩm cần bổ sung để vết thương mau lành và không để lại sẹo:

Protein: protein có nhiều trong thịt, đặc biệt là các loại rau như rau mùi tây, rau bina, rau cải xoăn và các loại đậu như đậu nành, đậu phộng.

Vitamin: bao gồm vitamin A, B, C có nhiều trong cá, trứng, các loại rau màu xanh đậm, trái cây họ cam quýt, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…

Kẽm: kẽm là vi chất quan trọng giúp vết thương mau lành và giảm sự hình thành của sẹo. Kẽm có nhiều trong trứng, cá, yến mạch, các loại đậu và hạt.

Sẹo do vết thương để lại có thể làm mất đi vẻ tự nhiên của làn da và khiến sự tự tin bị ảnh hưởng, tuy nhiên điều này có thể phòng ngừa và điều trị được. Việc kết hợp chăm sóc vết thương đúng cách, áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả và duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp ngăn ngừa và hạn chế tối đa nguy cơ hình thành sẹo. Đừng quên theo dõi Doctor Acnes để khám phá thêm nhiều bí quyết chăm sóc da hiệu quả giúp làn da luôn rạng ngời và khỏe mạnh!

Tài liệu tham khảo

  1. What to know about types of wound healing“. MedicalNewsToday
  2. What to know about open wound care“. MedicalNewsToday
  3. 6 ways to make a wound heal faster“. MedicalNewsToday
  4. How to Prevent Scarring“. Cleveland Clinic
  5. Proper wound care: How to minimize a scar“. AAD
  6. Everyday Cuts and Scrapes: How to Prevent Scarring“. Johns Hopkins Medicine

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84