Mụn không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn làm giảm tự tin trong giao tiếp hằng ngày. Trong quá trình điều trị mụn, ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu, việc bổ sung vitamin cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe làn da. Vậy những loại vitamin nào người bị mụn nên bổ sung cũng như cần lưu ý gì khi bổ sung vitamin? Hãy cùng Doctor Acnes khám phá trong bài viết dưới đây.
Vitamin có tác dụng thế nào đối với làn da bị mụn?
Vitamin là các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, giúp duy trì và cải thiện chức năng của các cơ quan, trong đó có da. Đặc biệt, vitamin giúp tăng cường sức đề kháng cho da, giảm viêm nhiễm và hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào da.
Khi bị mụn, làn da thường bị viêm, dễ kích ứng và cần sự chăm sóc đặc biệt. Việc bổ sung vitamin thông qua thực phẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc da chứa vitamin có thể giúp cải thiện làn da bị mụn, hỗ trợ làm lành vết thương, giảm viêm và ngăn ngừa mụn tái phát.
Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng vitamin một cách hợp lý và kết hợp với các phương pháp điều trị mụn khác để đạt hiệu quả tốt nhất.
Bị mụn nên uống vitamin gì?
Sau đây là một số loại vitamin đặc biệt hữu ích cho làn da mụn:
Vitamin A
Vitamin A khi được hấp thu vào cơ thể, sẽ chuyển hóa thành retinol và được vận chuyển đến các cơ quan, mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Vitamin A giúp điều tiết quá trình sản xuất bã nhờn, giảm thiểu tắc nghẽn lỗ chân lông và ngăn ngừa sự hình thành mụn.
Không chỉ vậy, vitamin A còn thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, giúp làm mờ các vết thâm do mụn để lại, mang lại làn da đều màu và mịn màng hơn.
Liều lượng vitamin A khuyến nghị cho nam giới từ 14 tuổi trở lên khoảng 900 mcg, trong khi phụ nữ cần 700 mcg mỗi ngày. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần liều lượng cao hơn, từ 750 – 1300 mcg tùy vào độ tuổi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bổ sung vitamin A quá mức có thể gây ngộ độc, vì vậy việc tuân thủ liều lượng khuyến nghị là rất quan trọng.
Những nguồn thực phẩm tự nhiên giàu vitamin A bao gồm bí đỏ, cà rốt, dưa hấu… là những lựa chọn tuyệt vời để bổ sung dưỡng chất này cho cơ thể.
Vitamin C
Vitamin C mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho làn da mụn, giúp chống lại vi khuẩn gây mụn, giảm viêm sưng nhờ đặc tính chống oxy hóa. Bên cạnh đó, vitamin C có khả năng làm sáng da và mờ vết thâm do mụn để lại, giúp làn da trở nên đều màu và mịn màng hơn.
Một lợi ích quan trọng khác của vitamin C là kích thích sự sản sinh collagen, giúp da duy trì độ đàn hồi và giảm thiểu sự hình thành sẹo mụn. Sử dụng vitamin C thường xuyên còn giúp giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa sớm, bảo vệ da khỏi tổn thương dưới tác động của môi trường, ngăn ngừa viêm nhiễm.
Liều lượng vitamin C cần thiết hằng ngày cho nam giới từ 14 tuổi trở lên là 90 mg và phụ nữ là 75 mg. Phụ nữ mang thai cần 80 – 85 mg, trong khi phụ nữ cho con bú cần 115 – 120 mg.
Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin C, vì vậy phải bổ sung vitamin C qua các thực phẩm tự nhiên như cam, quýt, dâu tây hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa vitamin C như serum, kem dưỡng hoặc viên uống với liều lượng khuyến nghị để tránh tác dụng phụ.
Vitamin E
Vitamin E là một dưỡng chất thiết yếu cho làn da mụn, mang lại nhiều lợi ích vượt trội trong việc cải thiện tình trạng da. Với khả năng kháng viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, vitamin E giúp làm dịu các vùng da bị mụn viêm, giảm sưng tấy và bảo vệ da khỏi các tác động xấu từ môi trường như tia UV, ô nhiễm, đồng thời ngăn ngừa lão hóa da.
Vitamin E cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ ẩm tự nhiên cho da, ngăn ngừa tình trạng khô và bong tróc, đặc biệt đối với làn da bị khô do sử dụng các sản phẩm trị mụn mạnh.
Liều lượng vitamin E cần thiết hằng ngày cho nam giới và phụ nữ từ 14 tuổi trở lên là 15 mg. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 15 – 19 mg.
Vitamin E có thể bổ sung qua thực phẩm như hạt, dầu thực vật, rau xanh và quả bơ hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa vitamin E, giúp da hấp thu hiệu quả mà không gây bít tắc lỗ chân lông. Khi bổ sung bằng viên uống, cần tuân thủ liều lượng khuyến nghị để tránh tác dụng phụ như chảy máu hoặc rối loạn đông máu.
Vitamin D
Ngoài giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu canxi, giúp xương chắc khỏe thì vitamin D còn mang lại nhiều lợi ích cho làn da mụn. Vitamin D có nhiều đặc tính kháng khuẩn, giúp tăng cường khả năng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể bằng cách điều chỉnh việc sản xuất các peptide kháng khuẩn.
Điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch, tăng cường khả năng chống lại vi khuẩn gây mụn, làm dịu các vùng da sưng đỏ, cân bằng lượng dầu thừa trên da và giảm nguy cơ hình thành mụn.
Liều lượng vitamin D cần thiết hằng ngày cho người có độ tuổi từ 1 – 70 là 600 IU, người trên 70 tuổi cần 800 IU. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 600 IU mỗi ngày.
Vitamin D có thể bổ sung qua ánh sáng mặt trời, thực phẩm như cá béo, trứng, sữa, viên uống hoặc các sản phẩm chăm sóc da chứa vitamin D. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều lượng khuyến nghị để tránh nguy cơ quá liều và các tác dụng phụ như tăng canxi trong máu.
Vitamin B6 (pyridoxine)
Vitamin B6 (pyridoxine) mang lại nhiều lợi ích cho làn da mụn nhờ khả năng điều hòa các quá trình sinh lý trong cơ thể, giúp cân bằng hormone. Đặc biệt là trong chu kỳ kinh nguyệt, giảm mụn nội tiết bằng cách ổn định mức độ androgen, từ đó ngăn ngừa tiết bã nhờn và tắc nghẽn lỗ chân lông.
Ngoài ra, vitamin B6 có tác dụng kháng viêm, giúp làm giảm sưng tấy và viêm nhiễm do mụn, đặc biệt là mụn viêm hoặc mụn mủ. Vitamin B6 còn giúp cải thiện độ ẩm và làm dịu da khô, bong tróc, hỗ trợ làn da phục hồi nhanh chóng sau tổn thương do mụn.
Liều lượng vitamin B6 cần thiết hằng ngày cho nam giới từ 14 tuổi trở lên là 2 mg và phụ nữ là từ 1.2 – 1.7 mg. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 1.9 – 2 mg mỗi ngày.
Để bổ sung vitamin B6, có thể sử dụng thực phẩm như thịt gia cầm, cá, chuối, khoai tây, hạt hướng dương hoặc ngũ cốc nguyên hạt, cũng như các sản phẩm chăm sóc da chứa vitamin B6 để tối ưu hóa hiệu quả điều trị mụn. Khi bổ sung bằng viên uống, cần tuân thủ liều lượng khuyến nghị để tránh tác dụng phụ như tổn thương thần kinh.
Vitamin B3 (niacin)
Vitamin B3, đặc biệt là niacinamide, là một thành phần tuyệt vời trong việc chăm sóc da mụn nhờ khả năng kháng viêm hiệu quả, giúp làm dịu các vùng da sưng tấy và viêm, đặc biệt là mụn mủ và mụn bọc. Niacinamide còn giúp tăng cường hàng rào bảo vệ da và điều chỉnh lượng dầu thừa trên da, giảm nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn hình thành.
Bên cạnh đó, vitamin B3 cũng hỗ trợ làm sáng da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào và làm lành các tổn thương do mụn, mang lại làn da mịn màng và săn chắc.
Liều lượng vitamin B3 cần thiết hằng ngày cho nam giới và phụ nữ từ 14 tuổi trở lên là 14 – 16 mg. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 17 – 18 mg mỗi ngày.
Vitamin B3 có thể bổ sung qua thực phẩm như thịt gia cầm, cá, ngũ cốc, hạt, đậu hoặc qua các sản phẩm chăm sóc da chứa niacinamide. Khi bổ sung bằng viên uống, cần tuân thủ đúng liều lượng khuyến nghị để tránh các tác dụng phụ như nóng bừng da, rối loạn tiêu hóa hoặc tổn thương gan.
Xem thêm các bài viết liên quan
Lưu ý khi bổ sung vitamin cho da mụn
Bổ sung vitamin sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho làn da và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, cần lưu ý những điểm sau để đảm bảo an toàn:
- Bổ sung với liều lượng phù hợp: việc bổ sung vitamin phải theo đúng liều lượng khuyến cáo. Dù vitamin có lợi cho da, nhưng việc sử dụng quá liều có thể gây tác dụng phụ, thậm chí gây hại cho cơ thể.
- Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh: vitamin sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh. Hãy bổ sung nhiều rau củ, trái cây và các thực phẩm giàu chất xơ để hỗ trợ quá trình điều trị mụn.
- Không thay thế điều trị chuyên sâu: vitamin là một phần hỗ trợ, không thể thay thế các phương pháp điều trị mụn chuyên sâu như thuốc trị mụn hay liệu trình chăm sóc da từ Bác sĩ Da liễu.
- Hãy kiên nhẫn: việc bổ sung vitamin cần thời gian để có thể thấy được sự thay đổi rõ rệt trên da. Hãy kiên nhẫn và kết hợp các biện pháp chăm sóc da hợp lý để có hiệu quả tốt nhất.
Bổ sung vitamin đúng cách không chỉ giúp cải thiện sức khỏe làn da mà còn hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi da mụn. Để đạt hiệu quả tối ưu, hãy kết hợp với chế độ ăn uống và chăm sóc da hợp lý. Nếu vẫn gặp khó khăn trong việc điều trị mụn, đừng ngần ngại liên hệ Doctor Acnes qua hotline 07 0838 0878 để được tư vấn và thiết kế phác đồ điều trị mụn phù hợp, giúp bạn nhanh chóng có lại làn da khỏe mạnh và tự tin.
Tài liệu tham khảo
- Cook M, Perche P, Feldman S. “Oral Vitamin A for Acne Management: A Possible Substitute for Isotretinoin“. J Drugs Dermatol. 2022 Jun 1;21(6):683-686. doi: 10.36849/JDD.6781
- Coerdt KM, Goggins CA, Khachemoune A. “Vitamins A, B, C, and D: A Short Review for the Dermatologist“. Altern Ther Health Med. 2021 Jul;27(4):41-49
- Zamil DH, Perez-Sanchez A, Katta R. “Acne related to dietary supplements“. Dermatol Online J. 2020 Aug 15;26(8):13030/qt9rp7t2p2