Khi sử dụng BHA, nhiều người thường gặp phải hiện tượng đẩy mụn – một phản ứng tự nhiên của da trong quá trình làm sạch sâu. Vậy BHA đẩy mụn trong bao lâu và chăm sóc thế nào để làn da vượt qua giai đoạn khó chịu này và nhanh chóng lấy lại vẻ mịn màng? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Giới thiệu về BHA
BHA là gì?
BHA là tên viết tắt của β-hydroxy acid (hay beta hydroxy acid) là thành phần thường gặp trong các sản phẩm trị mụn. BHA được lưu thông trên thị trường bao gồm acid salicylic, acid β-hydroxybutanoic, acid tropic, acid trethocanic. Trong đó, BHA phổ biến nhất là acid salicylic, phần lớn được chiết xuất từ vỏ cây liễu, dầu của cây lộc đề xanh.
Tác dụng của BHA lên da
Công dụng phổ biến của BHA là tẩy tế bào chết, với cơ chế làm giảm độ bám, phá vỡ liên kết giữa các tế bào sừng (tế bào chết) nhưng không làm thay đổi độ dày lớp biểu bì. Do đó BHA có tác dụng loại bỏ tế bào chết mà không gây bào mòn, giúp cải thiện cấu trúc da, mang lại làn da trẻ trung, mềm mại.
Ngoài ra, acid salicylic có đặc tính tan tốt trong dầu, không chỉ xâm nhập vào lớp biểu bì mà còn đi sâu vào bên trong lỗ chân lông, từ đó có khả năng hòa tan dầu nhờn, loại bỏ bụi bẩn, làm sạch sâu, thu nhỏ lỗ chân lông và hỗ trợ điều trị mụn. Acid salicylic nồng độ 0,5% – 2% là một trong năm liệu pháp điều trị mụn trứng cá không kê đơn (OTC) được phê duyệt bởi FDA.
Hiện tượng đẩy mụn khi sử dụng BHA là gì?
Hiện tượng đẩy mụn (purging) khi sử dụng BHA là phản ứng tự nhiên của da trong giai đoạn đầu áp dụng sản phẩm chứa BHA vào quy trình chăm sóc da.
BHA là một loại acid tẩy tế bào chết hoạt động sâu trong lỗ chân lông, loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn và tế bào chết.
Khi BHA xâm nhập sâu vào da, nó có khả năng đẩy các tạp chất và mụn ẩn bên dưới lên bề mặt, khiến làn da xuất hiện nhiều mụn hơn trong thời gian ngắn.
Quá trình đẩy mụn thường đi kèm với sự xuất hiện tạm thời của các loại mụn như mụn đầu trắng, mụn đầu đen và mụn ẩn. Điều này xảy ra vì BHA thúc đẩy tốc độ tái tạo tế bào da, đẩy nhanh chu kỳ của các tế bào và làm nổi những nốt mụn tiềm ẩn nhanh chóng.
Dù hiện tượng này có thể khiến da trông xấu đi trong thời gian ngắn, nhưng thực chất lại là dấu hiệu cho thấy BHA đang hoạt động, loại bỏ các yếu tố gây mụn từ bên trong.
BHA đẩy mụn trong bao lâu?
Hiện tượng này thường xảy ra trong khoảng từ 4 – 6 tuần, tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn lỗ chân lông và tình trạng da của mỗi người. Sau giai đoạn đẩy mụn, da sẽ dần trở nên mịn màng hơn khi các lỗ chân lông được làm sạch và không còn tích tụ vi khuẩn hoặc bã nhờn.
Tuy nhiên, nếu tình trạng mụn không thuyên giảm sau 6 tuần, đó có thể là dấu hiệu của kích ứng hoặc việc sử dụng sai cách sản phẩm BHA.
Dấu hiệu nhận biết da đang đẩy mụn do BHA
Dấu hiệu nhận biết da đang trong quá trình đẩy mụn do BHA có thể được nhận thấy qua một số hiện tượng sau:
- Mụn đẩy lên thường là mụn ẩn, mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng, vốn đã tồn tại dưới da. Đây là các dạng mụn có nhân rõ ràng, không gây đau, không sưng nhiều và nhanh lành.
- Hiện tượng này thường xảy ra tại các vùng da đã từng bị mụn.
- Sau khoảng 6 – 8 tuần, việc đẩy mụn sẽ dừng lại và làn da trở nên láng mịn hơn.
Phân biệt đẩy mụn và kích ứng
Đối với người mới bắt đầu dùng BHA, việc phân biệt giữa đẩy mụn và kích ứng có thể khá khó khăn. Việc phân biệt hai tình trạng này rất quan trọng để đưa ra quyết định chăm sóc da phù hợp. Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa đẩy mụn và kích ứng:
Đẩy mụn | Kích ứng | |
Nguyên nhân | Do sản phẩm kích thích quá trình tái tạo tế bào da, giúp loại bỏ các tế bào chết và làm sạch lỗ chân lông, dẫn đến việc các mụn đầu trắng, mụn đầu đen và các mụn khác bị đẩy lên bề mặt da. | Do nhiều yếu tố, bao gồm sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp, stress, chế độ ăn uống không lành mạnh, thay đổi hormone. |
Thời gian | Từ 4 – 6 tuần, làn da sẽ dần được cải thiện. | Mụn sẽ lên liên tục trong một khoảng thời gian dài. |
Vị trí | Những nơi da thường xuyên bị nổi mụn hay mụn ẩn đã chín muồi rồi trồi lên. | Mụn lên ồ ạt, mụn bị mọc ở những vị trí trước đây chưa từng bị. |
Biểu hiện | Ngứa nhẹ ở các nơi mụn lên cồi. | Da bị đỏ, bong da, da nhạy cảm hơn. |
Sản phẩm gây ra | Sử dụng các sản phẩm có tác dụng lột tẩy như AHA, BHA, tretinoin, retinol, benzoyl peroxide, isotretinoin đường uống hoặc sau quy trình peel da tại Phòng khám. | Sử dụng các sản phẩm mà thành phần không phù hợp hoặc gây tổn thương hàng rào bảo vệ. |
Xem thêm các bài viết liên quan
Làm gì khi BHA gây đẩy mụn?
Mục tiêu chăm sóc da trong giai đoạn này là hỗ trợ da vượt qua tình trạng mụn, tăng cường hàng rào bảo vệ và bảo vệ lớp da mới hình thành. Để chăm sóc da khi bị đẩy mụn, cần lưu ý những điểm sau:
- Kiên nhẫn chờ đợi: hiện tượng đẩy mụn có thể kéo dài từ 4 – 6 tuần. Trong thời gian này, nên duy trì sử dụng BHA đúng cách, không nên vội vàng ngừng sản phẩm vì đây là quá trình làm sạch da từ sâu bên trong. Nếu thấy hiện tượng đẩy mụn quá nhiều, có thể giảm tần suất sử dụng xuống còn 2 – 3 lần/tuần.
- Sử dụng sản phẩm dịu nhẹ: da lúc bị đẩy mụn rất nhạy cảm và dễ kích ứng, nên ưu tiên các sản phẩm không chứa hóa chất gây khô da và có thành phần tự nhiên như nha đam, trà xanh, hoa cúc để làm dịu da.
- Dùng kem chống nắng: kem chống nắng là thiết yếu để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, đặc biệt khi da đang trong quá trình đẩy mụn.
- Giữ ẩm cho da: khi bị đẩy mụn, da mặt có thể bị khô và mất nước, nên chọn sản phẩm chứa acid hyaluronic, B5, niacinamide để duy trì độ ẩm và uống đủ nước hàng ngày.
- Hạn chế dùng cùng lúc nhiều sản phẩm chăm sóc da và điều trị da: tránh sử dụng quá nhiều sản phẩm cùng lúc vì có thể gây kích ứng. Hãy tuân thủ theo chỉ dẫn của chuyên gia da liễu.
- Tạo thói quen chăm sóc da đúng cách: rửa mặt đúng cách, sử dụng sản phẩm phù hợp và đều đặn, tránh nặn mụn khi đang trong giai đoạn đẩy mụn.
- Tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu: nếu tình trạng mụn kéo dài hơn 6 tuần hoặc da có dấu hiệu kích ứng nghiêm trọng như đỏ, bong tróc nhiều, hãy ngưng sử dụng sản phẩm ngay và đến gặp Bác sĩ Da liễu để kiểm tra và điều chỉnh quy trình chăm sóc phù hợp.
Tóm lại, đẩy mụn khi dùng BHA là hiện tượng bình thường kéo dài từ 4 – 6 tuần, nhưng việc chăm sóc da đúng cách trong giai đoạn này sẽ quyết định hiệu quả lâu dài. Nếu vẫn còn lo lắng về tình trạng da của mình hoặc chưa rõ da đang đẩy mụn hay bị kích ứng, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được đội ngũ Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm tư vấn và đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho làn da của bạn!
Tài liệu tham khảo
- “Beta Hydroxy Acids”. FDA
- “Topical Acne Drug Products for Overthe-Counter Human Use – Revision of Labeling and Classification of Benzoyl Peroxide as Safe and Effective”. FDA
- “What is retinol and how can a person use it?”. Medicalnewstoday
- Kolli SS, Pecone D, Pona A, Cline A, Feldman SR. “Topical Retinoids in Acne Vulgaris: A Systematic Review”. Am J Clin Dermatol. 2019 Jun;20(3):345-365. doi: 10.1007/s40257-019-00423-z. PMID: 30674002
- Douglas E Kligman, Zoe D Draelos. “Combination Superficial Peels With Salicylic Acid and Post-Peel Retinoids”. J Drugs Dermatol. 2016;15(4):442-450
- Basma Morad Mohamed Ali, Shereen Farouk Gheida, Nageh Ahmed El Mahdy. “Evaluation of salicylic acid peeling in comparison with topical tretinoin in the treatment of postinflammatory hyperpigmentation”. J Cosmet Dermatol. 2017;16(1):52-60